Bức ảnh chú khỉ selfie cho chúng ta hiểu điều gì về bản quyền?
Vào tháng 7 năm 2011, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đã đi du lịch đến một công viên quốc gia ở North Sulawesi, Indonesia, để chụp ảnh động vật hoang dã địa phương. Khi ở đó anh ấy đã theo dõi một đàn khỉ, anh cố gắng có được một vài hình ảnh độc đáo của chúng. Slater cố gắng tìm kiếm một cảnh quay gần khuôn mặt của một con khỉ bằng cách sử dụng góc máy ảnh rộng nhưng những con khỉ khá là nhút nhát và không cho phép anh ta đến quá gần. Sau đó, Slater đã đặt máy ảnh của mình trên giá ba chân và để máy ảnh tại đó. Một con khỉ bị thu hút bởi sự phản chiếu của ống kính, con khỉ sau đó tiếp tục chụp một vài bức ảnh với chiếc máy ảnh của Slater. Slater rất vui mừng và thích thú bởi những tấm ảnh đã ghi lại biểu cảm của niềm vui thuần khiết và sự tự nhận thức về khuôn mặt của con khỉ.
Slater sau đó đã cấp phép hình ảnh cho hãng Caters News Agency vì cho rằng mình giữ bản quyền hình ảnh. Slater lập luận rằng ông đã chọn các góc chụp, cài sẵn các chế độ tự động cũng như lên ý tưởng về việc để các con khỉ tiếp cận máy và chụp ảnh. Một bức ảnh được chụp bởi một chú khỉ ở Indonesia đang là trung tâm của vụ kiện bản quyền và nó có thể sẽ định đoạt tương lai của những sản phẩm không phải do con người tạo ra.
Bức ảnh chú khỉ Naruto selfie (Ảnh: Wikipedia)
Tranh chấp về quyền tác giả đối với bức ảnh
Sau đó, Bức ảnh trở nên nổi tiếng và có giá trị. Vào năm 2014, bức ảnh đã gây ra một cuộc tranh chấp giữa ông Slater và Wikipedia, khi đó, trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia đã đăng tải lên hình ảnh chú khỉ và cho rằng tác phẩm đó thuộc về công chúng, Wikipedia lý giải một con khỉ không thể sở hữu quyền tác giả đối với bức ảnh. Khi ông Slater cố gắng gỡ bỏ bức ảnh, Wikipedia đã từ chối và bức ảnh “tự sướng” của chú khỉ vẫn tồn tại trên trang web như là một tác phẩm thuộc về công chúng.
Sau đó, vào tháng 9 năm 2015, Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) đã kiện Slater vì đã xuất bản cuốn sách trong đó bao gồm tấm ảnh do một con khỉ ( được đặt tên là Naruto) chụp, điều này đã vi phạm đến quyền của chú khỉ theo Đạo luật về quyền tác giả. Tuy nhiên, Slater phản biện rằng một con khỉ thì không thể có quyền tác giả. Để khẳng định bản quyền đối với bức ảnh, PETA tuyên bố rằng bức ảnh tự sướng “bắt nguồn từ một loạt các hành động có mục đích và tự nguyện của Naruto, không được sự hỗ trợ của ông Slater, dẫn đến các tác phẩm gốc không phải do ông Slater, mà là của Naruto.”
Vào tháng 1 năm 2016, thẩm phán xét xử đã bác bỏ vụ án trên cơ sở rằng ngay cả khi Naruto đã chụp ảnh bằng "hành động độc lập, tự chủ", vụ kiện không thể tiếp tục vì động vật không có tư cách pháp lý theo quy định của pháp luật và vì vậy không thể khởi kiện về hành vi xâm phạm bản quyền. Sau đó, PETA đã kháng cáo quyết định trên của tòa án.
Đã có rất nhiều tranh cãi đưa ra xung quanh việc tác giả của bức ảnh đó là chú khỉ Naruto hay Slater. Theo Luật về quyền tác giả của Hoa Kỳ, một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi tác phẩm phải được định hình (trên một phương tiện hữu hình) và có tính nguyên gốc (tác phẩm do chính tác giả sáng tạo ra mà không sao chép). Tính nguyên gốc được xác định do “tác giả” tạo ra (bằng sự sáng tạo của bản thân) mà không sao chép từ nguồn khác.
Nhiếp ảnh gia Slater và tác phẩm “tự sướng” của chú khỉ Naruto
Theo luật, sự sáng tạo chỉ thuộc về con người, do con người thực hiện, tác giả không thuộc về thiên nhiên, không phải do tự nhiên tạo ra. Tác phẩm do con khỉ (một thực thể tự nhiên không phải con người) bấm nút dù có tính nghệ thuật cũng không được bảo hộ quyền tác giả cho chính nó.
Như vậy, bức ảnh này không được bảo hộ quyền tác giả cho Naruto. Tuy nhiên, theo lời của Slater, ông đã bỏ công sức, chi phí, tìm vị trí đặt máy thuận lợi nhất và chú khỉ này chỉ việc bấm nút chụp ảnh, sẽ công bằng hơn nếu ông được công nhận là đồng tác giả của bức ảnh.
Thực tế trong ngành nhiếp ảnh nói riêng cũng như các ngành nghệ thuật khác nói chung, để tạo ra một tác phẩm cần có sự kết hợp của nhiều người từ việc dàn dựng khung cảnh, đặt máy hay chụp ảnh và những người này được coi là đồng tác giả. Nếu như ông Slater chứng mình được ông để cho chú khỉ chụp ảnh và công đoạn đó chỉ là một phần trong quá trình sáng tạo của tác phẩm thì Tòa án khó có thể từ chối quyền đồng tác giả của ông.
Tuy nhiên, vụ kiện đã bị chấm dứt khi các bên đạt được thỏa thuận ngoài tòa án. Trong khi điều khoản chính xác của thỏa thuận được giữ bí mật, luật sư của PETA nói rằng thỏa thuận bao gồm một cam kết từ nhiếp ảnh gia chi trả 25 phần trăm của tất cả tiền bản quyền trong tương lai cho khu bảo tồn khỉ, nơi Naruto đang sinh sống.
Vấn đề liên quan về quyền tác giả theo Luật Anh và EU
Để hiểu rõ hơn về bản chất vụ án trên, hãy cùng xem xét một ví dụ liên quan và lập luận của tòa án. Trong một vụ án tương tự ở EU liên quan đến nhiếp ảnh gia người Áo Eva-Maria Painer và một số nhà báo nói nói tiếng Đức. Cô Painer, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đã chụp chân dung cô thiếu niên Natascha Kampusch, người sau đó trở nên nổi tiếng vì bị bắt cóc và giam giữ tám năm dưới một tầng hầm. Sau đó, cô ấy đã chạy thoát được khỏi kẻ bắt cóc.
Bức ảnh chụp chân dung cô Natascha Kampusch (Ảnh: Wikipedia)
Vào thời điểm cô thiếu niên Natascha Kampusch bị bắt cóc, bức ảnh duy nhất có sẵn về cô Kampusch là bức ảnh do cô Painer chụp. Một số tờ báo đã sử dụng phiên bản kỹ thuật số để cách điệu bức chân dung bức ảnh mà cô chụp để minh họa cho câu chuyện của họ về cuộc chạy trốn của Kampusch.
Năm 2007, bà Painer đã kiện vi phạm bản quyền vì việc sử dụng trái phép tác phẩm cách điệu đó. Các bị đơn lập luận rằng bức ảnh không có bản quyền vì nó chỉ đơn giản là hình ảnh đại diện của bà Kampusch và không phải là nguyên bản. Vấn đề này sau đó được đệ trình lên Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU), trên cơ sở luật hiện hành và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật đã tuyên bố rằng bức ảnh là nguyên bản nếu nó là sự sáng tạo trí tuệ của chính tác giả và phản ánh phong cách, cá tính của họ. Trong trường hợp này, Tòa án Công lý đã lập luận rằng nhiếp ảnh gia đã "lựa chọn tự do và sáng tạo" trong việc chọn bối cảnh và tư thế, điều chỉnh ánh sáng và sử dụng các kỹ thuật phát triển khác nhau để tạo ra một bức ảnh mang lại “nét cá nhân, sự độc đáo và làm cho một bức ảnh đáng được bảo vệ như một tác phẩm trí tuệ giúp truyền tải tính cách của nhiếp ảnh gia.
Vụ án này về bản chất có mối liên quan trực tiếp đến bức ảnh chú khỉ selfie. Trong vụ án Painer, tòa án liệt kê rõ ràng các hành động khác nhau đảm bảo tính nguyên gốc, bao gồm cả việc lựa chọn góc độ, ống kính và thậm chí cả các kỹ thuật để phát triển bức ảnh. Cũng cần lưu ý rằng việc yêu cầu người chụp phải nhấn nút hay không không có quy định trong bất kỳ án lệ nào của EU hoặc luật pháp có yêu cầu người chụp phải nhấn nút hay không. Các hành vi trước và sau khi chụp ảnh dường như quan trọng hơn trong việc thiết lập cho dù đó là sự sáng tạo trí tuệ của chính tác giả.
Thẩm phán đã xác định một loạt các hành vi mang đậm dấu ấn, tính cách của tác giả mà có thể truyền tải sự độc đáo trong một bức ảnh, như sau:
• Góc chụp, ánh sáng và bóng râm, độ phơi sáng và các hiệu ứng đạt được với các bộ lọc;
• Tạo ra bối cảnh của bức ảnh;
• Việc chọn đúng nơi và vào đúng thời điểm.
Lưu ý rằng ba yếu tố này được coi là quan trọng hơn so với hành động vật lý nhấn nút khi xác định quyền sở hữu bản quyền đối với tác phẩm. Trong vụ án bức ảnh chú khỉ selfie, Slater đã có những hành vi hợp lý để được bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm, phán quyết của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ sẽ là tiền lệ được áp dụng cho những vụ việc tương tự phát sinh trong tương lai.
Hà Trung