Thương hiệu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng, giúp chúng ta phân biệt sản phẩm, dịch vụ của công ty này với sản phẩm hay dịch vụ của công ty khác. Nếu xét trên phạm vi của sàn chứng khoán, mã chứng khoán chính là thương hiệu của doanh nghiệp. Thương hiệu tạo ra giá trị, tiền bạc cho doanh nghiệp, mã chứng khoán cũng như vậy.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thường được khách hàng nhận diện và gọi bằng tên thương hiệu.Do đó, tên thương hiệu và tên doanh nghiệp gần như trở thành mộtvà khó phân biệt. Thương hiệu của công ty là một nhân tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự tăng, giảm của cổ phiếutrên thị trường chứng khoán (nếu công ty niêm yết). Vì vậy, việc nhầm lẫn mã chứng khoán sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.Trùng mà chứng khoán “AAA” hay “MTM” là hai vụ việc điển hình đã từng xảy ra trong quá khứ.
Trùng mã chứng khoán “AAA”
Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa tham gia niêm yết tại thị trường chứng khoán nhưng lại phải chịu nhiều tai tiếng vì bị nhầm lẫn với mã cổ phiếu “AAA” của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (Công ty An Phát) đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Nhiều thông tin bất lợi xuất hiện đối với cổ phiếu “AAA” đã khiến thương hiệu Bảo hiểm AAA bất ngờ phải đối mặt với làn sóng phản ứng mạnh mẽ của đông đảo khách hàng và cổ đông công ty.
Cụ thể, năm 2010 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty An Phát (mã chứng khoán: AAA – Hải Dương) về hành vì chậm nộp Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và Báo cáo tài chínhcho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.Trước đó, Công ty An Phát từng dính “nghi án” làm giả cổ phiếu “AAA” gây xôn xao dư luận một thời.
Sau gần 3 tháng chịu nhiều tai tiếng, cuối năm 2010, Bảo hiểm AAA đã buộc phải gửi thư đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị xem xét lại việc cấp mã chứng khoán AAA cho Công ty An Phát.
Trùng mã chứng khoán “MTM”
Vào năm 2016, Công ty cổ phần Khoáng sản miền Trung có tên viết tắt là MTM (Công ty A) đã từng lên tiếng về việc bị Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoảng sản miền Trung (Công ty B) mạo danh.
Cụ thể, ngoài việc lấy các hình ảnh về nhà máy, trụ sở làm việc của Công ty A đưa lên website, Công ty B còn niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu “MTM”. Theo lãnh đạo công ty A, mã chứng khoán “MTM” của Công ty B không những trùng với tên viết tắt, mà còn trùng cả với tên miền, nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ, điều này đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến uy tín, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Những thông tin tiêu cực về Công ty B liên tiếp xuất hiện như Công ty đã ngừng hoạt động, nơi đặt trụ sở Công ty là quán ăn, chi nhánh công ty tại Hà Nội là phòng khám tư nhân,... đã làm Công ty A mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đính chính thông tin trước khách hàng và đối tác.
Trong diễn biến mới nhất, vào năm 2019, lãnh đạo Công ty B đã bị truy tố về hành vi sử dụng 59 tài khoản mở tại nhiều công ty khác nhau để tạo cung cầu giả, gây nhũng loạn thị trường.
Ngoài hai vụ việc điển hình kể trên, hiện nay, trên thị trường chứng khoán có không ít trường hợp dễ gây nhầm lẫn giữa mã chứng khoán và tên của doanh nghiệp hay giữa mã cổ phiếu của các công ty đang niêm yết trên sàn.
Ví dụ:
- Tổng công ty Xây lắp dầu khí (mã chứng khoán là PVX) có tên viết tắt là PVC, trùng với mã chứng khoán của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí.
- Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (mã chứng khoán là HCM) có tên viết tắt là HSC, trùng với mã chứng khoán của Công ty cổ phần Hacinco.
- Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội có mã chứng khoán là “NHA”, dễ gây nhầm lẫn với mã “NHN” của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội.
Bất cập trong quy định đặt mã chứng khoán
Các vụ việc kể trên đã cho thấy sự bất cập, dễ dãi trong quy định cấp mã chứng khoán hiện hành. Nó thực sự không chỉ gây thiệt hại về uy tín cho Bảo hiểm AAA hay Công ty cổ phần Khoáng sản miền Trung nói riêng, mà còn có thể ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác trong tương lai. Nhưng dường như, các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Ngày 02 tháng 01 năm 2020, Trung tâm Lưu ý Chứng khoán Việt Nam (viết tắt là VSD) đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-VSD về quy chế cấp mã chứng khoán trong nước và cấp mã số định danh chứng khoán quốc tế tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam(Quyết định số 01/QĐ-VSD). Căn cứ Điều 2 Quyết định số 01/QĐ-VSD thì mã chứng khoán trong nước được cấp không phụ thuộc vào tên viết tắt đã đăng ký sở hữu bản quyền.
Điều này đồng nghĩa với việc mã chứng khoán hoàn toàn có thể trùng với tên doanh nghiệp mà đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Trung tâm Lưu ý Chứng khoán Việt Nam xem xét cấp mã căn cứ vào các tiêu chí kỹ thuật của hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán, tên viết tắt của công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, tổ chức phát hành, sự lựa chọn mã của tổ chức phát hành, thông tin về đợt phát hành chứng khoán, thông tin về chứng khoán cơ sở…
Mặc dù, cho thấy sự bất cập, nhưng quy định trên vẫn tồn tại và kế thừa hết từ năm này qua năm khácvà đã gây ra rất nhiều sự nhầm lẫn, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Biết rằng, ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cấp mã chứng khoán cho các tổ chức phát hành cổ phiếu là VSD, cấp tên doanh nghiệp là Sở Kế hoạch và Đầu tư, cấp nhãn hiệu là Cục Sở hữu trí tuệ dẫn đến rất khó kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên, đứng trước tình hình hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, nền kinh tế thị trường chịu sức ép cạnh tranh hết sức khốc liệt. Nhu cầu về tạo dựng thị trường và bảo vệ thương hiệu là mục tiêu mà các doanh nghiệp đều hướng tới. Chính vì vậy, việc sửa đổi quy định của pháp luật về cấp mã chứng khoán và phối hợp quản lý liên ngành, cũng như phân quyềngiữa các cơ quan là rất cấp thiết.
Bên cạnh đó, theo Điều 7 Quyết định số 01/QĐ-VSD:
“Điều 7. Quy định về mã chứng khoán trong nước
Mã cổ phiếu bao gồm 3 ký tự được quy định như sau:
- 3 chữ cái in hoa
hoặc - 2 chữ cái in hoa và 1 ký tự số
hoặc - 1 chữ cái in hoa và 2 ký tự số
- Ký tự đầu tiên phải là chữ cái in hoa”
Quy định trên làm giấy lên một câu hỏi:
“Để tránh sự nhầm lẫn giữa mã chứng khoán của các công ty khác nhau, tại sao mã chứng khoán tại Việt Nam chỉ đóng khung trong 3 ký tự hoặc số mà không phải là 1, 2, 3, 4”.Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, mã chứng khoán của Apple là AAPL, Microsoft là MSFT…
Có ý kiến cho rằng, việc bắt buộc 3 ký tự hoặc số để tránh việc các doanh nghiệp tranh nhau chọn mã chứng khoán “đẹp”. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, mã chứng khoán chỉ góp phần tác động đến quyết định của nhà đầu tư, chứ không thể chi phối. Tại vì, khi nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu, họ sẽ phải nghiên cứu công ty làm ăn thế nào, phán đoán khả năng tăng giá ra sao chứ không phải chỉ vì mã chứng khoán “đẹp”.
Xuất phát từ bất cập của quy định pháp luật trên, việc đặt mã cổ phiếu không nên gò bó, bắt buộc chỉ 3 ký tự hoặc số. Cần cho doanh nghiệp được tùy chọn ký tự 1, 2, 3, 4 để có chút riêng, tránh sự nhầm lẫn giữa mã cổ phiếu của các công ty khác nhau trên sàn chứng khoán.
Bảo vệ thương hiệu trên sàn chứng khoán
Thị trường chứng khoán sẽ không thể phát triển nếu tương lai vẫn còn những tranh chấp, nhầm lẫn như vậy tiếp tục xảy ra. Thương hiệu của mình mất bao nhiêu tiền bạc, công sức xây dựng lại bị những doanh nghiệp khác mượn sử dụng và còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của chính mình là điều mà không cá nhân, tổ chức nào mong muốn.
Ngày nay, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc xác định đúng thương hiệu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc “trùng tên” thương hiệu đã và đang bắt đầu tác động thực đến tâm lý nhà đầu tư nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Tương lai, nếu việc cho phép cấp mã chứng khoán không được xem xét thận trọng và quy định chặt chẽ trong Luật Sở hữu Trí tuệ thì chắc chắn không xa, sẽ có những tranh chấp mạnh mẽ phát sinh liên quan đến vấn đề này.
Ngày nay, với sự phát triển của thị trường chứng khoán thì giá trị của 3 ký tự “mã chứng khoán” đang ngày một lớn hơn. Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức trách nên nghiêm túc nhìn lại quy chế đặt tên khá lỏng lẻo hiện nay.
Kỳ Anh