Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu nhìn từ một số vụ tranh chấp nhãn hiệu “được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” tại Việt Nam

(PLBQ). Nhãn hiệu là tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu là khác nhau dựa trên khả năng phân biệt của mỗi loại nhãn hiệu cũng như mức độ biết đến rộng rãi của từng loại nhãn hiệu trong bộ phận người tiêu dùng.

Trong bài viết này, Pháp luật & Bản quyền sẽ phân tích một số vụ việc tranh chấp về nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam và cơ chế giúp tổ chức, cá nhân có thể bảo vệ nhãn hiệu của mình.

Quy định của pháp luật về nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi

Pháp luật Việt Nam có định chế pháp lý áp dụng đối với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tại Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ quy định về Khả năng phân biệt của nhãn hiệu:

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này

Trong các điều khoản trên, điểm a, b, c, đ đều có nhắc đến hai thuật ngữ “được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” và “danh nghĩa một nhãn hiệu” tức pháp luật Việt Nam dù không chính thức ghi nhận nhưng đã thừa nhận sự tồn tại loại nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Loại nhãn hiệu này được sử dụng như một nhãn hiệu được quy định trong pháp luật Việt Nam và tạo ra khả năng phân biệt trong quá trình thực tế sử dụng, hoạt động kinh doanh và phổ biến trong một phạm vi công chúng, thị trường nhất định. Đây được coi là dấu hiệu để phân biệt các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với nhãn hiệu mang dấu hiệu gắn lên sản phẩm hàng, dịch vụ trùng hoặc liên quan của bên thứ ba.

Ngoài ra, tại điểm g khoản 2 Điều 74 có quy định trực tiếp đến việc nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi như sau:

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên

Quy định trên cho thấy nhà làm luật đã gián tiếp thừa nhận nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi làm một nhãn hiệu độc lập trong pháp luật Việt Nam bởi lẽ loại nhãn hiệu này được dùng làm tài liệu đối chứng để làm căn cứ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu của bên thứ ba, trong khi đó, các tài liệu đối chứng để từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu phải là nhãn hiệu.

Một điều cần lưu ý rằng, cá nhân tổ chức khi sử dụng nhãn hiệu cần thực hiện tại Việt Nam và việc thừa nhận rộng rãi cũng phải do người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đánh giá và ghi nhận chứ không phải là việc được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tại bất kỳ một quốc gia nào khác. Lý do đơn giản vì, có những nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến và được sử dụng tại thị trường quốc tế nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại không hề biết đến và cũng không được sử dụng tại Việt Nam. Do vậy, có thể nói nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tức là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

Cơ chế bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi

Hiện nay, pháp luật Việt nam không có bất cứ quy định nào liên quan đến trình tự, thủ tục đăng ký đối với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, do vậy, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi trong đăng ký được hiểu là quy định pháp luật để bảo vệ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi trong thủ tục xác lập đăng ký nhãn hiệu của các bên. Nói cách khác, các dấu hiệu đăng ký nhãn hiệu không đủ điều kiện bảo hộ, do trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi là nhãn hiệu đối chứng để loại bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu của chủ thể khác. Pháp luật đã có những quy định trong việc chứng minh nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với mục đích giúp nhãn hiệu đạt được khả năng phân biệt, qua đó gián tiếp xác lập quyền đối với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi.

Theo quy định trên, dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi về cấu trúc, ý nghĩa (nội dung) và hình thức thể hiện. Dấu hiệu bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi nếu dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi khác về cấu trúc, cách phát âm hoặc ý nghĩa, nội dung hoặc hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng hai nhãn hiệu đó là một, nhãn hiệu này là biến thể của nhãn hiệu kia hoặc hai dấu hiệu đó có cùng một nguồn gốc.

Một số vụ tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi

Vụ phản đối nhãn hiệu “RIVER WOOD” [1]

Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công nộp đơn đăng ký nhãn hiệu RIVER WOOD bảo hộ cho nhóm 35, 36, 37, 43, 44 vào ngày 3/6/2011

American Clothing Associates N.V nộp đơn đăng ký nhãn hiệu RIVER WOODS ngày 8/11/2013 bảo hộ cho nhóm 18,25,35,40.

Nhãn hiệu RIVER WOODS của American Clothing Associates N.V, nguồn: Internet)

Xét về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì nhãn hiệu American Clothing Associates N.V sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ do nhãn hiệu RIVER WOODS của American Clothing Associates N.V là tương tự gây nhầm lẫn với RIVER WOODS của công ty Thành Công cho dịch vụ trùng nhau là mua bán quần áo, thời trang.

Tuy nhiên, American Clothing Associates (Viết tắt là Công ty ACA) tiến hành chứng minh Nhãn Hiệu được sử dụng rộng rãi, các tài liệu sau đã được Công ty American Clothing Associates cung cấp cho Cục SHTT:

  • Danh sách các văn bằng bảo hộ và đơn đã nộp cho nhãn hiệu «RIVER WOODS » trên toàn thế giới;
  • Danh sách các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm mang nhãn hiệu RIVER WOODS trên toàn thế giới, giai đoạn từ 2004-2012;
  • Danh sách các nhà phân phối, nhà cung cấp và nhận quyền sử dụng nhãn hiệu RIVER WOODS của Công ty ACA;
  • Doanh số hàng năm của việc bán các sản phẩm mang nhãn hiệu RIVER WOODS cho giai đoạn từ 2004-2011;
  • Danh sách một số hóa đơn xuất khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “RIVER WOODS”;
  • Các tài liệu quảng cáo, quảng bá nhãn hiệu;
  • Bản sao Quyết định giải quyết phản đối nhãn hiệu trong đó cơ quan Sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc đã công nhận nhãn hiệu « RIVER WOODS » của Công ty ACA là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Sau khi xem xét các lập luận và chứng cứ do Công ty ACA cung cấp, ngày 18/06/2015, Cục SHTT đã ra thông báo chấp nhận phản đối của Công ty ACA, từ chối bảo hộ nhãn hiệu của công ty Thành Công với lí do việc đăng ký nhãn hiệu của công ty này gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ do Công ty ACA cung cấp.

Trong vụ việc này, Cục SHTT không chính thức công nhận nhãn hiệu của Công ty ACA là nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng lại khẳng định nhãn hiệu của Công ty Thành Công có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc. Như vậy, Cục SHTT đã ngầm công nhận nhãn hiệu được “sử dụng rộng rãi” ở nước ngoài. Trên thực tế, rất khó để có thể xác định được sự khác biệt giữa hai khái niệm “nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi” và “nhãn hiệu nổi tiếng”. Để chứng minh nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi, các chủ sở hữu nhãn hiệu thường sử dụng các tiêu chí giống như các tiêu chí để chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng. Có điều, theo ý kiến của tác giả, tiêu chí để xác định một nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi sẽ gặp ít khó khăn hơn và dễ được Cục SHTT chấp nhận hơn việc xác định đây là một nhãn hiệu “nổi tiếng”.

Vụ kiện “X-MEN”

Nhãn hiệu X-Men, Nguồn: Internet

Marvel Characters Inc. (nguyên đơn) là chủ sở hữu nhãn hiệu X-MEN đã được đăng ký, bảo bộ và sử dụng tại Việt Nam đối với sản phẩm thuộc nhóm 9, 16, 25 và 28 từ năm 1994. Trong đơn khiếu nại của mình, Marvel đã nêu rõ X-MEN là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới vì nhân vật X-MEN đã được sử dụng liên quan đến một nhóm siêu anh hùng có tên X-Men trong hàng loạt truyện hoạt hình nổi tiếng phát hành lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1963. Nhãn hiệu này đã được giới thiệu liên tục trong hàng loạt phim hoạt hình vào năm 1992, 2000, 2003 và 2006, làm cho nhân vật X-MEN ngày càng nổi tiếng hơn trên thế giới. Hơn nữa, Marvel đã khai thác và sử dụng nhân vật X-MEN làm nhãn hiệu cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ kể cả sản phẩm tiêu dùng trong hơn 40 năm. Marvel đã đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu “X-MEN” với tổng số 205 giấy chứng nhận đăng ký tại 51 quốc gia.

International Household Products Co. Ltd (bị đơn) đã quảng bá, quảng cáo và bán sản phẩm mang nhãn hiệu X-MEN & X logo. Bị đơn đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu X-MEN & X logo tại Việt Nam vào năm 2003 liên quan đến sản phẩm thuộc nhóm 3.

Cục SHTT đã chấp thuận và cấp bảo hộ đối với nhãn hiệu của bị đơn tại Giấy chứng nhận đăng ký số 63481 ngày 8/6/2005 mặc dù đã nhận Đơn Khiếu Nại của Marvel ngày 4/4/2005. Sau đó, Marvel đã khiếu nại tại Cục SHTT yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký số 63481 dựa trên các cơ sở sau:

+ X-MEN là nhãn hiệu nổi tiếng và là tài sản quan trọng của Marvel đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực truyền thông, giải trí cũng như gắn liền với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế. Việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu X-MEN & X logo của International Household Products đã tương tự gây nhầm lẫn và vì vậy, gây thiệt hại đến nhãn hiệu nổi tiếng X-MEN của Marvel theo pháp luật Việt Nam cũng như theo Điều 6bis Công Ước Paris.

+ Marvel cũng viện dẫn rằng International Household Products đã đăng ký và sử dụng nhãn hiệu X-MEN & X logo không lành mạnh vì International Household Products đã biết đến danh tiếng các nhân vật X-Men cũng như nhãn hiệu X-MEN của Marvel. Vì vậy, International Household Products đã biểu hiện ý định không trung thực trong việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu X-MEN & X logo. Dấu hiệu X-MEN và lô-gô X không nên được bảo hộ bởi bên thứ ba xem như một nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam. Mặc dù Marvel cố gắng chứng minh danh tiếng và uy tín của nhãn hiệu XMEN thông qua: (i) thời gian và phạm vi sử dụng nhãn hiệu, (ii) doanh thu trên phạm vi toàn thế giới của Marvel từ việc cấp phép sử dụng nhãn hiệu XMEN trong thời hạn 5 năm (từ năm 2001 đến năm 2005), và (iii) đăng ký và bảo hộ được cấp đối vối nhãn hiệu X-MEN tại 51 quốc gia nhưng Cục SHTT đã cho rằng chứng cứ và thông tin do Marvel cung cấp là không đủ để chứng minh danh tiếng của nhãn hiệu hoặc để hủy bỏ Giấy chứng nhận ký đã cấp cho International Household Products. Vì vậy, Cục SHTT đã đứng về phía bị đơn và bác khiếu nại của Marvel.

Marvel đã khiếu nại vụ việc lên Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu xem xét lại quyết định trên. Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định bác khiếu nại của Marvel và giữ nguyên Quyết định số 93/QĐ-SHTT của Cục SHTT vì không đủ chứng cứ thuyết phục để kết luận có dấu hiệu gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu X-MEN & X logo với các đặc điểm của nhân vật XMen trong các tác phẩm của Marvel. Marvel đã không chứng minh được danh tiếng của nhãn hiệu X-MEN vì họ không thể cung cấp bất kỳ chứng cứ nào chứng minh rằng người tiêu dùng Việt Nam đã thật sự biết nhãn hiệu XMEN hoặc sản phẩm mang nhãn hiệu X-MEN, kể cả trong phạm vi khu vực công chúng có liên quan.

Có thể thấy rằng, trong vụ việc này, Công ty Marvel Characters Inc đã đưa ra những chứng cứ để chứng minh vị trí và thương hiệu của công ty đã được khẳng định tại 51 quốc gia trên thế giới nhưng vẫn không được Cục SHTT chấp nhận rằng đây là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Như vậy, việc pháp luật chưa đặt ra những tiêu chí cụ thể, thống nhất trong việc xác định nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi sẽ khiến các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn khi đăng ký, sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu của mình.  

 

Vụ kiện “COVERSYL”

Nhãn hiệu COVERSYL, Nguồn: https://www.uspto.gov/

Công ty Biofarma là chủ sở hữu nhãn hiệu COVERSYL theo Giấy chứng nhận đăng ký quốc tế số 453868 ngày 22/7/1980 về sản phẩm dược bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm 5. Ngày 01/20/2004, Công ty Shinpoong Daewoo VN (“SDV”) đã nộp đơn tại Cục SHTT xin đăng ký nhãn hiệu CARVESYL tại đơn đăng ký bảo hộ số 4-2004-10411 ngày 01/10/2004. Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 70472 ngày 01/03/2006 đối với nhãn hiệu liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm thuộc nhóm 5.

Biofarma đã nộp đơn tại NOIP yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu tại đơn khiếu nại số FR12/M 1359/06 ngày 12/09/2006 của SDV trên cơ sở có sự tương tự (về kiểu dáng và cách phát âm) và có dấu hiệu gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu CARVESYL và COVERSYL, và COVERSYL được nổi bật hơn và nhãn hiệu này có một số đặc tính quan trọng khác bao gồm uy tín và danh tiếng (được khẳng định thông qua chứng cứ như có một số quốc gia đang bảo hộ nhãn hiệu này trên 150 quốc gia. Các sản phẩm mang nhãn hiệu này có doanh thu cao (2,7 tỷ USD trên toàn thế giới từ năm 1999 đến năm 2004, tăng hàng năm) và mức độ quảng cáo và khuyến mại sản phẩm mang nhãn hiệu; và mức độ quảng cáo và khuyến mại sản phẩm mang nhãn hiệu; và việc sử dụng liên tục nhãn hiệu này trong thời gian dài là quan trọng.

Cục SHTT đã đồng ý với hầu hết các lập luận của Biofarma kết luận rằng có sự tương tự giữa các nhãn hiệu này và có dấu hiệu gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, Cục SHTT đã không nhận định rằng nhãn hiệu COVERSYL là nhãn hiệu nổi tiếng theo như viện dẫn của Biofarma. Chứng cứ do Biofarma cung cấp được xem là yếu tố chứng minh rằng COVERSYL là nhãn hiệu được công nhận và sử dụng rộng rãi theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ. Cục sở hữu trí tuệ đã quyết định rằng nhãn hiệu CARVESYL là tương tự gây nhầm lẫn COVERSYL đã được thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Do đó, không đủ dấu hiệu để phân biệt để đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu này. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp thuận khiếu nại của Biofarma, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký của SDV tại Công văn số 956/SHTT-TTKN ngày 20/05/2010.

Qua các vụ việc nêu trên, có thể thấy rằng yếu tố “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” đóng vai trò rất quan trọng khi Cục sở hữu trí tuệ ra văn bản chấp nhận ý kiến phản đối cấp văn bằng bảo hộ và lấy đó làm cơ sở để từ chối cấp văn bằng bảo hộ dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ tương tự, cũng như xác định một hành vi là cạnh tranh không lành mạnh do sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, dù nhãn hiệu đó chưa cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam. Điều đó khẳng định rằng, nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi có vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, và mặt khác cho thấy, Cục sở hữu trí tuệ đã gián tiếp công nhận nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi qua các quyết định của mình.  

 

Cơ chế bảo vệ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng biện pháp dân sự để chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách khởi kiện tại tòa án, yêu cầu áp dụng các chế tài được nêu tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, bao gồm:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

4. Buộc bồi thường thiệt hại.

5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. 

Bên cạnh biện pháp dân sự, chủ sở hữu nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cũng có thể thực thi quyền bằng biện pháp hành chính, cụ thể hơn là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Cụ thể Mức phạt tiền với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp là từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có chứa thông tin gây nhầm lẫn,… Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc cải chính công khai.

Hà Trung

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.