Thương hiệu taxi truyền thống bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự phát triển của các hãng taxi công nghệ

Ky Anh

(PLBQ). Sự du nhập của Grab, Uber, GoViet đã làm bộc lộ những bất cập, hạn chế lâu nay của taxi truyền thống khiến một loạt các hãng taxi truyền thống báo lỗ, thậm chí giải thể, sáp nhập trước sức ép cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.

>> Xuất khẩu công nghệ: Cơ hội tỷ đô cho doanh nghiệp Việt tại Mỹ

>> Thúc đẩy tự động hóa trong nền kinh tế số

Vận tải truyền thống là một loại dịch vụ cung cấp cho khách hàng bao gồm taxi, xe buýt, xe lửa, đường sắt, đường thủy và hàng không một cách vật lý mà không áp dụng công nghệ hiện đại và Internet. Tuy nhiên, công nghệ thông tin (CNTT) hiện đang trong quá trình phát triển nhanh với nhiều ứng dụng trong các loại ngành khác nhau bao gồm cả dịch vụ vận tải, thường được gọi là các ngành 4.0. Do đó, định nghĩa của vận tải truyền thống là phân biệt loại dịch vụ vận tải sử dụng CNTT để tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình vận tải Grab, Uber, GoViet đã khiến các hãng taxi truyền thống chao đảo. Tình hình kinh doanh tụt dốc, nhiều hãng phải cắt giảm nhân viên để bù trừ chi phí, điển hình như hãng taxi Mai Linh đã cắt giảm gần 6.000 nhân viên. Trước đó, một hãng taxi lớn tại thị trường phía nam là Vinasun cũng đã phải giảm gần 8.000 nhân sự chỉ trong sáu tháng đầu năm vì kết quả kinh doanh không hiệu quả.

Grab và Uber lần lượt xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2014. Đây là loại dịch vụ mới cung cấp vận chuyển trực tuyến thông qua việc sử dụng công nghệ dịch vụ dựa trên vị trí (LPS), GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) và lái xe thông qua thiết bị di động. Tiêu chí hoạt động của Uber và Grab là tận dụng các phương tiện cá nhân có sẵn (ô tô, xe máy) của người dân trong thời gian rảnh để tham gia vận chuyển hành khách.

Khi taxi công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam với 2 đại diện là Uber và Grab, người tiêu dùng đón nhận dịch vụ mới này với thái độ e dè. Vì thế, trong thời gian đầu, taxi truyền thống vẫn phát triển mạnh.Tuy nhiên, đến năm thứ 2, khi Uber và Grab chứng minh được những tiện ích của mình, taxi truyền thống mới bắt đầu suy giảm.

Sau 5 năm kể từ khi Uber và Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tới giữa năm 2018, đã có tới 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường. Chỉ sau ba năm, Grab đã có 70.000 phương tiện đăng ký chính thức, chưa kể những phương tiện chưa đăng ký, có lẽ con số còn nhiều hơn. Đặc biệt khi Grab “thôn tính” Uber trở thành đơn vị độc quyền thì cuộc chiến thị phần trở nên không cân sức với taxi “truyền thống”.

Taxi công nghệ với sự tiện lợi, phù hợp với nhu cầu người dân hiện nay đang có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn so taxi truyền thống, bởi không cần bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục... đồng thời tạo sự tin tưởng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ vận tải này. Không những vậy, các hãng xe công nghệ vẫn có thể đi vào các tuyến đường cấm taxi trong khi đang vận chuyển khách bình thường.

Ngoài ra, lái xe taxi truyền thống phải tự bỏ tiền túi trả các chi phí như phí điện đàm, phí nhiên liệu, phí vệ sinh, nộp phạt nếu vi phạm an toàn giao thông, sửa xe hay áp lực chạy đua doanh số tháng..., những áp lực vô hình đó buộc họ phải cạnh tranh gay gắt với các hãng khác, thậm chí với chính đồng nghiệp cùng hãng. Nhiều người do không chịu được áp lực đã phải bỏ cuộc giữa chừng, chấp nhận mất tiền cọc ban đầu.

Những lái xe taxi không có điều kiện kinh tế phải mua xe trả góp của công ty thì phải đóng cổ phần khoảng 50%, rồi trả nợ gốc kèm lãi hằng tháng với mức lãi suất từ 12 đến 15%/năm. Giá mua xe cũng chênh so thị trường từ 50-200 triệu đồng/xe (tùy thương hiệu) vì hãng là người đứng tên. Dù tự mua xe hay mua của công ty, lái xe đều sử dụng hình thức mua thương quyền từ các DN taxi và phải chịu nhiều khoản chi phí như thương hiệu hằng tháng, phí bảo hiểm, đồng phục, tiền công đoàn... Tổng chi phí mất khoảng sáu triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, lượng khách ngày càng giảm do nhiều người ưu tiên chọn Uber hay Grab, việc này khiến nhiều lái xe taxi truyền thống gặp khó khăn để hoàn thành đủ doanh số tháng, kéo theo những khoản lương, thưởng bị cắt giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập.

Ảnh: Theo CafeLand

Thay đổi để tồn tại

Mấu chốt quan trọng để các hãng taxi truyền thống hay phi truyền thống tồn tại đều phụ thuộc vào khách hàng. Tuy nhiên, một trong những bất cập của taxi truyền thống thời gian qua là thiếu kênh giao tiếp giữa lái xe và hành khách. Cùng đó là công tác điều hành thủ công, quy mô nhỏ và đặc biệt tỷ lệ xe chạy rỗng cao, trong khi taxi công nghệ lại có nhiều ưu điểm khi chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet là khách có thể đặt xe gần nhất, biết lộ trình đi và số tiền phải trả, tránh được tình trạng “bắt chẹt”. Điều này tăng phần khó khăn cho lái xe các hãng taxi truyền thống, bởi có những người đầu tư xe, có những người chạy thuê... nhưng chỉ có thể bắt khách dọc đường hoặc chờ tổng đài gọi thì mới có khách.

Những thách thức đó đòi hỏi các đơn vị taxi “truyền thống” không chỉ đầu tư công nghệ, dịch vụ mà còn phải tìm ra mô hình hoạt động mới để giữ chân khách hàng. Để tự cứu mình, các hãng taxi truyền thống đang từng bước thay đổi, cố gắng bắt kịp xu thế bằng cách tự làm mới mình qua việc chạy đua đầu tư ứng dụng công nghệ; tích cực tìm giải pháp đổi mới như áp dụng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe qua App (ứng dụng) gọi xe. Tuy nhiên, việc khách hàng lựa chọn taxi truyền thống hay taxi công nghệ không phải phụ thuộc vào App mà là giá cả, khuyến mãi. Trong khi các hãng taxi công nghệ thường có rất nhiều khuyến mãi mang tính “hủy diệt”, giảm giá kịch trần thì DN taxi muốn khuyến mãi phải đăng ký các thủ tục qua cơ quan quản lý theo quy định, chưa kể còn nhiều ràng buộc khác nên muốn thực hiện việc này cũng khó

Hiện nay, các hãng taxi truyền thống chưa có một ứng dụng gọi xe chung cho tất cả. Cụ thể, khi hành khách gọi xe, trung tâm xe sẽ điều chiếc xe gần nhất đến đón, như vậy giảm được thời gian chờ của khách và giảm chi phí chạy rỗng của taxi, đồng thời giảm chi phí cho DN và nâng cao dịch vụ của các hãng taxi. Nhận biết được vấn đề này, vào năm 2018, ba hãng taxi lớn nhất Hà Nội là taxi Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội đã chính thức sáp nhập thành một với thương hiệu G7 Taxi để cạnh tranh với hãng taxi công nghệ Grab.

Thời điểm năm 2018, Hà Nội có khoảng 70 hãng xe taxi, với khoảng 17.000 xe[i]. Tuy nhiên, có rất ít hãng taxi có số lượng trên 1.000 xe nên khó cạnh tranh được với taxi công nghệ Grab. Sau khi hợp tác 3 đơn vị có số lượng phương tiện khoảng 3.000 xe và trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội.  Để gia tăng khả năng cạnh tranh của Taxi truyền thống trước xe công nghệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề lên các ngành dịch vụ trên toàn thế giới và Việt Nam, quy định buộc các tài xế phải mua xe giá cao sẽ được G7 Taxi chấm dứt.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh thị phần giữa xe taxi truyền thống và xe công nghệ đang vô cùng khốc liệt. Sau việc nhiều hãng taxi chấp nhận bỏ thương hiệu để hợp sức lại thành G7 Taxi, ra mắt ứng dụng trên điện thoại di động để gọi xe, taxi truyền thống phần nào lấy lại được thị phần.

Trên thị trường vận chuyển taxi gần đây, không chỉ là cuộc chiến giữa taxi truyền thống với công nghệ mà ngay giữa những ứng dụng gọi xe cũng ngày càng khốc liệt. Do đó, các công ty kinh doanh taxi truyền thống cần phải chấp nhận luật chơi của thị trường, tìm cách ứng phó để tồn tại và phát triển.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Linh Trang


[i] https://g7taxi.vn/tin-tuc/an-so-taxi-g7-se-canh-tranh-nhu-the-nao-voi-grab/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.