Nhận diện thủ đoạn xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử và kiến nghị giải pháp phòng, chống

Đinh Văn Chiến

(PLBQ) - Với số lượng người dùng khổng lồ và gần như không bị kiểm soát, các nền tảng mạng xã hội phổ biến hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử… thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày, đã và đang vô tình trở thành “môi trường thuận lợi” làm gia tăng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Nghiên cứu và phân tích sau đây của Nhóm PV Tạp chí Pháp lý sẽ chỉ ra những thủ đoạn mà các đối tượng thường áp dụng, qua đó kiến nghị giải pháp phòng, chống.

anh-1-1665394928.jpg

Công ty Beluga Vodka International Limited (một tập đoàn lớn tại Nga chuyên kinh doanh và sản xuất đồ uống có cồn) phải vất vả giành lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Belenkaya”

Số liệu thống kê cho thấy, ước tính mỗi năm có đến hàng ngàn vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Hàng loạt các sản phẩm có nhãn hiệu “na ná” các nhãn hiệu nổi tiếng; hoặc “treo đầu dê bán thịt chó” không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại gắn mác xuất tại Việt Nam. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT với số tiền xử phạt lên tới 20 tỷ đồng.

Mới đây nhất (30.9), Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát đi khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư vào “Nền tảng Vinpearl E+”; không phát tán thông tin trái phép, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bảo hộ thương hiệu của Vinpearl; không truy cập, nạp tiền tại các địa chỉ thuộc nền tảng Vinpearl E+; kịp thời cảnh báo người thân, bạn bè của mình về các dự án “ma”, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… là “giọt nước tràn ly”. Công ty Cổ phần Vinpearl khẳng định công ty và Tập đoàn Vingroup không có bất cứ dự án hay nền tảng nào có tên là “VinPearl E+ Nền tảng đầu tư mới 4.0”.

Nhận diện các thủ đoạn xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu

Trong bối cảnh hành lang pháp lý điều chỉnh còn nhiều bất cập, nguy cơ gia tăng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm. Bởi không gian để bọn tội phạm thực hiện hành vi không dừng lại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và ở môi trường thực tế; mà được mở rộng không giới hạn trên không gian mạng toàn cầu và thu hút sự tham gia của cả các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Từ thực tế các vụ việc và vụ án đã xảy ra, có thể nhận diện các chiêu thức, thủ đoạn của tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu thông qua mạng xã hội, như sau:

+ Một là: Mượn pháp nhân của chính doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng (được nhiều người biết đến) để sử dụng trái phép logo, thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp đó đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bằng thủ đoạn thiết lập các trang web, tài khoản, trang, nhóm, kể cả nền tảng mới để quảng bá, mời chào bằng những lời có cánh, hấp dẫn, kêu gọi đầu tư trái phép vào những dự án ảo, nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của thủ đoạn này thường là những nhà đầu tư thiếu thông tin. Điển hình như vụ của Công ty Cổ phần Vinpearl mới đây bị bọn tội phạm sử dụng trái phép logo, thương hiệu và hình ảnh trên các nền tảng xã hội, để quảng bá nội dung không có thực: “Tập đoàn VINGROUP cho ra mắt nền tảng đầu tư quảng báo trực tuyến về khách sạn cao cấp khu nghỉ dưỡng VINPEAL với chính sách hỗn dẫn”, để kêu gọi đầu tư vào nền tảng mới mang tên “Vinpearl E+ Nền tảng đầu tư mới 4.0” với cam kết “siêu lợi nhuận”… Đối với những thủ đoạn như thế này, nếu như Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền khác không kịp thời phát hiện và cảnh báo thì hậu quả sẽ rất khó lường.

+ Hai là: Dùng chính pháp nhân của mình để đánh cắp bản quyền nhãn hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp đã đăng ký và được bảo hộ quyền sở hữu, “hô biến” thành tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để khai thác trục lợi thông qua các nền tảng mạng xã hội. Nạn nhân của chiêu thức, thủ đoạn này cũng là những đối tượng thiếu thông tin chính thống về chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu. Điển hình của thủ đoạn này trong đó có hành vi của 2 DN sản xuất phim hoạt hình có trụ sở ở London - Anh là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (EO) đã gây ra đối với Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect).

Theo đó, ngoài hành vi ăn cắp bản quyền phim hoạt hình Wolfoo, theo đơn khởi kiện của Sconnect tại Tòa án Vương Quốc Anh từ tháng 2/2022, EO đã có hành vi vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng Wolfoo. Cụ thể là Sconnect phát hiện EO đã sử dụng các từ khóa Wolfoo trong rất nhiều video Peppa Pig và đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập vi bằng về hành vi vi phạm nhãn hiệu Wolfoo của EO. Theo bản tự khai tại Tòa án Vương Quốc Anh hồi tháng 7/2022, EO đã thừa nhận việc có sử dụng từ khóa Wolfoo trong các video và các kênh của Peppa Pig nhằm thu hút lượng người xem đến với Peppa Pig. Tuy nhiên cho đến nay, Tòa án Vương Quốc Anh vẫn chưa thụ lý vụ án.

+ Ba là: Sử dụng các dấu hiệu nhận biết trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó đã được bảo hộ, khiến người sử dụng dễ nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Hoặc sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, làm người sử dụng sản phẩm và dịch vụ nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng…

Điển hình cho thủ đoạn này là vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với bia SaiGon VietNam xảy ra tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vào tháng 9/2020. Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam hợp tác cùng Cơ sở bia BiVa để sản xuất bia mang nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Sabeco.

Trước đó năm 2018, vụ Asanzo Việt Nam đã sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Năm 2015 là vụ tranh chấp nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Acecook với sản phẩm mì Hảo Hạng của AsiaFoods. AsiaFoods đã lợi dụng sản phẩm mì Hảo Hảo của Acecook nổi tiếng nên đã “nhái” thành mì Hảo Hạng có kiểu dáng thiết kế giống y chang từ kiểu chữ, hình tô mì, sợi mì tôm, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể khiến người tiêu dùng khó nhận ra là giả. Tuy nhiên nhờ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên Công ty Đông Phương và Acecook đều thắng kiện…

+ Bốn là: Lợi dụng quy định của Luật SHTT không bắt buộc nhãn hiệu nổi tiếng đăng ký quyền sở hữu tại Cục SHTT hoặc trong khi mở rộng thị trường đầu tư và kinh doanh một số doanh nghiệp đã “quên” xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ tài sản SHTT, trong đó có nhãn hiệu; một số tổ chức, cá nhân đã “nhanh chân” nộp đơn đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu đó. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đánh mất thương hiệu, hoặc phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức để “đòi” lại nhãn hiệu và khẳng định lại thương hiệu. Câu chuyện Công ty Trung Nguyên từng đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu Cà phê Trung Nguyên khi mở rộng thị trường ở Mỹ (hồi năm 2000) vì chậm chân đăng ký quyền sở hữu là bài học đắc giá vẫn còn thời sự. Để lấy lại nhãn hiệu từ Công ty Rice Field , Trung Nguyên đã mất thời gian 2 năm trời và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD.

Gần đầy nhất, năm 2021, Công ty Beluga Vodka International Limited (một tập đoàn lớn tại Nga chuyên kinh doanh và sản xuất đồ uống có cồn) phải vất vả giành lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam. Sản phẩm rượu vodka gắn nhãn hiệu “Беленькая” (với phiên âm La-tinh là “Belenkaya”) ra mắt thị trường Nga và giới thiệu tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới từ năm 2001. Năm 2012, sản phẩm vodka “Belenkaya” được giới thiệu và kinh doanh tại Việt Nam do Công ty TNHH BELUGA Việt Nam chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối.

Tuy nhiên, do nhãn hiệu “Belenkaya” đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới nên Công ty BELUGA chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngay từ thời điểm các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” phân phối vào thị trường Việt Nam. Ngày 12/03/2018, Công ty TNHH nhà bếp Intel (Hà Nội) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Belenkaya” tại Cục SHTT và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Người tiêu dùng Việt Nam lầm tưởng rằng các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” được sản xuất, phân phối bởi chính tập đoàn BELUGA đến từ nước Nga.

Chế tài xử lý còn yếu và nhiều bất cập, hạn chế

anh-2-1665394969.jpg

Người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo của Acecook

Đến thời điểm này, liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu ngoài Luật SHTT đã có pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự điều chỉnh. Tuy nhiên nghiên cứu từ thực tế vận dụng cho thấy không những các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để răn đe tội phạm mà cơ chế để tổ chức thực thi các biện pháp chế tài còn nhiều bất cập. Cụ thể:

+ Đối với chế tài hành chính: Thực tiễn thi hành các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đến nay cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất vì thủ tục đơn giản, đặc biệt là trong trường hợp chủ thể quyền bị xâm phạm ưu tiên lựa chọn biện pháp để hành vi xâm phạm phải bị chấm dứt nhanh nhất có thể. Theo số liệu thống kê của Cục SHTT, có tới 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên ngay cả hình thức chế tài này cũng khó thực thi triệt để.

Để triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, ngày 29/08/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo đó, tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức phạt cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp là 250.000.000 đồng, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng. Theo các chuyên gia mức phạt này là quá nhẹ chưa tương xứng so với nguồn thu có được từ hành vi xâm hại nhãn hiệu. Tuy nhiên bất cập chủ yếu nằm ở chỗ, để cơ quan có thẩm quyền áp dụng mức phạt 250.000.000 đồng đối với chủ thể có hành vi vi phạm nhãn hiệu, chủ thể có nhãn hiệu bị xâm hại phải tự mình giám định hàng hóa vi phạm có mức độ thiệt hại trên 500.000.000 đồng và kết quả giám định này phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận…

Bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp, văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm”. Được hiểu kết luận giám định là nguồn thông tin tham khảo để cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi ra quyết định. Trên thực tế, ở hầu hết các vụ việc yêu cầu xem xét kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền (với nhãn hiệu bảo hộ), chủ thể quyền đều phải thực hiện trước việc giám định và có kết luận là xâm phạm quyền, từ đó gửi hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm thì mới được coi là “tạm đủ” cơ sở để thụ lý, xem xét… Tại một số địa phương, cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết còn yêu cầu thủ tục “giám định lại” sau khi đã thực hiện thủ tục kiểm tra và tạm giữ hàng hóa, tang vật mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP còn quy định: Tất cả các hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu, ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền) đều phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 đến 3 tháng…”. Nếu xem xét một cách thấu đáo và toàn diện thì có thể thấy rằng việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này là không mang tính khả thi. Bởi tang vật vi phạm đã bị tịch thu, tiêu hủy hoặc loại bỏ thì việc đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm có thời hạn không còn ý nghĩa. Hoặc cũng có thể hiểu, sau thời gian đình chỉ đối tượng sẽ được tiếp tục sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm… Điều đó càng mâu thuẫn với mong muốn của biện pháp chế tài đặt ra là hành vi xâm phạm cần phải đình chỉ vĩnh viễn.

Những bất cập trong nội hàm các quy định nói trên đã làm phát sinh cách hiểu và áp dụng không nhất quán giữa các địa phương, giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Từ đó dẫn tới hệ quả là: Công tác thực thi quyền bị đình trệ, kéo dài; cùng một loại hành vi nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp chế tài áp dụng khác nhau; các vụ việc đã xử lý có nguy cơ bị khiếu kiện hoặc bãi bỏ, hủy bỏ bởi cơ quan có thẩm quyền do vi phạm về thẩm quyền, thủ tục xử lý kéo theo tâm lý bất an và lo lắng đối với người thi hành công vụ trực tiếp ở các cơ quan cấp dưới vì lo ngại tình trạng “nay đúng, mai sai”…

+ Đối với chế tài hình sự: Tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”…

Quy định trên được hiểu là để truy cứu trách nhiệm hình sự Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được chủ thể có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam phải thỏa mãn điều kiện hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (tức là thỏa mãn 4 dấu hiệu nhận biết được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật SHTT); thỏa mãn về quy mô thương mại thu lợi bất chính của chủ thể có hành vi vi phạm, hoặc thỏa mãn được ngưỡng thiệt hại của chủ thể bị vi phạm nhãn hiệu, hoặc ngưỡng giá trị đối với “hàng hóa vi phạm”. Tuy nhiên thuật ngữ “quy mô thương hiệu”, đến thời điểm này chưa có văn bản nào dưới luật hướng dẫn chi tiết (ngoài Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/02/2008 hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT nhưng cũng không giải thích thế nào là đạt “quy mô thương mại” theo quy định), khiến cho các cơ quan tố tụng khi vận dụng còn gặp nhiều lúng túng.

Trong khi đó liên quan đến thuật ngữ “giả mạo nhãn hiệu”, tại Điều 61 Hiệp định TRIPS còn quy định: “Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá…”. Thế nhưng cũng chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào mà chủ yếu được suy luận từ khái niệm “giả mạo hàng hóa”, được quy định tại Điều 213 Luật SHTT năm 2005: “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này”.  Từ đó dẫn tới các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi áp dụng khi xử lý hình sự, các cơ quan có thẩm quyền thường nhẫm lẫn với tội sản xuất buôn bán hàng giả.

Mặt khác để chứng minh ngưỡng giá trị gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu cũng là câu chuyện cũng không hề đơn giản. Vì nhãn hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, sự phát triển của nhãn hiệu song hành cùng với sự mở rộng và phát triển của doanh nghiệp. Có nghĩa muốn định lượng được mức độ thiệt hại về nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu thì phải làm rõ các chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để xây dựng nhãn mác; hoặc làm rõ lợi nhuận thu được qua sử dụng nhãn mác (bao gồm cả chi phí tiết kiệm được về tiếp thị, quảng cáo, thời gian, tiền công do sử dụng nhãn mác đem lại)... Trên thực tế không có phương pháp xác định giá trị nhãn hiệu thương mại mang lại con số tuyệt đối, vì có khi doanh nghiệp bỏ chi phí xây dựng nhãn hiệu nhưng chưa chắc sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp được tạo ra từ nhãn hiệu.

Vậy nên không có gì lạ khi mà thời gian qua, có quá ít các vụ kiện liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết (trong khi xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm tới 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT). Đặc biệt trong số ít ỏi đó thì số lượng các vụ kiện liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu được Tòa án có thẩm quyền thụ lý và nguyên đơn thắng kiện lại càng khan hiếm hơn…

anh-3-1665395062.jpg

Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam hợp tác cùng Cơ sở bia BiVa để sản xuất bia mang nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Sabeco.

Kiến nghị giải pháp

Dự báo các vụ xâm phạm quyền SHTT (trong đó có xâm phạm nhãn hiệu) thông qua nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong giai đoạn tới với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường và phức tạp hơn. Từ thực tế các vụ án và vụ việc đã xảy ra và những bất cập của hành lang pháp lý điều chỉnh (như đã phân tích ở trên), để ngăn chặn thực trạng, chúng tôi cho rằng phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt ưu tiên tháo gỡ những rào cản trong tổ chức thực thi các hình thức chế tài để răn đe tội phạm. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần:

+ Sửa đổi, bổ sung các quy định điều chỉnh quyền sở hữu nhãn hiệu tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu dễ dàng tiếp cận và phát huy có hiệu quả quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt VPHC. Đó là khi chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện ủy quyền chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phát hiện có hành vi vi phạm và có đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý kịp thời; mà không nhất thiết phải chờ đủ 30 ngày để chủ thể có đơn yêu cầu cung cấp đầy đủ chứng cứ và thông tin xác định (như theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 25). Hơn nữa, không phải bất cứ hành vi nào vi phạm, chủ thể bị vi phạm cũng có thể tự mình tiếp cận và dễ dàng khai thác được chứng cứ của bên đối kháng; nếu có cũng chỉ là những tài liệu, chứng cứ ban đầu vì còn liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp…

Song song bên cạnh đó, cần định vị lại thẩm quyền xử lý vi phạm quyền SHTT trong TMĐT cho một cơ quan chuyên trách nhất định. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý, tránh trùng lặp, xung đột thẩm quyền. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cơ quan chuyên môn để việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đạt hiệu quả, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền.

+  Liên quan đến rào cản chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu được quy định tại Điều 226 BLHS năm 2015, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đường lối xử lý hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm; trong đó làm rõ 2 thuật ngữ: “giả mạo nhãn hiệu” và “quy mô thương mại” theo hướng có nội hàm dễ nhận diện và không bị nhầm lẫn sang đối tượng điều chỉnh khác. Theo chúng tôi việc giải thích dấu hiệu “với quy mô thương mại” có thể xác định dựa trên giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc thu lợi bất chính từ việc mua bán các loại mặt hàng này. Đặc biệt là cơ chế để chứng minh ngưỡng giá trị gây thiệt hại đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, phải được quy định bằng phương pháp xác định giá trị nhãn hiệu thương mại chuyên biệt mang tính đặc thù, có tiêu chí nhận diện không quá phức tạp, để cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng thực hiện điều tra, truy tố và xét xử…

Về lâu dài chúng tôi cho rằng, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập Tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, trực thuộc Tòa án nhân dân cấp cao, có vai trò xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

+ Trước mắt khi pháp luật còn chưa hoàn thiện, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ nhãn hiệu bằng việc chủ động đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu để được bảo hộ. Bài học về tranh chấp nhãn hiệu Hảo Hảo của Acecook, hay nhãn hiệu Bia Sài Gòn của Sabeco… đã chứng tỏ, dù có trải qua “đường vòng” cuối cùng công lý vẫn thuộc về nguyên đơn nhờ vào nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Phó cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cho biết: Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền SHTT; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ sức răn đe, chú trọng chống hàng hóa giả mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

VŨ LÊ MINH – LA SƠN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.