… nhằm góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực, nguồn trí tuệ của toàn cầu
Nhóm tác giả của sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch COVID-19 Vihelm" tham gia trình diễn trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2020 tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Phát huy nguồn lực Việt
Từng là founder ở Silicon Valley (Mỹ) với AgaMatrix (startup có doanh thu gần 100 triệu USD), bà Lê Diệp Kiều Trang đã mang vốn và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam. Hiện bà Lê Diệp Kiều Trang là Giám đốc tài chính công ty AREVO, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster.
“Hoạt động đầu tư dựa trên các yếu tố: Vốn, công nghệ và con người. Vốn và công nghệ, chúng tôi mang từ nước ngoài vào, còn về con người, chúng tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào nhân lực ở Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít nước hiếm hoi có được nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật tốt, cùng với đó là nguồn lực lao động cơ bản dồi dào”, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.
Cho rằng Việt Nam cần có cơ chế khai thác thế mạnh này, bà Trang minh chứng từ câu chuyện về startup Harrison AI hoạt động lĩnh vực y khoa được sáng lập bởi hai du học sinh người Việt tại Australia. Startup này đưa ra sản phẩm đầu tiên là annalise.ai - công cụ sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để chuẩn đoán hình ảnh X-quang lồng ngực.
Harrison đã xây dựng đội ngũ 150 bác sĩ chuẩn đoán ở Việt Nam, chủ yếu tại TPHCM, trong 1 năm đã cho ra đời sản phẩm đầu tay là ứng dụng đọc phim X-ray lồng ngực. Trong khi các sản phẩm tương tự trên thị trường chỉ chẩn đoán được 21 loại bệnh còn annalise.ai của các bác sĩ tại Việt Nam có thể chuẩn đoán được 124 loại bệnh. Sản phẩm này được công nhận và cho lưu hành ở các bệnh viện tại Australia, châu Âu, đang chờ được sử dụng tại Mỹ. Ngoài công nghệ, thành công của startup này cũng là nhờ trí tuệ của nguồn nhân lực Việt chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, nhiều người học tập và phát triển ở nước ngoài đã và đang tìm về khởi nghiệp ở Việt Nam bởi những thế mạnh và tiềm năng lớn của một nơi mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang ở những bước đầu phát triển mạnh mẽ.
Trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu, sau đợt sản xuất đầu tiên, năm 2019, ông Trần Bảo Khánh, Giám đốc công ty Rens Original (chuyên sản xuất giày chống nước từ bã cà phê và nhựa tái chế) đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Hiện 100% sản phẩm giày của công ty được sản xuất tại Việt Nam để phục vụ những thị trường khó tính như Đức, Phần Lan, các nước Bắc Âu.
"Dù là một quyết định khá táo bạo trong thời điểm dịch bệnh nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, trong 10 năm qua, công nghệ và chất lượng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành da giày và quần áo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt trội với công nghệ mới và nguồn nguyên vật liệu dồi dào. Nếu không được nhận hỗ trợ từ Nhà nước để tiếp cận được nguồn nhân lực Việt Nam và cạnh tranh với thị trường khác, công ty đã không có những thành công hiện nay", ông Khánh nói.
Hiện nay, mặc dù Việt Nam đang ở đợt dịch lớn và phức tạp nhất, nhưng ông Trần Bảo Khánh vẫn tin tưởng vào công tác quản lý và các quyết sách của Chính phủ để thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.
Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng (là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam) đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới.
Cũng theo đánh giá của Bộ KH&CN, đã có nhiều DN, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận; có nhiều DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo đã bước ra sân chơi quốc tế.
Hình thành Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển cũng như thu hút các chuyên gia, trí thức, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam là đặc biệt quan trọng.
Trong những năm gần đây, thông qua việc thực hiện Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội nhằm gắn kết trí thức, kiều bào Việt hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trong đó phải kể đến: Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” (San Francisco, Hoa Kỳ, tháng 12/2017) và “Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” (TPHCM, tháng 6/2018).
Năm 2019, TECHFEST Quốc tế tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc do Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức cũng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư tại các quốc gia này…
Những hoạt động trên là tiền đề để Bộ KH&CN nắm bắt được thực trạng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc triển khai các dự án, DN đổi mới sáng tạo, đưa các giải pháp này về Việt Nam và hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ KH&CN đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số trọng tâm hoạt động trong việc triển khai Đề án 844 tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Quyết định 188 đã bổ sung thêm mục tiêu: "Phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài".
Trên cơ sở đó, Văn phòng Đề án 844 đã phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN-Bộ KH&CN) bắt đầu xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (VIEN: Vietnam Innovative Entrepreneur), đặc biệt hướng tới các chuyên gia, doanh nhân người Việt tại nước ngoài (hoặc đã về nước) liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu để tập hợp, hình thành mạng lưới.
Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu
Mới đây, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao phát động chương trình “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”. Theo đó, các chuyên gia người Việt ở nước ngoài sẽ hỗ trợ các startup Việt Nam giải quyết các vấn đề khó khăn mà startup đang gặp phải dưới dạng hình thức cố vấn 1-1.
Chương trình dự kiến có sự tham gia của các chuyên gia người Việt về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Silicon Valley (Mỹ), Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản... trên nhiều lĩnh vực như Fintech, Edtech, Agritech... Từ đó, hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn người Việt ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Để triển khai mạnh mẽ chương trình này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN thực hiện các mục tiêu cụ thể như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng cơ chế giới thiệu, kết nối, thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các DN khởi nghiệp Việt Nam; tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến chuyển giao công nghệ; tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, kết nối hoạt động của các địa phương với mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Chuyên gia công nghệ, doanh nhân, Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập, làm việc tại nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao và Bộ KH&CN cũng tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.
Trong đó, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam đã được Chính phủ ban hành 1/3/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với đơn vị chủ trì là Bộ KH&CN xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Hoàng Giang