Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở lưu trữ nguyên liệu làm trà sữa
(Ảnh: vtv.vn)
Nguyên liệu làm trà sữa nấm mốc, vương vãi trên sàn nhà
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa tạm giữ hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hóa thuộc Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam.
Công ty này có trụ sở chính tại tầng 1 căn nhà V1-A03 thuộc dự án The Terra An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ sở do ông Nguyễn Hữu Toàn làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt. Nhân viên tại cơ sở chỉ xuất trình được một số giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, tờ khai hải quan và một số hóa đơn chứng từ của một vài chủng loại sản phẩm.
Đặc biệt, nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal Tea, Gong Cha... cùng hàng trăm nghìn nhãn phụ hàng hoá được đóng trong các thùng carton và bao tải dứa màu xanh. Nhiều thùng hàng đã bị bật tung, ẩm mốc, vương vãi dưới nền nhà. Đáng chú ý, dưới nền các kho hàng là ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.
Thông tin ban đầu, Đoàn kiểm tra cho biết hàng hóa tại đây có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại.
Gong Cha bình luận gì?
Trước vấn đề này, thương hiệu Gong Cha đã chính thức lên tiếng khẳng định chất lượng của sản phẩm.
(Nguồn: facebook Gong Cha Viet Nam)
Gong Cha khẳng định, đây là hành vi phạm pháp của thương nhân khác, cố tình làm giả làm nhái, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Thực hư vụ việc này như thế nào vẫn phải chờ sự vào cuộc điều tra của cơ quan chức năng, cho người tiêu dùng một câu trả lời thỏa đáng nhất.
Việc sản xuất buôn bán trái phép hàng giả hàng nhái và những nỗi lo hiện hữu
Không chỉ về vụ việc này, trước đây có rất nhiều vụ về hàng giả hàng nhái gây lên nhiều tranh cãi. Nỗi lo từ phía cơ quan chức năng từ việc quản lí và quan trọng hơn nữa là niềm tin sức khỏe của người tiêu dùng, cuối cùng là từ phía doanh nghiệp cũng có thể họ là người bị hại và cũng có thể họ chính là chủ sở hữu hàng giả, hàng nhái đó.
Một thương hiệu được hình thành lên là cả một quá trình và hợp pháp, bản thân Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng chưa thực sự tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả cùng các cơ quan chức năng. Có DN thấy hình ảnh sản phẩm của mình bị làm giả thì hốt hoảng. DN không muốn thương hiệu của mình được nhắc đến khi bị làm giả do sợ sẽ khó bán hàng.
Đối với việc lộng hành của hàng giả, hàng nhái là một thách thức to lớn đối với cơ quan chức năng.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tội phạm hàng giả đã len vào từng ngõ ngách với những việc làm rất tinh vi.
“Có khi chúng tôi bắt được 7 vụ vi phạm hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chỉ khởi tố được 1 vụ, còn lại 6 vụ thì các bộ, ngành xử lý hành chính. Đây là một thực tế khó khăn, nhìn thấy rõ tội, bức xúc nhưng phải làm theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy hiện có quá nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn chồng chéo”, Đại tá Trực cho hay.
Pháp Luật hiện hành có quy định như thế nào
Ngày 09/03/2021, Bộ trưởng BCT đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng mức xử phạt với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 3 như sau:
“Sửa đổi điểm a khoản 4 và bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:
“a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;”
Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt này hoàn toàn phù hợp cũng như là một sự răn đe đối với những cá nhân, tổ chức có ý định thực hiện hành vi sản xuất buôn bán, hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu.
Trước thời đại trên đà phát triển không ngừng hiện nay và thêm khoảng thời gian covid đang hoành hành mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ, các hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại cũng giảm dần. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, số vụ vi phạm tăng lên, phương thức vi phạm cũng tinh vi hơn rất nhiều. Lúc này thì mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị cần tốt hơn trong câu chuyện chống hàng giả và nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Mấu chốt quan trọng nhất là ở các Doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp cần nâng cao ý thức trách nhiệm cao tuyệt đối, không thể vì lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến toàn xã hội. Cần tố cáo những hành vi sai trái vi phạm pháp luật và nhận hình thức phạt xứng đáng.
HỒNG VUI