Tai bay vạ gió
Năm 2010, bà Nguyễn Thị Thu Hoà (SN 1981, ngụ tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cùng chồng là ông N., thành lập Công ty TNHH Phạm Sơn, hoạt động kinh doanh hoá chất theo quy định pháp luật và được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hoá chất. Cửa hàng hoá chất của Công ty Phạm Sơn mở bán tại phường An Khánh (quận Ninh Kiều). Trong số các mặt hàng hoá chất, có dung môi dùng trong công nghiệp để pha sơn nước, sản xuất mực in, tẩy rửa công nghiệp, chất đốt lò hơi công nghiệp…
Trong thời gian hơn 10 năm kinh doanh, có hàng ngàn khách hàng sử dụng sản phẩm dung môi của Công ty Phạm Sơn. Công ty Phạm Sơn có kho chứa khá lớn nên nhiều khách hàng là các doanh nghiệp khác mua dung môi về bán lại. Công ty TNHH Phạm Sơn cũng như nhiều cửa hàng hoá chất khác, bán các hoá chất. Hoá chất đó được sử dụng ra sao là thuộc về người mua, không ai có thể kiểm soát và pháp luật cũng không điều chỉnh đơn vị bán sản phẩm phải kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng.
Ngày 24/1/2019, cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Nông bắt quả tang một cây xăng pha dung môi vào xăng chính hãng để bán. Chủ cây xăng là bà N.. Bà N. khai, bà mua dung môi của vợ chồng ông Hoàng Thuỵ Minh Việt bà Nguyễn Thị Kim Loan. Hai vợ chồng ông Việt bà Loan cũng là người kinh doanh hoá chất và mua dung môi từ Công ty Phạm Sơn về bán lại. Vậy là bà Hoà vướng vào lao lý vì bị cáo buộc nguồn cung giúp sức.
Bà Hoà kể lại: “Lúc đó, tôi cũng không rõ tại sao mình bị bắt giữ, bị cáo buộc liên quan đến làm xăng giả. Khi bị bắt, cả gia đình nội ngoại nháo nhào. 3 đứa con tôi còn nhỏ, cháu nhỏ mới 22 tháng tuổi. Vướng vào tù tội, công việc kinh doanh sụp đổ. Từ một doanh nghiệp đang uy tín trong ngành kinh doanh hoá chất bỗng chốc thành con số không. Tai vạ như từ trên trời rơi xuống”.
Hàng ngàn cửa hàng kinh doanh hoá chất hợp pháp lo lắng…
Có rất nhiều vụ sản xuất kinh doanh hàng giả được cơ quan chức năng đưa ra trước pháp luật. Hàng giả pha chế hầu hết được làm từ các loại hoá chất được phép kinh doanh trên thị trường.
Trao đổi với PV về mối quan hệ này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, những doanh nghiệp bán hoá chất theo danh mục đã được cấp phép không bị bất kỳ điều luật nào ràng buộc phải biết khách hàng sử dụng làm gì. Cho nên, quy trách nhiệm cho họ khi bên mua sử dụng vào mục đích xấu là không đúng, trừ khi chứng minh đủ chứng cứ vật chất về việc họ bàn bạc với nhau để làm hàng giả.
Theo bà Hòa, trong khoảng thời gian từ 2017 đến giữa năm 2019, Công ty Phạm Sơn đã bán hoá chất cho 291 doanh nghiệp và cá nhân. Khách hàng của Phạm Sơn phần lớn về số lượng là các doanh nghiệp. Trong đó, bán cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thương mại Tâm Đức Đắk Nông 940.000 lít dung môi, bán cho DNTN Hoàng Minh Việt 20.021.500 lít dung môi, bán cho ông Nguyễn Ngọc Quan hơn 1.300.000 lít dung môi. Những người mua dung môi của Công ty Phạm Sơn bán sang cho nơi khác để pha chế vào xăng thật nhằm hạ giá thành (một hình thức xăng giả).
Khi mở rộng điều tra nguồn gốc hoá chất là dung môi, thì số dung môi có nguồn từ Công ty Phạm Sơn là hàng hoá hợp pháp. Nhưng cơ quan điều tra tại tỉnh Đắk Nông vẫn cho rằng, công ty này liên quan đến việc làm xăng giả và khởi tố hành vi bán dung môi với bà Nguyễn Thị Thu Hoà.
Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng: “Nếu khởi tố người bán hàng là bà Hòa, sẽ khiến hàng ngàn chủ cửa hàng kinh doanh hoá chất hợp pháp lo lắng vướng tội giúp sức đồng phạm làm hàng giả. Đồng phạm là một khái niệm pháp lý được quy định rõ tại Điều 17 Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo đó, người đồng phạm phải là người có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc với nhau. Không thể cáo buộc đồng phạm, khi thiếu chứng cứ vật chất cho việc họ bàn bạc với nhau để làm hàng giả”.
Được biết, bà Hoà đã gửi đơn đến rất nhiều nơi để kêu oan về vụ việc của mình.