Ngẫm nghĩ từ những tin tức ngụy biện trên mạng xã hội

Đất nước đang bộn bề những gian nan. Dịch Covid-19 bùng phát từ những ngày đầu tiên của năm 2020 và đến nay vẫn chưa có tín hiệu dừng lại, kéo theo những hệ lụy nặng nề về kinh tế, xã hội.

Những gian nan đó, không chỉ riêng của Việt Nam mà của cả thế giới. Cho dù thời gian qua, Việt Nam đã làm rất tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh, được thế giới công nhận, nhưng không vì thế mà đứng ngoài chiến trận. Có thể nói, cả thế giới đang thực sự gồng mình trong một cuộc chiến với dịch bệnh và hậu quả của dịch bệnh.

https://lsvn.vn/uploads/photos/9/10/61010cc1ec116.png

Ảnh minh họa.

Cuộc chiến đấu với dịch bệnh hiện tại có những điểm khác với những cuộc chiến tranh bằng bom đạn trong lịch sử, bởi sự xuất hiện của một mặt trận ảo mà rất thực là mạng xã hội, như Facebook, Tiktok, Zalo, Google… Nơi đó cũng diễn ra sự đấu tranh kịch liệt giữa lương tri chân thiện mỹ với những cái nhìn bi quan, kích động, phiến diện. Trên một mặt trận chiến đấu mà cả toàn dân xung trận, thì những giá trị về tinh thần, tư tưởng có sức mạnh không kém những giá trị về vật chất, tài chính để cỗ vũ, tiếp sức tới thắng lợi, nên sự lưu tâm tới mặt trận trên mạng xã hội là không nên bỏ quên.

Và mỗi chúng ta, cũng nên là những chiến sỹ tranh đấu cả trên mạng xã hội.

Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều cá nhân bị cơ quan Nhà nước xử phạt về hành vi đưa tin sai sự thật, lan truyền tin giả, với mức xử phạt lên tới hàng chục triệu đồng. Đó là những hành vi sai phạm một cách rõ ràng và việc xử phạt không có gì cần phải bàn cãi.

Nhưng có một số tin tức lan truyền trên mạng, rất khó có thể xử phạt, nhưng lại độc hại không kém những tin giả, tin bịa đặt. Đó là những tin tức đưa lên bằng xảo thuật ngụy biện hoặc trở thành ngụy biện khi lan truyền trên mạng xã hội.

Một nửa sự thật chưa phải là sự thật. Trong lúc toàn xã hội đang bộn bề và nặng trĩu khó khăn vì bệnh dịch, thì một vài hiện tượng tiêu cực cá biệt hoàn toàn có thể xảy ra. Sự quá tải cục bộ hoặc nguy cơ quá tải là điều hoàn toàn có thể phỏng đoán được. Một ca bệnh nặng không được cấp cứu kịp thời, một nhóm người chưa được hỗ trợ, hoặc thậm chí một người nào đó không may qua đời vì thiếu sự giúp đỡ... Nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh của sự thật.

Cái riêng không phản ánh hết được những thuộc tính của cái chung, cái cá biệt không phản ánh hết được những thuộc tính của cái tổng thể. Nhưng nếu cái cá biệt được rêu rao, được tung hê, được lan truyền rộng rãi thì có thể tạo cảm giác như là một hiện tượng tổng thể, gây hiệu ứng tâm lý sai trái trên bình diện toàn xã hội. Đó là một biểu hiện cụ thể của ngụy biện, dẫn tới nhận thức sai lệch về thực tiễn.

Rất nhiều người, đặc biệt là người nổi tiếng, có ảnh hưởng lên trên mạng xã hội và truyền thông, rất có trách nhiệm trong việc ngôn luận của mình, đóng góp tích cực cho xã hội. Tiếc thay, có một số người đang được nhiều người follow (theo dõi) trên mạng xã hội lại tùy tiện phát ngôn, nói những điều không nên nói, nói những điều chưa kiểm chứng hoặc nói những sự thật cá biệt gây hiểu nhầm thành sự thật tổng thể. Hiện tượng "thầy bói xem voi" phổ biến trên mạng xã hội trở thành thứ phương tiện định hướng dư luận, làm thay đổi nhận thức về sự thật còn mạnh hơn cả báo chí chính thống.

Một mẩu tin tức, trong bối cảnh riêng của nó có thể là đúng, vì nó phản ánh đúng sự thật riêng rẽ của nó. Nhưng khi cái tin đó lan truyền trên bình diện rộng, thì có thể không còn là đúng nữa, vì nó không phản ánh sự thật trên bình diện nơi mà tin tức lan truyền tới. Nhưng tiếc thay, với một chút gốc rễ của sự thật, tin tức ấy là tạo cảm giác như thể là đúng đắn với toàn xã hội. Người có trình độ và hiểu biết, nên hiểu về điều này trước khi lan truyền tin tức.

Cảm xúc nhất thời, bồng bột là của riêng mỗi cá nhân, nhưng sự biểu hiện cảm xúc đó lên mạng xã hội lại có thể phát triển theo một chiều hướng khác. Mỗi người, đặc biệt là những người nổi tiếng, nên tự ý thức được vị trí của mình trong xã hội để không vì cảm xúc nhất thời của mình mà làm tổn thương tới xã hội. Lợi ích cộng đồng mới là thứ Nhà nước và pháp luật hướng tới và bảo vệ, nên khi lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, nó sẽ có nguy cơ bị coi là trái với pháp luật nếu cố tình bộc lộ, biểu hiện ra ngoài xã hội tới độ rộng nhất định.

Quyền tự do ngôn luận là quyền được Hiến định, và pháp luật công nhận, bảo vệ quyền tự do ngôn luận đó. Nhưng không có sự tự do nào là tuyệt đối nếu nó chạm tới những giới hạn của lợi ích cộng đồng, và sự tự giác, tự ý thức của mỗi công dân mới là nền tảng để một xã hội trở nên văn minh. Pháp luật không phải là hiện thân của văn minh nhưng ý thức tự giác và chủ động chấp hành quy định pháp luật một cách thực tâm nhất có thể coi là biểu hiện và thước đo của trình độ văn minh.

Tôi ủng hộ quyền tự do phát ngôn, quyền tự do tư tưởng của mỗi con người. Nhưng trong giới hạn của trách nhiệm và lương tâm với đất nước, với đồng bào, tôi kịch liệt phản đối những người lợi dụng quyền tự do của mình để nói và làm những điều đi ngược lại lợi ích cộng đồng.

Trong lúc cả thế giới nói chung và đất nước nói riêng đang phải đối mặt dịch bệnh Covid-19 thì mỗi chúng ta nên tự ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ trong việc thực hiện các quy định về phòng chống bệnh dịch mà còn trong cả hoạt động trên mạng xã hội.

Luật sư HÀ HUY PHONG

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.