Bản sao tạm thời trong môi trường kỹ thuật số: thiếu quy định pháp luật điều chỉnh

(PLBQ). Quyền sao chép được xác lập cho cá nhân, tổ chức khi tác phẩm do họ sáng tạo hoặc sở hữu đủ điều kiện bảo hộ quyền tác giả. Việc xác lập quyền tác giả sẽ phát sinh cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả các quyền năng đối với tác phẩm của mình, bao gồm quyền tạo bản sao trong môi trường kỹ thuật số.

Bản sao kỹ thuật số có nhiều dạng tồn tại khác nhau, trong bài viết này tác giả sẽ tập trung phân tích để làm rõ Bản sao tạm thời trong môi trường kỹ thuật số có thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về Sở hữu trí tuệ?

Bản sao tạm thời được tạo ra ở đâu?

Công nghệ số cho phép sử dụng dữ liệu để biểu diễn và lưu trữ mọi tư liệu được thể hiện dưới hình thức đồ thị hoặc âm thanh. Với công nghệ hiện tại, thông tin được truyền thông qua mạng Internet sử dụng một công nghệ được biết đến rộng rãi mang tên “nối chuyển gói” (packet switching).

Đặc biệt, thông tin chuyển đi thông qua mạng được chia nhỏ hơn thành các đơn vị thông tin hoặc gói thông tin. Các gói thông tin hoặc các đơn vị thông tin này sẽ được gắn hiệu ứng theo vị trí tương thích của chúng. Các gói dữ liệu sau đó sẽ được chuyển qua mạng dưới các đơn vị rời rạc, thông thường sẽ được truyền qua các kênh dẫn và những thời điểm khác nhau.

Khi các gói dữ liệu này được giải nén và truyền dẫn thông qua mạng, mỗi máy tính chủ định tuyến sẽ tạo ra một “BẢN SAO TẠM THỜI” (temporary copy) của mỗi gói dữ liệu và chuyển chúng đi đến thiết bị định tuyến (router)[1] mới theo kênh truyền tốt nhất có sẵn tại thời điểm đó cho đến khi nó được chuyển đến điểm đích.

Nếu bất kỳ gói dữ liệu nào bị mất đi trên đường dẫn, máy tính chủ ban đầu sẽ tự động gửi lại gói dữ liệu mất đi đó, có thể truyền đi trên một đường dẫn khác so với đường dẫn ban đầu mà gói thông tin bị mất được truyền đi. Dù các gói dữ liệu thông thường không được gửi đi theo một tuần tự, nhưng sau đó chúng được lắp ráp lại ở điểm nhận theo vị trí tương thích để tái tạo lại giống như dữ liệu đã được gửi đi trước đó. Chỉ có một phần nhỏ của dữ liệu đang được truyền tải đi qua RAM (bộ nhớ tạm thời) của một máy trạm (máy trung gian) vào một thời điểm. Bản sao hoàn chỉnh của dữ liệu đó sẽ được tạo ra/ hoặc lưu trữ ở đích đến, hoặc là ở trong RAM của máy đích, hoặc là lưu trên ổ cứng, hoặc ở cả hai.

Để hình dung về số lượng bản sao tạm thời được tạo ra trong cả quá trình truyền dẫn tác phẩm thông qua Internet, có thể lấy một ví dụ về việc tải một bức ảnh từ một trang mạng điện tử. Trong quá trình truyền tải một bức ảnh như vậy, sẽ có ít nhất bảy bản sao trung gian của bức ảnh đó được tạo ra:

  1. Ở Modem của máy gốc
  2. Ở Modem của máy các máy trung gian
  3. Ở Modem của máy đích
  4. Ở RAM của máy đích (máy nhận)
  5. Bộ vi xử lý/giải nén/giải mã ảnh
  6. Trên trình duyệt
  7. Hiển thị trên màn hình máy tính

Đó là những bản sao được tạo ra bên cạnh bản sao trên ổ đĩa cứng của máy nhận.[1]

Môi trường kỹ thuật số đặt ra những vấn đề pháp lí mới

Hệ quả quan trọng nhất mà việc sử dụng công nghệ truyền nối chuyển gói trên Internet đối với lĩnh vực quyền tác giả (quyền sao chép) là bản sao tạm thời của dữ liệu luôn được tạo ra tại bộ nhớ động của máy tính (RAM) ở điểm nút trung gian trên mạng hoặc bộ nhớ động của thiết bị thực hiện chức năng tương tự như vậy trong quy trình truyền dữ liệu.[2]

Pháp luật quyền tác giả trong môi trường truyền thống vốn dĩ được thiết kế và xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các mối quan hệ gắn với bản sao hữu hình (tangible copy). Do đó yêu cầu phải tạo ra bản sao tạm thời của dữ liệu ứng với tác phẩm là đối tượng bảo hộ quyền tác giả, đã dẫn đến sự khác biệt căn bản về sao chép trong môi trường Internet và môi trường truyền thống.

Vấn đề pháp lí mới mà môi trường kỹ thuật số tác động lên quyền sao chép thể hiện ở khía cạnh:

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) định nghĩa quyền sao chép tại Khoản 10 Điều 4 như sau: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.

Khoản 2 Điều 21, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP) quy định “Quyền sao chép tác phẩm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.

Các quy định trên cho thấy, sao chép là quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc tạo ra bản sao tác phẩm dưới mọi hình thức và phương tiện (gồm cả hình thức điện tử).

Song, Luật SHTT chỉ cho thông tin rằng, bản sao là kết quả được tạo ra từ quyền sao chép, không đưa ra định nghĩa về bản sao.

Khoản 5 và Khoản 7 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP giải thích về bản sao như sau: “Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” và “Bản sao của bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào

Mặc dù, Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã cố gắng định nghĩa về bản sao, tuy nhiên, quy định này thực sự không giải thích về các điều kiện để được xem là một bản sao của tác phẩm, mà chỉ là đang sử dụng một khái niệm khác để định nghĩa cho khái niệm bản sao. Điều này dẫn đến khó khăn khi xác định một đối tượng có phải là bản sao của tác phẩm hay không.

Bản sao tạm thời không thuộc đối tượng điều chỉnh của quyền tác giả

Bản sao tạm thời được đặc trưng bởi “tính tạm thời”

Ví dụ: Hình ảnh của dữ liệu trong RAM sẽ biến mất khi máy tính tắt và sẽ không khôi phục khi máy tính được mở lại. Ngoài ra, ngay cả khi máy tính bật, bản thân dữ liệu cũng được làm mới liên tục.

 

Vì vậy, dữ liệu có ý nghĩa như là "thoáng qua", tức là hiện thân của nó chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi, là một phần chia nhỏ của giây và liên tục bị thay thế bởi những dữ liệu khác mới hơn, sự hiện diện như vậy là mang tính tạm thời và bản chất là đang trong quá trình chuyển tiếp. Hiện thân của dữ liệu trong RAM là không đủ lâu dài để được coi là một "bản sao".

Pháp luật về Sở hữu trí tuệ chưa có quy định rõ ràng

Đối với bản sao lưu trữ trong bộ nhớ tạm thời, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không có quy định cụ thể.

Tuy nhiên, Luật SHTT có đề cập đến thuật ngữ “bản sao tạm thời” của tổ chức phát sóng và được định nghĩa tại Điều 31, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP như sau: “Bản sao tạm thời quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức”.

Quy định về bản sao tạm thời tại Điều 32 Luật SHTT mặc dù đã được hướng dẫn giải thích tại Điều 31 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP nhưng lại gắn với nội dung về quyền liên quan và chỉ quy định riêng cho tổ chức phát sóng.

Nhìn chung, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam chưa đủ rõ ràng để điều chỉnh về Bản sao tạm thời trong môi trường kỹ thuật số.

Ý kiến chuyên gia

Luật gia Đỗ Khắc Chiến cho rằng, bản sao tạm thời dưới dạng điện tử không phải là bản sao theo mục đích bảo hộ quyền tác giả, tức là hành vi làm bản sao tạm thời không thuộc độc quyền kiểm soát của người nắm giữ quyền[1].

Do đó, các chủ thể khác khi thực hiện hành vi tạo ra bản sao tạm thời dù trong trường hợp nào, cũng được xem là không xâm phạm quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Hơn nữa, Luật SHTT cũng không quy định cụ thể các ngoại lệ của sao chép tạm thời, hay các điều kiện để xác định việc tạo ra bản sao tạm thời trong những trường hợp nhất định có bị xem là xâm phạm quyền sao chép hay không.

Đây là một điểm hạn chế của quy định pháp luật, việc quy định “quá thoáng” sẽ là kẽ hở cho các chủ thể lách luật thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sao chép trong môi trường kỹ thuật số.

Bản sao tạm thời theo quy định một số nước trên thế giới

Pháp luật của đa số các nước cũng không đưa ra khái niệm về bản sao tạm thời. Tuy nhiên, lại có cách đặt vấn đề đối với Bản sao tạm thời theo hướng khác nhau.

Hoa Kỳ

Pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, tuy không đưa ra định nghĩa Bản sao tạm thời nhưng lại quy định về bản sao một cách chi tiết.

Cụ thể, Điều 101 Luật SHTT Hoa Kỳ quy định: “Bản sao là một dạng vật liệu (không phải là một bản ghi), trên đó tác phẩm được định hình bằng bất kỳ một phương tiện nào đã được biết hoặc sẽ phát triển trong tương lai và từ dạng vật liệu đó tác phẩm có thể được cảm nhận, tái bản hoặc phổ biến, hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của máy móc, thiết bị. Thuật ngữ “bản sao” bao hàm dạng vật liệu, mà không phải là một bản ghi, trên đó tác phẩm được định hình lần đầu”.

Hơn thế nữa, “một tác phẩm được định hình bằng một trung gian hữu hình dưới dạng bản sao hoặc bản ghi âm, bởi tác giả hoặc dưới sự cho phép của tác giả, và phải tồn tại đủ lâu hoặc đủ ổn định để có thể được tiếp nhận, sao chép, hoặc truyền đạt trong khoảng thời gian dài hơn thời gian chuyển tiếp.”

Định nghĩa về bản sao như trên góp phần phân biệt giữa quyền sở hữu trí tuệ vô hình và vật liệu được sử dụng để lưu trữ bản gốc của tác giả. Hành vi xâm phạm quyền sao chép xảy ra khi một ai đó tạo ra một bản sao trái phép. Bản sao đó phải tồn tại dưới dạng vật liệu và phải cố định để có thể đáp ứng được yêu cầu về việc định hình.

Người sở hữu bản quyền cần phải chỉ ra rằng bản sao đó đã được lưu trữ dưới dạng một tài liệu có thể được “tiếp nhận, sao chép hoặc truyền đạt” và phải đủ cố định hoặc ổn định “trong một khoảng thờ gian dài hơn thời gian chuyển tiếp

Hai yếu tố quyết định của sự “định hình” bao gồm:

  • Có thể tiếp nhận, sao chép hoặc truyền đạt được.
  • Thời gian tồn tại tối thiểu của sự định hình đó, loại trừ những phiên bản chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, không đáp ứng được yêu cầu “dài hơn thời gian chuyển tiếp”.

Định nghĩa của sự “định hình” sẽ loại trừ những trường hợp dữ liệu được sao chép tạm thời hay chớp nhoáng, quy định giới hạn định lượng thời gian dài hơn thời gian chuyển tiếp.

Ví dụ: dữ liệu được chiếu lên màn hình máy chiếu, được hiển thị trên ti vi, hoặc được lưu tạm thời trong bộ nhớ của máy tính

Tuy nhiên, Luật SHTT Hoa Kỳ không đưa ra định nghĩa chính xác về thời gian tối thiểu của sự định hình hay thế nào là khoảng thời gian quá ngắn.

Trên cơ sở quy định cụ thể về bản sao cần phải đạt được những điều kiện gì, từ đó xem xét bản sao tạm thời trong những vụ việc cụ thể có được xem là bản sao hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tòa án.[2]

EU

Bản sao tạm thời theo pháp luật của EU lại được nhìn nhận chặt chẽ hơn. Trước tiên, quyền sao chép tại Điều 2 luật Quyền tác giả châu Âu buộc các thành viên phải “quy định độc quyền cho phép hoặc cấm làm bản sao tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trực tiếp hoặc gián tiếp, cố định hoặc tạm thời, dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bất kỳ phương tiện nào”.

Quy định về phạm vi bản sao rộng hơn, bao gồm bản sao tạm thời được tạo ra trong quá trình truyền hoặc sử dụng đối tượng bảo hộ trong môi trường trực tuyến.

Tuy nhiên, Đạo luật Quyền tác giả châu Âu cũng đặt ra ngoại lệ trực tiếp đối với quyền sao chép, bao gồm hành vi sao chép tạm thời, khi cho phép tạo ra bản sao tạm thời trong những điều kiện nhất định.

Dường như, Đạo luật Quyền tác giả châu Âu hợp lý và chính xác hơn. Tôn trọng quyền độc quyền tạo ra tất cả các hình thức bản sao tác phẩm của tác giả. Ngoại trừ trong môi trường kỹ thuật số (cụ thể là Internet), vì với đặc tính kỹ thuật thì việc tạo ra bản sao tạm thời là điều khó tránh khỏi, do đó pháp luật có ghi nhận ngoại lệ của quyền sao chép, cho phép chủ thể khác thực hiện sao chép tạm thời tác phẩm.

Xuất phát từ những tồn tại và tham khảo quy định của một số nước trên thế giới, cần thiết phải bổ sung định nghĩa về Bản sao tạm thời trong môi trường kỹ thuật số. Việc quy định bản sao tạm thời sẽ tạo cơ sở cho việc xác định được quyền năng cụ thể của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời cũng tạo cơ sở cho việc xác định được hành vi xâm phạm quyền sao chép trong môi trường kỹ thuật số.

Kỳ Anh

 

[1] Th.S Đỗ Khắc Chiến, Về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet, tr. 132

[2] Phán quyết trong vụ MAI Systems Corp. V. Peak Computer51. khẳng định rằng theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì việc tải một chương trình máy tính vào RAM được coi là làm bản sao, trên cơ sở lập luận rằng bản sao có thể được tạo ra trong mỗi giai đoạn truyền tác phẩm qua Internet. Nhưng trong vụ Inc. v. Devcom Mid-Am., Inc (sau vụ của MAI) dường như toàn án lại cho rằng việc tiếp cận chương trình máy tính từ một chương trình mô phỏng thiết bị cuối không được coi là làm bản sao. (Phụ lục 01)

[1] David L. Hayes (1999), “Advanced Copyright Issues on the Internet”, Intell. Prop. L. J. 1 1998-1999

[2] Th.s Đỗ Khắc Chiến (2016), “Về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về thực thi các cam kết pháp lý của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do FTAs và vấn đề bảo vệ quyền sao chép trong bối cảnh hội nhập, tr. 127

[1] Router, hay thiết bị định tuyến hoặc bộ định tuyến, là một thiết bị mạng máy tính dùng để chuyển các gói dữ liệu qua một liên mạng và đến các đầu cuối, thông qua một tiến trình được gọi là định tuyến.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.