Bài học nhãn tiền đối với doanh nghiệp nhìn từ vụ tranh chấp kiểu dáng công nghiệp giữa Piaggio và Detech

(PLBQ). Thực trạng doanh nghiệp Việt bị vướng mắc về quyền sở hữu trí tuệ khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa là một vấn đề phổ biến và bức xúc.

Trong các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua, vi phạm về quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp có biểu hiện khá phức tạp, tuy nhiên trên thực tế vấn đề này chưa được nhìn nhận đúng mức.

Các vi phạm về kiểu dáng công nghiệp thường kéo theo vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, song các chủ thể bị vi phạm và các phương tiện thông tin đại chúng thường chỉ đề cập đến khía cạnh vi phạm nhãn hiệu hàng hóa do sự dễ dàng nhận biết mà ít quan tâm đến biểu hiện vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Do đó, các vi phạm về kiểu dáng công nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bài viết này sẽ đưa ra những phân tích liên quan đến vụ án tranh chấp kiểu dáng công nghiệp giữa hai doanh nghiệp Piaggio và Detech cũng đồng thời là bài học nhãn tiền cho các tổ chức, cá nhân khi trong quá trình hoạt động, sản xuất.

Tranh chấp về kiểu dáng công nghiệp giữa Công ty Piaggio Việt Nam và Công ty Detech

Ngày 19/10/2018 tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là công ty Piaggio và bị đơn là Công ty DETECH

Năm 2012, Nguyên đơn đi vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga tại Vĩnh Phúc, trong số những sản phẩm được phát triển và sản xuất bởi Nguyên đơn, dòng xe tay ga “P” là một trong những dòng xe bán chạy nhất. Theo Nguyên đơn được biết, Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech đã sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy điện ra thị trường. Bị đơn cũng đã và đang thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm xe máy điện nêu trên tại trang thông tin điện tử của mình tại địa chỉ: detechmotor.com.vn. Tên miền hiện cũng được sở hữu và quản lý bởi Bị đơn. Nguyên đơn nhận thấy kiểu dáng xe máy điện của Bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng “XE MÁY” đang được bảo hộ tại Văn bằng của mình. Công ty Piaggio đã yêu cầu Công ty Detech chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp, bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai trên báo điện tử về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kiểu dáng xe máy được cho là xâm phạm kiểu dáng công nghiệp (Ảnh: detechmotor.com.vn)

Dấu hiệu xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của công ty Detech

Theo nguyên đơn là Công ty Piaggio cho biết, kiểu dáng sản phẩm “P” là kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 được có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn.

Kiểu dáng công nghiệp được cho là xâm phạm bởi bị đơn có sự khác biệt không đáng kể với kiểu dáng “xe máy” đang được bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn cụ thể:

Về mặt tổng thể không có khác biệt đáng kể về kiểu dáng xe điện của Bị đơn được coi là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ trong Văn bằng số 20652 với phần đầu xe nhô cao, đèn pha hình tròn nhô về phía trước, phần yếm dẹt và mở rộng đều sang hai bên, chỗ để chân rộng và thấp, phần đuôi to và thon dần về phía sau. Không chỉ hình dạng mà cách bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận của hai kiểu dáng cũng tương tự nhau. Sự không khác biệt đáng kể về mặt tổng thể được thể hiện rõ trên các hình vẽ và ảnh chụp.

Sự không khác biệt đáng kể trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản phương tiện giao thông thường có cấu tạo tương đối phức tạp nhưng về tổng thể có thể tạm chia thành ba phần chính, đó là phần phía trước, phần giữa và phần phía sau. Trong trường hợp này sự không khác biệt đáng kể giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được thể hiện cụ thể như sau:

- Phần phía trước: bao gồm cụm tay lái, đèn trước, yếm xe, chắn bùn trước và bánh trước. Cả sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ đều có những điểm tương đồng.

- Phần giữa: bao gồm chỗ để chân cho người lái xe và người ngồi sau, ngăn để đồ phía trước, ổ khóa điện, đồng hồ hiển thị tất cả các chi tiết này của sản phẩm xe máy điện đều tương tự với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong Văn bằng số 20652.

- Phần phía sau: bao gồm yên xe, phần vỏ ốp phía sau, đèn hậu và một số chi tiết phụ. Đối với từng chi tiết này, có thể thấy một cách dễ dàng sự tương tự giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ.

Hình ảnh minh hoạt cho sản phẩm xe máy (Ảnh: hanoimoi)

Bản án sau đó đã khép lại, Tòa án thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ tại Văn bằng số 20652. Đồng thời bồi thường thiệt hại và phải xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Trong vụ án này, Nguyên đơn đã trưng cầu giám định tại Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ và có kết luận giám định kết luận kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652. Theo quy định của pháp luật, căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019:

“Hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp: Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu”

Hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe điện mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên của bị đơn là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn và “không có khác biệt đáng kể với kiểu dáng” trong văn bằng bảo hộ của Nguyên đơn. Trên cơ sở đó, Nguyên đơn có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật SHTT: “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Các hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được quy định rõ tại khoản 2 Điều 124 Luật SHTT là sử dụng kiểu dáng công nghiệp bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc sản xuất, lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng được bảo hộ hoặc không khác biệt với kiểu dáng được bảo hộ. Do đó, mọi hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ mà không được Nguyên đơn cho phép đều là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp

Bài học nhãn tiền đối với các doanh nghiệp

Từ vụ án trên, tác giả đưa ra những giải pháp đối với doanh nghiệp để tránh gặp những rủi ro pháp lý tương tự cũng như cách thức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.  

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trước khi sản xuất để giảm thiểu rủi ro

Trong vụ án này, trước khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện, Công ty Detech đã tiến hành việc trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm xe máy điện mà doanh nghiệp chuẩn bị để sản xuất, kinh doanh. Ngày 07/9/2016, Bị đơn được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành việc giám định và ban hành kết luận giám định sở hữu công nghiệp số với nội dung kết luận “Kiểu dáng” “Xe máy điện”, đối tượng giám định như thể hiện tại tài liệu giám định, không phải là bản sao của kiểu dáng công nghiệp xe máy, xe mô tô, xe Scutơ, xe đạp diện, xe máy điện đang được bảo hộ tại Việt Nam. Căn cứ kết luận giám định này, Bị đơn đã tiến hành việc sản xuất và đăng ký lưu hành đối với sản phẩm xe máy điện của mình

Đối với trường hợp của Công ty Detech, có thể thấy do nhiều nguyên nhân mà trước khi tiến hành sản xuất và phân phối dòng xe điện ra thị trường, công ty đã không tiến hành đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Cục sở hữu trí tuệ mà chỉ dựa vào một văn bản kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ dẫn đến rủi ro không đáng có đối với doanh nghiệp.

Việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp giúp doanh nghiệp tránh được những nguy cơ như sau:

Tránh xâm phạm quyền của chủ thể đã được cấp bằng

Việc đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp kiểm soát được kiểu dáng của mình có yếu tố, dấu hiệu nào xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của chủ thể đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ trước hay không, qua đó tránh trường hợp xâm phạm quyền của chủ thể khác. Trong trường hợp trên nếu Công ty Detech nộp đơn sau, thì khi thực hiện giám định khoa học để cấp văn bằng bảo hộ, mẫu xe tay ga “P” của Công ty Piaggio Việt Nam sẽ được bảo hộ trước, đồng thời do yếu tố tương đồng mà hồ sơ đăng ký bảo hộ của Công ty cổ Detech sẽ bị trả lại. Nhờ đó mà Công ty Detech nhận biết được kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm của mình có dấu hiệu xâm phạm, qua đó có thể thay đổi hướng sản xuất hoặc ngưng sử dụng mẫu xe điện có chứa yếu tố xâm phạm.

Bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Mặc dù luật sở hữu trí tuệ có quy định nguyên tắc quyền của người sử dụng trước kiểu dáng kiểu dáng công nghiệp, theo đó nếu Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech có sử dụng kiểu dáng xe điện trước khi Công ty Piaggio Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ, thì kể từ thời điểm văn bằng mà Công ty Paggio Việt Nam được cấp, họ có độc quyền theo cơ chế nộp đơn đầu tiên, quyền của Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech vì thế mà bị giới hạn như không được tăng quy mô sản xuất kinh doanh, không được chuyển giao. Bởi vậy trong hoạt động sản xuất, khi chuẩn bị đưa ra mẫu mã mới, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt để bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ của mình.

Lựa chọn cơ chế giải quyết yêu cầu và bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm.

Có hai cơ chế thường được các bên lựa chọn để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình bao gồm cơ chế tố tụng và cơ chế hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền thường có xu hướng lựa chọn cơ chế hành chính trước khi khởi kiện bên xâm phạm ra tòa án. Bởi việc đề nghị thanh tra, kiểm tra, phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp thường nhanh hơn so với thời hạn tố tụng, qua đó doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình kịp thời hơn.

Hà Trung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.