Trên con đường hội nhập khoa học công nghệ, Việt Nam cần thúc đẩy bảo hộ sáng chế là công nghệ

Ky Anh

(PLBQ). Trong thời đại cách mạng công nghệ toàn cầu, số lượng sáng chế ngày một tăng cao trên thế giới, để khai thác tối đa lợi ích sáng chế cho quá trình hội nhập, Việt Nam cần thúc đẩy bảo hộ bằng sáng chế liên quan công nghệ.

Việt Nam cần thúc đẩy bảo hộ bằng sáng chế đối với công nghệ

>> Sáng chế, công nghệ và sự vận dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh

>> Những điểm cần lưu ý với điều khoản Chuyển giao Ngược trong sở hữu trí tuệ

>> Trợ lý giọng nói “Siri” của Apple bị vướng vào tranh chấp liên quan đến bằng sáng chế

Một số vấn đề cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ

Hiểu như thế nào về quyền sở hữu trí tuệ đối với “sáng chế công nghệ” ?

Trước hết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sỡ hữu trí tuệ thì Sáng chế là một trong những quyền sở hữu công nghiệp và được hiểu là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Song song với đó, theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (ESCAP), công nghệ thuộc hình thức của sáng chế và được hiểu là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin. Công nghệ bao gồm kiến thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Khoản 2 Điều 2 Luật chuyển giao công nghệ quy định Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Bí quyết là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.

Công nghệ có thể gồm đối tượng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; máy móc, thiết bị đi kèm. Trong một số trường hợp, đối tượng công nghệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có sáng chế.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu khái quát “sáng chế công nghệ” là công nghệ thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nhất định được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ theo dạng sáng chế.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ theo quy định pháp luật Việt Nam

Tại các Điều 58 – Điều 62 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành có quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế.

Theo đó, có thể hiểu rằng sáng chế công nghệ sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Bằng độc quyền sáng chế sẽ được cấp, không kể việc hoàn thành các thủ tục theo quy định khác, nếu sáng chế đáp ứng các điều kiện sau: (a) có tính mới, (b) có trình độ sáng tạo, và (c) có khả năng áp dụng công nghiệp. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ được cấp, không kể việc hoàn thành các thủ tục theo quy định khác, nếu sáng chế không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau: (a) có tính mới, và (b) có khả năng áp dụng công nghiệp.

Tổ chức, cá nhân có thể tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế công nghệ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xử lý đơn theo trình tự và sẽ mất khoảng thời gian hơn 02 năm để một sáng chế chính thức được bảo hộ. Bằng độc quyền sáng chế công nghệ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Vai trò của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ

Thứ nhất, bảo hộ sáng chế công nghệ là sự công nhận của Nhà nước đối với sáng chế được phát hiện và được hưởng các quyền bảo hộ đối với sáng chế đã đăng ký; bảo hộ giúp cho chủ sở hữu sáng chế được độc quyền sử dụng sáng chế; quyền được chuyển giao công nghệ… và từ đó, đem lại những nguồn lợi về tài chính, do đó càng khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo.

Thứ hai, việc bảo hộ sáng chế giúp bảo vệ chủ sở hữu sáng chế khỏi những hành vi sử dụng trùng lặp; xâm hại đến sáng chế; quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người hoặc tổ chức đã vi phạm bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.

Thứ ba, việc bảo hộ sáng chế công nghệ góp phần nâng cao giá trị cho sáng chế công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ cho sản phẩm, nâng cao giá trị, uy tín, tiếng nói của thương hiệu, doanh nghiệp thậm chí quốc gia sở hữu, tạo sự hội nhập quốc tế.

Thứ tư, việc bảo hộ sáng chế công nghệ khuyến khích sáng tạo sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới tốt hơn để phục vụ cộng đồng, từ đó tiện ích trong cuộc sống cũng không ngừng được nâng lên. Mặt khác, độc quyền sáng chế chỉ được bảo hộ 20 năm cũng được coi là một khoảng thời gian hợp lý đủ để chủ sở hữu sáng chế thu được nguồn lợi từ sử dụng sáng chế và sau đó sáng chế được trả về cho công chúng và mọi người có thể được tự do nghiên cứu, sử dụng và phát triển sáng chế này.

Sự gia tăng của sáng chế công nghệ và thực trạng bảo hộ sáng chế công nghệ trên thế giới và Việt Nam

Thế giới

Thực tiễn thành công của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ… đều đến từ việc họ đã xây dựng thành công một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là quyền sáng chế từ đó nền công nghiệp không ngừng phát triển, chi phí sản xuất không ngừng giảm xuống nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khi giá trị sản phẩm lại tăng lên là minh chứng rõ ràng nhất cho ý nghĩa to lớn của bảo hộ sáng chế.

Hay trong khoảng thời gian này nổi bật là sự kiện liên quan đến mạng viễn thông 6G, được cho là có tốc độ gấp hơn 10 lần so với 5G, kết nối Internet toàn cầu, kể cả ở những sa mạc xa xôi…

Đối với bằng sáng chế công nghệ 6G, các quốc gia đang trong cuộc đua giành vị trí “ngôi vương”. Trung Quốc nắm giữ tới 40,3% bằng sáng chế - nhiều nhất thế giới. Mỹ đứng thứ hai với 35,2% tổng số bằng sáng chế, Nhật Bản với 9,9% tổng số bằng sáng chế…trong khoảng 20.000 đăng ký bằng sáng chế cho 9 công nghệ cốt lõi của mạng viễn thông 6G (theo khảo sát do Nikkei Asia phối hợp với hãng nghiên cứu Cyber Creative Institute thực hiện).

Tại Trung Quốc, các bằng sáng chế 6G của Trung Quốc chủ yếu liên quan tới công nghệ cơ sở hạ tầng viễn thông. Nhiều bằng sáng chế mới nhất của nước này thuộc về Huawei; những bằng sáng chế lớn khác của Trung Quốc thuộc về các tập đoàn quốc doanh như Tổng công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc, Công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Tại Mỹ, nhiều công ty khác như IBM và Microsoft cũng sở hữu bằng sáng chế liên quan tới 6G.

Tại Nhật Bản, quốc gia đứng thứ ba về số lượng bằng sáng chế 6G, công ty Nippon Telegraph & Telephone sở hữu nhiều bằng sáng chế liên quan đến mạng lưới cơ sở hạ tầng di động và viễn thông quang học ở khu vực đô thị, trong đó có công nghệ giảm tắc đường.

Theo Nikkei Asia, những quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế thường dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến và có tiếng nói hơn khi thế giới thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Bên cạnh đó, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế - cơ quan của Liên hợp quốc (UN), cùng các nhóm ngành dự kiến bắt đầu thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa mạng 6G vào khoảng năm 2024. Với nhiều bằng sáng chế trong tay, Trung Quốc được cho là sẽ có tiếng nói lớn và ở "cửa trên" khi xây dựng các quy tắc liên quan tới 6G.

Việt Nam

Về thành tựu, những năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển với nhiều tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực sáng chế công nghệ, bằng chứng là ngày một nhiều hơn các sáng chế công nghệ “made in Vietnam” được ra đời như Robot FUSO hướng dẫn viên của Đại học Quốc gia Hà Nội với mục đích hướng dẫn khách du lịch, thuyết trình các sản phẩm trong nhà truyền thống, phòng triển lãm…. Nhiều sáng chế về máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, máy đóng bầu… của người nông dân Việt Nam được bán ra thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước.

Hay nổi bật là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là đơn vị chủ lực của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, tính đến thời điểm tháng 4/2021 VHT đã đăng ký tổng cộng 276 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, trong đó năm 2020 đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế. Đặc biệt, VHT đã được Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp mới 4 bằng sáng chế quốc tế về công nghệ của các Trung tâm Nghiên cứu OCS; Trung tâm Radar; Trung tâm Mô hình mô phỏng; Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng. Bằng sáng chế do Hoa Kỳ bảo hộ là sự ghi nhận những phát hiện, nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, LG, Nokia…

(Nguồn ảnh: congnghe.tuoitre.vn)

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ thì đến năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận gần 126.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019). Năm 2019, cơ quan này đã xử lý được trên 113.000 đơn và cấp Văn bằng bảo hộ cho trên 48.000 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng trên 18% so với năm 2019).

Về hạn chế tồn tại và nguyên nhân, thực trạng hạn chế có thể kể đến một số điểm như công nghệ Việt chưa được cấp bảo hộ sáng chế nhiều trên thế giới do chưa đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ. Hay ngay tại Việt Nam, theo nhận định từ Cục SHTT thì nếu nhìn vào danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mà Cục công bố hàng tháng dễ nhận ra các chủ thể nước ngoài vẫn đang chiếm đa số còn lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam thì chiếm tỷ lệ chưa cao. Cùng với đó, ở Việt Nam tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ vẫn còn hiện hữu nhiều.

Những hạn chế trên có thể xuất phát từ một số những nguyên nhân chủ yếu như: do nhu cầu đối với sáng chế ở Việt Nam chưa cao; năng lực nghiên cứu của Việt Nam còn thấp nên các sáng chế chưa đáp ứng được các điều kiện bảo hộ quốc tế; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả và một thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức cao, nhận thức rõ tầm quan trọng về việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế.

Biện pháp thúc đẩy bảo hộ bằng sáng chế đối với công nghệ của Việt Nam

Thứ nhất, cần nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong việc phát minh ra các sáng chế với tính ứng dụng ngày một cao, đáp ứng được các điều kiện bảo hộ có tính quốc tế. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế "Made in Viet Nam". Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần phải tăng cường, phát triển tài sản trí tuệ.

Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện qua việc đào tạo kiến thức chuyên sâu, bài bản, các khóa học bổ tạo, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình làm việc song song với đó cũng cần đặc biệt chú ý đến việc trải nghiệm, cọ xát thực tiễn để đảm bảo tính ứng dụng của sáng chế công nghệ. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức doanh nghiệp Việt cũng cần tăng cường học hỏi, trao đổi với các chuyên gia trong nước, quốc tế thông qua các diễn đàn về sáng chế khoa học – công nghệ.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị nguồn lực thật tốt cho quá trình phát minh ra các sáng chế, trong đó đặc biệt lưu ý nguồn lực về tài chính. Thực tế rằng việc phát minh ra các sáng chế mà trong đó là sáng chế về công nghệ cần một nguồn tài chính không hề nhỏ. Doanh nghiệp có thể gia tăng nguồn vốn thông qua quá trình kêu gọi đầu tư từ trong nước, nước ngoài, tư nhân, Nhà nước…

Thứ ba, cần thúc đẩy vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sáng chế công nghệ, nhất là ở nước ngoài, chỉ có nỗ lực của các doanh nghiệp không thôi là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với mục tiêu là "Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm".

Vai trò hỗ trợ của Nhà nước thể hiện trong các chính sách hỗ trợ đầy đủ các nội dung cần có của hoạt động sáng chế để tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ sáng chế công nghệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy, tạo điểu kiện cho các phương diện hợp tác quốc tế…

Thứ tư, cần tuyên truyển, phổ biến, nâng cao ý thức và hiểu biết của cá nhân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ.

Thứ năm, cần kịp thời phát hiện, răn đe, trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế công nghệ.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Nhật Vy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.