Bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 và bài học tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ khi hội nhập quốc tế

Đinh Văn Chiến

(PLBQ). Sáng chế, giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu, bảo hộ giống cây trồng là đối tượng rất quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Xung quanh vấn đề bản quyền giống đối với trái cây xuất khẩu nói chung và vụ việc bản quyền giống thanh long ruột đỏ (LD1) gần đây là dịp để chúng ta nhìn lại công tác bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt vụ việc còn là bài học quan trọng đối với doanh nghiệp và người dân trong tuân thủ thực hiện pháp luật sở hữu trí tuệ .

1-1677120470.jpg

Hiện nay, khái niệm về "bản quyền, hay chứng nhận bảo hộ giống" còn khá xa lạ với nhiều nông dân, doanh nghiệp. Ngay cả ở những vùng nông sản đã được xuất khẩu lâu nay bởi đa số thị trường nhập khẩu, mới chỉ dừng lại ở yêu cầu về mã số vùng trồng, với các yêu cầu về diện tích, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên bản quyền giống là đòi hỏi tất yếu mà trước sau gì, các nông sản của Việt Nam cũng phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu.

Thanh long xuất khẩu bị trả lại do vướng rào cản mã vùng trồng

Những ngày gần đây, người trồng giống thanh long ruột đỏ “đứng ngồi không yên” trước quy định mới của Nhật Bản về mã vùng trồng khi xuất khẩu. Để có mã số vùng trồng, nhà xuất khẩu phải chứng minh đó là giống LD1 - giống thanh long ruột đỏ duy nhất được phía Nhật Bản chấp thuận.

Nguyên nhân sâu xa được cho là câu chuyện liên quan đến vấn đề bản quyền giống đối với trái cây xuất khẩu. Giữa tháng 1/2023, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (chuyên xuất khẩu trái cây đi Nhật Bản) gặp vấn đề khi 5 container (khoảng 70 tấn) thanh long ruột đỏ trị giá 190.000 USD xuất đi Nhật... bị vướng rào cản mã vùng. Đó là thông báo từ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) về việc áp dụng mã số vùng trồng cho trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2017, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (đơn vị lai tạo giống thanh long ruột đỏ LD1 và đã được cấp bằng bảo hộ giống vào năm 2016) đã nhượng quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) với thời gian 20 năm. Hiện nay, doanh nghiệp này đã thực thi việc bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

2-1677120563.jpg

Đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam trao Bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 cho lãnh đạo Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit

Mặc dù giống thanh long ruột đỏ LD1 đang được trồng ở nhiều tỉnh phía Nam và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, đơn vị duy nhất nắm giữ bản quyền giống là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam từ năm 2009, tuy nhiên, trước đây việc cấp mã số vùng trồng thanh long xuất đi Nhật không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, thị trường này mới có thêm yêu cầu này.

Mã số vùng trồng có ý nghĩa gì ?

Quyết định Số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/ 8/2022 của Bộ NN & PTNT quy định Mã số vùng trồng :

- Là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản.

- Mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định. Để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành.

- Truy xuất gốc sản phẩm dễ dàng: Thông qua mã số vùng trồng sẽ cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm họ đang sử dụng được sản xuất ở đâu, ai sản xuất,… Đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.

- Giúp kiểm soát quy trình sản xuất bằng sổ tay ghi chép, giám sát vùng trồng bao gồm loại cây, diện tích canh tác, sản lượng, mùa vụ thu hoạch, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...).

- Kiểm soát chất lượng sản phẩm tạo ra đúng theo yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của nhà phân phối. Nếu sản phẩm không đạt, trên nền tảng của truy xuất nguồn gốc, sẽ biết lỗi xảy ra ở khâu nào để chịu trách nhiệm và điều chỉnh.

Thực tế câu chuyện thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản bị dừng đơn hàng là không mới, trước đó, khoảng giữa tháng 7/2022, vấn đề này cũng đã được báo chí phản ánh. Ngày 17/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5273/VPCP-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra thông tin về chuyển nhượng kết quả nghiên cứu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hơn một năm qua vấn đề tác quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 vẫn chưa được giải quyết khiến người nông dân, HTX sản xuất loại cây trồng này vô cùng bất an. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu loại nông sản này cũng đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì không thể xuất khẩu trong khi đã liên kết với người dân, HTX thu mua loại nông sản này.

Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long sang Nhật Bản, tức chiếm khoảng 80% thị phần thanh long bán tại Nhật. Để giữ được vị thế này, vấn đề vướng mắc về bản quyền giống thanh long sang Nhật Bản cần sớm được tháo gỡ được đặt ra cấp bách để phát triển thị trường xuất khẩu và tuân thủ pháp luật hiện hành.

Bảo hộ giống cây trồng - những qui định mới trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Theo quy định tại Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thì hiện tại, các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam bao gồm:

- Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng nỗ lực và chi phí của mình;

- Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng theo hợp đồng hoặc thỏa thuận khác;

- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Riêng đối với các giống cây trồng được chọn tạo và phát hiện, phát triển bằng cách sử dụng ngân sách của Nhà nước, tài chính của các dự án dưới sự quản lý của Nhà nước thì Nhà nước sẽ có quyền đối với giống cây trồng đó.

Trao đổi với PV Pháp lý,  Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự chia sẻ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT 2022) với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo hộ giống cây trồng. Cụ thể, Luật SHTT 2022 đã sửa đổi về điều kiện bảo hộ giống cây trồng, tên giống cây trồng, thẩm định hình thức và khảo nghiệm kỹ thuật…

Sửa đổi điều kiện bảo hộ giống cây trồng: Ngoài việc phải thỏa mãn 5 điều kiện bảo hộ gồm tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp, Luật SHTT cũ năm 2005 còn quy định điều kiện thứ 6 là chỉ giống cây trồng nào thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành mới có thể được bảo hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, do đã quá 10 năm tính từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo hộ tất cả các giống cây trồng. Vì vậy, Luật SHTT 2022 loại bỏ điều kiện thứ 6 này bằng quy định rằng, giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Về tên giống cây trồng: Ngoài yêu cầu tên giống cây trồng phải trùng với tên đã đăng ký ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của UPOV và quốc gia khác có ký kết thỏa thuận với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng,  Luật SHTT 2022 còn bổ sung 2 trường hợp tên của giống cây trồng bị xem là không phù hợp: (1) Tên của giống cây trồng chỉ bao gồm tên loài của giống cây trồng đó; (2) Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó. Trong trường hợp tên giống cây trồng bị từ chối, người nộp đơn được quyền đề xuất tên khác thay thế trong vòng 30 ngày kể từ ngày Văn phòng bảo hộ giống cây trồng từ chối tên giống cây trồng đó.

Về thẩm định hình thức và khảo nghiệm kỹ thuật: Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng thẩm định về hình thức trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp hợp lệ, thông báo chấp nhận đơn được ban hành trong đó kèm yêu cầu người nộp đơn gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật trong thời hạn 30 ngày trước thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng đó, trừ trường hợp giống cây trồng do người nộp đơn tự khảo nghiệm.

Về dùng tên giống cây trồng đăng ký nhãn hiệu: Luật SHTT 2022 bổ sung thêm quy tắc ngăn chặn chủ bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc bất kỳ bên thứ ba dùng tên giống cây trồng đăng ký làm nhãn hiệu độc quyền. Cụ thể, Luật SHTT 2022 quy định nhãn hiệu xin đăng ký phải bị từ chối bảo hộ nếu chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, để được bảo hộ bản quyền giống cây trồng, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân phải trải qua các giai đoạn chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng. Phải đảm bảo giống cây trồng có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Trong đó, giống cây trồng chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người yêu cầu bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 6 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

Bài học về tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ

 Việc giống cây trồng được bảo hộ bản quyền là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn từ khởi tạo, phát hiện và thử nghiệm trên diện rộng. Sau đó đến đăng ký bảo hộ giống đến giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ bản quyền giống cây trồng và được cấp mã vùng trồng. Lúc này Bằng bảo hộ bản quyền giống cây trồng mới được công nhận là “giấy thông hành” giúp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được quyền khai thác giống, được bảo hộ bản quyền trong nước và quốc tế, tạo nên giá trị thương hiệu, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, sản phẩm giống cây trồng Việt Nam muốn vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định về rào cản kỹ thuật, về chỉ dẫn địa lý, về mã vùng trồng … khi tham gia xuất khẩu các sản phẩm giống cây trồng trên thị trường các nước mà Việt nam đã đàm phán ký kết.

Để có được mã vùng trồng, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ gửi đến Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN & PTNT thẩm định và cấp mã số cho vùng trồng đạt yêu cầu và gửi thông tin chi tiết mã số vùng trồng được cấp đến các nước nhập khẩu có yêu cầu. Đến lúc này, sản phẩm giống cây trồng Việt Nam mới đủ điều kiện xuất khẩu đến các nước có yêu cầu đảm bảo các yêu cầu các rào cản kỹ thuật riêng.

Do đó, bên cạnh việc tuân thủ, thực hiện các quy định pháp luật về bảo hộ bản quyền giống cây trồng và mã số vùng trồng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì việc đảm bảo quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm sẽ tạo nên giá trị thương hiệu nông sản xuất khẩu, từ đó giúp mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có yêu cầu khắt khe về bản quyền giống và mã vùng giống…. Từ đây cũng cho thấy vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm giá trị, phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Qua câu chuyện chuyển nhượng bản quyền giống thanh long LĐ1 của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho thấy bài học về minh bạch thông tin, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và chia sẻ quyền lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp được bảo hộ giống cây trồng và nông dân các vùng chuyên canh giống thanh long LD1.

Tuân thủ và thực hiện bản quyền giống cây trồng và mã vùng trồng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong hoạt động thương mại toàn cầu, vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh cần tuân thủ các quy định về SHTT trong xuất khẩu hàng hóa nông sản. Có như vậy mới tạo dựng được cơ sở vững chắc về lòng tin, uy tín, chất lượng để mở rộng cơ hội hợp tác thương mại bền vững và tăng cao giá trị xuất khẩu.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.