Có hay không việc chương trình Ký ức vui vẻ - VTV3 - ghi sai tên tác giả?

(PLBQ). Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao bởi bài hát “Hòn đá cô đơn” được phát sóng lại trên chương trình Ký ức vui vẻ. Điều đáng chú ý ở đây, tác giả của bài hát này lại được ghi là Nguyễn Hoàng Linh mà trước đó chưa biết rõ là của ai. Ngay sau đó, một người tên Trần Vũ, tự xưng mình mới chính là tác giả của bài hát và được nhận tiền tác quyền đều đặn hàng tháng.

Bài hát Hòn đá cô đơn phát sóng tại chương trình ký ức vui vẻ (Nguồn: facebook Đinh Phương Huyền)

Ai sáng tác? - Một câu hỏi không dễ trả lời dù với cả Google

"Hòn Đá Cô Đơn" gần như là một ca khúc gắn liền với thế hệ sinh viên 8x, 9x, nhất những lúc cuộc tình không như mong đợi. Bên cạnh đó, đối với dân học guitar thì đây cũng được coi là một tác phẩm kinh điển. Chỉ là một ca khúc với từ ngữ đơn giản nhưng "Hòn Đá Cô Đơn" thực sự sâu lắng, thực sự buồn. Nhưng có một điều mà hầu như những kẻ thất tình nào cũng luôn muốn biết, đó là ai đã sáng tác ra ca khúc bất hủ kia. Một câu hỏi không dễ trả lời dù với cả Google. Tồn tại cả một giai thoại, xung quanh câu hỏi ai là tác giả của bài hát này.

Mới đây, sau khi chương trình Ký ức vui vẻ mùa 3 tập 17 được phát sóng, phần tựa đề ghi bài “Hòn đá cô đơn” được sáng tác bởi “Nguyễn Hoàng Linh”, chưa rõ đó có phải là thật hay do ai đó bịa đặt, bởi như đã nói, tác giả ca khúc này vẫn là một dấu hỏi.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được sự khiếu nại, phản ánh, trong bản phát lại trên Youtube, chương trình ký ức vui vẻ đã cắt bỏ đoạn có bài hát trên.

Người trong cuộc lên tiếng

Cuộc trò chuyện của Trần Vũ (người cho mình mới là tác giả của bài hát) và tác giả Nguyễn Hoàng Linh:

(Nguồn: ảnh chụp tài khoản facebook Đinh Phương Huyền)

Tác giả Trần vũ cho rằng mình có nhân chứng là những bạn bè bên cây guitar cũ, những người anh em cùng anh ấy đi thu đĩa CD để chứng minh mình mới tác giả của bài hát “Hòn đá cô đơn”.

Chị Đinh Phương Huyền - vợ của tác giả Trần Vũ, kiên quyết đòi gặp nhạc sĩ mạo danh Nguyễn Hoàng Linh kia để ba mặt một lời.

Nguồn: ảnh chụp tài khoản facebook Đinh Phương Huyền)

 

Khó phân định vì chưa đăng ký quyền tác giả

Chưa biết ai đúng ai sai, ai mới thực sự là tác giả của bài hát, ai là người gian dối trong vụ việc này, nhưng theo tìm hiểu của nhóm phóng viên chuyên trang Pháp luật và Bản quyền, bài hát “Hòn đá cô đơn” vẫn chưa được đăng ký quyền tác giả.

Tuy nhiên, căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả.

Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật sở hữu sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2018 quy định về tác phẩm âm nhạc như sau:

Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không bắt buộc phải đăng ký hay công bố (Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).

Do đó, để có quyền đứng tên trên bài hát, rộng hơn nữa là quyền tác giả đối với tác phẩm “Hòn đá cô đơn”, các bên liên quan phải cung cấp các chứng cứ như đã được đăng thực tế trên các bài báo, sách, tạp chí hay các bản thu âm, thu hình để chứng minh là người đầu tiên định hình bài hát dưới dạng vật chất nhất định. Tuy nhiên, chứng minh được điều này không phải là dễ dàng.

Chính vì vậy, từ vụ việc trên, để tránh khỏi những tranh chấp và chứng minh bài hát thuộc quyền sở hữu của mình thì tác giả, chủ sở hữu nên thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bài hát. Nếu không đăng ký, việc chứng minh này rất khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu với bài hát.

Cố tình, vô ý hay để đánh bóng (PR) …

Thực trạng hiện nay, không ít người làm nghệ thuật đã lợi dụng việc tranh chấp bản quyền (quyền tác giả) để đánh bóng (PR) tên tuổi. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, thậm chí bồi thường thiệt hại để đổi lấy tiếng tăm.

Có thể kể đến như vụ việc tranh chấp ca khúc “Nhật ký mùa đông” giữa các ca sĩ ít được khán giả biết đến là Lâm Thái Uyên và Thiên Đăng đã giúp cho Thiên Đăng đắt show hơn hẳn. Hoặc một ví dụ khác như, sau khi trên blog của nhạc sĩ Thái Thịnh (hiện đang định cư ở Mỹ) có ý kiến về việc ca sĩ Tuấn Hưng sử dụng “chùa” ca khúc “Tình là gì” mà Thái Thịnh đã bán độc quyền cho Minh Khanh đã khiến bài hát này vừa ra mắt đã nhanh chóng chiếm vị trí cao trong nhiều bảng xếp hạng của các website âm nhạc trên mạng.

Nguyên nhân do đâu?

Khi phát hiện các ca khúc độc quyền của mình bị xâm hại, hầu hết những tác giả chỉ gửi đơn đến các cơ quan báo, đài, Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, hay Hội Âm nhạc với mục đích đánh tiếng, thăm dò thái độ đối phương, chứ không kiên quyết đấu tranh xử lý đến cùng.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người làm nghệ thuật còn ngại đăng ký quyền tác giả cho bài hát dẫn đến có những trường hợp đưa đơn khiếu kiện thì không cung cấp được đủ những chứng cứ có tính pháp lý. Nhiều trường hợp, bằng chứng chứng minh tác phẩm đã được định hình dưới dạng vật chất nhất định chỉ là tờ giấy viết tay, có khi chỉ là giao ước miệng.

Hiện nay, vấn đề tác quyền ca khúc ở nước ta vẫn phải chủ yếu dựa vào tinh thần tự giác, lòng tự trọng của người làm nghệ thuật. Mà một khi tính tự giác, lòng tự trọng của người làm nghệ thuật còn yếu thì những sự việc rắc rối như trên còn tiếp tục xảy ra …

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.