Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA

Ky Anh

(PLBQ). Ngày 11/06/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Thông tư này được đưa ra theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và các Nghị định pháp luật liên quan cũng như Hiệp định UKVFTA đã ký ngày 29/12/2020.

Thông tư gồm 05 Chương, cụ thể:

- Chương I: Quy định chung

- Chương II: Cách xác định xuất xứ hàng hóa

- Chương III: Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa

- Chương IV: Điều khoản đặc biệt

- Chương V: Điều khoản thi hành

Đối tượng của Quy tắc xuất xứ hàng hóa

Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Được áp dụng cụ thể với:

- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);

- Thương nhân;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Quy chế về chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam

Ban hành kèm theo Thông tư này là 8 Phụ lục như sau:

- Phụ lục I: Chú giải cho Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II;

- Phụ lục II: Quy tắc cụ thể mặt hàng;

- Phụ lục III: Nguyên liệu thủy sản áp dụng cộng gộp;

- Phụ lục IV: Sản phẩm thủy sản áp dụng cộng gộp;

- Phụ lục V: Sản phẩm dệt may áp dụng cộng gộp;

- Phụ lục VI: Mẫu C/O mẫu EUR.1;

- Phụ lục VII: Mẫu lời văn khai báo xuất xứ của nhà xuất khẩu;

- Phụ lục VIII: Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 trong UKVFTA.

Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O trong UKVFTA của Việt Nam được cập nhập tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Cơ quan, tổ chức cấp C/O theo UKVFTA của Việt Nam đăng ký mẫu con dấu và cập nhập các mẫu con dấu này theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và quy định tại Thông tư này.

Nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Tổ chức thực hiện

Các nội dung hướng dẫn, thống nhất cách hiểu liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa được các Nước thành viên thống nhất luân phiên hoặc thống nhất tại báo cáo các phiên họp thực thi của Ủy ban Hải quan trong khuôn khổ UKVFTA là căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.

Các nội dung này được thông báo đến các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thông qua cơ quan đầu mối của Ủy ban Hải quan thực hiện UKVFTA.

Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2021./.

NGUYỄN LAN (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.