Hỗ trợ sản xuất sản phẩm mẫu từ sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao – Chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế của Hàn Quốc

Theo báo cáo về chỉ số sở hữu trí tuệ thế giới được công bố vào ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hàn Quốc là một trong những nước dẫn đầu đăng ký đơn sáng chế của thế giới,...

… cụ thể trong năm 2018 dẫn đầu thế giới là Trung Quốc với 1,54 triệu đơn đăng ký tiếp theo là Hoa Kỳ (597.141), Nhật Bản (313.567), Hàn Quốc (209.992) và châu Âu (EPO: 174.397). Cùng với nhau, năm quốc gia và khu vực này chiếm 85,3% tổng số đơn trên toàn thế giới.

Song song với việc thúc đẩy đăng ký sáng chế, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ thương mại hóa sáng chế, ví dụ như Chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm mẫu cho những sáng chế/giải pháp hữu ích (SC/GPHI) có tiềm năng thương mại hóa cao (là những SC/GPHI được đánh giá là vượt trội cả về công nghệ lẫn tiềm năng thương mại). Chương trình này được triển khai trong giai đoạn từ 1982 - 2011, những SC/GPHI được chọn tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ thiết kế 3D và sản xuất sản phẩm mẫu trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đối tượng được phép tham gia Chương trình là nhà sáng chế cá nhân (có kế hoạch thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp) hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có bằng SC/GPHI được đánh giá là vượt trội cả về mặt công nghệ lẫn thương mại nhưng không đủ tài chính để sản xuất sản phẩm mẫu. Ngoài ra, nhà sáng chế cá nhân và DNNVV sẽ được ưu tiên hơn nếu đáp ứng được một trong những điều kiện sau:

  1. DNNVV có cơ chế chi thưởng cho nhân viên là tác giả của SC/GPHI mà DNNVV được hưởng lợi từ việc áp dụng SC/GPHI này;
  2. Nhà sáng chế cá nhân là người có công, người khuyết tật, phụ nữ;
  3. Nhà sáng chế cá nhân hoặc DNVVN đã được nhận hỗ trợ từ các chương trình của Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO).

Quy trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm mẫu từ SC/GPHI có tiềm năng thương mại hóa cao được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:
 

https://www.most.gov.vn/Images/editor/images/sc1(3).jpg

Quy trình hỗ trợ Sản xuất sản phẩm mẫu từ Sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao (Nguồn: Guidebook for SMEs’ IP Business Cycle, KIPA)

Đầu tiên đại diện Chương trình là một tổ chức công được chỉ định sẽ kêu gọi nhận hồ sơ của các ứng viên tham gia và thành lập danh sách các nhà cung cấp dịch vụ trung gian nơi mà sẽ đảm nhận khâu sản xuất các sản phẩm mẫu. Sau khi lựa chọn được ứng viên và nghiên cứu chi phí giữa ứng viên và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian, các ứng viên này sẽ được sản xuất sản phẩm mẫu với nhà cung cấp dịch vụ phù hợp (việc nghiên cứu chi phí là do chương trình không trả hết toàn bộ kinh phí, nên cần xem xét sự phù hợp về chi phí giữa việc sản xuất sản phẩm mẫu và nhà cung cấp dịch vụ trung gian, đồng thời chương trình sẽ trả tiền cho nhà cung cấp trung gian thay vì đưa cho ứng viên). Tiếp theo sau khi sản xuất ra sản phẩm mẫu tổ chức công sẽ cùng ứng viên kiểm tra và bàn giao sản phẩm mẫu cho ứng viên.

Chương trình hỗ trợ 70% đến 90% chi phí từ nguồn ngân sách (tối đa 20 triệu KRW tương đương 17 nghìn đô la Mỹ) sản xuất sản phẩm mẫu, 10% đến 30% chi phí còn lại do ứng viên tự chi trả. Đối với những sáng chế phức tạp mà việc xây dựng sản phẩm mẫu đòi hỏi một nhóm nhà cung cấp dịch vụ, Chương trình sẽ lựa chọn các nhà cung cấp từ nhiều lĩnh vực khác nhau (máy móc, điện, điện tử, hóa học, sinh học, v.v.) theo công nghệ cần thiết để sản xuất sản phẩm mẫu. Do việc thanh toán được trả trực tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ vì vậy điều này cho phép minh bạch hóa việc chi tiêu ngân sách để thuận lợi cho quá trình vận hành và quản lý Chương trình.

Chương trình được đánh giá là rất hiệu quả trong việc hỗ trợ các cá nhân và DN phát triển sản phẩm mẫu từ bằng SC/GPHI nhiều tiềm năng - theo báo cáo của Guidebook for SME's IP-Business cycle, 2017- đồng thời giảm thiểu tình trạng lãng phí công nghệ do hạn chế về tài chính của chủ bằng SC/GPHI. Tỷ lệ thương mại hóa sản phẩm, công nghệ của những nhà sáng chế/DNNVV được chương trình hỗ trợ cao hơn (71,4% vào năm 2011) so với nhà sáng chế/DNNVV không được hỗ trợ (59,7% năm 2011). Sau mỗi chương trình, mức độ hài lòng về chương trình của nhà sáng chế/DNNVV đã nhận hỗ trợ cũng ở mức cao, đạt 80,1/100 điểm năm 2010 và 83,8/100 điểm năm 2011.

 Ý nghĩa của chính sách này ở Hàn Quốc là nhà nước hỗ trợ các nhà sáng chế, DNNVV có sở hữu bằng sáng chế có tiềm năng thương mại hóa cao tạo ra được sản phẩm mẫu thử nghiệm để từ đó có thể giới thiệu đến người mua tiềm năng (có thể là tổ chức công hoặc các doanh nghiệp khác có nhu cầu mua, ứng dụng, khai thác sáng chế); Người mua tiềm năng tiếp cận sản phẩm mẫu, đánh giá tính khả thi, tính phù hợp, nếu được sẽ đặt mua hay thương mại hóa sáng chế đó. Như vậy trước khi kết nối với người mua tiềm năng, nhà sáng chế, DNNVV đã phải có sản phẩm mẫu trong tay và để làm bước này thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Đối với những nhà sáng chế cá nhân, DNNVV không có tiềm lực tài chính thì chính sách này là “bệ phóng” gia tăng việc tạo ra các sản phẩm mới cho cộng đồng cũng như phát huy tính sáng tạo của các tổ chức cá nhân đơn lẻ. 

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

 

Tài liệu tham khảo

1.Guidebook for SME's IP-Business cycle, 2017.

2.https://ipc.net.vn/toan-canh-chi-so-so-huu-tri-tue-the-gioi-chau-a-giu-ky-luc.

3.Báo cáo thường niên Cơ quan sở hữu trí tuệ Hàn Quốc 2019 : https://www.kipo.go.kr/en/HtmlApp?c=60114&catmenu=ek07_01_01_19

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.