Website của các thương hiệu bị giả mạo
Ngày 15/12/2020, đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nay xuất hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức của Vietnam Airlines, nhưng được thiết kế gần giống website chính thức của hãng. Cụ thể, các website này được đặt tên miền gần giống, chỉ khác một số chữ cái như: www.vietnamairslines.com; www.vietnamaairlines.com... Giao diện, màu sắc, logo những trang web này cũng được thiết kế tương tự website chính thức của Vietnam Airlines
Giao diện trang web giả mạo được thiết kế giống trang web thật
Trong thời gian qua, Vietnam Airlines đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý các website có dấu hiệu vi phạm về đăng ký, sử dụng tên miền có dấu hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của Vietnam Airlines. Thanh tra Sở khoa học và công nghệ TP.HCM đã thực hiện kiểm tra, xác minh tên, địa chỉ của chủ sở hữu, làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp có hành vi sử dụng nhãn hiệu của Vietnam Airlines trên nội dung các website loại bỏ dấu hiệu vi phạm. Cụ thể www.vietnamairlinesvn.com: chủ sở hữu đã loại bỏ các dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Vietnam Airlines trên website. Website này hiện đã không còn hoạt động. Còn www.vnairlines.com chủ sở hữu đã loại bỏ các dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Vietnam Airlines trên website.
Câu chuyện tranh chấp tên miền của BMW
Ngày 22 tháng 6 năm 2020, TAND Cấp cao tại TP. HCM vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp tên miền giữa Công ty BMW (trụ sở ở Đức) và ông Nguyễn Mạnh T. (SN 1990, ở quận 2, TP. HCM).
Theo đơn khởi kiện, BMW cho biết, qua tra cứu, công ty thấy ông Nguyễn Mạnh T. đã đăng ký và đồng thời sử dụng 4 tên miền chứa nhãn hiệu bmwmotorrad với đuôi “.com”, “.vn”; “.com.vn”. Các tên miền này đều đăng ký vào ngày 31/3/2014. BMW cho rằng, công ty được thành lập năm 1916, đang sở hữu hàng loạt tên miền chứa nhãn hiệu BMW và đang duy trì các website này để kinh doanh trên toàn cầu như bmw.com, bmwmotorrad.com, bmw-motorrad.com và bmw-motorcycles.vn. Tại Việt Nam, công ty sở hữu trang web chính thức với tên miền “.vn”
Trang web chính thức của BMW tại Việt Nam bmw-motorcycles.vn
Công ty cho biết đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam từ năm 1950,1980,1995,1984 và 1997. Theo BMW: “dễ dàng nhận thấy các tên miền của bị đơn đăng ký tương tự và gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu BMW”. Mặt khác, ông T. còn sử dụng các tên miền trên để quảng cáo, kinh doanh, cung cấp các dịch vụ sửa chữa ô tô, bao gồm cả dịch vụ dành cho ô tô mang nhãn hiệu BMW. Công ty khẳng định chưa cho phép bị đơn sử dụng nhãn hiệu trên dưới bất kỳ hình thức nào. Vào ngày 13/4/206, Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ có kết luận, xác định hành vi của ông T. có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 1, Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019.
Với căn cứ trên, BMW khởi kiện ra tòa buộc ông T. phải thu hồi 4 tên miền trên, buộc bồi thường thiệt hại số tiền 500 triệu đồng, thanh toán số tiền thuê luật sư là 200 triệu đồng và công khai xin lỗi trên một số báo điện tử.
Trước cáo buộc trên, ông T. khẳng định ông tự nghĩ ra các tên miền trên và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng nên không đồng ý thu hồi và bồi thường. Năm 2018, cấp sơ thẩm đã tuyên buộc thu hồi các tên miền trên, ưu tiên cho Công ty BMW đăng ký sử dụng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Ông T. cũng phải xin lỗi và thanh toán 200 triệu đồng. Không đồng ý với bản án trên, ông T. kháng cáo. Công ty BMW cũng kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm buộc bị đơn phải bồi thường số tiền 500 triệu đồng nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
Qua bản án trên, có thể thấy Tòa án đã khẳng định rằng, nhãn hiệu BMW được biết đến rộng rãi và phổ biến cho các sản phẩm ô tô, xe máy, phụ kiện, hội đủ điều kiện khẳng định BMW là nhãn hiệu nổi tiếng. Trong căn cứ này, Tòa án dựa vào 2 nội dung là (i) bị đơn có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu dựa vào kết luận của thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ và (ii) Bị đơn không phải là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến nhãn hiệu BMW. Hành vi đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến nhãn hiệu là hành vi của tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích sử dụng tên miền làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu.
Tổ chức, cá nhân có thể làm gì để bảo vệ tên miền của mình ?
Hiện nay, pháp luật đã có quy định để tổ chức cá nhân, có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mỗi phương thức sẽ có những ưu điểm, nhược điểm riêng và việc xem xét, lựa chọn phương thức nào sẽ tùy thuộc vào từng điều kiện, yếu tố khác nhau.
Khởi kiện tại Tòa án
Một bên khi cảm thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm có thể lựa chọn phương thức giải quyết theo các hình thức được quy định tại Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP như sau: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài hoặc lựa chọn Khởi kiện tại Tòa án. Đồng thời, bên đưa ra yêu cầu phải chứng minh những vấn đề sau:
- Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên, nhãn hiệu thương mại, dịch vụ của nguyên đơn
- Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích liên quan đến tên miền đó
- Bị đơn ngăn cản không cho nguyên đơn đăng ký tên miền
- Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn
Đối với nội dung vụ án trên, phía bên công ty BMW đã lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp là Tòa án cho nên bản án này của Tòa án sau khi có hiệu lực pháp luật thì cơ quan quản lý tên miền sẽ có căn cứ để triển khai thủ tục thu hồi tên miền và làm thủ tục đăng ký sử dụng tên miền cho công ty BMW.
Yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính
Tổ chức, cá nhân khi phát hiện website có tên miền trùng hoặc tương tự với tên thương mại, nhãn hiệu của mình có quyền thông báo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục xác minh, xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức đơn yêu cầu xử lý vi phạm và được gửi tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông. Chủ thể mong muốn yêu cầu xử lý phải gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm và phải gửi kèm theo tài liệu chứng minh. Chủ thể yêu cầu xử lý vi phạm phải chứng minh những vấn đề sau đây:
- Chủ thể yêu cầu xử lý đã sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại một cách rộng rãi, ổn định. Có thể chứng minh thông qua các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng.
- Chủ thể yêu cầu xử lý phải chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Có thể chứng minh thông qua việc bên bị yêu cầu xử lý đã sử dụng tên miền trên mạng Internet để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ;
- Chủ thể yêu cầu xử lý phải chứng minh bên bị yêu cầu xử lý không có quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại đã được bảo hộ.
- Chủ thể yêu cầu xử lý đã thông báo những bên bị yêu cầu xử lý vẫn tiếp tục sử dụng tên miền. Hai bên có thể làm việc, trao đổi với nhau trực tiếp hoặc thông qua các văn bản trao đổi về việc giải quyết tên miền bị tranh chấp nhưng bên vi phạm không có thiện chí hợp tác. Bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục sử dụng mặc dù đã có thông báo của bên đưa ra yêu cầu
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông có trách nhiệm kiểm tra tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền thông báo cho tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm về dự định thời gian, thủ tục, biện pháp xử lý và yêu cầu hợp tác.
Mức xử phạt đối với hành vi vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự là từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đồng thời Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc buộc trả lại tên miền đối với bên vi phạm.
Pháp luật đã có những cơ sở pháp lý tương đối vững chắc để các chủ thể có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp đối với tên miền. Tên miền là dấu hiệu nhận biết thương hiệu gắn với doanh nghiệp, vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ tên miền, cũng như chủ động xử lý các website giả mạo để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
Hà Trung