Góc nhìn pháp luật từ clip “xin vía” của Thơ Nguyễn

(PLBQ). Thơ Nguyễn - một YouTuber chuyên làm clip cho trẻ em đã gây xôn xao khi đăng một đoạn clip trên Tiktok với nội dung cho búp bê (gọi là Kuman Thong) uống nước ngọt để xin vía học giỏi. Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã phản ứng dữ dội vì cho rằng người này đang truyền tải nội dung liên quan đến mê tín dị đoán.

Vậy YouTuber này có thể đối diện với những hậu quả pháp lý nào? Giải pháp nào để ngăn chặn video độc hại đang xuất hiện tràn lan hiện nay?

Youtuber Thơ Nguyễn trong video "xin vía" từ búp bê khiến dư luận bức xúc  (Ảnh: tinmoi.vn)

Trong thời gian gần đây, những video chứa nội dung nhảm nhí, câu view xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm trên Google với từ khóa “video troll”, chúng ta có thể dễ dàng tìm được hàng chục video độc hại, nhảm nhí đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng tỉ người dùng như facebook, tiktok, YouTube …

Không khó để nhận thấy, nội dung của các video trên những kênh này đều đi theo xu hướng phản cảm, gây tò mò hoặc tranh cãi.

YouTube, Facebook, TikTok … trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung thông qua quảng cáo hiển thị trên mỗi video. Vì thế, nhiều user (người dùng nền tảng) bất chấp tất cả chỉ để kiếm view. Những nội dung càng phản cảm, càng gây tranh cãi lại càng thu hút được nhiều người xem. Từ đó, lượng tương tác tăng, cơ hội xuất hiện quảng cáo trên video nhiều lên, kéo theo nguồn thu nhập tăng cao hơn.

Từ clip "xin vía búp bê học giỏi" …

Mới đây, clip "xin vía búp bê học giỏi" của YouTuber Thơ Nguyễn đăng trên TikTok, sau đó lần lượt xuất hiện trên các nền tảng xã hội khác như Facebook, YouTube đã gặp phải phản ứng vô cùng gay gắt từ cộng đồng người dùng mạng xã hội.

Trong video, YouTuber này nói về việc cho búp bê uống Coca Cola để xin vía học giỏi, kèm theo là hành động ôm con búp bê gọi nó là "Cư Ma Mập" và xưng hô mẹ - con với búp bê này. Nhiều ý kiến cho rằng, clip mang đầy tính "mê tín dị đoan".

Trong hai ngày là 25/2 và 27/2, trên kênh YouTube của mình, Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê “Kumanthong – một loại búp bê của Thái Lan” với lời giải thích đi kèm là do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ".

Vì quá lo lắng, các phụ huynh đã kêu gọi tẩy chay, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải lập tức xử lý kênh này. Theo các bậc cha mẹ, đoạn clip có thể khiến trẻ suy nghĩ lệch lạc, bởi theo đoạn clip thì chỉ cần thành tâm cầu xin vía búp bê là chẳng cần học hành gì cũng thành tài.

Ngoài ra, trước đó cũng trên kênh YouTube với hơn 8,7 triệu người đăng ký, còn xuất hiện nhiều các video phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ nhỏ bắt chước theo. Trong đó có thể kể đến những nội dung như “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ”, "Thí nghiệm đun lon nước và cái kết"... hay "thử thách cán tất cả mọi thứ dưới bánh xe ô tô"; "thử cho đá khô vào chai nước kín".

Với định hướng một kênh YouTube dành cho trẻ em, những nội dung này của Thơ Nguyễn được đánh giá là không phù hợp, "xui dại" trẻ.

YouTuber Thơ Nguyễn (Nguồn: baogiaothong.vn)

… đến trách nhiệm pháp lý mà YouTuber Thơ Nguyễn phải đối mặt

Dưới góc độ pháp lý, việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải nội dung trên đã có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan. 

Đặc biệt trong vụ việc này, Thơ Nguyễn và kênh YouTube với hơn 8,7 triệu lượt đăng ký của cô chuyên về thiếu nhi (những mầm non tương lai của đất nước), với lượng theo dõi và xem gần một triệu lượt, hậu quả từ clip của cô để lại là vô cùng lớn.

(Ảnh chụp YouTube)

YouTuber này có dấu hiệu cổ súy những điều duy tâm không có căn cứ khoa học, tin vào ma quỷ, thánh thần, dẫn đến mất lý trí, hành động trái lẽ thường, gây hậu quả xấu cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả gây ra, hành vi lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi có thể bị xử lý từ phạt hành chính đến hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.”

Theo đó, phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi mê tín dị đoan nói trên.

Bên cạnh đó, nếu YouTuber Thơ Nguyễn dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín, dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Khi đó, khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Giải pháp ngăn chặn các video xấu, độc trên Youtube

Nếu YouTube không đủ sức kiểm duyệt nội dung, đã đến lúc các nước phải hành động.

Cứ mỗi phút trôi qua lại có một lượng video với tổng độ dài hơn 500 giờ được đăng lên, tương đương 720.000 giờ video mới mỗi ngày. Như vậy nếu xem liên tục, một người sẽ mất 82 năm để xem hết lượng video được đăng lên YouTube trong một ngày. Điều đó cho thấy, việc kiểm duyệt các video đăng lên không phải là điều dễ dàng.

Từ những gì báo chí phản ánh suốt thời gian qua, có thể thấy rõ số lượng các video nhảm nhí, độc hại tràn lan trên YouTube đang ở mức báo động. Vấn đề là, dù có dẹp hay xử phạt được người đăng tải nội dung độc hại này, rất mau chóng sẽ có những người khác thế chỗ.

Như vậy, việc bắt YouTube kiểm duyệt hoặc gỡ bỏ video là gần như không thể khi có quá nhiều video tải lên mỗi phút. Vì vậy, đã đến lúc chính phủ các nước phải hành động. Một giải pháp cấp thiết, cần được áp dụng ngay lúc này là phải quản lý thật chặt chẽ đầu vào, tức là giới hạn độ tuổi người xem.

Theo chính sách bảo vệ người dùng, YouTube không chấp nhận những nội dung gây nguy hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. Theo định nghĩa, trẻ vị thành niên là người dưới độ tuổi trưởng thành theo quy định của pháp luật, thường là người dưới 18 tuổi ở hầu hết các quốc gia/khu vực. Hiện tại, YouTube chỉ cho phép sử dụng dịch vụ nếu người dùng trên 13 tuổi và phải có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp nếu dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là YouTube không quan tâm việc đăng ký độ tuổi có đúng hay không hay việc người giám hộ đã đọc kỹ điều khoản thỏa thuận. Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này?

Hiện nay, những thuê bao trả trước đều đã phải đăng ký thông tin chính chủ theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP về thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Khi đăng ký một tài khoản mới, người dùng phải nhập mã OTP gửi về điện thoại, do đó, một giải pháp có thể xem xét đến trong bài toán này là vô hiệu hóa khả năng nhận mã OTP để đăng ký các dịch vụ online khi người dùng chưa đủ độ tuổi tương ứng. Như vậy, chỉ cần tiến tới chặn SIM rác, trẻ em sẽ không thể sử dụng điện thoại để đăng ký tài khoản xem YouTube mà không có sự giám sát của bố mẹ.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của giải pháp này là chỉ có hiệu quả đối với các video giới hạn độ tuổi của người dùng nền tảng. Nghĩa là, nếu không đặt giới hạn độ tuổi, người dùng không cần phải đăng nhập, mà vẫn có thể xem video một cách thoải mái.

Vấn đề này cũng là lý do khiến các chuyên gia trong và ngoài nước ngao ngán trong việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn các nội dung nhảm nhí hay xấu độc trên nền tảng này. Một giải pháp tình thế tạm thời được rất nhiều các quốc gia trên thế giới áp dụng trong những năm qua là loại bỏ tính năng tự động phát (autoplay) trên YouTube, điều này có thể góp phần nhỏ hạn chế tốc độ lây lan của video độc hại một cách ngẫu nhiên.

(Nguồn: thuthuat.vn)

Nhiều chuyên gia cho biết, giải pháp thực sự để loại bỏ các video xấu độc chỉ đến từ bên trong những công ty mạng xã hội như Facebook, Google hay YouTube. Vì thế, chừng nào các công ty này không chịu thay đổi thuật toán và hạn chế nội dung xấu độc, chừng đó thế giới vẫn còn phải chịu đựng các video có nội dung như vậy.

Dễ dàng nhận thấy, YouTube ngày càng phát triển thì nơi đây càng trở thành "miếng mồi ngon" cho nhiều người muốn làm công việc sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, làm cách nào để quản lý được tất cả nội dung đăng tải của hàng nghìn, hàng triệu YouTuber lại là một câu hỏi khó.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.