Công tác pháp chế chính sách về sở hữu trí tuệ năm 2021

Đinh Văn Chiến

Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng” mà đang chuyển mạnh thành nước “tạo ra” tài sản trí tuệ phục vụ mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và đòi hỏi phải có hành lang pháp lý phù hợp. Do đó, trong năm 2021, sửa đổi Luật SHTT là một trọng tâm trong công tác pháp chế chính sách của Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng và trong công tác.

1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật quốc gia

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng xác định “khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Để góp phần đạt được mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT)”. Định hướng này cho thấy khoa học - công nghệ nói chung và SHTT nói riêng  ngày càng được Đảng và Nhà nước chú trọng, khuyến khích phát triển. 

Để đáp ứng định hướng đó, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT tiếp tục được Cục SHTT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về SHTT. Trong năm 2021, những kết quả nổi bật về xây dựng chính sách, pháp luật bao gồm việc hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV; đẩy mạnh triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030; tham gia xây dựng, góp ý và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến SHTT.   

Trình Quốc hội cho ý kiến về Hồ sơ dự án Luật SHTT

Tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật đã được xây dựng từ năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều hoạt động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 

(i) Tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật (từ tháng 01 đến tháng 3/2021)

Cục SHTT đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan bằng văn bản và thông qua các cổng thông tin điện tử, các hội thảo tham vấn quốc gia. Toàn bộ ý kiến bằng văn bản từ 101 cơ quan, tổ chức và ý kiến của đại diện từ 49 cơ quan, tổ chức tại các hội thảo đã được tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong Hồ sơ dự án Luật gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.

(ii) Trình Chính phủ về Hồ sơ dự án Luật (tháng 6/2021)

Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Cục SHTT đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt Hồ sơ dự án Luật (6/2021). Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021, theo đó giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. 

(iii) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hồ sơ dự án Luật (tháng 8/2021) 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật trình Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật để chính thức trình Quốc hội. 

(iv) Trình Quốc hội về Hồ sơ Dự án Luật (tháng 9/2021)

Ngày 28/9/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội. Ngày 29/9/2021, Bộ KH&CN đã tham dự và trình bày tóm tắt dự án Luật tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tóm tắt về dự án Luật; nghe và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến tại Hội trường. Bộ KH&CN đã có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Tổ về dự án Luật.

(v) Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật (từ tháng 10/2021)

Sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Cục SHTT tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khóa XV vào năm 2022. 

bo-truong-bo-khcn-huynh-thanh-dat-1643091257.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV (nguồn: Cổng thông tin điện tử Văn phòng Quốc hội).

Triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030

Tiếp nối những kết quả bước đầu mang tính bản lề trong năm 2020 – năm đầu tiên triển khai Chiến lược SHTT, trong năm 2021, Cục SHTT đã tích cực hỗ trợ để nhiều địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030. Bên cạnh đó, nhằm huy động sự hỗ trợ chuyên môn và nguồn lực quốc tế, Cục SHTT đã tổ chức họp trực tuyến cấp kỹ thuật với chuyên gia WIPO để trao đổi về Kế hoạch hợp tác triển khai Chiến lược SHTT của Việt Nam.

Xây dựng, góp ý và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật liên quan

Cục SHTT thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến SHTT do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Năm 2021, Cục đã góp ý 35 văn bản pháp luật, bao gồm: 06 Hồ sơ luật (Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Dân số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự); 01 Nghị quyết của UBTVQH về giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự 2015; 09 Nghị định; 06 Thông tư; 13 văn bản pháp luật khác trong đó nhiều văn bản có nội dung về/liên quan đến lĩnh vực SHTT.

Nhằm bảo đảm thi hành đúng quy định của các văn bản pháp luật về SHTT, Cục SHTT đã giải thích và đề xuất thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật trong nhiều vụ việc cụ thể, ví dụ: về việc sử dụng hình ảnh mô phỏng bản đồ Việt Nam trên mẫu nhãn hiệu, về ban hành các quy trình quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý chuối Ngự Đại Hoàng, về xuất khẩu hàng hóa có tranh chấp về quyền SHTT, về quyền tạm thời với kiểu dáng công nghiệp, v.v.. 

Bên cạnh đó, Cục SHTT đã ban hành các Quy định, Thông báo hướng dẫn áp dụng pháp luật về SHTT: Quy định về lập, luân chuyển, lưu trữ, quản lý, sử dụng biên lai điện tử thu phí, lệ phí SHCN; Thông báo về sửa đổi một số quy tắc của Quy chế thi hành Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Thông báo về một số nội dung liên quan đến tư cách pháp lý của người ký các tài liệu với danh nghĩa là đại diện của chủ đơn; Thông báo về áp dụng quy định của pháp luật về thời hạn đối với người nộp đơn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; Thông báo về thống nhất áp dụng một số quy định về sửa đổi, bổ sung đơn và tình tiết mới trong thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu, về việc xử lý các đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Fontina, Gorgonzola và chỉ dẫn địa lý Tequila, v.v..

2. Xây dựng chính sách, pháp luật quốc tế

Năm 2021, công tác pháp chế và chính sách quốc tế của Cục SHTT được triển khai đa dạng ở nhiều nhóm nội dung và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm việc gia nhập Hiệp ước Budapest; tham gia tích cực vào Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Việt Nam tại WTO; đàm phán nội dung về SHTT trong một số hiệp định thương mại tự do và tài liệu tham chiếu/khung hiệp định dự kiến; bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về/liên quan đến SHTT.

Đối với việc gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế: căn cứ vào hồ sơ gia nhập Hiệp ước của Bộ KH&CN do Cục SHTT chủ trì soạn thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 29/01/2021 về việc gia nhập Hiệp ước Budapest và ngày 01/3/2021, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Budapest. Hiệp ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 01/6/2021.

Đối với việc tham gia Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Việt Nam tại WTO: cung cấp thông tin về sự thay đổi đối với các biện pháp thương mại trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2020 đến giữa tháng 5/2021 phục vụ việc xây dựng báo cáo định kỳ của WTO; hoàn thiện nội dung phần sở hữu trí tuệ trong Báo cáo quốc gia về chính sách thương mại; trả lời câu hỏi của các nước thành viên WTO và tham gia Phiên rà soát chính sách thương mại cho giai đoạn 2014 – 2019 của Việt Nam.

phien-ra-soat-chinh-sach-thuong-mai-1643091273.jpg
Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Việt Nam tại WTO (nguồn: VOV1)

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA): nêu ý kiến đối với Hồ sơ trình Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định; về dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định; về việc xóa bỏ các tham chiếu tới Vương quốc Anh trong Hiệp định; về Danh sách Thông tin yêu cầu chỉ định đối với Vương quốc Anh; góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định UKVFTA.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Hiệp hội Mậu dịch tự do (Hiệp định EFTA): Rà soát, góp ý bảng tổng kết tình hình đàm phán các Chương trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (FTA VN- EFTA); tham gia cuộc họp cấp kỹ thuật nhóm Sở hữu trí tuệ với phía EFTA.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (Hiệp định VIFTA): Góp ý bản yêu cầu mở cửa thị trường đối với bản thảo Danh mục bảo lưu các biện pháp không tương thích trong đàm phán.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA): Tổ chức cuộc họp trực tuyến với Nhóm làm việc về SHTT, bao gồm chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ triển khai Hiệp định EVFTA; tham gia phiên họp kỹ thuật lần thứ năm với Liên minh châu Âu về triển khai Hiệp định; trả lời câu hỏi của Thành viên WTO về Hiệp định EVFTA chuẩn bị cho Phiên họp Ủy ban các Hiệp định thương mại khu vực của WTO.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (Hiệp định VN-EAEU): Cung cấp thông tin đầu mối triển khai Hiệp định và cập nhật danh sách chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho phía EAEU;

Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP): Góp ý dự thảo Báo cáo thực tế về Hiệp định CPTPP chuẩn bị cho Phiên họp Ủy ban các Hiệp định thương mại khu vực của WTO; góp ý đối với tài liệu phản hồi của Vương quốc Anh và tham gia đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh.

Đối với các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác: Nêu ý kiến đối với đề xuất của Ban Thư ký ASEAN về định hướng nâng cấp các Hiệp định ASEAN+; góp ý Tài liệu định hướng chuẩn bị rà soát nâng cấp Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); trả lời các câu hỏi về khả năng cho phép Chi-lê gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia - Niu Di-lân (AANZFTA); góp ý nội dung về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và hình thức biểu đạt văn hóa dân gian trong dự thảo khung Hiệp định Thương mại đầu tư dự kiến giữa ASEAN – EU; nêu ý kiến về dự thảo Tài liệu tham chiếu của Hiệp định Thương mại tự do dự kiến giữa ASEAN – Canada.

Ngoài ra, Cục SHTT thường xuyên thực hiện các hoạt động bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế về SHTT, bao gồm việc cung cấp thông tin về hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam trong năm 2021 theo yêu cầu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội (Báo cáo 301); rà soát, đánh giá nghĩa vụ thực hiện lộ trình cam kết tại các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam; rà soát các văn bản pháp luật và dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP; rà soát, góp ý Dự thảo Khuyến nghị và ý kiến của Việt Nam để gửi cho phía Liên bang Nga trong việc triển khai Hiệp định Việt – Nga về SHTT trong hợp tác kỹ thuật quân sự, rà soát tình hình hợp tác chuẩn bị cho Phiên họp lần IV Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam – Chile, v.v..


3. Quản lý hoạt động đại diện SHCN và giám định SHCN

Quản lý hoạt động đại diện SHCN

Trong năm 2021, Cục SHTT đã tiếp nhận 66 đơn đăng ký đại diện SHCN, bao gồm ghi nhận mới 12 tổ chức, xóa tên 03 tổ chức dịch vụ đại diện SHCN, ghi nhận sửa đổi, bổ sung thông tin (về tên, địa chỉ, chi nhánh và thành viên trong Danh sách người đại diện của Tổ chức) cho 47 tổ chức; cấp mới 06 Chứng chỉ, cấp lại 09 Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN. Tính đến hết năm 2021, cả nước có 228 tổ chức đại diện SHCN được ghi nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ và 372 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN và đặt trụ sở, chi nhánh chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Về công tác phát triển đội ngũ người đại diện SHCN, Cục SHTT đã hoàn thành công tác chấm phúc tra kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHCN được tổ chức trong năm 2019  và triển khai các bước cần thiết để tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHCN theo định kỳ 2 năm một lần vào quý III năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ tạm hoãn việc tổ chức kỳ kiểm tra này và dự kiến sẽ triển khai trong năm 2022 khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của đại diện SHCN, hằng năm, Cục SHTT thực hiện thống kê định kỳ số lượng các loại đơn đăng ký xác lập quyền SHCN nộp qua từng tổ chức dịch vụ đại diện SHCN. Năm 2021, với số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN nộp qua các tổ chức đại diện SHCN tiếp tục gia tăng và chiếm 59,16% - một tỷ lệ tương đối cao trong tổng số đơn xác lập quyền SHCN được nộp tại Cục. Con số này cho thấy các tổ chức dịch vụ đại diện SHCN đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các chủ đơn trong việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, đồng thời  cũng đã giúp cho Cục Sở hữu trí tuệ giảm tải được một số lượng đáng kể các công việc liên quan đến thẩm định đơn SHCN thông qua việc nâng cao hiệu quả của các hoạt động tư vấn và chuẩn bị tài liệu đơn đăng ký của đại diện cho người nộp đơn. Cụ thể, tỷ lệ tương ứng đối với các đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lần lượt là 91,93%, 39,08%, 72,30% và 53,16%.

image003-1643091273.png

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đại diện SHCN, Cục SHTT đã và đang triển khai nghiên cứu xây dựng Quy chế quản lý hoạt động đại diện SHCN và dự kiến ban hành trong năm 2022.

Quản lý hoạt động giám định SHCN

Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức các cuộc họp, tọa đàm về giám định với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan và đặc biệt là của Lãnh đạo Bộ nhằm tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong công tác phát triển đội ngũ giám định viên SHCN.

Trong tháng 12/2021, một số hoạt động để chuẩn bị thực hiện Quyết định 3296/QĐ-BKHCN ngày 17/12/2021 của Bộ trưởng về việc tiến hành tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ giám định SHCN đã được thực hiện như hoàn thiện Quy chế kiểm tra nghiệp vụ giám định SHCN, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội đồng kiểm tra triển khai hoạt động xét miễn, v.v..

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.