Content ID và nghịch lý bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc trên mạng xã hội

Ky Anh

(PLBQ). Vốn là công cụ bảo vệ quyền lợi nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, nhưng dường như Content ID đang làm không tốt việc bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc gốc ở Việt Nam.

>> BH Media khai thác Content ID, liệu có xâm phạm quyền các nghệ sỹ và tác giả không?

>> Góc nhìn pháp lý đối với sự việc Nhạc sĩ Giáng Son bị đánh “gậy bản quyền”

Lùm xùm xung quanh câu chuyện về các tác giả bị đánh gậy bản quyền trên chính tác phẩm của mình, có thể coi là ‘giọt nước tràn ly’ đối với nghịch lý bảo vệ bản quyền của YouTube. Bắt đầu từ sự lên tiếng của nhạc sĩ Giáng Son, khi đăng tải ca khúc Giấc mơ trưa lên nền tảng YouTube thì bị thông báo xác nhận bản quyền. Sau đó, một loạt các nhạc sĩ cũng lên tiếng bị đánh gậy bản quyền tương tự như vậy. Có thể nói, nhạc sĩ Lã Văn Cường là người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới hơn 30 tác phẩm bị khai thác trái phép. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến – tác giả của tác phẩm nổi tiếng như ‘Bà tôi’ và ‘Giọt sương bay lên’, chia sẻ cũng từng bị đánh gậy bản quyền đối với 15 bản ghi các tác phẩm này. Bên cạnh đó, còn các nhạc sĩ Ngọc Khuê, nhạc sĩ Minh Châu, ...

Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ về việc bị thông báo xác nhận bản quyền từ YouTube. (Nguồn: Trang Facebook cá nhân nhạc sĩ Giáng Son)

Đối với người nhạc sĩ, tác phẩm âm nhạc là đứa con tinh thần của họ, trong mỗi nốt nhạc chứa đựng nỗi niềm, cảm xúc và kể cả sự nỗ lực của người nghệ sỹ. Một bản nhạc không chỉ là tác phẩm để hát mà còn là niềm tự hào, là cái ‘tôi’ của họ. Dành nhiều tâm huyết là vậy, cho nên có thể hiểu các nhạc sĩ bức xúc như thế nào khi bị đánh gậy bản quyền với chính đứa con tinh thần của mình. Vậy, tại sao các đối tượng có thể dễ dàng nắm bản quyền trên nền tảng YouTube khiến cho chính các tác giả gặp khó khăn trong quá trình khai thác và sử dụng? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của Content ID – công cụ YouTube sử dụng để định danh nội dung.

Cách hoạt động của Content ID

Content ID là một hệ thống được thiết kế độc đáo dành cho người sáng tạo video muốn bảo vệ nội dung sáng tạo của mình trên YouTube. Đây là một thuật toán được tạo ra vào năm 2007 để tự động nhận ra bất kỳ nội dung nào được tải lên nền tảng.

Content ID quản lý nội dung các video mới tải lên

Công nghệ này cho phép YouTube lưu trữ tất cả nội dung và so sánh nội dung video mới tải lên để xác định các vi phạm xảy ra đối với quy định về quyền tác giả không. Mục đích của Content ID là cho phép người tạo nội dung và các nghệ sỹ khác xác định liệu có hành vi xâm phạm bản quyền để trục lợi dựa trên nội dung của họ hay không. Ví dụ như nhạc sỹ A sáng tác một tác phẩm âm nhạc và đăng tải nó (phần nhạc hoặc phần thể hiện của chính nhạc sỹ) lên YouTube, thì video này được bảo vệ bởi Content ID. Khi đó, bất kỳ ai sao chép hoặc có phần nhạc giống một phần video gốc thì sẽ bị gửi thông báo xác lập bản quyền (hay thường gọi là bị đánh gậy bản quyền).

Trình tự để một video được bảo vệ bằng công cụ Content ID như sau:

Bước 1: Gửi tệp và nhận dạng

Đầu tiên, người tạo nội dung hoặc nghệ sỹ gửi tệp âm thanh hoặc hình ảnh mà họ muốn bảo vệ. Điều này giúp Content ID có thể xác định sự xuất hiện của các bài hát và video này trong các video khác được tải lên trong tương lai.

Bước 2: Tạo dấu vân tay kỹ thuật số được liên kết với các tập

Sau khi nhận được tệp, một dấu hiệu sẽ được tạo cho mỗi tệp. Các dấu hiệu này được tải lên và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu Content ID.

Bước 3: Phân tích nội dung mới:

Khi các dấu hiệu đã được lưu trữ chính xác trong cơ sở dữ liệu, Content ID sẽ phân tích tất cả nội dung trên nền tảng và so sánh với các dấu hiệu đó. Thuật toán của nó cho phép nó phân tích:

  • Âm thanh (giọng nói và các âm thanh khác).

  • Video (bất kỳ hình ảnh chuyển động nào).

  • Giai điệu (có thể là bản gốc hoặc các phiên bản khác).

Bước 4: Khi Content ID tìm thấy điểm tương đồng giữa tệp được đăng ký trong cơ sở dữ liệu và nội dung mới được tải lên nền tảng, cả nghệ sĩ của tác phẩm nghệ thuật và người tạo ra nội dung đều được thông báo.

Cách hoạt động của Content ID có trái với quy định pháp luật quyền tác giả?

Trước hết, về thuật ngữ pháp lý, theo quy định pháp luật Việt Nam, chỉ có thuật ngữ “quyền tác giả”. Do đó, tranh chấp của các bên ở đây là tranh chấp về quyền tác giả (mà thường được gọi là bản quyền).

Về quyền tác giả, pháp luật quy định rõ tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm để làm tác phẩm phái sinh phải có sự xin phép cho tác giả [1]. Như vậy, nếu các nhạc sĩ đã cho phép tổ chức, cá nhân khác làm tác phẩm phái sinh thì tổ chức, cá nhân này có thể khai thác, sử dụng tác phẩm phái sinh đó và ngược lại. Tuy nhiên, trong các tranh chấp giữa BH Media và các nhạc sỹ, BH Media và đơn vị ủy quyền là Hồ Gươm Audio không đưa ra được bằng chứng về việc xin phép này. Do đó, việc BH Media đăng tải các bản ghi âm, ghi hình các tác phẩm của nhạc sĩ đã là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Đương nhiên, họ cũng không có quyền đăng ký Content ID bởi vì nội dung của họ về bản chất là vi phạm pháp luật.

Đó là về vấn đề pháp lý, trên thực tế, BH Media đã đăng ký thành công nhận dạng nội dung Content ID với ca khúc Giấc mơ trưa được trình bày bởi ca sĩ Dương Thùy Anh, hay thậm chí cả “Tiến Quân Ca” và nhiều các tác phẩm âm nhạc khác nữa. Điều này chỉ ra rằng, công cụ Content ID không hoàn toàn “ăn khớp” với quy định của pháp luật Việt Nam và nó có kẽ hở.

Kẽ hở của công cụ Content ID là nó không xác định được đâu là tác giả thực sự của tác phẩm hay phân biệt đâu là tác giả đâu là chủ sở hữu tác phẩm. Công cụ này chỉ đơn giản ghi nhận quyền sở hữu Content ID cho người nào đăng ký nội dung đầu tiên trên nền tảng YouTube. Mặc dù, trong khi đăng ký Content ID cho nội dung tải lên, YouTube cũng lưu ý người đăng tải chỉ nên tải nội dung do mình sở hữu hoặc có sự đồng ý của chủ sở hữu mà thôi. Tuy nhiên, đó chỉ là lưu ý, do đó các đối tượng có thể bỏ qua và ‘tự nhận’ mình có quyền đối với video đăng tải ấy [2]. Nếu trường hợp xấu này xảy ra sẽ dẫn đến tình trạng mập mờ và lợi dụng chính sách của YouTube để thu lợi bất chính.

Mới đây, YouTube cũng thừa nhận có lỗi liên quan đến hệ thống Content ID. Theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 2,2 triệu video trên YouTube bị khiếu nại gắn cờ bản quyền, 99% trong số đó là do hệ thống nhận dạng nội dung (Content ID). Kết quả của quá trình xác nhận của YouTube cho thấy: 60% video bị 'đánh gậy bản quyền' không chính xác. Tức là, các video đã bị thông báo vi phạm bản quyền do người dùng tải lên vẫn có thể được hiển thị trên YouTube thay vì bị xóa hoặc bị tắt tiếng hay bị tắt kiếm tiền[3].

Báo cáo minh bạch về bản quyền của YouTube

Thông qua số liệu trên, có thể thấy hoạt động Content ID đang còn nhiều hạn chế trong việc bảo vệ quyền tác giả. Thậm chí, nhiều người sáng tạo nội dung YouTube cho rằng hệ thống nhận dạng nội dung không hợp lý và không chính xác dẫn đến việc phát hiện quá nhiều vi phạm bản quyền, mặc dù có những trường hợp không thực sự rõ ràng.

Như vậy, về bản chất Content ID không có mâu thuẫn với pháp luật về quyền tác giả mà nó chưa thật sư hoàn thiện để thích ứng với pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng chúng ta thừa nhận, nó là công cụ để hỗ trợ việc thực thi quy định pháp luật, mặc dù công cụ này còn bộc lộ nhiều hạn chế khiến nhiều đối tượng khai thác trục lợi bất chính.

Vậy, các tác giả cần làm gì để bảo vệ quyền của mình trên nền tảng mạng xã hội?

Không thể phủ nhận mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tác giả đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà YouTube trở thành kênh phân phối sản phẩm của nhiều nghệ sĩ. Đây không chỉ là mạng xã hội video lớn nhất mà còn hấp dẫn hơn các nền tảng khác nhờ chính sách trả tiền cho người sáng tạo nội dung dựa vào lượt xem quảng cáo trên mỗi video.

Trong thời đại kỹ thuật số, bản quyền âm nhạc không còn là về việc bán một đĩa CD hay bán một bản tải xuống, vấn đề lớn nhất là việc xuất bản và sử dụng tác phẩm phải được kiểm soát, bản quyền âm nhạc trên môi trường kỹ thuật số phải được bảo vệ. Sau đây là một số gợi ý nhằm bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên nền tảng mạng xã hội.

Thứ nhất, về phía tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Tác giả cần có cơ chế tự bảo vệ mình bằng cách cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, cẩn trọng và chú ý khi ký kết hợp đồng, lựa chọn và làm việc với các tổ chức âm nhạc. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần xử lý kiên quyết triệt để.

Thứ hai, khi phát hiện hành vi sử dụng tác phẩm bất hợp pháp trên một video nào đó, thì bước đầu tiên là phản ánh với bên vi phạm. Nếu việc phản ánh trực tiếp không hiệu quả hoặc không thể xác định liên hệ với bên vi phạm, thì tác giả có thể gửi báo cáo cho bộ phận quản trị nền tảng mạng xã hội. Hầu hết các nề tảng mạng xã hội sẽ phản hồi bằng cách xóa nội dung vi phạm hoặc đình chỉ tài khoản của người dùng đã đăng nội dung đó.

Thứ ba, ủy quyền cho đơn vị chuyên nghiệp xử lý các trường hợp vi phạm. họ có kinh nghiệm quan hệ giải quyết xâm phạm. Bên cạnh đó họ còn hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong trường hợp cần thiết.

Không có công cụ nào là hoàn hảo và Content ID cũng vậy. Những thiếu sót của công cụ này đang làm hạn chế quyền khai thác, sử dụng tác phẩm của tác giả theo cách nào đó. Tuy nhiên, việc các tác giả công khai thông tin và đấu tranh trước các hành vi vi phạm như nhạc sĩ Giáng Son sẽ giúp cải thiện hệ thống bảo vệ quyền tác giả trên mạng xã hội của YouTube và kể cả hệ thống pháp luật quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Khắc Vinh


[1] Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[2] Bản quyền tác phẩm âm nhạc trên mạng xã hội: Kẽ hở cho việc nhập nhèm, trục lợi, https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ban-quyen-tac-pham-am-nhac-tren-mang-xa-hoi-ke-ho-cho-viec-nhap-nhem-truc-loi-971634.ldo

[3] https://www.eff.org/deeplinks/2021/12/youtubes-new-copyright-transparency-report-leaves-lot-out

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.