Nghiên cứu từ thực tế cho thấy nhiều thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thu siêu lợi nhuận và làm giàu phi pháp từ hoạt động đấu thầu mua thuốc và thiết bị vật tư y tế. Đã đến lúc cần cần mở rộng điều tra và “phục hồi” điều tra cả các vụ việc khác. Và cần siết lại các kẽ hở của Luật đấu thầu, tăng trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ.
Nhận diện những vi phạm trong đấu thầu của ngành y tế
Mới đây nhất, ngày 22/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Các cán bộ bị bắt ngày 23/4 vì nâng khống giá , trục lợi từ việc mua sắm thiết bị vật tư y tế.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Vi phạm về đấu thấu thuốc, vật tư của ngành y tế từ lâu là nỗi bức xúc của dư luận. Gần đây nhất là vụ án đình đám liên quan đến Công ty Cổ phần VN Pharm, công ty nhập bán thuốc giả và trúng thầu hàng loạt các gói thầu thuốc tại các bệnh viện lớn.
Trước đó, ngày 16/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 1595/TB-TTCP về việc thông báo Kết luận Thanh tra việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma. Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, trong công tác đầu thầu mua thuốc còn có các thiếu xót vi phạm trong việc xây dựng kế hoạch, thủ tục đấu thầu. Kế hoạch đầu thầu mua thuốc chưa sát tình hình thực tế. Tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá, xét trọn nhà thầu quá thời gian. Thuốc mua không sát với nhu cầu thực sự cần…
Ngày 23/9/2019, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Quyết định số 656/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số sở y tế địa phương. Trong quyết định trên có nói thời hạn thanh tra là 80 ngày, nhưng đến nay kết luận thanh tra trên chưa được công khai trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ như nhiều vụ việc có quyết định thanh tra khác.
Ngoài Thanh tra, Kiểm toán nhà nước cũng từng chỉ ra nhiều Báo cáo kiểm toán chuyên đề về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Một trong những điểm tồn tại, hạn chế lớn nhất trong quá trình xây dựng kế hoạch mua sắm là việc phân chia nhóm thuốc, lập danh mục thuốc làm tăng giá trị gói thầu; Có tình trạng các đơn vị đã đưa vào kế hoạch mua sắm các loại hoạt chất có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh hoặc có chi phí cao bất hợp lý, nhưng không báo cáo lý do sử dụng theo quy định của Bộ Y tế; Theo KTNN, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhiều địa phương có tình trạng hạn chế các nhà thầu tham gia đấu thầu; Mặt khác, một số địa phương phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố như: Nam Định, Phú Yên, Long An…
Đặc biệt, đối với việc lựa chọn các hình thức lựa chọn nhà thầu, tình trạng áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp không đúng quy định xảy ra ở nhiều địa phương. Đơn cử tại TP. Hà Nội, mặc dù có áp thầu đối với các hợp đồng trúng thầu trước đó, nhưng chưa phải hợp đồng có giá thấp nhất, và cũng không công khai kết quả mua sắm trực tiếp. Hay tại TP.HCM, địa phương này đã phê duyệt đối với kết quả mua sắm trực tiếp quá 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó; Sở Y tế Bình Dương (chủ đầu tư) còn mua sắm trực tiếp đối với danh mục thuốc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Vi phạm trong đấu thầu lĩnh vực y tế sẽ dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, lựa chọn thuốc, vật tư y tế không đủ chất lượng làm ảnh hưởng tiêu cực tới quy trình khám, chữa bệnh, gây nên những thiệt hại về kinh tế, và có thể sẽ làm ảnh hưởng những cam kết của Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thực tế thì nhức nhối như vậy, nhưng thời gian qua, trong lĩnh vực này có rất ít vụ việc bị khởi tố hình sự.
Vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội: Ngoài vi phạm về đấu thầu còn dấu hiệu của tội phạm khác?
Đối với vụ án nóng đang được dư luận quan tâm xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, giám đốc Trung tâm này đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19, theo đó hành vi được nêu trong QĐ khởi tố là “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) thì trước hết hành vi được xác định có dấu hiệu vi phạm làm cơ sở để khởi tố vụ án là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Tuy nhiên, với những vụ án như thế này, cơ quan điều tra còn có thể xem xét đến hành vi, sự liên quan của các cá nhân đã bị khởi tố với các chủ thể khác để xem ngoài hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có hành vi vi phạm nào khác hay không? Cụ thể như có chuyện đưa và nhận hối lộ hay không để làm sai lệch, làm trái trình tự đấu thầu, rồi có dấu hiệu tham ô tài sản? Khi đó, trên cơ sở các chứng cứ, vụ án có thể xem xét đến các hành vi khác nếu các hành vi vi phạm đó độc lập với hành vi đã khởi tố, do vậy ngoài tội danh đã khởi tố, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các hành vi khác thì có thể có những hoạt động điều tra mở rộng thêm.
Cần tăng cường chế tài trách nhiệm giám sát hoạt động đấu thầu
Vẫn còn khoảng trống PL trong hoạt động chỉ định thầu và đấu thầu
Nhìn nhận những vấn đề pháp lý của vụ việc, Luật sư Lê Cao phân tích: Hiện nay, theo quy định tại Điều 22 Luật đấu thầu 2013 thì trong trường hợp “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” thì được thực hiện theo thủ tục chỉ định thầu. Về mặt ý tưởng của các nhà làm luật thì đây là điều cần thiết, bởi vì trong các tình thế cấp bách, nếu thực hiện theo cơ chế đấu thầu công khai rộng rãi thủ tục phải tiến hành mất nhiều thời gian, yêu cầu để xử lý cấp bách các vấn đề gấp không thể xử lý kịp thời. Trong điều kiện như dịch bệnh Covid-19 rất cấp bách, việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu cũng là cần thiết.
Tuy nhiên giữa quy định và thực tế thực thi các quy định còn nhiều vấn đề tồn tại. Mới đây, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP mới được ban hành có hiệu lực từ ngày 20/04/2020 thay thế cho Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn về Luật Đấu thầu cũng có nhiều quy định mới liên quan đến lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi thì các quy định trên vẫn chưa tạo ra những khác biệt nhằm hạn chế tiêu cực trong chỉ định thầu và đấu thầu nói chung.
Cần tăng cường giám sát và trách nhiệm giám sát
“Theo tôi để hạn chế những vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì việc đầu tiên là cần xử lý nghiêm các sai phạm về đấu thầu, không để tình trạng chỉ xử lý hành chính hoặc kinh tế . Ngoài ra, cần siết lại các quy định về hệ thống cơ quan giám sát trực tiếp hoạt động đấu thầu và tăng trách nhiệm của việc giám sát này trong việc chi tiêu ngân sách cho đấu thầu. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng phó mặc cho các cơ quan chủ quản nguồn ngân sách trong các gói thầu mua sắm các gói trang thiết bị vật tư y tế quan trọng mà không rà soát, giám sát một cách hiệu quả thì tiêu cực vẫn sẽ xảy ra.
Luật Đấu thầu, Bộ luật hình sự cũng cần bổ sung qui định để người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động này nếu để xảy ra sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự . Cần chế tài như vậy thì mới đủ sức răn đe. Nếu có cơ chế kiếm soát ở khâu thực thi tốt, chúng ta không phải bị động đi xử lý những sai phạm đã xảy ra hậu quả rồi như hiện nay đang làm”, Luật sư Lê Cao kiến nghị.
Luật sư Lê Cao chia sẻ: Ở nhiều quốc gia, chỉ cần cấp dưới ở một địa phương vi phạm, quan chức đứng đầu ngành, tỉnh, thành phố phải đứng ra chịu trách nhiệm liên quan đến điều hành vì đã thiếu sâu sát trong chỉ đạo, giám sát, điều hành chung. Nhưng ở ta, ai sai ở đâu, xử lý ở đó, nhưng còn thiếu chế tài để truy trách nhiệm quản lý chung. Việc này gây ra những hệ lụy cũ cho những vấn đề mới.
Chúng ta cần minh bạch trong cả khen thưởng và kỷ luật. Ví dụ, dịch bệnh được quản lý, phòng tránh tốt thì người đứng đầu cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ chuyên môn được ngợi khen trong quản lý chỉ đạo, nhưng để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thiết bị thì cũng cần có chế tài đủ mạnh đối với người có trách nhiệm quyền hạn lãnh đạo, chỉ đạo chung trong công tác này.
Một kiến nghị nữa, muốn pháp luật đấu thầu được thực thi hiệu quả thì cũng cần có sự đồng bộ với các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, pháp luật về cán bộ công chức, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về phòng chống tham nhũng, pháp luật hình sự … Trong đó, xác lập trách nhiệm pháp lý đối với những người liên quan một cách nghiêm minh thì mới mong hạn chế tình trạng rút ruột ngân sách.
Kiến nghị mở rộng điều tra và “phục hồi” điều tra cả các vụ việc khác ..
Thuốc và vật tư y tế là sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc mua sắm các mặt hàng đặc biệt này chủ yếu thông qua đấu thầu để đảm bảo chi tiêu ngân sách đúng luật, đúng giá cả. Thực tế thì vi phạm liên quan đến việc mua sắm những sản phẩm trên xảy ra không phải ít, nhưng số vụ việc bị khởi tố còn rất ít.
Nghiên cứu từ thực tế cho thấy nhiều thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thu siêu lợi nhuận và làm giàu phi pháp từ hoạt động đấu thầu mua thuốc và thiết bị vật tư y tế. Đã đến lúc cần cần mở rộng điều tra và “phục hồi” điều tra cả các vụ việc khác. Và cần siết lại các kẽ hở của Luật đấu thầu, tăng trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ.
Phan Phan - phaply.vn