Bỗng dưng bị tiếng xấu
Lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) chia sẻ, thương hiệu của Công ty trong năm vừa qua bị ảnh hưởng vì liên quan đến một vụ kiện. Khách hàng (Công ty X) kiện Công ty bán xe có màu xe không đúng với màu sơn trong giấy đăng ký, yêu cầu hoàn trả số tiền 4,45 tỷ đồng đã mua xe. Vụ việc khiến Haxaco bị một số khách hàng khác nghĩ chưa đúng về mình.
Tại phiên xét xử sở thẩm ở tòa án thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Haxaco bị xử phải hoàn lại số tiền 4,45 tỷ đồng cho khách, hợp đồng mua bán giữa hai bên bị vô hiệu. Không chấp nhận điều này, Haxaco kháng cáo.
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 5/1/2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên hợp đồng bán hàng số 40US/2018/HĐBH ngày 30/12/2018 được ký kết giữa Công ty X và Haxaco không bị vô hiệu và đã thực hiện xong. Công ty X có trách nhiệm đăng ký sang tên quyền sở hữu đối với xe Mercedes-Benz S500 (xe cũ) đã mua tại Haxaco theo đúng quy định.
Tòa án nhận định, khi Công ty X và Haxaco ký kết hợp đồng mua bán thì Công ty X đã biết rõ xe xuất xưởng là màu trắng, nhưng Haxaco sơn lại thành màu đen ruby. Việc đổi màu sơn xe được pháp luật cho phép. Công ty X phải đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe để chuyển quyền sở hữu xe. Việc đổi lại màu sơn trong giấy chứng nhận đăng ký xe chỉ là thủ tục hành chính, chứ không làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị, chủng loại xe.
Hợp đồng mua bán cũng đã nêu rõ, bên mua có trách nghiệm tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với chiếc xe tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đúng thời hạn do pháp luật quy định; bên mua không được quyền trả lại hoặc đổi xe đã nhận.
Thực tế, trong vụ việc này, khách hàng không đọc kỹ nội dung hợp đồng mua bán giữa hai bên rằng, xe đã được đổi từ màu trắng sang màu đen ruby, việc thay đổi màu sơn trên giấy đăng ký là việc của khách hàng. Nhưng sau khi mua xe, khách hàng đâm đơn kiện, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của đơn vị bán xe.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Haxaco cho biết: “Sự việc này là điều chúng tôi không muốn. Haxaco không làm gì sai và mọi điều đã được chỉ ra tại quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng thương hiệu Haxaco phần nào bị ảnh hưởng. Đây là một bài học kinh nghiệm lớn cho Haxaco trong các hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng”.
Một trường hợp khác, bà chủ một tập đoàn kinh doanh bất động sản và dịch vụ cho hay, tập đoàn cũng thấm đòn vì những thông tin chưa đúng sự thật về mình trên thị trường.
Đối tác nước ngoài liên tục gửi email, gọi điện chất vấn bà các nội dung mà truyền thông đề cập về hoạt động của doanh nghiệp tại một dự án bị coi là có vấn đề. Sự thật không phải như vậy, cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận doanh nghiệp làm đúng. Nhưng trong thời gian chờ đợi để được minh oan, tập đoàn hứng chịu nhiều tiếng xấu.
Năm 2020 là một phép thử đối với các doanh nghiệp toàn cầu khi đại dịch Covid-19 đã phá vỡ tất cả các kế hoạch kinh doanh, không ít doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong năm qua có hơn 100.000 doanh nghiệp Việt phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, thương hiệu bị ảnh hưởng cũng có tác động trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp. Quá khứ đã có bài học về câu chuyện của Khải Silk, thương hiệu này biến mất khỏi thị trường vì thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Thương hiệu Việt Nam đang đà đi lên
Theo Tổ chức Brand Finance, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được định giá từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ USD năm 2020, tăng 29%, đồng thời tăng thêm 9 hạng, từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh.
Cùng với sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt trên 9,3 tỷ USD.
Tại lễ vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Sự phát triển, khẳng định vị thế của sản phẩm, của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của Thương hiệu Quốc Việt Nam trong thời gian qua, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh”.
Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp phải luôn tâm niệm và thấu hiểu vấn đề tạo được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu còn khó gấp trăm nghìn lần để tiếp tục nỗ lực sáng tạo, phát triển trong kỷ nguyên số.
Giữa những “cơn bão” càn quét nền kinh tế do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra, một “cơn bão” lớn mà doanh nghiệp lo sợ đó là khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng thương hiệu do những sự cố không mong muốn.
Các doanh nghiệp cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu Quốc Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, thế giới hậu đại dịch Covid-19 sẽ là thế giới của tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc mỗi doanh nghiệp để hướng đến những giá trị phát triển bền vững. Bài toán cho mỗi doanh nghiệp giờ đây là tồn tại hay không tồn tại, phát triển bền vững hay bị bỏ lại phía sau.
Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu bền vững. Một quốc gia cạnh tranh cần phải có những thương hiệu có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Trong đó, việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu luôn gắn liền với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc nhận diện thương hiệu trực tuyến cho phép các thương hiệu tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh với các đối thủ.
Muốn đi xa hơn, doanh nghiệp bắt đầu từ việc gây dựng thương hiệu mạnh hơn.
Hải Minh