Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng nói, quá trình điều tra các vụ án về kinh tế rất khó khăn, có vụ án phải trưng cầu rất nhiều Bộ, ngành như vụ Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ và một số vụ án liên quan đất đai…
Nhìn lại ba vụ án phức tạp
Điểm lại ba vụ án liên quan đến các công trình giao thông như các dự án BOT liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), cao tốc Quảng Ngãi và cao tốc TP. HCM – Trung Lương, có thể thấy giám định tư pháp có quá nhiều việc phải giải quyết để làm rõ bản chất vụ án.
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2009, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 823/QĐ-TS góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng trị giá 10,2 tỉ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc, đại diện quản lý 21%; và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc, quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng cho thấy, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 – 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan thuế, nhưng không được kiểm toán. Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỉ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỉ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).
Cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng vừa khánh thành đã phải sửa chữa
Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án.
Thực chất Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu…
Theo Thanh tra Chính phủ, tại Dự án khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức BOT kết hợp BT do Bộ Giao thông Vận tải chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Yên Khánh, công trình được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015; tổng vốn đầu tư là 4.110 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả 3 nhà đầu tư đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt;
Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thực hiện thi công Gói thầu số 23, sau đó, đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện.
Vụ án khác cần giám định khá phức tạp là tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc 4 làn xe; vận tốc thiết kế 120km/h; bề rộng nền đường 24,5m; tổng chiều dài tuyến 139,2km. Trong đó: đoạn tuyến do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ dài 65km; đoạn tuyến do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ dài 74,20km. Tuyến đi qua 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 34.516 tỷ đồng. Trong đó vốn vay JICA và WB tương đương 29.218 tỷ đồng dùng cho chi phí xây lắp, thiết bị, tư vấn, lãi vay trong thời gian xây dựng; vốn đối ứng 5.298 tỷ đồng dùng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí khác.
Tuy nhiên, tuyến đường mau chóng xuống cấp, nhiều điểm hư hỏng mặt đường. Hư hỏng nặng nhất là đoạn km 45. Tại điểm này có các vệt bong tróc mặt đường kéo dài hơn một mét với độ sâu khoảng 5cm và độ rộng 30 -40 cm. Thứ trưởng Bộ GTVT – Lê Đình Thọ cho biết, trong giai đoạn đấu thầu thi công các đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, một số nhà thầu Trung Quốc đã tham gia đấu thầu và một số nhà thầu đến từ Trung Quốc đã trúng các gói thầu thi công tuyến cao tốc này.
Ngày 14/11/2019, 4 cán bộ của Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Một vụ án khác, ngày 27/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố điều tra mở rộng, bắt, khám xét các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan. Dự án đường ôtô cao tốc TP. HCM – Trung Lương là dự án đường ô tô cao tốc đầu tiên, do các nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công, có vị trí đặc biệt quan trọng trong quy hoạch đường cao tốc TP. HCM – Cần Thơ. Hiệu quả của dự án đã được thấy rõ từ khi hoàn thành, thông xe từ ngày 3/2/2010 đến nay.
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thanh tra mới kết thúc, quá trình xây dựng công trình có số vốn đầu tư khổng lồ này (9.884,5 tỷ đồng, đã điều chỉnh) đã để xảy ra một số sai phạm.
Tập đoàn Yên Khánh liên quan Út “trọc” không có vốn nhưng đã liên danh, liên kết với các công ty khác để trúng đấu giá thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương (và hàng loạt dự án khác). Công ty Yên Khánh trúng đấu giá 2.004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 1/1/2014 đến 31/12/2018. Theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải thanh toán 2.004 tỷ đồng trong 3 đợt diễn ra trước tháng 11/2014. Tuy nhiên, phải sau 15 đợt và đến 31/3/2017, phía Yên Khánh mới hoàn tất việc thanh toán.
Khi Tổng cục Đường bộ tiếp quản lại tuyến cao tốc này từ ngày 1/1/2019, Bộ Công an đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái phép của Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế ở các trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Cơ quan điều tra đã xác định được Đinh Ngọc Hệ là chủ của Công ty Yên Khánh. Công ty Yên Khánh được thành lập từ năm 2005 do Vũ Thị Hoan, cháu gái của Đinh Ngọc Hệ đứng tên. Công ty này có vốn điều lệ đăng ký là 1.800 tỷ đồng. Trong những năm qua, Công ty Yên Khánh đã liên danh với nhiều công ty khác để làm chủ đầu tư hàng loạt dự án BT, BOT trên nhiều địa phương trong cả nước. Công ty Yên Khánh còn được Bộ GTVT chỉ định làm nhà thầu thu phí cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh là đối tác khăng khít trong hàng loạt dự án BOT cầu Hạc Trì, Trung Lương – Mỹ Thuận.
Để có cơ sở điều tra, truy tố, xét xử, những vụ án trên đây đều phải tổ chức giám định tư pháp. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.
Công tác giám định tư pháp: Nhiều “điểm nghẽn” và rất khó khăn
Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho biết, vừa qua điều tra các vụ đầu tư liên quan đến Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, dự án Ethanol, hay Công ty gang thép Thái Nguyên đang thực hiện, do thiết bị mua ở nước ngoài nên điều tra xác minh khó, phải phối hợp tương trợ tư pháp hình sự. Mặt khác, khi đề nghị giám định lại phải có quyết toán, thanh toán mới kết luận được, nên rất khó.
Bên cạnh đó, theo ông Vương, quá trình điều tra vụ việc về kinh tế cũng rất khó khăn, một vụ án nhưng phải trưng cầu rất nhiều Bộ, ngành, như vừa qua điều tra vụ Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ và một số vụ án liên quan đất đai vừa làm, đang làm. Nếu nói đến vụ án liên quan đến công trình, vấn đề số một là đất, giao thông thì khâu thiết kế, tác động môi trường là Bộ KH&CN… cuối cùng là tài chính, quyết toán. Tất cả đều móc xích với nhau nên yêu cầu có nhiều giám định.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha dẫn chứng, vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank Việt Nam có thời gian giám định kéo dài 5 năm. Vụ án xảy ra tại Ngân hàng Á Châu cũng chậm định giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản.
Cũng theo Thượng tướng Lê Qúy Vương, quy định về chi phí giám định cần phải được phân tích rõ, khắc phục những bất cập hiện nay. Ông Vương nêu ví dụ như vụ giám định tụ điện, cháy điện ở Bắc Ninh chi phí mất vài tỷ đồng, riêng đường ống nước sông Đà cũng mất gần 4 tỷ đồng chi phí giám định, hay vụ Phan Văn Anh Vũ đang phải làm rất nhiều giám định, với 31 nhà công sở, 9 dự án đất đai, địa phương làm không xuể nên tồn đọng.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính TP HCM cho biết, thành phố có 40 vụ án bị vướng về vấn đề giám định, trong đó có 3 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, nhiều vụ thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án này đều trưng cầu Sở Tài chính thành phố giám định, tuy nhiên, Sở không kết luận, không trả lời có giám định được hay không dẫn đến vụ án kéo dài hơn 1 năm.
“Có những vụ án để chứng minh hành vi tham ô số tiền hơn một tỷ đồng, nhưng chi phí giám định lại trên 1 tỷ nên không thể thực hiện được. Hay có những vụ trưng cầu giám định các toà nhà chung cư, cao ốc, chi phí giám định trên 10 tỷ thì cơ quan điều tra không thể có kinh phí”, ông Hải nói.
Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ là 2 bị cáo trong 2 vụ án kinh tế phải giám định tư pháp (ảnh các bị cáo tại phiên Tòa)
Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là chi phí giám định cao. Đơn cử, một vụ pháp y tâm thần cũng trên dưới 30 triệu đồng, điều đó dễ dẫn đến tình trạng cơ quan nọ “đùn đẩy” cơ quan kia, làm vụ án kéo dài. “Tôi từng đề nghị giám định một vụ việc nhưng không được, vì không cơ quan nào giám định, dẫn đến vụ án kéo dài tới 11 năm”, ông Hữu nêu và đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm giám định thuộc cơ quan nào.
Nhìn vào đội ngũ giám định viên thì thấy, những năm qua đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2018, tổng số giám định viên tư pháp trên toàn quốc ở các lĩnh vực là 6.154 người. Tuy nhiên, “việc bổ nhiệm giám định viên trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ cao… hết sức khó khăn do không tìm được người phù hợp hoặc có trường hợp từ chối không muốn làm giám định viên”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết.
Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành, Luật Giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đơn cử, một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng… nhưng lại không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu gặp khó khăn.
Giám định tư pháp là việc làm hết sức quan trọng, kết luận giám định tư pháp thể hiện giá trị khoa học và pháp lý. Trong hoạt động tố tụng, nó là cơ sở quan trọng và trong những trường hợp cụ thể, nó có ý nghĩa quyết định để giải quyết vụ án. Vì vậy, nếu nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định mà cơ quan được trưng cầu giám định “không từ chối” giám định sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Báo cáo chuyên đề của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an cho rằng, “đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán.
Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân nhưng có quan điểm của giám định tài chính cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản”.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những “điểm nghẽn” của công tác giám định tư pháp hiện nay là cơ chế phối hợp giải quyết kết luận giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế, dân sự đã gây khó khăn cho hoạt động điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Do đó, cần có giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, của đội ngũ cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Các Bộ, ngành tiếp tục có rà soát, tổng kết, tham gia với Bộ Tư pháp, nêu lên khó khăn, vướng mắc, có tính đến việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp sau này được bài bản hơn, sát thực tiễn hơn, dễ áp dụng hơn.
Báo cáo chuyên đề của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an cho rằng, “đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán.
Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân, nhưng có quan điểm của giám định tài chính cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản”.
Đăng Khôi - Phaply.vn