Bài hát “Hòn đá cô đơn” bị tố đạo nhái, chuyên gia âm nhạc nêu ý kiến?

Ky Anh

(PLBQ). Lời bài hát “Hòn đá cô đơn” của hai nghệ sĩ Trần Vũ và Nguyễn Hoàng Linh bị tố như sinh đôi với nhau, ca khúc từng vang bóng một thời đang gây ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Vậy làm thế nào để xác định một tác phẩm âm nhạc bị đạo nhái?

>> Có hay không việc chương trình Ký ức vui vẻ - VTV3 - ghi sai tên tác giả?

>> “Cover” bài hát và vấn đề bản quyền âm nhạc

>> Âm nhạc, quá trình hình thành phát triển và cơ sở bảo hộ quyền tác giả

Những năm gần đây hiện tượng sao chép, “nhái nhạc” đang trở lên rất nghiêm trọng. Việc xử lý không quyết liệt của cơ quan chức năng đang làm suy giảm niềm tin của cộng đồng, đặc biệt các tác giả mất động lực sáng tạo.

Sao chép nhạc, “nhái nhạc” hay “đạo nhạc” là những thuât ngữ đã chẳng còn xa lạ với bất kỳ người nghe nhạc nào trên toàn thế giới. Hiểu một cách chung nhất, dễ hiểu nhất, đây là hành vi "ăn trộm tài sản trí tuệ" trong những sản phẩm âm nhạc ở dạng một phần hay toàn bộ.

Vừa qua, nhạc sỹ Trần Vũ phát hiện tác phẩm “Hòn đá cô đơn” mà Nhóm Weboys biểu diễn trong chương trình Ký ức vui vẻ - VTV3 được đề tên tác giả là Nguyễn Hoàng Linh. Sau đó, nhạc sỹ Trần Vũ tiếp tục phát hiện trên kênh thông tin, mạng xã hội có nhiều bản nhạc “Hòn đá cô đơn” cover lại cũng ghi tên Nguyễn Hoàng Linh.

(Nhạc sĩ Trần Vũ)

Để cộng đồng hiểu rõ bản chất vấn đề, không hiểu sai làm ảnh hưởng uy tín của tất cả các bên, chuyên trang Pháp luật & Bản quyền đã có cuộc trao đổi với Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa xung quanh vụ việc này.

(Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa)

Phóng viên: Theo nhạc sỹ, để đánh giá việc sao chép hay “nhái” giữa các bản nhạc thì chúng ta cần xem xét đến điểm nào? Tại sao cần xem xét đến những điểm đó?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Theo tôi, để đánh giá việc sao chép hay “nhái” giữa các bản nhạc thì chúng ta cần xem xét đến:

  • Tiết tấu và âm hình bản nhạc.
  • Melody (giai điệu chính trong một đoạn nhạc) và hòa âm của bản nhạc.
  • Ý nghĩa ca khúc và lời ca khúc.

Lý do cần xem xét đến những điểm đó là vì:

  • Có những người, họ chỉ sao chép tiết tấu và âm hình để đặt melody và tuyến hoà âm khác, cùng với đặt lời và ý nghĩa khác dẫn đến phát hiện ra nhưng rất khó quy kết.
  • Bên cạnh đó, lại có người sao chép toàn bộ tiết tấu, âm hình, hoà âm rồi đặt melody với lời khác (sao chép ở mức tăng nặng)
  • Và cũng có một số người lấy toàn bộ từ melody, hoà âm, tiết tấu rồi đặt lời khác (chẳng hạn như dạng nhạc ngoại lời việt)

Phóng viên: Thưa nhạc sĩ, đối với phần nhạc, trùng lặp khoảng báo nhiêu % giữa hai bản nhạc thì coi là sao chép, “nhái”?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Đối với phần nhạc, trùng lặp khoảng đến 30% đã là dễ phát hiện là “nhái” (đấy là vấn đề của giới chuyên môn, nhưng chưa thể quy kết).

Còn nếu trùng lặp trên 50% thì chắc chắn là “đạo nhạc”.

Phóng viên: Theo Nhạc sĩ, có trường hợp nào 02 bài hát do hai tác giả sáng tạo độc lập lại có thể trùng 100% phần lời không?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Theo tôi, không thể có trường hợp 02 bài hát do hai tác giả sáng tác có thể trùng lặp 100% phần lời.

Phóng viên: Theo Nhạc sĩ, bản nhạc “Hòn đá cô đơn” của hai tác giả - Trần Vũ và Nguyễn Hoàng Linh trên trang Nhaccuatui:

  • Có những điểm gì tương đồng?
  • Điểm gì khác biệt?
  • Tỷ lệ giống nhau là khoảng bao nhiêu %?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Tôi khẳng định đây chỉ là một bài mà thôi.

Chỉ có điều tôi thấy hơi băn khoăn là bản hát live do Trần Vũ và Tùng Việt thể hiện thì chất giọng không như bản thu âm[1].

Chuyên trang tìm hiểu kỹ xem, bản thu âm là do Hoàng Linh thu xong đề tên mình. Họ chỉ đề tên thôi, chứ không đề là mình sáng tác thì sao?

Phóng viên: Theo nhạc sỹ, nếu tiếp tục để hiện tượng sao chép, “nhái” nhạc diễn ra thì ảnh hưởng xấu như thế nào tới các nhạc sỹ?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Thực ra hiện tượng này trên thế giới có từ lâu, có những bài hát biết rõ là sao chép nhưng lại khó quy kết.

Nếu tiếp tục để hiện tượng sao chép, “nhái” nhạc diễn ra sẽ gây ảnh hưởng lớn đến xã hội. Tất cả nhạc sỹ không cần tư duy phát triển mà chỉ cần sao chép thôi là ra tác phẩm, nền âm nhạc sẽ đứng tại chỗ.

Còn ảnh hưởng như thế nào đến nhạc sỹ thì tôi chưa thấy.

Phóng viên: Theo nhạc sỹ, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế, ngăn chặn hiện tượng sao chép, “nhái” nhạc trong thời gian tới?

Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: Theo tôi, cần có chế tài để xử lý mạnh hơn, có luật định đúng đắn về vấn đề này.

Đặc biệt, cần thành lập tổ chuyên môn gồm những người đầu ngành về âm nhạc và văn học để thẩm định và đánh giá trước khi quy kết một sản phẩm âm nhạc có “nhái”, có “sao chép” hay không.

Cần lưu ý rằng, hiện nay có hai loại đạo nhạc là: đạo nhạc ý thức (chủ tâm) và đạo nhạc vô thức (vô ý):

  • Đạo nhạc ý thức là cố tình lấy nhạc của người khác rồi biến tấu thành của mình.
  • Đạo nhạc vô thức là do hạn chế về số lượng nốt nhạc và các quy định nhạc lý, rồi lúc nào đó khi hoàn thành sản phẩm thì phát hiện ra giống của ai đó, có nghĩa là họ hoàn toàn không biết tới bài hát kia mà khi sáng tác vẫn có những giai điệu hay ca từ gần giống nhau (tình trạng này nhiều vì chúng ta ảnh hưởng của nền âm nhạc nhiều nước thế giới). Trường hợp này, theo tôi nên vứt ngay sản phẩm dù hay vào sọt rác để tránh ảnh hưởng uy tín.

Phóng viên: trân trọng cảm ơn nhạc sĩ đã chia sẻ./.

Tác phẩm có sao chép, nhái, đạo nhạc hay không thì chính tác giả là người biết rõ nhất và việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức và ý thức làm nghề của họ. Một người nghệ sĩ vừa có “tâm”, vừa có “tầm” thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra chuyện vay mượn ý tưởng hoặc sản phẩm của người khác về chế biến, xào nấu, nhào nặn, ứng tác thành sản phẩm của mình.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Kỳ Anh


[1] https://www.youtube.com/watch?v=243kBWFu7SE

>> Bản nhạc Trần Vũ (link mp3 trên Nhaccuatui): https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hon-da-co-don-tran-vu.hrGZk7G_5e.html

>> Bản nhạc Nguyễn Hoàng Linh (link mp3 trên Nhaccuatui): https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hon-da-co-don-nguyen-hoang-linh.vBxWmWyZnf.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.