Những cái tên như KFC, Carvel, Jollibee, McDonald’s, Pizza Huts… có mặt ở rất nhiều nước khác nhau trên thế giới và chúng chính là những hệ thống nhượng quyền trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, tuy mới xuất hiện không lâu nhưng hình thức kinh doanh bằng mô hình nhượng quyền cũng đã thể hiện được tiềm năng lớn lao của nó và đang hấp dẫn giới đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Phở 24 là một trong những mô hình nhượng quyền điển hình ở Việt Nam.
(Ảnh minh họa, nguồn: vnnavi.com.vn)
Thương hiệu là một sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức, có tên gọi, nhận diện và uy tín đã được công nhận.Thương hiệu được xem như “con át chủ bài” của doanh nghiệp. Nó không đơn thuần chỉ là một tên gọi cho công ty, mà còn là một thông điệp đầy ý nghĩa gắn liền với công ty xuyên suốt quá trình kinh doanh khi doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường. Một thương hiệu mạnh có thể đưa doanh nghiệp lên đỉnh cao, giúp đạt mục tiêu kinh doanh hiệu quả và dễ dàng.
Vài nét vềthương hiệu Phở 24
Khởi nguồn ý tưởng kinh doanh Phở 24
Phở 24 là một trong những mô hình nhượng quyềnđiển hình tại Việt Nam. Tiến sĩ Lý Quí Trung, đồng sáng lập và là Chủ tịch của Nam An Group (chủ sở hữu Phở 24 trước khi bán lại cho Highlands) mở tiệm Phở 24 đầu tiên vào tháng 6/2003 tại số 5 Nguyễn Thiệp, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Ông có thể coi là một trong những người đầu tiên mang mô hình nhượng quyền thượng mại vào nước ta. Một năm rưỡi sau, Lý Quí Trung mở tiệm phở đầu tiên ngay giữa Hà Nội - nơi có những quán phở lâu đời nhất, ngon nhất và khách hàng cũng thuộc diện sành ăn phở nhất. Ông đi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh tiệm phở theo mô hình chuỗi và xây dựng thượng hiệu một cách bài bản.
Điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt của Phở 24 là từ tô phở bình dân của người Việt, Phở 24 đi vào nhà hàng, biến thành món ăn sang trọng và quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh. Trong khi vệ sinh an toàn thực phẩm là điểm yếu của các quán phở truyền thống ở Hà Nội. Nhờ nắm vững tâm lý coi trọng sức khỏe và sự sạch sẽ của thực khách, Phở 24 đã từng bước chinh phục thị trường trong nước và dần dần tiến sang cả thị trường quốc tế.
(Một sản phẩm của Phở 24.Nguồn: pho24.com.vn)
Trải qua nhiều bước phát triển, thay đổi và đặc biệt là sau thương vụ “bán lại” cho Công ty CP Việt Thái Quốc tế (Công ty Việt Thái) - đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee, thương hiệu Phở 24 vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường Việt Nam và quốc tế.
Chủ sở hữu Phở 24
Từ tháng 6 năm 2003 đến tháng 11 năm 2011, Phở 24 được khai sinh, phát triển và quản lí bởi tiến sĩ Lí Quý Trung và tập đoàn Nam An Group.
Tập đoàn An Nam Group là một tập đoàn thực phẩm lớn tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và bán sỉ, chuyên nhập khẩu và phân phối những nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng và thiết bị nhà hàng nổi tiếng.
Từ tháng 11/2011 đến nay, Phở 24 thuộc Công ty Việt Thái Quốc Tế (VTI), chủ sở hữu của Highlands Coffee, Hard Rock Cafe, Emporio Armani, Swarovski, Aldo, La Vie En Rose, Debenhams, Coorslight, Orangina ... Sau 11 tháng đàm phán, thương hiệu Phở 24 của Nam An Group được nhượng về cho VTI vào ngày 11/11/2011. Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee mua 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quý Trung với giá 20 triệu USD trong tháng 11/2011.
Các mốc phát triển nổi bật của Phở 24
Tháng 6 năm 2003, công ty mở cửa hàng đầu tiên tại địa chỉ số 5 Nguyễn Thiệp, quận 1, thành phố Hổ Chí Minh (TP.HCM). Đây là cửa hàng phở đầu tiên mang thương hiệu Phở 24 và cũng là cửa hàng phở đầu tiên tại Việt Nam chú trọng tới thiết kế bên trong cửa hàng, không gian và phục vụ chuyên nghiệp. Cửa hàng nhanh chóng trở thành địa điểm lui tới của những người yêu phở.
Tháng 12/2004, công ty mở cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Hà Nội - nơi được mệnh danh là kinh đô của phở và cũng đạt được những thành công như tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 1/2005, khai trương cửa hàng nhượng quyền đẩu tiên tại quận 7 thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó là khai trương một loạt các cửa hàng nhượng quyền thương mại tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Tháng 3/2005, công ty nhận được giải thưởng "Cửa hàng phở đáng tin cậy nhất năm 2004" (The most reliable Pho venues in 2004) do độc giả của thời báo Kinh tế Việt Nam, Vietnam Economic Times, Tư vấn tiêu dùng và The Guide Magazine bình chọn.
Tháng 6/2005, cửa hàng nhượng quyền thương mại đầu tiên tại nước ngoài được khai trương tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Đánh dấu một mốc quan trọng trong việc thực hiện cam kết của công ty là: mang mô hình kinh doanh thành công của Phở 24 ra thế giới.
Tháng 9/2005, Phở 24 được lựa chọn là một trong 20 thương hiệu hàng đầu của miền nam Việt Nam tham gia chương trình "20 nhãn hiệu hạt giống" do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm đầu tư và xúc tiến thương mại (ITPC) tổ chức.
Tháng 3/2006, lần thứ hai liên tiếp công ty giành được giải do người tiêu dùng bình chọn là giải "làm phở món ăn truyền thống của Việt nam trở nên nổi tiếng trên thế giới trong năm 2005" (Making traditional Vietnamese Pho international in 2005).
Tháng 6/2006, mở cửa hàng nhượng quyển tại trung tâm Rockwell ở Manila, Philipines.
Tháng 9/2006, VinaCapital đầu tư 3 triệu USD vào chuỗi cửa hàng Phở 24 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc quản lý công ty,chuyển từ cách quản trị theo kiểu gia đình sang phương pháp quản trị chuyên nghiệp.
Tháng 12/2006, tại Diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu (Singapore), Phở 24 đã lọt vào vòng chung khảo "Giải thưởng quốc tế về nhượng quyền" do Hiệp hội nhượng quyền Châu á - FLA (Frachising & Licensing Asia) cùng với 7 thương hiệu hàng đầu thế giới.
Tháng 3/2007, công ty lại tiếp tục giành được giải "Cửa hàng phở đáng tin cậy nhất năm 2006" (The most reliable Pho venues in 2006) do độc giả của thời báo Kinh tế Việt Nam. Vietnam Economic Times, Tư vấn tiêu dùng và The Guide Magazine bình chọn.
Tháng 3/2009, tổng số cửa hàng Phở 24 tại Việt Nam và nước ngoài đã đạt đến con số 70 sau sáu năm đi vào hoạt động.
Tháng 8/2009, hợp đồng nhượng quyền mới ở Hồng Kong và Macau.Cửa hàng đầu tiên sẽ mở tại Hồng Kong và Macau vào tháng 10/2009.Ký hợp đồng nhượng quyền cho thị trường ở Anh. Cửa hàng đầu tiên sẽ mở tại London vào tháng 12/2009
Tháng 12/2009, chuẩn bị nâng tổng số cửa hàng lên 80 (hơn 40 cửa hàng ở TP. HCM) với 15 cửa hàng ở nước ngoài (Indonesia, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Úc). Hợp đồng nhượng quyền mới ở Hong Kong và Macau.
Năm 2010, doanh thu của Phở 24 trong năm 2010 tiếp tục tăng nhanh chóng.Ngày 10/07/2011, cửa hàng Phở 24 đầu tiên tại Nhật Bản chính thức khai trương tại số 2-2-5 Ichigayatamachi, Shinjuku-ku, trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần SX-TM-DV Phở 24 và Seven&I Food Systems – một trong những tập đồn hùng mạnh nhất Nhật Bản trong ngành bán lẻ và kinh doanh nhà hàng. Đây là sự kiện đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của một thương hiệu phở đến từ Việt Nam.
Ngày 11/11/2011, ông Lý Quý Trung- chủ sở hữu Phở 24 bất ngờ kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Việt Thái – một công ty Việt Nam sở hữu chuỗi cà phê Highland nổi tiếng.
Năm 2012, mặc dù giới chuyên gia lo ngại cho tình hình kinh doanh của Phở 24 khi không còn được quản lí bởi người chủ cũ, Phở 24 vẫn tiếp tục phát triển về quy mô.
Tháng 6/2012, Phở 24 đã mở 70 cửa hàng với 70% các cửa hàng nội địa tọa lạc tại các tỉnh thành lớn nhưHồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, và 30% các cửa hàng quốc tế tại Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Phnom Penh (Campuchia), Ma Cao - Hồng Kông và Tokyo (Nhật Bản). Phở 24 có kế hoạch mở thêm cửa hàng ở tất cả các thành phố lớn của Việt Nam cũng như tại các thị trường nước ngoài, nơi có số lượng lớn người châu Á.
Phở 24 tiên phong về chuỗi, xây dựng thương hiệu bài bản, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, phục vụ.Điểm mạnh của Phở 24 so với phở truyền thống khi chinh phục thị trường là phục vụ đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh.
Nhưng hiện tại, Phở 24 đang gặp phải thách thức về quản lý hệ thống khi mở rộng quy mô.Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Phở 24 có dấu hiệu không đồng nhất trong chuỗi.
Đánh giá mô hình nhượng quyền của Phở 24
Thành công
Thương hiệu mạnh, uy tín
Thành công đầu tiên của Phở 24 là đã xây dựng được một thương hiệu gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng. Phở vốn là món ăn quen thuộc với người dân Việt Nam từ ngàn đời nay nhưng người ta vốn chỉ quen với những hàng phở, gánh phở bình dân.
Mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2003 tại Việt Nam, Phở 24 đặc biệt tạo được sự thu hút với khách hàng bởi tại thời điểm đó, chưa có một hàng phở nào có máy điều hòa, thiết kế nội thất đẹp và sang, tiêu chuẩn nhà hàng và phong cách phục vụ chuyên nghiệp như vậy. Cũng chính vì phong cách chuyên nghiệp mà Phở 24 có đủ sức để không chỉ phát triển ở trong nước mà còn nhượng quyền rộng ra cả nước ngoài.
(Không gian nội thất cửa hàng Phở 24.Nguồn: vnnavi.com.vn)
Phở 24 có nhãn hiệu/logo được thiết kế riêng, không gian kiến trúc sáng tạo, độc đáo được đặt hàng, tông màu xanh cốm đặc trưng dễ nhớ, dễ nhận diện. Bản thân cái tên Phở 24 đã mang nhiều ý nghĩa thú vị, khơi gợi sự tò mò khám phá tìm hiểu nơi khách hàng, lại dễ đọc, dễ nhớ cho cả người Việt và người nước ngoài.
Ngoài ra, tên tuổi người chủ cũ của Phở 24 – Tiến sĩ Lý Quý Trung - không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà trên cả quốc tế về tấm gương một doanh nhân nỗ lực và nhiều thành công, chuyên viết sách về nhượng quyền, được mời phỏng vấn trên nhiều kênh truyền hình như AXN, MarcoPolo, CNN, News Asia,... cũng đóng góp một phần rất lớn tạo nên uy tín cho thương hiệu Phở 24.
Hệ thống nhà hàng nhượng quyền đồng bộ, thống nhất
Phở 24 có tổng lượng vốn đầu tư vừa phải, phù hợp với lượng vốn các nhà đầu tư Việt Nam. Khi chọn lựa đối tác để nhượng quyền, Phở 24 xem xét rất kĩ về khả năng tài chính, mức độ quan tâm đến lĩnh vực mà Phở 24 kinh doanh, kiến thức và kinh nghiệm tham gia nhượng quyền của đối tác, tình hình kinh tế-xã hội ở khu vực hoặc ở quốc gia của đối tác, sau đó mới đi đến quyết định có nên hợp tác nhượng quyền hay không.
Ngoài ra, khi bắt đầu thâm nhập vào một thị trường mới, những vị trí mà Phở 24 đặt làm cửa hàng đầu tiên đều là những vị trí đắc địa, thuộc khu vực trung tâm sầm uất của cả Việt Nam và quốc tế, đi thẳng và đối tượng khách bản xứ, không cần phải qua bước trung gian là từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại (nếu là nhượng quyền quốc tế), chấp nhận tiền thuê mặt bằng cao gấp 5-7 lần so với thuê ở khu vực ngoại thành.
Theo ông Lý Quý Trung (chủ sở hữu cũ của Phở 24), một thương hiệu ẩm thực thành công sớm muộn gì cũng phải thành công ở dòng chính.Quan điểm của ông là phải đi vào dòng khách hàng chính, dám đầu tư, không đi loanh quanh tìm hiểu trước khi dấn thân.Hơn nữa, nếu chuẩn bị việc kinh doanh thật kỹ, dòng chính sẽ là dòng tránh được rủi ro hơn, chi phí cao nhưng xác suất thành công cũng cao nhất. Nhờ có những hoạch định vững chắc như vậy mà tốc độ nhượng quyền của Phở 24 cực kì nhanh và lợi nhuận thu về cũng rất cao. Mô hình nhượng quyềncủa Phở 24 được nhắc đến như một tấm gương đi tiên phong theo mô hình nhượng quyền thương mại, trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam khác.
Đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp
Phở 24 đầu tư cho việc đào tạo nhân sự không kém gì so với đầu tư cơ sở vật chất. Chủ trương của công ty là luôn chuẩn bị đào tạo và tuyển dụng đủ nhân sự giỏi và có kinh nghiệm phù hợp để sẵn sàng điều hành công ty thời điểm 2 đến 3 năm sau, chứ không phải khi cần mới bắt đầu tuyển dụng. Chính vì thế, đội ngũ nhân sự của Phở 24 rất mạnh, có thể đảm đương và quản lí được công việc một cách hợp lí, linh hoạt theo những biến động bất thường của thị trường, tạo nên phong cách làm việc và phục vụ chuyên nghiệp rất riêng.
Đào tạo nhân viên hay cán bộ quản lí là chuyện các doanh nghiệp Việt Nam đều đã phải làm và quen thuộc. Nhưng đào tạo và hướng dẫn chủ quán phở nhượng quyền mới thật sự là một khó khăn lớn vì họ vừa là chủ đầu tư, vừa là đối tác và thường thì không có nhiều thời gian như nhân viên.
Nắm bắt được đối với ngành kinh doanh ẩm thực, chủ quán đóng một vai trò cực kì quan trọng nên Phở 24 đã đưa việc nghiên cứu hồ sơ, phỏng vấn để lựa chọn đối tác mua nhượng quyền lên hàng đầu.
Phở 24 có chương trình đào tạo cho đối tác mua nhượng quyền bao gồm thời gian 2 đến 3 tuần huấn luyện tại trung tâm của của tập đoàn dưới hình thức lớp học lý thuyết và thực hành ngay cửa hàng phở hoạt động. Phía đối tác mua nhượng quyền được yêu cầu gửi ít nhất một nhân viên quản lý, một nhân viên bếp và một đại diện chủ đến trung tâm để được huấn luyện miễn phí. Các nhân viên này sau đó sẽ cùng với đội ngũ chuyên gia của tập đoàn huấn luyện toàn thể nhân viên còn lại của cửa hàng nhượng quyền. Đội ngũ chuyên gia của tập đoàn này sẽ có mặt tại cửa hàng nhượng quyền trước và sau ngày khai trương ít nhất 3 ngày. Điều này sẽ đảm bảo được chất lượng Phở 24 đồng đều và ổn định trong suốt cả hệ thống, không có sự bất đồng trong quản lí và phục vụ giữa nhà hàng này với nhà hàng khác.
Hạn chế
Mô hình kinh doanh bị sao chép
Trên thực tế, có nhiều cửa hàng phở được mở ra theo kiểu bắt chước mô hình của Phở 24.
Năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện Phở 5 sao với cách trang trí bảng hiệu, nội thất, màu sơn tường, tông màu bàn ghế, quầy rượu, đèn trang trí, tông màu xanh chủ đạo của nhãn hiệu, trang phục của đầu bếp trong quán phở đều rất giống Phở 24. Nhìn chung, trừ nhãn hiệu/logo ra, mọi cách thiết kế, sắp đặt, bài trí của Phở 5 sao giống của Phở 24 đến khó phân biệt. Điều này đã khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn và ảnh hưởng đến uy tín của Phở 24.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Phở 24 lại vướng vào vụ cạnh tranh với Phở Vuông, cũng trùng tông màu xanh chủ đạo và cách sắp xếp, trang trí thiết kế nội thất tương tự Phở 24. Đặc biệt, Phở Vuông còn có vị trí cửa hàng ngay gần Phở 24 khiến những ai muốn tìm đến Phở 24, nếu không để ý có thể sẽ nhìn nhầm và vào Phở Vuông.
Thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa đầy đủ
Cung cấp thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư tiềm năng là điều kiện cần thiết để thu hút các đối tác mua nhượng quyền Phở 24. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chú trọng thực sự vào vấn đề này.
Hiện nay, thông tin quảng cáo về Phở 24 trên website chính thức pho24.com.vn còn chưa được phong phú, hình ảnh giới thiệu về cửa hàng, sản phẩm rất ít, không có bảng giá tham khảo khiến người xem không thể có căn cứ so sánh với các thương hiệu khác và khó có thể đưa ra quyết định nên mua sản phẩm hay đầu tư vào mua nhượng quyền hay không.
Facebook hiện nay đang là kênh quảng cáo rất mạnh mà hầu như tất cả các thương hiệu lớn đều quan tâm đến và hầu hết các nhãn hiệu kinh doanh đồ ăn nhanh lớn tại Việt Nam (ví dụ như KFC, Lotteria, Pizza Hut...) đều có kênh Fanpage riêng, được đóng dấu tích chữ “V” màu xanh để xác thực tài khoản chính chủ và có cả một hệ thống quản lí chăm sóc đặc biệt cho kênh này.
Tuy nhiên, nếu ghé thăm Fanpage của Phở 24 sẽ thấy kênh quảng cáo này của Phở 24 hầu như không được chăm sóc kĩ lưỡng, hình ảnh nghèo nàn, tin tức không được cập nhật liên tục. Đây là một trở ngại lớn cho Phở 24 trong việc quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng và đối tác nhượng quyền.
Khó khăn trong việc đa dạng hóa sản phẩm
Phở 24 còn bị vướng phải một trở ngại lớn bởi chính cái tên của nó. Các hãng thức ăn nhanh khác như KFC, Lotteria... có thể mở rộng thực đơn, đa dạng hóa hoặc địa phương hóa các sản phẩm của họ một cách dễ dàng để thu hút thực khách, làm hài lòng khẩu vị của người dân bản địa một cách đơn giản.
Điển hình như KFC khi vào Việt Nam đã mở rộng thêm một số món cho phù hợp với ẩm thực Việt Nam như cơm, canh... hoặc không chỉ bán mỗi gà mà có thêm một số món cá. Tuy nhiên, điều tưởng chừng như đơn giản này lại là bài toán nan giải với Phở 24 vì bản thân cái tên là “Phở” nên khi đa dạng hóa thực đơn ra thành bún, cuốn, cơm rang... sẽ rất dễ làm mất đi bản sắc thương hiệu của chính mình.
Hơn thế nữa, chính điều này sẽ gây khó khăn cho Phở 24 vì trong trường hợp Phở 24 gặp biến cố, cần phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, việc xoay sang bán mặt hàng khác gần như là điều không thể chỉ vì tên thương hiệu.
Lợi thế cạnh tranh không bền vững
Phở 24 ban đầu có thể gây ấn tượng với khách hàng bởi sự sạch sẽ, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, cơ sở vật chất tốt, đặc biệt là có lắp điều hòa, điều mà các quán phở bình dân trước đây chưa hề làm được. Nhưng về mặt lâu dài, lợi thế cạnh tranh này của Phở 24 không bền vững.
Lợi thế cạnh tranh nổi bật của Phở 24 chỉ là “sạch sẽ, phục vụ chuyên nghiệp” nhưng vấn đề hương vị chưa được đánh giá cao. Điều này không có nghĩa là Phở 24 không ngon nhưng trên thị trường đã có quá nhiều loại phở gia truyền với những công thức nấu nướng gia truyền đặc biệt, có thể sẽ áp đảo Phở 24 về hương vị.
Giá cả chắc chắn không phải là lợi thế của Phở 24 vì giá một tô Phở 24 thường cao hơn giá phở bình dân rất nhiều. Như vậy, lí do để khách hàng gắn bó lâu dài với Phở 24 vẫn còn mơ hồ. Ban đầu khách hàng có thể đến với Phở 24 vì không khí sạch sẽ, mát mẻ nhưng nếu hương vị không có nét hấp dẫn riêng thì không thể nào giữ chân thực khách lâu được. Thị trường trong nước đã gặp hạn chế như vậy, chắc chắn khi nhượng quyền ra nước ngoài, Phở 24 cũng không thể tránh khỏi những hạn chế khác.
Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam từ mô hình nhượng quyền của Phở 24
Bài học rút ra từ thành công của mô hình nhượng quyền Phở 24
Xây dựng và bảo vệ được bản sắc thương hiệu (bao gồm nhãn hiệu)
Phở 24 thành công được tại nước ngoài vì biết tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với sản phẩm của các hãng thực phẩm, đồ ăn nhanh khác. Phở 24 xây dựng thành công được chất riêng của thương hiệu từ không khí cửa hàng, trang trí nội thất cửa hàng, phong cách phục vụ đến logo, nhãn hiệu đều toát lên phong cách thuần Việt.
Câu chuyện đằng sau tên gọi Phở 24 hay những câu chuyện thành công về người chủ sở hữu Lý Quý Trung từng một thời nổi tiếng trên các mặt báo nước ngoài đã góp phần tạo nên một dấu ấn đặc biệt về Phở 24 trong lòng người tiêu dùng, vì thế mà thương hiệu có khả năng cạnh tranh với những thương hiệu khác.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải xây dựng một chiến lược marketing hợp lí, quảng bá được hình ảnh sản phẩm doanh nghiệp mình đến người tiêu dùng và tạo được chỗ đứng khác biệt trong lòng người tiêu dùng.
Xây dựng hệ thống quản lí kiểm soát chặt chẽ sau nhượng quyền
Trong nhượng quyền thương mại, kí kết hợp đồng xong không có nghĩa là thương vụ làm ăn đã chấm dứt. Tiếp theo đó, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn phải tiếp tục thực hiện quy trình hỗ trợ đào tạo bên nhận quyền, theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng để kịp thời phát hiện những điểm bất đồng, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong cả chuỗi nhà hàng nhượng quyền. Hình thức nhượng quyền đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu.
Thành công của Phở 24 là đã đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống, khiến cho khách hàng dù bước vào quán Phở 24 ở khu vực nào, trên quốc gia nào cũng nhận được cùng một loại dịch vụ với chất lượng tốt như nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp khi tham gia nhượng quyền cần phải học tập.
Trong quá trình nhượng quyền, doanh nghiệp cần phải thận trọng trong khâu quản lí chuỗi khi mở rộng quy mô nhượng quyền.Kiểm soát, quản lí không chặt chẽ sẽ dẫn đến sự bất đồng, không thống nhất về chất lượng giữa các cửa hàng trong cùng một hệ thống, làm mất hình ảnh thương hiệu, giảm uy tín doanh nghiệp trên thị trường. Một khi uy tín doanh nghiệp bị suy giảm thì lòng tin nơi khách hàng cũng mất và do đó, thương hiệu không thể tồn tại lâu dài được.
Thành công của Phở 24 là đã đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống, khiến cho khách hàng dù bước vào quán Phở 24 ở khu vực nào, trên quốc gia nào cũng nhận được cùng một loại dịch vụ với chất lượng tốt như nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp khi tham gia nhượng quyền cần phải học tập.
Tìm kiếm đối tác nhận quyền phù hợp
Một trong những thành công của Phở 24 khi tham gia nhượng quyền, đó là tốc độ nhượng quyền rất nhanh và lợi nhuận thu về cực kì lớn. Để làm được điều này, có sự đóng góp đáng kể của khâu lựa chọn, tìm kiếm đối tác nhận quyền phù hợp.
Kinh nghiệm của Phở 24 đã cho thấy, với đối tác bên nước Indonesia là ông Hery Santoso - Tổng giám đốc của Seamen tại Indonesia, một người rất yêu thích món ăn Việt Nam. Cách đây nhiều năm, khi qua Việt Nam công tác, ông đã tình cờ thấy mô hình Phở 24 và rất tâm đắc với mô hình này.Ông đã trở thành đối tác nhượng quyền đầu tiên của Phở 24 tại thị trường nước ngoài từ năm 2005.Indonesia được coi là thị trường nước ngoài thành công nhất của Phở 24.
Trái lại, trong trường hợp Phở 24 nhượng quyền cho đối tác nước Singapore, cửa hàng nhượng quyền của Phở 24 trên đất nước này đã phải đóng cửa sớm. Nguyên nhân là do công ty mua nhượng quyền gặp khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế kéo dài. Khó khăn chồng chất tại công ty riêng của đối tác đã kéo theo sự xao nhãng trong kinh doanh tiệm Phở 24 tại đây. Lý Quý Trung - chủ thương hiệu Phở 24 quyết định kết thúc việc kinh doanh với đối tác Singapore vì không muốn kéo dài khó khăn, để dành nguồn lực tập trung cho việc khác.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn nhượng quyền là: Đối tác nhận quyền phải là người am hiểu về lĩnh vực mà doanh nghiệp nhượng quyền kinh doanh, có hứng thú và đam mê về vấn đề này và đặc biệt phải có đủ khả năng về tài chính.
Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp
Trong nhượng quyền, vấn đề con người là vấn đề cực kì quan trọng.Nhượng quyền đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác giữa nhiều bên. Doanh nghiệp nhượng quyền không chỉ cần quản lí, đào tạo nguồn nhân sự, cán bộ của chính mình mà còn cần có chương trình hỗ trợ, đào tạo cho phía doanh nghiệp nhận quyền. Phở 24 có chương trình đào tạo riêng, có đội ngũ chuyên gia giám sát, hỗ trợ cho đối tác mua nhượng quyền trước, trong và sau khi cửa hàng nhượng quyền đi vào hoạt động.
Như vậy, để nhượng quyền thành công, các doanh nghiệp nhượng quyền phải thực hiện huấn luyện, chuyển giao kinh nghiệm và phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để chi nhánh nhượng quyền vận hành tốt.Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại khá yếu trong khâu này.
Bên cạnh đó, muốn duy trì mô hình nhượng quyền, các doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn để phát triển các khâu đào tạo nhân viên quản lý, phục vụ và hỗ trợ kinh doanh cho đối tác nhượng quyền. Doanh nghiệp cần có chính sách đủ mạnh để thu hút và giữ chân nhân tài. Để làm được điều này đòi hỏi công ty phải quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên. Nhân viên phải được làm việc trong môi trường vui vẻ, thoải mái trong kỷ cương của công ty với một mức lương phù hợp với năng lực cùng với sự cân nhắc tới tình hình chung của thị trường lao động.
Như vậy, để nhượng quyền thành công, các doanh nghiệp nhượng quyền phải thực hiện huấn luyện, chuyển giao kinh nghiệm và phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để chi nhánh nhượng quyền vận hành tốt.
Bài học rút ra từ hạn chế của mô hình nhượng quyền Phở 24
Chú trọng đến vấn đề luật pháp và quyền sở hữu trí tuệ
Khung pháp lý về nhượng quyền ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn cần được cải thiện, quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ đúng mức, dẫn đến hiện tượng có những doanh nghiệp bị sao chép mô hình kinh doanh như Phở 24.
Do đó, các doanh nghiệp khi tham gia nhượng quyền cần có một đội ngũ nhân sự chuyên tìm hiểu, nắm bắt được những thay đổi trong quy định về luật pháp của Nhà nước, kịp thời điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp mình theo đúng đường lối của Nhà nước và Chính phủ. Các doanh nghiệp cũng cần tích cực chủ động bảo vệ thương hiệu của mình, tránh tình trạng phó mặc cho cơ quan chức năng xử lí những trường hợp xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình.
Đầu tư cho các hoạt động thu hút mua nhượng quyền
Nếu như Phở 24 chỉnh sửa lại nội dung trên một số trang web về thương hiệu có quảng bá về Phở 24, cung cấp đầy đủ hơn thông tin trên các website này: địa chỉ cửa hàng, giá sản phẩm, hình ảnh sản phẩm..., chắc chắn số lượng nhà đầu tư vào Phở 24 còn nhiều hơn nữa.
Vì thế, các doanh nghiệp khi tham gia nhượng quyền cần đảm bảo thông tin về doanh nghiệp mình được cung cấp, rõ ràng tới tay những cá nhân tổ chức có quan tâm đến mua nhượng quyền. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược marketing và PR cho hệ thống nhượng quyền thật hiệu quả để thu hút được sự chú ý và niềm tin của các nhà đầu tư.
Xây dựng các chiến lược dài hạn, linh hoạt
Phở 24 có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các sản phẩm phở khác nhưng lợi thế cạnh tranh này không bền vững. Đặc điểm nổi trội “sản phẩm vệ sinh, không gian sạch sẽ, thoáng mát, có điều hòa” dần dần sẽ không còn là của riêng Phở 24 nữa khi mà nền kinh tế đang phát triển, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng có thể đáp ứng được những tiêu chí này.
Do đó, từ kinh nghiệm của Phở 24, có thể thấy các doanh nghiệp nên xây dựng cho mình những chiến lược dài hạn, linh hoạt để kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường. Để đảm bảo cho sự thànhcông lâu dài, doanh nghiệp cần phải dự báo tình hình cạnh tranh trên thị trường trong tương lai, đặt ra câu hỏi ai sẽ là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp và chuẩn bị trước các rào cản để ngăn chặn sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh này. Một trong những rào cản chắc chắn nhất là một nhãn hiệu mạnh.Hoặc đó có thể là một bằng phát minh cho ý tưởng độc đáo của doanh nghiệp.
Mặc dù vẫn còn một số tồn tại trong hệ thống nhưng mô hình kinh doanh của Phở 24 đã chứng minh rằng nhượng quyền thương mại là một phương thức có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và quảng bá thương hiệu một cách nhanh chóng. Mô hình nhượng quyền thương mại của Phở 24 là một điển hình kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam để các doanh nghiệp khác tham khảo.Những thất bại mà Phở 24 đã gặp phải cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để các doanh nghiệp khác tránh khỏi sai lầm khi tham gia vào sân chơi nhượng quyền còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Kỳ Anh