>> Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, nên bắt đầu từ đâu?
>> Chiến lược thương hiệu và thương hiệu – mối quan hệ “máu thịt”
Thương hiệu xanh là gì?
Không có một khái niệm cụ thể nào về thương hiệu, nó phụ thuộc vào định nghĩa của mỗi người. Cách hiểu đơn giản nhất thì thương hiệu là cách thức mà một tổ chức hoặc cá nhân tạo nên nhằm gợi lên sự cảm nhận, nhận biết sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp mang lại.
Thương hiệu xanh là doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, đối với cộng đồng hay nền kinh tế, hướng tới sử dụng, cung cấp các những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm có thể sử dụng lại nhiều lần, được làm từ các chất liệu tái chế, hoặc có thời gian phân hủy trong tự nhiên ngắn như túi giấy hay bao bì được làm từ vật liệu thiên nhiên để thay thế đồ nhựa, ni-lông.
Thương hiệu xanh là xu hướng hiện nay (Nguồn: Brandsvietnam.com)
Việc xây dựng thương hiệu xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho doanh nghiệp khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thiện cảm cho người tiêu dùng.
Tại sao thương hiệu xanh lại được ưa chuộng?
Khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành đề tài nóng không chỉ ở các quốc gia phát triển mà ở cả nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngày càng nhiều sự chú ý nhằm giải quyết vấn đề này được đưa ra từ không chỉ chính phủ, các nhà quản lý mà ngay chính người tiêu dùng cũng có ý thức và quan tâm tới yếu tố bảo vệ môi trường khi lựa chọn mua sắm sản phẩm, dịch vụ. Chính vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp đã hướng tới việc xây dựng thương hiệu xanh để nắm bắt được xu hướng.
Theo Worldbank, 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận “xanh”, “không ảnh hưởng môi trường”.
Người tiêu dùng dành thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Ví dụ với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng của các thương hiệu xanh nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Cũng theo khảo sát của công ty trên, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Xây dựng thương hiệu xanh - chiến lược kinh doanh hiệu quả
Đạt được hiệu quả kinh doanh gắn với sản phẩm xanh
Không ít thương hiệu nhanh chóng nắm bắt xu hướng xanh và đạt được hiệu quả đáng kể, nổi bật nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm. Trong Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2020 tại các hệ thống siêu thị Co.opMart trong tháng triển khai chương trình cho thấy sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch tăng 50%-60% so với tháng khác trong năm. Chính yếu tố xanh trở thành yếu tố quảng bá tốt nhất cho doanh nghiệp, tạo nên động lực để các thương hiệu phát triển theo hướng “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu xanh
Unilever Việt Nam, công ty hàng đầu về sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cho biết, doanh nghiệp này đã khởi xướng và xây dựng thương hiệu xanh bằng nhiều cách thức khác nhau, mà trước hết từ mô hình sản xuất nhằm giảm thải thải nhựa, sử dụng các vật liệu hữu cơ. Theo thống kê, hiện nay, Unilever Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc sử dụng nhựa như giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Ngoài ra, Tập đoàn này còn có kế hoạch thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ. Tính đến nay, khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học.
Unilever hướng tới trở thành thương hiệu xanh (Nguồn: Unilever.com)
Bên cạnh đó, việc biến CO2 từ khí thải công nghiệp thành các hóa chất và khoáng chất hữu ích để phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình cũng được doanh nghiệp này chú trọng bằng nhiều phương pháp khác nhau. Việc áp dụng công thức sản phẩm thân thiện đã giúp Unilever trên toàn cầu giảm tới 28% khí nhà kính trong các quá trình sản xuất.
Bên cạnh Unilever thì Samsung Việt Nam cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố “xanh”. Doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới này đã đặt vấn đề mua điện từ các nguồn điện tái tạo để sử dụng trong quá trình sản xuất tại các nhà xưởng cũng như khu văn phòng của mình.
Samsung thay thế toàn bộ bao bì nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường (Nguồn: Tinhte.vn)
Cụ thể, Samsung Việt Nam đã đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo trên thị trường điện. Đây là một bước đi trong hành trình xanh hóa sản xuất của Samsung, đã được các tổ chức quốc tế kêu gọi Samsung thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Xây dựng thương hiệu xanh là chiến lược kinh doanh hiệu quả và đầy tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để trở thành một thương hiệu xanh không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh có không ít thương hiệu cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện với môi trường nhưng lại đi ngược với mục đích trong hoạt động của mình. Do đó, việc xây dựng thương hiệu xanh cần được tiến hành theo kế hoạch, quy trình cụ thể nhằm đảm bảo cả uy tín doanh nghiệp và cân bằng lợi ích kinh doanh.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Ngọc Hà