Bàn về quy định Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu

(PLBQ). Mục đích của việc đặt ra giới hạn quyền sao chép nhằm tạo ra sự cân bằng lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích của công chúng trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, một số bộ phận người sử dụng thường viện dẫn vào quy định pháp luật để thực hiện sao chép tác phẩm nhưng các hành vi đó không thỏa mãn những điều kiện mà pháp luật đặt ra. Điển hình hiện nay là tình trạng vi phạm quyền tác giả tại thư viện của các trường đại học.

 

Khái quát về giới hạn quyền sao chép

Tác giả, chủ sở hữu quyền giả được trao những độc quyền trong việc sử dụng, khai thác tác phẩm để bù đắp cho những nỗ lực sáng tạo của họ. Tuy nhiên, sự độc quyền này có thể dẫn tới hạn chế khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các sản phẩm sáng tạo, bóp méo cạnh tranh, cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, để cân bằng lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích của công chúng trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm, pháp luật của quốc gia và quốc tế đều có những quy định về giới hạn quyền tác giả, trong đó quyền sao chép cũng không phải là một ngoại lệ.

Khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) giải thích thuật ngữ sao chép: “là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.

Trong suốt thời hạn bảo hộ quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giữ độc quyền đối với việc sao chép tác phẩm. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như pháp luật các nước đều cho phép sử dụng tác phẩm, bao gồm sao chép tác phẩm trong những trường hợp nhất định mà không phải xin phép, không phải trả thù lao.

Thư viện có được sao chép tác phẩm dưới dạng tài liệu in và số hóa dưới dạng điện tử?

Các thư viện hiện nay thường đi theo chiến lược phát triển song song hai loại hình là tài liệu in và tài liệu điện tử:

  • Tài liệu in của các thư viện thường được tập hợp chủ yếu từ ba nguồn: nguồn mua, nguồn lưu chiểu và nguồn tặng hay tài trợ.
  • Tài liệu điện tử thường được tập hợp từ các nguồn: nguồn thông tin điện tử mua hoặc được cho tặng, thuê các cơ sở dữ liệu và số hóa các nguồn tài liệu in của thư viện.

Căn cứ pháp lý

Dẫn chiếu quy định của pháp luật, một trong những ngoại lệ đối với trường hợp sao chép tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao đó là sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu (điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật SHTT)

Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP) hướng dẫn cụ thể: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số”.

Đánh giá

Căn cứ quy định trên, trong trường hợp lưu trữ bản sao kỹ thuật số, phải đáp ứng được các điều kiện:

  • Việc lưu trữ trong thư viện nhằm mục đích nghiên cứu.
  • Sao chép bản sao dưới dạng kỹ thuật số không quá một bản.
  • Việc sao chép bản sao để lưu trữ không được làm phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm cũng như gây thiệt hại không chính đáng cho lợi ích của chủ thể quyền tác giả.

Như vậy, nếu thư viện đã thực hiện việc sao chép tác phẩm dưới dạng tài liệu in thì sẽ không được số hóa tài liệu dưới dạng điện tử (sao chép không quá một bản).

Xu thế hiện nay cho thấy, để giảm thiểu số lượng đầu sách giấy hay bản sao tác phẩm lưu trữ trong thư viện, vì không gian lưu trữ sách có giới hạn, việc lựa chọn lưu trữ các bản sao kỹ thuật số là một nhu cầu thiết yếu. Do đó, quy định giới hạn số lượng bản sao, phần nào làm giảm khả năng tiếp cận tri thức của bộ phận người sử dụng thư viện, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

 

Bên cạnh đó, trong trường hợp nào thư viện được cho phép sao chép để lưu trữ, hiện nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Vì Luật SHTT chỉ đưa ra nguyên tắc chung là thư viện được sao chép tác phẩm để lưu trữ nhằm mục đích nghiên cứu mà không quy định chi tiết, cụ thể. Có quan điểm cho rằng quyền này được phép khi bản gốc không thể lưu trữ được, tuy nhiên số đông lại cho rằng thư viện chỉ được quyền lưu trữ nhằm mục đích công cộng, phi lợi nhuận.

Thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại thư viện các trường đại học

Mặc dù, pháp luật ghi nhận những ngoại lệ, khi cho phép thực hiện quyền sao chép mà không cần xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả, nhưng việc thực hiện quy định này còn nhiều sai phạm.

Trên thực tế, nhiều học sinh, sinh viên hay cơ sở đào tạo giáo dục đều viện dẫn quy định này để thực hiện sao chép sách, giáo trình, tài liệu tham khảo dưới dạng tài liệu số mà không cần xin phép, trả thù lao cho tác giả. Tuy nhiên, hầu hết các chủ thể đều không thực hiện đúng quy định khi thực hiện hành vi sao chép với số lượng lớn và trong vài trường hợp còn thực hiện cả hành vi chia sẻ, phân phối bản sao kỹ thuật số cho các chủ thể khác.

Tình trạng học sinh, sinh viên tải các tài liệu sách điện tử như giáo trình, tài liệu tham khảo từ trong nước đến nước ngoài nhằm phục vụ mục đích học tập là thực trạng phổ biến hiện nay. Dễ dàng tìm thấy các đầu sách giáo trình liên quan đến giảng dạy được số hóa và đăng tải lên các website liên quan đến học tập, trao đổi, nghiên cứu. Đặc biệt là các sách ngoại ngữ luôn là đối tượng được học sinh, sinh viên tìm kiếm nhiều nhất.

Vì là sách do các tác giả nước ngoài biên soạn, thuộc tác quyền của các nhà xuất bản quốc tế cho nên giá thành sách về Việt Nam tương đối cao. Ví dụ như các đầu sách tiếng anh của nhà xuất bản Cambridge có giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, trong khi không phải học sinh, sinh viên nào cũng có thể mua được các đầu sách với giá cao như vậy. Lựa chọn đơn giản, tiết kiệm chi phí, thậm chí không tốn kém chính là tìm kiếm các bản sách đã được số hóa dưới dạng ebook miễn phí và tải về.

Không chỉ dừng lại đó, trên các mạng điện tử luôn có hỗ trợ phương thức peer to peer (phương pháp chia sẻ ngang hàng) hoặc có thể dễ dàng tìm thấy các nhóm, cộng đồng chia sẻ các bản sách số hóa lậu trên các trang mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Hệ quả của việc chia sẻ này là một số lượng lớn bản sao được tạo ra một cách trái phép khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Đây được xem là các hành vi xâm phạm quyền sao chép trong môi trường số bởi theo quy định của Luật SHTT Việt Nam, MỤC ĐÍCH HỌC TẬP không được xét đến trong giới hạn quyền sao chép. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, bộ phận lớn học sinh, sinh viên hiện nay không quan tâm hoặc không hiểu đúng quy định pháp luật khi luôn cho rằng việc sao chép để học tập thì không trái quy định pháp luật.

Đối với việc lưu giữ giáo trình, tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học trong thư viện trường Đại học, như trên đã phân tích, thư viện chỉ có quyền sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu. Do đó, thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng đồng thời cả bản in và bản sao kỹ thuật số.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số thư viện lưu trữ khá nhiều giáo trình, tài liệu cùng lúc để phục vụ cho nhu cầu của nhà trường. Hiện nay một số thư viện ở các trường Đại học vẫn bán giáo trình, sách tham khảo dưới dạng “in lậu” mà không có văn bản đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đó hay tự thực hiện số hóa tài liệu mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả[1].

Từ đó dẫn đến số lượng bản sao (bao gồm cả bản in và bản kỹ thuật số) luôn nhiều hơn một bản, vượt quá giới hạn mà pháp luật quy định. Như vậy, với việc làm trên, thư viện đã vi phạm quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nắm giữ quyền tác giả.

Thực trạng này hiện nay khá phổ biến tại các thư viện của các trường đại học, cao đẳng, thư viện cộng đồng tại Việt Nam. Vì với đầu sách quá lớn, việc liên hệ xin phép số lượng lớn tác giả để tạo bản sao dưới dạng số hóa không phải là công việc đơn giản.

Hậu quả của hành vi xâm phạm quyền tác giả để lại là vô cùng lớn. Một mặt làm thất thu một nguồn thuế của nhà nước, làm giảm nhiệt huyết của người nghiên cứu. Mặt khác nó triệt tiêu sức sáng tạo và khiến giới đầu tư e ngại khi thâm nhập lĩnh vực kinh doanh sách giáo dục.

Điều đó cho thấy, bảo vệ quyền tác giả nói chung và bảo vệ quyền tác giả ở các trường Đại học đang là vấn đề cấp thiết cần được cơ quan nhà nước mạnh tay chấn chỉnh để thúc đẩy sự sáng tạo của công dân trong các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật, tạo ra một môi trường lành mạnh, thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Kỳ Anh

 

[1] Trần Viết Long (2016), Vi phạm quyền tác giả trong các trường Đại học ở Việt Nam, http://hotrosinhvien.hcmulaw.edu.vn/index.php/hoc-tap/434-vi-ph-m-quy-n-tac-gi-trong-cac-tru-ng-d-i-h-c-vi-t-nam

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.