Nhiều từ khóa nổi lên xung quanh cuộc chiến vaccine ngừa Covid-19 như quyền sở hữu trí tuệ, ngoại giao vaccine, bất bình đẳng vaccine, lợi nhuận, sản xuất vaccine mở và danh sách này vẫn còn tiếp tục.
Khi những loại vaccine đầu tiên được phê duyệt sử dụng khẩn cấp, sự độc quyền trong sản xuất vaccine của các hãng dược phẩm lớn và khả năng thương lượng của các nước giàu đã dẫn đến việc các quốc gia bước vào cuộc chạy đua để sở hữu vaccine.
Theo báo cáo, các quốc gia giàu có chỉ chiếm 16% dân số thế giới, nhưng đã sở hữu 60% lượng vaccine. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng về vấn đề này bởi những quốc gia giàu đang có gấp 3 lần lượng vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ.
Miễn trừ bản quyền - Chìa khóa mở 'nút thắt' trong sản xuất vaccine phòng Covid-19? |
COVAX, cơ chế tạo điều kiện tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, đã được thiết lập để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc mua sắm và phân phối vaccine, đảm bảo cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine.
Tuyên bố của chính quyền Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 đang được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ nhưng lại vấp phải phản ứng dè dặt từ châu Âu và dĩ nhiên là thái độ cực lực phản đối của các tập đoàn dược phẩm, chủ nhân của các phát minh.
Quốc tế ủng hộ
Ngày 5/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố ủng hộ việc tạm hoãn bảo vệ bản quyền vaccine ngừa Covid-19. Như vậy, Mỹ đã ủng hộ yêu cầu của các nước đang phát triển về việc tạm miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19.
Điều này cho phép các nước đang phát triển sản xuất hoặc nhập khẩu các liều vaccine gốc mà không cần sự cho phép của các công ty sở hữu bằng sáng chế.
Ý tưởng từng được Ấn Độ và Nam Phi đề xuất với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2020 đã lập tức được Tổng Giám đốc định chế này, bà Ngozi Okonjo-Iweala “nhiệt liệt hoan nghênh”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng gọi đây là một “quyết định lịch sử”, trong khi một phát ngôn viên của Liên hợp quốc (LHQ) ca ngợi đây là một cử chỉ cho phép chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo vốn đang rất cần vào lúc này.
Về phía các quốc gia, vài giờ sau tuyên bố của Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc bỏ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Tuyên bố của Tổng thống Pháp đáng chú ý vì chỉ mới đây, ngày 23/4, ông còn phản đối việc dỡ bỏ sở hữu trí tuệ ngay lập tức với lời giải thích rằng vấn đề thực ra là chuyển giao công nghệ.
Báo chí Pháp cũng rất quan tâm đến sự kiện này, trong đó tờ La Croix đăng tựa "Ổ khóa chính đã được phá", ca ngợi Tổng thống Mỹ Biden là người dám mạo hiểm và là người phù hợp để làm việc đó bởi từ khi ông nhậm chức, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ đã rất thành công.
Theo La Croix, về mặt biểu tượng, việc Mỹ muốn dỡ bỏ quyền bảo hộ sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 là một quyết định quan trọng bởi nó cho thấy vấn đề sức khỏe cộng đồng có giá trị hơn cả bằng sáng chế.
Vaccine sẽ sớm được công nhận là một “tài sản công” của thế giới.
Những phản ứng dè dặt
Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà với việc miễn trừ bản quyền vaccine ngừa Covid-19. Liên minh châu Âu (EU), qua lời của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, không tuyên bố ủng hộ mà chỉ “sẵn sàng thảo luận” đề xuất của Mỹ nhằm tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine.
Hãng tin AFP dẫn lời bà phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề một hội nghị thượng đỉnh của EU tại Bồ Đào Nha: “Một quyết định từ bỏ bản quyền của một tài sản trí tuệ sẽ không giải quyết được vấn đề, không đem lại thêm dù chỉ là một liều vaccine trong ngắn và trung hạn”.
Trong khi EU nói chung có thái độ dè dặt thì Đức và Thụy Sỹ có phản ứng mạnh mẽ hơn. Ngày 6/5, Chính phủ Đức bày tỏ sự dè dặt đối với đề xuất do Mỹ hậu thuẫn, cho rằng bản quyền vaccine nên tiếp tục được “bảo hộ”.
Đồng tình với Đức là Thụy Sỹ, nơi ngành công nghiệp dược phẩm có trọng lượng kinh tế lớn. Theo chính quyền nước này, việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế sẽ không giúp gì cho việc “tiếp cận công bằng, giá cả phải chăng và nhanh chóng đối với vaccine, thuốc điều trị và sản phẩm chẩn đoán Covid-19”.
Lập luận của Thụy Sỹ cũng là quan điểm của các viện bào chế. Hãng dược phẩm BioNTech của Đức cho rằng bản quyền bằng sáng chế vaccine Covid-19 không phải là yếu tố hạn chế việc sản xuất và cung cấp vaccine được tập đoàn Pfizer của Mỹ phát triển. Đối với BioNTech, một biện pháp như vậy sẽ không có tác dụng “trong ngắn hạn và trung hạn”.
Liên đoàn Công nghiệp Dược phẩm Quốc tế (IFPMA), đại diện cho ngành công nghiệp dược phẩm đã không ngần ngại tỏ thái độ thất vọng trước thông báo của chính quyền Tổng thống Biden, cho rằng đó là “phản ứng thô thiển và lệch lạc đối với một vấn đề phức tạp”.
Tình hình sản xuất và xuất khẩu vaccine Covid-19 ở EU ra sao? Tình hình sản xuất và xuất khẩu vaccine Covid-19 ở EU ra sao?
Không phải "cây đũa thần"
Theo giới phân tích, việc đình chỉ bảo hộ sáng chế vaccine có thể cho phép tăng tốc sản xuất trên toàn cầu để chống lại một đại dịch đang tiếp tục tàn phá và đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên thế giới.
Tuy nhiên, hủy bỏ quyền bảo hộ sáng chế vaccine không phải “cây đũa thần”, bởi còn nhiều chướng ngại vật phía trước, trong đó có vấn đề tài chính và chính trị.
Báo kinh tế Les Echos đề cập đến việc tại sao các tập đoàn dược phẩm lại không ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19.
Dựa trên 11 loại vaccine được bán trên thị trường, viện CEPI của Pháp cho biết tính trung bình, mỗi dự án phát triển vaccine cần 10 năm, với số tiền đầu tư 2,8-3,7 tỷ USD và tỷ lệ thất bại ở thời điểm khởi đầu dự án lên tới 94%.
Nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo đảm, các hãng bào chế rất khó tìm được nhà đầu tư tài chính.
Theo Les Echos, không chỉ lo sợ mất nguồn thu nếu bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 bị đình chỉ, các tập đoàn còn đặc biệt lo ngại về việc mất kiểm soát hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền lệ cho việc đình chỉ sáng chế tương tự nếu sau này thế giới lại lâm vào khủng hoảng dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Roland Rajah, Giám đốc Chương trình Kinh tế học Quốc tế, đã chỉ ra một số lý do cho thấy việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 sẽ không “giết chết” sự đổi mới, nhưng cũng sẽ không tự nhiên đem lại nhiều liều vaccine hơn để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay.
Ông phân tích rằng khi nói đến bằng sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác, mục tiêu luôn là cân bằng giữa lợi ích của việc cung cấp động lực đổi mới và cái giá của việc hạn chế khả năng tiếp cận các ý tưởng và công nghệ mới, trong trường hợp này là vaccine có thể cứu nhân loại khỏi đại dịch Covid-19.
Tiêm phòng vaccine Covid-19 tại thủ đô Manila (Philippines). (Nguồn: Rappler)
Một cái nhìn đúng đắn về giá trị sáng chế là rất quan trọng. Đúng là các công ty tư nhân đã phát minh ra các loại vaccine ngừa Covid-19, nhưng họ được hỗ trợ hàng tỷ USD từ nguồn kinh phí công và được chính phủ cung cấp nhiều sự ủng hộ khác.
Ngoài việc thưởng cho các công ty tư nhân dám chấp nhận rủi ro, các bằng sáng chế còn tư nhân hóa lợi nhuận thu được từ việc công chúng cũng chấp nhận rủi ro đó. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc tạm từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine sẽ khó có thể làm mất đi động lực của việc đổi mới.
Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ít nhất cũng sẽ giúp tăng năng lực sản xuất vaccine ở một mức độ nhất định, đặc biệt là theo thời gian và bằng cách thúc đẩy các công ty phát minh ký nhiều thỏa thuận cấp phép hơn.
Hơn nữa, các biến thể mới và nguy hiểm hơn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện, làm giảm hiệu quả của vaccine, các nước cần thêm nhiều liều hơn để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Các mũi tiêm nhắc lại cũng có thể cần tới để duy trì khả năng miễn dịch.
Do đó, nhu cầu vaccine ở các nước giàu sẽ vẫn tiếp tục. Chủ nghĩa dân tộc vaccine và các lợi ích thương mại tiếp tục là mối đe dọa khiến cho các nước đang phát triển vẫn phải đứng cuối hàng chờ để có được vaccine, thậm chí phải chờ lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn và tiếp tục tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Người đứng đầu WTO bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách cung cấp khổng lồ giữa các nước giàu và nghèo.
Điểm mấu chốt hiện nay là thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Các nước đang phát triển cần được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn cung cấp vaccine đã có sẵn trong ngắn hạn. Các nước giàu - bao gồm cả Mỹ và Australia - đã bắt đầu chia sẻ nhiều liều vaccine hơn. Tuy nhiên, còn nhiều việc cần làm hơn vì lợi ích chung của thế giới trong việc đánh bại đại dịch.
MAI LY (tổng hợp)