Giữa đại dịch nghĩ về doanh nhân và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Đại hội XIII của Đảng lần đầu kêu gọi cả dân tộc Việt Nam lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng hùng cường ấy chắc chắn có sứ mệnh của doanh nhân và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam...

… Doanh nhân công nghệ số Việt Nam là những người có tinh thần dân tộc yêu nước kết hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo của thời đại. Sự kết hợp của Nhà nước mạnh và thị trường mạnh là lời giải để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 - sau 100 năm tuyên bố độc lập. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Việt Nam lớn hay nhỏ?

​Lớn hay nhỏ phụ thuộc vào nhận thức của chính chúng ta. Có những quốc gia, như Singapore hay Israel, nhỏ về diện tích nhưng lại là khổng lồ trên một số phương diện. Việt Nam, xét trên quy mô dân số 100 triệu dân, hay chiều dài hơn 3000 km, hay diện tích khoảng 1 triệu km2 mặt biển, thì đều thuộc nhóm 15 - 20 quốc gia khổng lồ của thế giới. Đây là tài sản vô giá của người Việt Nam, đủ rộng để ươm mầm cho những ước mơ lớn của người Việt Nam.

​Tự ngàn xưa, ông cha ta đã có ước mơ lớn về một nước Đại Cồ Việt hay một nước Đại Việt. Lịch sử hơn 75 năm qua của nước Việt Nam mới đã gọi tên nhiều doanh nhân dân tộc. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển đột phá của công nghệ số, tinh thần thời đại là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số lại một lần nữa gọi tên các doanh nghiệp và doanh nhân công nghệ số.

Việt Nam còn có 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân và 26 triệu hộ gia đình. Tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số. Không gian mạng, môi trường số là vô cùng, vô tận.

Nhận thức của chúng ta lớn đến đâu thì tầm vóc của chúng ta lớn đến đó. Việt Nam đã có và không thiếu doanh nhân công nghệ có tầm vóc doanh nhân dân tộc, nhưng Đất nước còn và sẽ còn cần nhiều hơn nữa.

Công cuộc chuyển đổi số của toàn dân

Điểm khác biệt của công nghệ số nằm ở chỗ kết nối mọi người, mọi vật để cùng nhau sáng tạo, cùng nhau giải quyết bài toán (co-creation). Công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số sẽ chỉ mang lại giá trị đột phá, sẽ chỉ thành công nếu đó là sự chuyển đổi của toàn dân. Thể chế và công nghệ được coi là động lực, là 2 động cơ của cỗ máy chuyển đổi này.

Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Các bệnh viện lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về y tế, các trường đại học lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về giáo dục.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, chủ động tham gia giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực như Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Giao thông, Năng lượng hay Du lịch.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp tư vấn công nghệ, khởi nghiệp triển khai công nghệ để giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong mọi ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Mỗi cơ sở y tế, mỗi trường học, mỗi hộ kinh doanh cá thể, mỗi hộ nông dân cũng đồng thời là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Tinh thần doanh nhân công nghệ số (technopreneur) lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số.

Chìa khóa là các nền tảng

Điểm khác biệt của chuyển đổi số nằm ở việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chấp nhận cái mới. Nếu chúng ta cứ đi sau về cái mới thì sẽ mãi mãi là người đi sau, không bao giờ thay đổi được thứ hạng quốc gia. Để toàn dân tham gia một cách nhanh chóng, thì công nghệ số sẽ phải giống như điện, giống như nước, nghĩa là công nghệ số phải được cung cấp như là một dịch vụ, càng nhiều người sử dụng thì giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Các nền tảng công nghệ số là chìa khóa giải quyết vấn đề này.

 Các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn phát triển hạ tầng số, nền tảng số để cung cấp công nghệ cơ bản như là một dịch vụ. Đó là hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo như là một dịch vụ, tính toán IoT như là một dịch vụ, định danh và xác thực số như là một dịch vụ, xử lý dữ liệu lớn như là một dịch vụ hay an toàn, an ninh mạng như là một dịch vụ.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển các nền tảng số ở mức ứng dụng, cho phép mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng ngay, rẻ và dễ như điện, như nước, như viễn thông di động.

Khi các nền tảng số cung cấp công nghệ như là một dịch vụ được sử dụng phổ biến, công nghệ số sẽ trở thành yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội. Đó cũng là lúc công nghệ số thấm vào từng hạt lúa, củ khoai, vào mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam.

 Chính phủ hành động

 Thị trường mạnh trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn, còn Nhà nước mạnh trong việc giải quyết các vấn đề dài hạn.

 Chính phủ hành động bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua việc hoàn thiện thể chế cho cái mới và xác định tầm nhìn cho cái mới. Chính phủ đã ban hành các Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, về chính phủ số. Chính phủ sẽ sớm ban hành Chiến lược quốc gia về hạ tầng số, về kinh tế số và xã hội số.

 Chính phủ hành động bằng cách mỗi địa phương dành tối thiểu 1% chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số, chuyển dịch nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học từ các dự án ngắn hạn sang các dự án trung và dài hạn, ban hành cách chính sách ưu tiên mua sắm của Chính phủ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mà trong nước làm tốt.

 Chính phủ hành động bằng cách xác định đúng bài toán hiện nay của Việt Nam, bằng cách đưa ra danh mục các nền tảng công nghệ số quốc gia cần ưu tiên triển khai, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lớn để mỗi doanh nghiệp lớn nhận lấy một nhiệm vụ cụ thể.

 Chính phủ hành động bằng cách lựa chọn ra các nền tảng tốt, sử dụng bộ máy tuyên truyền để lan tỏa, phổ biến, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc các mô hình tốt, các câu chuyện thành công.

Niềm tin giữa đại dịch

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam đầu năm 2020, “chống dịch như chống giặc”, theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hàng chục doanh nghiệp công nghệ số, hàng ngàn lập trình viên đã tham gia phát triển, triển khai, vận hành các Nền tảng công nghệ số phục vụ phòng, chống dịch một cách tự nguyện. Hiện nay, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đang phục vụ khoảng 20 triệu người dùng hàng ngày.

Công nghệ số đã giúp kết nối gần 2000 cơ sở y tế trên toàn quốc, đặc biệt là 100% trung tâm y tế huyện, 100% bệnh viện tuyến tỉnh và 100% bệnh viện Trung ương đã được kết nối để bảo đảm thông suốt trong việc hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, từ Trung ương đến huyện. Công nghệ phục vụ xác định nhanh danh sách 13 triệu người trên 60 tuổi, phân bổ chi tiết theo từng địa phương để phục vụ chính sách tiêm chủng. Công nghệ phục vụ truy vết nhanh hàng chục nghìn trường hợp liên quan đến ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Công nghệ hỗ trợ điều phối hiệu quả gần 50.000 bệnh nhân Covid tới các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại dịch giúp người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt đối với những người làm công nghệ số thì khoảng cách vật lý không phải là rào cản trong công việc. Do vậy, công nghệ số giúp giải quyết một phần tình trạng chảy máu chất xám cũng như tận dụng tri thức của nhân loại để mang công nghệ tốt nhất áp dụng vào Việt Nam nhanh nhất.

Công nghệ số là công cụ. Giống như mọi công cụ khác trên đời này, luôn luôn còn khiếm khuyết. Công nghệ số có thành công hay không thành công phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng, vào niềm tin công nghệ, vào sự quyết tâm trong triển khai, nhất là của người lãnh đạo. Đại dịch qua đi, giống như một cơn bão qua đi. Kỹ năng số, dữ liệu số là thứ còn đọng lại, để chúng ta phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, để có mùa vụ tiếp theo bội thu.

Doanh nhân công nghệ số là những người có niềm tin rằng công nghệ số sẽ giúp xã hội kiên cường hơn, có sức chống chịu hơn trước những thách thức và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Người Việt Nam mạnh mẽ hơn

Giống như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, người Việt Nam có những điểm tốt đẹp, có những điểm tồn tại. May sao, công nghệ số dường như có khả năng giúp người Việt Nam khắc phục một số điểm tồn tại để trở nên mạnh mẽ hơn. Người Việt Nam linh hoạt, ứng biến, nhưng ít chú trọng tính chuyên nghiệp và tính hệ thống. Công nghệ số giúp phát huy tính linh hoạt, ứng biến của người Việt Nam. Nền tảng số giúp lưu trữ tri thức, “cứng hóa” quy trình chuẩn, làm việc trên nền tảng số giúp người Việt Nam khắc phục điểm yếu về tính chuyên nghiệp và tính hệ thống. Có được cả tính linh hoạt và chuyên nghiệp thì sức mạnh sẽ là vô địch,

Sứ mệnh quốc gia của doanh nghiệp

Doanh nghiệp thì phải có lợi nhuận thì mới tồn tại. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Liệu có phải sau lợi nhuận vẫn là lợi nhuận không? Doanh nghiệp sinh ra là có một sứ mệnh và lợi nhuận là công cụ để thực hiện sứ mệnh ấy. Khi đã có lợi nhuận, đã trở thành doanh nghiệp công nghệ số lớn, thì doanh nhân công nghệ số hãy nhận lấy cho mình sứ mệnh quốc gia, gắn sứ mệnh của doanh nghiệp mình với sứ mệnh quốc gia, để tiếp tục vươn cao hơn, để đi xa hơn và để trường tồn.

*        *        *

Có những người sinh ra đã có những khát vọng lớn, lại có những người do hoàn cảnh thôi thúc mà có những khát vọng lớn. Giữa đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng chưa từng có tới Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, hoàn cảnh thôi thúc những khát vọng lớn trong mỗi người Việt Nam lại một lần nữa xuất hiện. Doanh nhân công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy nhận lấy cho mình sứ mệnh ấy./.

Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

BBT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.