(Nguồn: Internet)
Đây là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện áp đặt điều luật này cho các nền tảng internet. Chính phủ Úc căn cứ vào điều gì để mạnh tay, sẵn sàng chiến đấu trực diện với “gã khổng lồ công nghệ” trong việc yêu cầu “trả phí” như thế?
Trong kỳ này, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền sẽ cùng mọi người tìm hiểu và phân tích vấn đề dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ.
“Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông” của Australia
Tháng 3 năm ngoái, chính phủ Australia ban hành dự luật Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông. Theo dự luật này, các hãng công nghệ lớn như Facbook, Google… sẽ phải thương lượng về việc trả tiền cho các hãng báo chí nước này để có thể hiển thị, sử dụng thông tin của các trang báo này trên các nền tảng mạng xã hội tại Úc, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm.
Cũng theo dự luật này, nếu giữa các hãng công nghệ và các cơ quan báo chí thảo luận không đạt được kết quả, tự chính phủ Úc sẽ thành lập cơ quan riêng để quyết định mức phí. Khi đó, các công ty công nghệ này sẽ không có quyền lựa chọn. Nếu không tuân thủ dự luật mới này, Facebook, Google… có thể phải chịu án phạt lên tới 10 triệu AUD.
Dự luật này được Úc đưa ra nhằm bảo vệ ngành truyền thông trong nước và giới hạn đi “quyền lực” của các công ty công nghệ toàn cầu. Cùng với sự phát triển thần tốc của internet và mạng xã hội, là sự gia tăng số lượng nội dung tin tức trực tuyến miễn phí. Việc mọi người lựa chọn đọc, xem tin tức miễn phí trực tuyến trên Facebook, Google… đã gây áp lực rất lớn cho ngành báo chí, truyền thông.
Vì thế, không chỉ cơ quan báo chí Úc, tất cả các hãng truyền thông trên toàn thế giới những năm qua đang gặp khó khăn khi không đủ chi phí để duy trì. Rất nhiều tòa soạn trên thế giới phải đóng cửa hoặc tuyên bố ngừng xuất bản, cắt giảm việc làm hoặc thu hẹp quy mô.
Vào năm 2019, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã công bố một báo cáo điều tra kéo dài 18 tháng. Theo báo cáo, sự mất cân bằng quyền lực giữa các trang mạng xã hội và các công ty báo chí đang ngày một lớn. Sự mất cân bằng này chính là một phần nguyên nhân ngày càng nhiều các doanh nghiệp tin tức phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc chật vật để tiếp tục tồn tại.
Dự luật này vừa được công bố đã lập tức tạo nên một “cú nổ lớn” trên toàn thế giới. Về phía chính phủ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều bày tỏ sự đồng thuận với Dự luật này của Úc. Rõ ràng, Úc đang là quốc gia tiên phong và sau đó, một loạt các nước khác sẽ “tiếp bước” Úc đưa ra các biện pháp, kế hoạch, quy định để hạn chế lại sự “bành trướng” ngày một lớn của các “gã khổng lồ công nghệ” như Facebook, Google…
Về phía Facebook và Google, những “mục tiêu” chính của Dự luật Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông này, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối. Tuy vậy, ngay sau đó, phía Google vẫn nhanh chóng ký kết các thỏa thuận mang lại hàng chục triệu USD cho các tập đoàn truyền thông lớn của Australia cũng như tập đoàn truyền thông toàn cầu.Việc chủ động đàm phán và ký kết các thỏa thuận của Google nhằm tránh được rủi ro “không dự báo được” khi phải áp dụng Bộ quy tắc.
Phía Facebook lại có động thái phản đối vô cùng quyết liệt. Ông William Easton, quản lý của Facebook ở Australia, cho rằng Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa Facebook với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức.
Kiên quyết với quyết định của mình, Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thôngđã được Hạ viện Australia thông qua ngày 16/2 vừa qua. Đến ngày 17/2, phía Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia, nhằm phản đối quyết định của chính phủ nước này. Ngày 18/2/2021, mạng xã hội hàng đầu thế giới chủ động loại bỏ toàn bộ các trang tin tức của Australia trên nền tảng của công ty. Các trang tin tức này còn bao gồm cả các trang thông tin dịch vụ công, cũng như các trang cập nhật thông tin về y tế, đại dịch COVID-19.
Quyết định này của Facebook đã vấp phải làn sóng phản đối và giận dữ vô cùng lớn tại Australia. Giới quan chức Úc ngay sau đó cũng có những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ không nhượng bộ trước áp lực mà nền tảng truyền thông xã hội này đang tạo ra. Đáp trả lại hành động của Facebook, Chính phủ Australia dự định sẽ ngừng tất cả các chiến dịch quảng cáo trên Facebook, để chuyển sang các phương thức quảng cáo khác như vô tuyến truyền hình, phát thanh…
Cả hai bên đều tỏ ra quyết liệt đối với quan điểm của mình. Sau hơn 1 tuần bế tắc, chính phủ Úc và đại diện Facebook đã tiến hành các cuộc thảo luận đàm phán. Ngày 23/2 mới đây, Australia thông báo Facebook sẽ dỡ bỏ biện pháp hạn chế người dùng tại nước này chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Australia.
Cùng với đó, chính phủ nước này đã đồng ý sửa đổi một phần dự luật khi bắt buộc các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Australia, trừ khi hai bên chủ động ký kết thỏa thuận về vấn đề này.
Đến ngày 25/2, sau khi thượng viện Úc đồng ý, thì Quốc hội Úc đã chính thức thông qua Dự luật Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông. Theo đó, Austrlia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có điều luật yêu cầu Google, Facebook phải trả phí cho các hãng tin, tòa soạn báo, công ty truyền thông để có thể khai thác, sử dụng thông tin của họ.
(Nguồn: Internet)
Dự luật của Australia nhìn dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ
Australia là quốc gia đầu tiên có Dự luật Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông, nhưng sẽ không phải quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện điều này. Không ít các quốc gia đã công khai ủng hộ Úc khi Úc vừa công bố Dự luật và cũng đang xem xét tình hình giữa Úc và Facebook. Trong thời gian tới, hàng loạt các quốc gia trên thế giới có thể sẽ “tiếp bước” Australia đưa ra các quy định về việc trả phí cho tin tức.
Thái độ và hành động của các nước trên thế giới như này cũng là một điều dễ hiểu. Càng ngày người dân khắp nơi trên thế giới càng phụ thuộc vào các trang mạng xã hội như Facebook, Google… Sự phụ thuộc này keo sơn đến mức con người ta có thể ăn với internet, ngủ với internet, đi đâu làm gì cũng phải cầm theo điện thoại, laptop kết nối mạng để có thể truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi.
Cách con người ta hiện nay đọc tin tức mỗi ngày cũng vậy. Thay vì mua một tờ báo, xem TV hay đọc báo điện tử, giờ người ta có sự lựa chọn nhanh gọn hơn là trực tiếp xem những bản tổng hợp, tóm tắt tin tức trên Facebook. Không thể phủ nhận những lợi ích mà Facebook đang mang lại, nhưng điều này cũng làm giảm đi đáng kể nhu cầu tìm kiếm thông tin qua các kênh truyền thông khác.
Nguồn gốc của những tin tức được hiển thị, chia sẻ trên Facebook, Google… vẫn chính là các cơ quan báo chí, công ty truyền thông. Họ là những người đã tìm hiểu, tổng hợp, viết bài và đăng lên các trang web hay tạp chí của họ. Sau đó, chúng được chia sẻ lại trên facebook. Cách share lại bài viết thường là dẫn link lại, đi kèm nội dung của tin tức đó. Có thể việc hiển thị này là nguyên cả bài báo, đăng nguyên cả video hoặc chỉ trích lại một đoạn rồi dẫn link bài báo gốc.
Việc này giúp các tờ báo tiếp cận thêm một số lượng lớn độc giả khác, nhưng cũng làm giảm nhu cầu của độc giả vào việc quan tâm vào chính tờ báo đó. Các tòa soạn cũng không được hưởng quá nhiều lợi ích thương mại trong khi Facebook, Google… lại có thể nhận được một số lượng phí quảng cáo, phí khai thác khổng lồ nhờ hiển thị các tin tức này.
Trong khi đó, nhìn dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ, các bài báo, video tin tức là một đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ. Theo đó, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác sử dụng đều pháỉ xin phép, hoặc phí trả tác quyền, nhất là khi việc sử dụng đem lại lợi nhuận cho bên sử dụng chúng.
Thế các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google… có hưởng lợi gì từ việc hiển thị, chia sẻ thông tin các bài báo từ các cơ quan báo chí, công ty truyền thông không? Trao đổi với phóng viên của chuyên trang Pháp luật và Bản quyền, ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp về SHTT) đã nêu ra các vấn đề như sau:
“Để tiến hàng thu phí từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, cần chứng mình nền tảng này có hưởng lợi từ việc sử dụng lại hay đăng tải, chia sẻ tin tức trên mạng xã hội của mình hay không. Nếu như mạng xã hội như Facebook có hưởng lợi thì việc trả phí là hợp pháp. Nếu mạng xã hội được hưởng lợi nhưng ko trả phí cho đơn vị tạo ra tin tức gốc đó là cơ quan báo chí, công ty truyền thông, thì đó là sự bất công, không đúng tinh thần luật Sở hữu trí tuệ”.
Chắc chắn, dù ít hay nhiều thì khi khai thác, sử dụng, hiển thị, chia sẻ các nội dung tin tức của các toà soạn hay tạp chí, bên phía các nền tảng mạng xã hội như Facebook… cũng đem lại cho mình những lợi nhuận khổng lồ từ việc quảng cáo và thu thập tin tức. Nên việc trả phí bản quyền cho các tòa soạn, tạp chí là việc làm phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.
Chuyên gia cũng bày tỏ ý kiến rằng nếu phải trả phí này, ai sẽ là người trả, thu của ai để trả? Đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, muốn “tiếp bước” Úc là không đơn giản khi hệ thống pháp luật nước ta còn nhiều bất cập.
Đó là câu chuyện của Úc và Facebook về Dự luật Quy tắc đàm phán, thương lượng truyền thông phân tích dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ. Vậy sau Úc, nước ta có hay không có thể xây dựng quy định pháp luật tương tự như thế? Nếu muốn, chính phủ nước ta cần làm gì? Mời quý vị cùng đón chờ những bài viết tiếp theo từ Pháp luật và bản quyền.
Nguyễn Lan