Quyền tác giả sẽ ảnh hưởng thế nào đến phim “Trạng Tí” sắp lên sóng ? Chuyên gia khuyên các bên điều gì?

(PLBQ). Câu chuyện quyền tác giả sẽ ảnh hưởng thế nào đến bộ phim “Trạng Tí” sắp lên sóng? Khi nó liên quan đến vụ tranh chấp quyền tác giả đối với bốn hình tượng trong câu truyện Thần đồng đất Việt.

Ảnh minh họa (nguồn FB NTV)

Dưới góc nhìn pháp lý và “lăng kính” của một độc giả, một người yêu phim Việt, Pháp luật & Bản quyền gửi tới bạn đọc những vấn đề xoay quanh câu hỏi “đúng/sai” của đạo diễn Ngô Thanh Vân.

Diễn biến vụ việc.

Vụ tranh chấp về quyền tác giả đối với bốn hình tượng trong câu truyện Thần đồng đất Việt đã đến hồi kết khi Hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm đã công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, đồng thời xác nhận công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm. Vì là chủ sở hữu tác phẩm, công ty Phan Thị có quyền làm tác phẩm phái sinh; tuy nhiên việc làm này phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, không được sửa chữa, cắt xén tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả.

Ở một diễn biến khác, quá trình hình thành ý tưởng và bấm máy phim “Trạng Tí”, Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân cho biết, cô phải làm việc cùng Phan Thị suốt 2 năm để có thể mua bản quyền 5 tập truyện để làm phim. Là một nhà sản xuất, Ngô Thanh Vân đã có ý thức tôn trọng quyền sở hữu và tác giả của bộ truyện cũng như các hình tượng trong bộ truyện. Quyết định mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện là phù hợp, mặc dù thời điểm đó cô không biết gì đến vụ tranh chấp giữa công ty phát hành truyện và tác giả. Mọi chuyện đương nhiên đã diễn ra đúng pháp luật giữa một công ty sản xuất với một công ty phát hành truyện, đi đến ký kết hợp đồng bởi thời điểm đó Ngô Thanh Vân chỉ xác định được quyền của Phan Thị chứ không thể xác định được quyền của tác giả Lê Linh.

Sau khi ký hợp đồng với Công ty Phan Thị, Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã sản xuất phim, đặt tên phim là “Trạng Tí”. và dự định ra mắt phim vào tháng 2 năm 2021.

Dư luận xã hội.

Ngay khi phim chuẩn bị lên sóng và ra rạp cũng là thời điểm vụ tranh chấp đi đến hồi kết bằng bản án phúc thẩm và có hiệu lực . Bộ phim “Trạng Tí” đã vướng vào lùm xùm là không xin phép tác giả. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân chỉ ký hợp đồng với công ty Phan Thị là chưa đúng, đủ thủ tục. Dư luận xã hội cho rằng Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân buộc phải xin phép tác giả Lê Linh mới đáp ứng yêu cầu pháp lý của tác phẩm.

Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản tên TL đã viết rất nặng nề; “Chị KHÔNG ăn cắp, nhưng chị mua từ người ăn cắp. Mong là chị sẽ vì nhân đạo và sự phát triển lâu dài của nghệ thuật Việt mà gặp và nói chuyện với anh Linh một lần nữa và cùng tìm ra giải pháp tốt hơn”.

Có tài khoản viết. “Nói tóm lại là chị vẫn không tôn trọng tác giả và chị vì tiếc tiền nên vẫn làm phim dù không được tác giả đồng ý. Chị sai quá sai, đừng có ngụy biện nữa”.

Có tài khoản chỉ rõ cho Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân: “OK, về luật pháp chị không sai. Thế nhưng cái để kéo khán giả ra rạp xem phim là cái tình, mà giờ về cái tình thì chị có vẻ đang thua. Cố đấm ăn xôi là không được rồi”.

Ý kiến người trong cuộc.

Xoay quanh câu chuyện tranh cãi bản quyền phim “Trạng Tí” do Tuổi Trẻ Online phản ánh, bà Nguyễn Thị Lan Nhã - giám đốc điều hành Công ty Phan Thị - phản hồi như sau:

"Về bản án, tòa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, cần xác định rõ là "hình tượng nhân vật" chứ không phải "nội dung bộ truyện". Phan Thị được khẳng định là chủ sở hữu tác phẩm Thần đồng đất Việt. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm và có quyền làm tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật. Phan Thị đã ký hợp đồng với Studio68 để công ty này làm phim Thần đồng đất Việt (người đóng). Việc Studio68 chuyển thể tác phẩm thành phim điện ảnh người đóng là hoàn toàn đúng luật.

Phan Thị thông tin rõ để không làm ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất phim"       

Tác giả Lê Linh thì cho rằng, bản thân luôn muốn bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được sản xuất thành phim điện ảnh. Ông rất thất vọng với cách làm của Ngô Thanh Vân. Ông đã viết. “cuối cùng một đoàn làm phim "tầm cỡ" đã xuất hiện và làm phim về Trạng Tí, sau nhiều năm vô tư cộng tác chặt chẽ với bọn cướp công mà chẳng màng đến tác giả là ai, đến một ngày bỗng dưng họ chợt nhận ra cần có sự đóng góp của tác giả khi làn sóng ủng hộ tác giả thật sự dâng cao vì tin tức về vụ kiện đã lan tràn trên các mặt báo, đã tìm đến tác giả đề nghị hợp tác trong khi trận chiến cân não tại Tòa án vẫn chưa đi đến hồi kết. Lời đề nghị tại một thời điểm hết sức không phù hợp…” và tiếp nữa. “ … Tôi không nhận tiền để phải cùng ai đó diễn một màn kịch nhân văn cho một câu chuyện ngay từ đầu đã không tính nhân văn”.

Ảnh minh họa (nguồn: https://www.facebook.com/)

Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã viết. “…Là nhà sản xuất, mình mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó. Từ 1 công ty sản xuất với 1 công ty phát hành truyện, mọi công tác đều theo tính hợp lý pháp luật. Không có gì sai về mặt luật pháp trong công tác này, nên hai bên đã ký hợp đồng với nhau. Lúc đó, mình vẫn không biết gì đến việc tranh chấp giữa công ty phát hành truyện và tác giả sáng tác”.

Và tiếp nữa “… Nếu có lỗi thì đó là do mình đã không nắm rõ thông tin về sự thưa kiện này. Còn việc phim Trạng Tí chỉ là một sản phẩm giải trí được làm với bao công sức tâm huyết của mọi người góp vào. Bản thân đó là một sản phẩm thật sự nghiêm túc và đáng được đón nhận như bao sản phẩm mà Studio68 đã sản xuất trước đây.”

Về mặt pháp luật.

Theo phán quyết của Tòa án, Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả vì vậy theo Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Phan Thị sẽ có quyền tài sản bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh để khai thác tác phẩm vào mục đích thương mại. Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền chuyển thể có thể do Công ty Phan Thị tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, "tác phẩm phái sinh" được giải thích là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Từ những căn cứ pháp luật trên, ta thấy việc chuyển thể “Thần đồng đất Việt” từ thể loại truyện tranh sang thể loại phim điện ảnh hoàn toàn thuộc quyền của công ty Phan Thị, công ty Phan Thị cho phép Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân thực hiện chuyển thể tác phẩm là đúng thẩm quyền. Vì vậy việc Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân ký hợp đồng với Công ty Phan Thị  đúng pháp luật về bản quyền ".

Cũng theo phán quyết của Tòa án, họa sỹ Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong “Thần đồng đất Việt” vì vậy họa sỹ Lê Linh có đầy đủ quyền nhân thân như quy định của Luât sở hữu trí tuệ,  tuy nhiên họa sỹ Lê Linh không phải chủ sở hữu nên không có được các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, nói về quyền thì họa sỹ Lê Linh không có quyền ngăn cản việc chuyển thể thành phim này.

Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã từng liên hệ trao đổi công việc với họa sỹ Lê Linh nhưng không đạt được một thỏa thuận nào, nhưng việc liên hệ thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến tác giả cũng là điều đáng nói ở đây.

Vậy cái kết sẽ ra sao.

Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã đúng pháp luật khi ký hợp đồng với Công ty Phan Thị nhưng việc ký hợp đồng đó cũng không có ý nghĩa đối với một số người trong xã hội, họ nghe ngóng, xem xét sự việc theo cảm tính từ đó đi dến những kết luận theo ý kiến chủ quan của họ và không dựa vào sự đúng, sai đối với pháp luật bản quyền, dường như đối với họ giá trị tình cảm, cảm nhận của họ cao hơn cả pháp luật,  vì vậy họ kêu gọi tẩy chay, sẽ không xem phim khi phim “Trạng tí” ra mắt.

Đối với một tác phẩm điện ảnh không có khán giả hoặc có quá ít khán giả xem, quan tâm là một thất bại nặng nề của ê kíp sản xuất phim, lúc đó, bên cạnh những tổn thất rất lớn về kinh tế còn có tổn thất về tinh thần là sự mất uy tín nghiêm trọng của ê kíp sản xuất phim, hãng phim. Việc mất uy tín này thậm chí có thể khiến hãng phim phải tạm dừng sản xuất phim hoặc nặng hơn là phải đóng cửa hãng phim.

Bên cạnh đó là việc Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân nên xem xét kỹ lại bộ phim để tránh những sự cố không đáng có. Theo quy định về Quyền nhân thân tại Khoản 4 Điều 19 luật Sở hữu trí tuệ: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả  .

Vì vậy trong phim bốn hình tượng nhân vật cần được giữ nguyên về mọi mặt, mọi vấn đề đúng như trong truyện “Thần đồng đất Việt” mọi thay đổi dù là rất nhỏ thôi cũng dễ dẫn tới một vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền tác giả mà cụ thể ở đây là quyền nhân thân của tác giả.

Để loại trừ những hậu quả không đáng có, nên hay không là việc Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân liên hệ lại với tác giả Lê Linh để gặp gỡ, đàm luận lại, để tránh những tranh chấp về sau và cuối cùng để khán giả được thưởng thức bộ phim trong trạng thái đón chờ, vui vẻ và cảm nhận bộ phim đúng như những gì ê kíp làm phim thể hiện.  

Đỗ Chiến Thắng

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.