Thỏa ước La Hay là gì?
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) được ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928 là một điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) quản lý, cung cấp một cách thức đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp ( viết tắt là KDCN) đơn giản và tiết kiệm.
Tính đến ngày 15/9/2020, Thỏa ước La Hay có 74 thành viên bao gồm 91 quốc gia, như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, ... Để trở thành một hệ thống được nhiều quốc gia tham gia như hiện nay, Thỏa ước La Hay đã trải qua nhiều lần sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của pháp luật về KDCN trên thế giới và dần trở nên linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia khác nhau.
Trong đó, có ba lần sửa đổi lớn nhất với ba văn kiện là Văn kiện London 1934, Văn kiện La Hay 1960 (được sửa đổi tại Stockholm, Thụy Điển năm 1967) và Văn kiện Geneva 1999.
Trên cơ sở đánh giá sự ưu việt và hoàn thiện hơn của Văn kiện Geneva 1999 so với các Văn kiện còn lại, Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện này. Thỏa ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019.
Thỏa ước La Hay đem lại lợi ích gì?
Đơn giản
Hệ thống La Hay cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ KDCN của mình với thủ tục tối thiểu: chỉ cần nộp một hồ sơ đơn duy nhất tới một cơ quan duy nhất, sử dụng một ngôn ngữ, một loại tiền tệ duy nhất (đồng Francs Thụy Sĩ) với chỉ một danh mục phí.
Bên cạnh đó, với việc gia hạn đăng ký quốc tế thống nhất tại một thời điểm cũng như sửa đổi đăng ký quốc tế một cách tập trung với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế, việc quản lý quyền được đơn giản hóa tối đa.
Linh hoạt
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay cho phép chủ đơn chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia, đồng thời cho phép tự chỉ định quốc gia xuất xứ (trừ trường hợp quốc gia xuất xứ tuyên bố không cho phép tự chỉ định). Người nộp đơn Việt Nam có thể tự chỉ định Việt Nam.
Thỏa ước La Hay cho phép nộp 100 KDCN trong cùng một đơn với điều kiện các KDCN cùng thuộc một nhóm của Bảng phân loại quốc tế Locarno và các quốc gia được chỉ định trong đơn cho phép.
Đơn có thể sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha.
Tiết kiệm
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay có thể chỉ định bảo hộ ở nhiều nước chỉ với một khoản phí cơ bản, phí công bố chung. Ngoài ra, các loại phí giảm đáng kể đối với KDCN từ thứ hai trở đi.
Hơn nữa, chủ đơn không cần phí thuê luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp ở từng nước được chỉ định trong trường hợp không có thông báo từ chối bảo hộ từ các nước đó. Chi phí dịch thuật, công chứng và các chi phí khác cũng được giảm thiểu tối đa, đồng thời tiết kiệm được thời gian theo đuổi đơn và quản lý quyền vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất tại một thời điểm và có một đăng ký quốc tế chung được quản lý tập trung.
Đăng ký quốc tế kiểu dáng theo Thỏa ước La Hay như thế nào?
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tài liệu "Hướng dẫn đăng ký quốc tế kiểu dáng theo Thỏa ước La Hay" nhằm giúp các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu các thông tin cơ bản và cách thức nộp đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Trong tài liệu đã giới thiệu khá chi tiết, cụ thể để hướng dẫn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay. Thủ tục rất đơn giản với một bộ Đơn đăng ký quốc tế KDCN gồm:
- Tờ khai đăng ký quốc tế theo mẫu
- Bộ ảnh chụp, bản vẽ
- Phí
Tài liệu cũng quy định rõ Cách thức nộp đơn. Theo đó, người nộp đơn có thể nộp trực tiếp đến Văn phòng quốc tế của WIPO hoặc nộp đơn qua Cục Sở hữu trí tuệ.
Các khoản phí khi phải nộp đơn và quy trình xử lý theo Thỏa ước này cũng được trình bày cụ thể trong tài liệu. Tài liệu cũng đưa ra một số thông tin liên quan để bảo đảm việc đăng ký quốc tế kiểu dáng theo Thỏa ước La Hay diễn ra nhanh chóng, chính xác, đơn giản nhất.
Có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước La-hay mang một ý nghĩa thiết yếu. Trong bối cảnh Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thì việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục theo tiêu chuẩn quốc tế càng trở nên cần thiết để thúc đẩy hoạt động đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Xem chi tiết Tài liệu này tại: http://www.noip.gov.vn/documents/20195/1028169/Huong+dan+La+Hay+-+update_A5.pdf/8e0f8bb3-4c85-47cc-b6c8-3046f213fc61
NGUYỄN LAN (tổng hợp thông tin từ IP VIETNAM)