Bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Ky Anh

(PLBQ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNNPTNT) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2013 về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Ngày 22/06/2021, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, BNNPTNT ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số16/2013/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2013 về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Thông tư này được căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Trồng trọt năm 2018 và các Nghị định liên quan. Ban hành cùng với Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT là 13 Phụ lục kèm theo.

Thông tư chính thức có hiệu lực kể từ ngày 06/08/2021. Thông tư số 41/2009/TT-BNNPTNT 09/07/2009 của BNNPTNT quy định về quản lý và sử dụng Mẫu giống cây trồng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư mới quy định chi tiết về xác lập quyền, đại diện quyền đối với giống cây trồng; cấp, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng; đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng

Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính

Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tùy theo điều kiện tiếp nhận / trả kết quả của Cục Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax):

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có đóng dấu của cơ sở đối với văn bản do cơ sở ban hành;

Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính. Thành phần hồ sơ phải được kê khai và ký chữ ký số trên các biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của hồ sơ đã nộp.

Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:

- Trường hợp nộp trực tiếp: Cục Trồng trọt kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;

- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;

- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 08 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân.

Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại Cục Trồng trọt hoặc qua dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Khi đã nhận được phí, lệ phí và hoàn thành xong hồ sơ, Cục Trồng trọt trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.

Cần lưu ý rằng, nếu các tài liệu trong hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 174 Luật sở hữu trí tuệ phải dịch ra tiếng Việt, bản dịch được công chứng hoặc có xác nhận của người đăng ký.

Giống cây trồng được biết đến rộng rãi và tính mới của giống cây trồng

Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNN có một số thay đổi so với Thông tư 16/2013/TT-BNTPTNN về quy định giống cây trồng được biết đến rộng rãi.  Theo đó, giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

- Giống cây trồng được bảo hộ hoặc được công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức tại Việt Nam hoặc thuộc danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào;

- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký nhằm mục đích: bảo hộ giống cây trồng; công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; danh mục giống ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

Về tính mới đối với giống cây trồng, Thông tư mới quy định “Giống cây trồng được coi là không còn tính mới sau mười hai (12) tháng kể từ ngày được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Giống được phép sản xuất, kinh doanh gồm: giống đã được công nhận chính thức; giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; giống tự công bố lưu hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.”

Cấp, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng

Theo Thông tư, hồ sơ cấp bằng bảo hộ giống cây trồng gồm Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo mẫu. Trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP.

Chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau: mất, rách, hỏng, phai mờ đến mức không đọc được, thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.

Chủ sở hữu muốn yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Tờ khai yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo Mẫu tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này; Tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ bằng bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ; Bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp bằng bị mất);

Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho Cục Trồng trọt, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả cho người đăng ký. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do.

Nếu có ý kiến phản đối việc cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng của người thứ ba, việc xử lý ý kiến thực hiện theo các quy định tại Điều 184 Luật Sở hữu trí tuệ

Nếu không có ý kiến thay đổi nào thì bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại được cấp sau 30 ngày kể từ ngày đăng tải quyết định cấp lại trên Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của bằng bảo hộ.”

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 8 năm 2021. Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn thực hiện theo quy định của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT và các văn bản pháp luật có hiệu lực liên quan; trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký; sửa đổi, bổ sung, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Hồ sơ chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng; hồ sơ đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng; hồ sơ xử lý ý kiến phản đối của người thứ ba nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thực hiện theo quy định của Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT và các văn bản pháp luật có hiệu lực liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết.

NGUYỄN LAN (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.