Kinh tế Việt Nam chủ động bước qua 2020, sẵn sàng đối diện thử thách trong 2021

(PLBQ). Việt Nam là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới giữa đại dịch Covid – 19, sự chủ động đối phó dịch bệnh mang đến những thành tích nhất định của nền kinh tế. Cùng với đà phát triển đó Việt Nam đã sẵn sàng đối diện và tiến tới những thành tựu mới trong 2021.

Thực trạng kinh tế Việt Nam trong năm 2020

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội chung của hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2020 cũng là một năm đầy khó khăn và thách thức cho cả Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân. Ngoài đại dịch, ở trong nước, trận lũ lịch sử xảy ra tại miền Trung hồi tháng 7 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trở nên tăng mạnh.

Đối mặt với những thách thức cực kỳ khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã rất kiên quyết đưa ra những giải pháp quyết liệt nhưng tự tin nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “ngăn chặn đại dịch và phát triển kinh tế-xã hội”. Và nhờ đó, nền kinh tế đã bước qua năm 2020 với thành quả đạt được đáng khích lệ khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng, hạn chế thấp nhất tình trạng các doanh nghiệp phải giải thế hay phá sản.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2020 chỉ đạt được mức khiêm tốn, 2,91%, mức thấp nhất nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trước những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra thì tỷ lệ này cũng được coi là một sự thành công của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, và cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam hiện đang là một trong ba nước Châu Á có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Quả thực thì đại dịch đã mang đến vô vàn những thách thức không thể lường trước nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nói riêng.

Yếu tố giúp Việt Nam vượt qua và vực dậy nền kinh tế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2020, so với mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 3,98%, đóng góp 1,62 điểm vào mức tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp sản xuất chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế đi lên với mức 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông sản tăng mạnh bất chấp khó khăn do Covid-19 gây ra, kim ngạch xuất khẩu gạo lần đầu tiên đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt trên 12 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việc tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do như EVFTA, CPTPP, v.v. đã mang lại những dấu hiệu khả quan cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là EVFTA. Trong năm 2020, xuất khẩu vào thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD. Điều này cho thấy năng lực sản xuất trong nước đã tăng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo điều kiện thuận lợi, và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu.

Sự thông thoáng của hành lang pháp lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt đông đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Như đã nêu bên trên, đại dịch đã gây ra rất nhiều những khó khăn nhưng cũng mang lại không ít cơ hội cho Việt Nam. Sự xoay trục kinh tế cũng như sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Việt Nam chuyển mình. Rất nhiều nhà đầu tư cố gắng tìm kiếm điểm đến đầu tư mới cuối cùng đã quyết định lựa chọn Việt Nam cho những dự án sắp tới. Bên cạnh việc đầu tư thông qua hình thức thành lập các tổ chức kinh tế mới, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn hình thức đầu tư bằng các thương vụ M&A. Hình thức đầu tư này cũng đang được quan tâm và phổ biến trong thời điểm hiện tại nhờ những ưu điểm giúp các nhà đầu tư giảm thiểu được nhiều chi phí và những khó khăn ban đầu khi tiếp cận một thị trường mới với nền văn hóa và môi trường kinh doanh mới. 

* Ban hành nhiều Văn bản quy phạm pháp luật nổi bật

Việc ban hành và sớm đưa vào thực hiện một số đạo luật điển hình như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hay Bộ luật Lao động năm 2019 cùng có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2021 cùng với những sửa đổi các quy định về thuế, giấy phép lao động, tiền thuê đất, v.v. là nhiều trong số những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhằm sớm hoàn thành mục tiêu kép “ngăn chặn đại dịch và phát triển kinh tế-xã hội”.

Do sự sụt giảm kinh tế của nhiều nước mạnh là đối tác chính của Việt Nam đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Để sớm khắc phục được tình trạng này, vừa mới đây Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất Chính phủ ban hành quy định tiếp tục gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất, v.v. cho các doanh nghiệp, tiểu thương,.. để nhằm giúp họ có thêm nguồn lực tài chính, củng cố dòng tiền để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, đây cũng là một trong những mục tiêu chính trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Sau sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào cuối tháng 01 năm 2021 và đầu tháng 02 năm 2021, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế (“Đề án”). Bản Đề án sẽ hiện thực hóa nội dung của Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 03 tháng 6 năm 2017 và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 10 năm 2017 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo định hướng chính phủ số đến năm 2030, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế nói chung nhưng cũng đặc biệt chú trọng đến nền kinh tế tư nhân nói riêng để họ có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đối mặt với thách thức mới của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba

Theo các dự báo tăng trưởng trước đó, dự kiến đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát nhanh chóng vào giữa năm 2021 trên toàn thế giới và tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dự báo này dường như không còn khả thi tại thời điểm này khi thực tế thế giới vẫn phải tiếp tục đối phó với các chủng virus corona mới,và tại Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung nguồn lực dập đợt bùng phát dịch lần thứ ba.

Măc dầu vậy, với những kinh nghiệm và sự thành công trong hai đợt bùng dịch trước, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục chứng minh cho thế giới và người dân Việt Nam thấy Việt Nam luôn trong thế chủ động kiểm soát tốt đại dịch và bình tĩnh xử lý được tình hình. Không những thế, Việt Nam đang tiến tới mục tiêu tiêm chủng vaccine miễn phí cho toàn bộ người dân Việt Nam. Song song với việc nhập khẩu vắc-xin từ nước ngoài, ở trong nước các nhà khoa học Việt Nam cũng đang làm việc hết sức mình để sớm nghiên cứu thành công vaccine made in Việt Nam.

Quả thực thì dù muốn dù không đại dịch vẫn đang là một trở ngại lớn nhất đối với toàn bộ hệ thống kinh tế, và cho đến nay các doanh nghiệp đã dần thích nghi với sự hiện diện của nó. Có thể thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp cũng đã dần dần thay đổi cách thức tiếp cận thị trường thông qua nhiều kênh thương mại trong đó thương mại điện tử được hy vọng là một kênh phát triển mạnh mẽ đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ bán lẻ và lữ hành. Cùng với việc tiếp cận nền kinh tế số, các doanh nghiệp theo đó càn cải tạo quy trình sản xuất kinh doanh truyền thống sang mô hình hệ sinh thái gắn kết sản xuất, thương mại gắn với sử dụng, có như vậy mới làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

Như một chuyên gia kinh tế đã nhận định, Việt Nam hiện nay đang đứng trước một cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc thông qua việc biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số thành cú hích quan trọng, là trụ cột nền tảng để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế do dịch bệnh.

Chỉ có kiểm soát tốt dịch bệnh mới là điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng.

ĐẶNG NHUNG

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.