Những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

(PLBQ). Luật SHTT được ban hành vào tháng 11/2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật SHTT đã tạo hành lang pháp lý trong vấn đề sở hữu trí tuệ, góp phần xây dựng nên môi trường lành mạnh hơn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của đất nước.

Dù vậy, Luật SHTT vẫn cần sửa đổi, bổ sung để ngày một hoàn thiện hơn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lúc này là cần thiết, để xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Phù hợp với bối cảnh mới

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng… đã đặt ra nhu cầu phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Luật SHTT năm 2005 trải qua hai lần sửa đổi đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân. Nhờ đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã tạo ra nhiều sự thay đổi. Luật SHTT hiện nay đã phát sinh những vướng mắc, bất cập khi chưa tương thích với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới ký kết.

Ví dụ, nếu như ở Việt Nam, vốn việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho nhau là bình thường thì theo các Hiệp định mới, việc chia sẻ các tác phẩm trên internet là hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm khi chưa được sự cho phép của tác giả.

Chính sự khác biệt giữa các quy định về SHTT của Việt Nam với quốc tế, kết hợp với những tồn tại trong quá trình xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc sửa đổi Luật SHTT lần thứ 3.

Đây cũng là lần sửa đổi lớn nhất kể từ khi ban hành năm 2005, với mục tiêu tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP; phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo ra động lực phát triển cho xã hội.

Dự thảo Luật SHTT lần này tập trung vào 3 đối tượng chính của quyền SHTT: Sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cạnh tranh không lành mạnh, thiết kế bố trí mạch tích hợp); quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với giống cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và chính sách (Cục SHTT) cho biết, một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là nhà nước trao quyền nhiều hơn cho các chủ thể, giúp họ chủ động hơn trong việc khai thác tài sản trí tuệ. Theo Dự thảo sửa đổi, chỉ dẫn địa lý sẽ thuộc về sở hữu cộng đồng. Trước đây, nhà nước sở hữu chỉ dẫn địa lý, giao cho tổ chức đại diện cho người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý ở địa phương đó đứng ra đăng ký bảo hộ và quản lý.

Tương tự với sáng chế xuất phát từ đề tài nghiên cứu do Nhà nước cấp vốn, trước đây cơ quan cấp vốn của Nhà nước sẽ đứng ra đăng ký, điều này không tạo động lực cho cơ quan chủ trì như các viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký bảo hộ để thuận tiện trong quá trình khai thác các tài sản trí tuệ này. Đây là một trong những vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình thương mại hóa công nghệ của các viện, trường.

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo sửa đổi cho phép đơn vị chủ trì nghiên cứu có quyền đứng ra đăng ký bảo hộ, nếu không thực hiện thì nhà nước sẽ giao cho người khác đăng ký. Tuy nhiên, đây vẫn là tài sản của Nhà nước nên nếu chuyển nhượng thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền (cơ quan cấp vốn đầu tư nghiên cứu tạo ra sáng chế).

“Điểm cân bằng” giữa việc đáp ứng yêu cầu quốc tế và đảm bảo lợi ích cho các chủ thể quyền ở Việt Nam cũng thể hiện ở việc Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thêm đối tượng bảo hộ mới của giống cây trồng là “sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống cây trồng”, bên cạnh hai đối tượng cũ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Việc bổ sung quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu của hiệp định EVFTA mà còn giải quyết vấn đề bức xúc của nhiều công ty dược liệu Việt Nam hiện nay. Quy định này có thể hạn chế các hành vi nhân giống trái phép, sử dụng vật liệu ăn cắp để chế biến các sản phẩm, kể cả ở ngoài biên giới…

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập

Mục tiêu của việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) sẽ tập trung vào các nhóm chính sách lớn, nhắm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và hội nhập ở nước ta.

Mỗi nhóm chính sách lớn sẽ bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới. Qua đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký có động lực và cơ hội cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Người dân thu được lợi ích từ việc tiếp cận và thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao cũng như có thêm cơ hội thụ hưởng thành quả công nghệ là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước đầu tư…

Nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự án Luật).

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tới các cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiên cứu, cho ý kiến đối với các tài liệu, bao gồm:

(1) Dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;

(2) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự thảo số 1).

Văn bản góp ý gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Cục Sở hữu trí tuệ) đã kết thúc vào ngày 17/01/2021 để tổng hợp, xem xét và sửa đổi.

Dự kiến, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022).

Xem chi tiết Dự thảo tại: https://www.most.gov.vn/DuThao/12asyg84vfcdvy-du-thao-luat.doc

 

NGUYỄN LAN

(tổng hợp thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và most.gov.vn)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.