Giả mạo nhãn hiệu hợp pháp từ vụ việc Supreme

Ky Anh

(PLBQ). Hiện nay, hàng giả hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng không còn xa lạ và gây ra nhiều thiệt hại cho các nhãn hàng lớn. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng do khác biệt về pháp luật ở các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến tình trạng nhãn hiệu bị giả mạo một cách hợp pháp.

Logo Supreme

Supreme là một nhãn hiệu thời trang của Mỹ khởi nguồn từ quần áo và ván trượt. Nhãn hiệu này được thành lập tại thành phố New York vào tháng 4 năm 1994, đến nay thương hiệu này có giá trị hơn 1 tỷ USD, sau khi Công ty Cổ phần tư nhân The Carlyle Group mua lại 50% cổ phần với giá 500 triệu USD trong năm 2017.[1]

Sự thành công của nhãn hiệu Supreme đã nhanh chóng tạo dấu ấn riêng và đem lại tầm ảnh hưởng cho logo nhãn hiệu nền đỏ với dòng chữ Supreme màu trắng. Hiện tại, Supreme là một trong những nhãn hiệu bị làm giả nhiều nhất trên thế giới. Vào cuối năm 2018, Samsung chi nhánh Trung Quốc tiết lộ sẽ hợp tác với hãng “Supreme Italia”- một công ty ở Italia cũng tung ra những sản phẩm với logo y hệt.[2]

Cuộc chiến pháp lý toàn cầu về bản quyền nhãn hiệu Supreme

Supreme nhanh chóng tiến hành kiện công ty trên nhưng phải mất vài năm tòa án Italia mới chứng minh được Supreme Mỹ đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước. Ngay lập tức, tất cả những sản phẩm Supreme bị làm giả, làm nhái bị thu hồi ở Italia.

Tuy nhiên, công ty nói trên tiếp tục đăng ký nhãn hiệu Supreme tại Tây Ban Nha và ngang nhiên mở một loạt cửa hàng Supreme tại quốc gia này, tiếp đó là 54 quốc gia khác. Thực tế, khi Supreme kiện Supreme giả mạo ra tòa án Tây Ban Nha năm 2018, tòa án phán quyết Supreme giả mạo thắng kiện. Cuộc chiến về bản quyền nhãn hiệu kéo dài suốt 12 năm và tốn hàng chục triệu USD.[3]

Trường hợp này, các luật sư về nhãn hiệu gọi là "giả mạo hợp pháp". Thuật ngữ này mô tả khi một doanh nghiệp đăng ký một nhãn hiệu ở một quốc gia nhất định trước khi nhãn hiệu ban đầu có thể làm như vậy. Từ đó, họ có thể bán các sản phẩm gần như giống hệt nhau bằng cách sử dụng chiến lược tiếp thị cũng gần như giống hệt chiến lược được sử dụng bởi nhãn hiệu gốc.[4]

 

Cửa hàng Supreme giả mạo tại Thượng Hải (Trung Quốc)

(Ảnh: apparelresources.com)

Vì sao Supreme lại thua kiện trước Supreme giả mạo?

Do có sự khác biệt trong pháp luật bảo hộ nhãn hiệu ở các quốc gia trên thế giới. Ở Mỹ, chỉ cần là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng nhãn hiệu, thì doanh nghiệp này sẽ sở hữu tác quyền của nhãn hiệu đó. Còn ở một số nước Châu Âu, không quan trọng ai sử dụng nhãn hiệu trước để kinh doanh mà ai đăng ký đầu tiên với giới chức sẽ có quyền sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp này, đáng tiếc bên đầu tiên đăng ký với giới chức Tây Ban Nha là Supreme giả mạo.[5]

Bên cạnh đó, theo “nguyên tắc lãnh thổ” việc sở hữu nhãn hiệu quốc gia không tự động dẫn đến việc bảo hộ nhãn hiệu trên toàn thế giới chống lại hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, cách làm này đã vi phạm Công ước Paris, một trong những hiệp ước sở hữu trí tuệ đầu tiên được ký kết để bảo vệ "các nhãn hiệu nổi tiếng" ở 177 quốc gia ngay cả khi không có sự hiện diện của nhãn hiệu tại thị trường.

 Về tên gọi Supreme, "Supreme là một cái tên hay, nhưng là một cái tên khó để đăng ký nhãn hiệu". Mãi đến năm 2012, Supreme mới có thể đăng ký thành công nhãn hiệu này ở Mỹ.

Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) đã từng kiểm tra các tài liệu đăng ký bản quyền nhãn hiệu của Supreme và cho rằng Supreme là một thuật ngữ thiếu tính khác biệt và không đủ điều kiện để bảo vệ nhãn hiệu.[6] Bởi khi từ Supreme (Tối cao) được sử dụng sản phẩm ngay lập tức truyền đạt cho người tiêu dùng rằng hàng hóa của người nộp đơn là “có chất lượng cao nhất”, thuật ngữ này rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.[7]

Pháp luật Việt Nam về bản quyền nhãn hiệu?

Tại điểm a khoản 3 điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 về Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì Nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định còn đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Như vậy, pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu phù hợp với Hiệp định TRIPS và Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Đăng ký một nhãn hiệu trên toàn thế giới tốn rất nhiều thời gian, công sức và thời gian xét duyệt bảo hộ nhãn hiệu khá lâu (chẳng hạn như tại Việt Nam tối thiểu là 12 tháng), nhưng không làm như vậy sẽ rất dễ gặp phải những xung đột như Supreme.[8] Đăng ký ảo hộ nhãn hiệu có thể không ngăn chặn được tình trang đạo nhái nhãn hiệu, nhưng sẽ là giải pháp tốt nhất khi có tranh chấp xảy ra!

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Trương Diệu

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.