Bất cập trong viêc xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với doanh nghiệp khi góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế

Ky Anh

(PLBQ). Hiện nay, việc định giá tài sản góp vốn là nhãn hiệu, sáng chế khi bán đi không đúng với giá trị các bên đã định giá ban đầu gây khó khăn cho việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

>> Rủi ro, bất cập khi khai thác công nghệ thông qua hình thức góp vốn

>> Góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu, sáng chế cần lưu ý những gì ?

>> Hoạt động nhượng quyền thương mại: Lý do hay xảy ra tranh chấp và những vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Doanh nghiệp cần quan tâm

Hình thức góp vốn vào doanh nghiệp bằng các nhãn hiệu hay sáng chế (các tài sản vô hình) ngày nay đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học công nghệ đang là xu hướng phát triển chung trên thế giới. Tuy nhiên, việc định giá các tài sản này hiện nay chủ yếu là do các bên liên quan tự thỏa thuận với nhau để ghi nhận giá trị góp vốn, dẫn đến vấn đề trong việc xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các nghĩa vụ với doanh nghiệp. Hay nói cách khác, giá trị của các tài sản vô hình này khi bán đi không bằng đúng với giá trị các bên đã định giá ban đầu.

Góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu, sáng chế được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”. Tài sản để góp vốn ở đây bao gồm nhiều loại khác nhau như Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật,và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam, trong đó đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp đã bao gồm cả nhãn hiệu và sáng chế. Có thể thấy, khung pháp lý hiện nay ở nước ta mới chỉ thừa nhận tính hợp pháp của việc góp vốn kinh doanh bằng các tài sản trí tuệ nêu trên, chưa có quy định hay hướng dẫn chi tiết cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, với đặc thù của dạng tài sản đặc biệt – tài sản vô hình nên để có thể trở thành tài sản góp vốn hợp pháp cho doanh nghiệp thì những sáng chế, nhãn hiệu này bắt buộc phải trải qua quá trình định giá (với điều kiện bên góp vốn phải là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với những tài sản này). Quá trình định giá sẽ do các thành viên, cổ đông sáng lập của doanh nghiệp hoặc các tổ chức thẩm định giá thực hiện và quy đổi giá trị của những tài sản này sang Đồng Việt Nam.

Bất cập trong thẩm định giá đối với tài sản trí tuệ

Định giá tài sản góp vốn là một hoạt động quan trọng, đặc biệt với những loại hình tài sản đặc thù như sáng chế hay nhãn hiệu. Đây là các loại tài sản vô hình, việc xác định giá trị của chúng không đơn giản, đòi hỏi phải có những kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan như thương mại, sở hữu trí tuệ cũng như khả năng phân tích biến động của thị trường. Song, theo quy định hiện hành, mọi hoạt động định giá sẽ do phía doanh nghiệp tự thành lập Hội đồng thẩm định để đưa ra một mức giá cụ thể và ghi nhận phần vốn góp. Công ty cũng có thể ủy quyền cho một tổ chức định giá chuyên nghiệp để thực hiện định giá nhưng kết quả cuối cùng phải được sự đồng thuận của các bên liên quan hoặc đáp ứng được tỷ lệ thành viên đồng thuật mà luật quy định.

Nếu phía công ty tự tiến hành định giá mà không có sự tính toán về các yếu tố như chi phí, lợi nhuận hay thị trường sẽ dẫn đến hai khả năng có thể xảy ra: tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn hoặc tài sản góp vốn sẽ được định giá thấp hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn.

Xét trong trường hợp tài sản góp vốn là sáng chế (patent), đây là dạng tài sản đặc biệt bởi giá trị của nó được định đoạt thông qua xem xét, đánh giá về những tiềm năng ứng dụng trong tương lai. Chính vì vậy, nếu patent không được thẩm định bởi một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ có thể dẫn đến trường hợp định giá sai gia trị thực của các patent. Việc định giá sai tài sản vốn góp sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên, các cổ đông và người góp vốn của công ty trong tương lai.

Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp, khi để xảy ra việc tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của nó tại thời điểm góp vốn, cả người góp vốn và người định giá cùng liên đới phải góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Đây là một quy định cần được xem xét trên cả hai phương diện: do các bên đã không ý thức được giá trị thực của tài sản; do các bên đã cố tình định giá cao hơn giá trị thực tế. Dù ở trường hợp nào, khi gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải đặt ra trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa xác định rõ tỉ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá/ tổ chức định giá khi xảy ra chênh lệch. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản góp vốn sai lệch qua nhiều so với giá trị thực của nó cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi những kịch bản xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Bấp cập trong xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi thực hiện nghĩa vụ với doanh nghiệp đối với tài sản góp vốn là nhãn hiệu, sáng chế

Kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn không lớn hay các start-up, không gì có thể đảm bảo những doanh nghiệp này sẽ trụ vững hay sẽ bị “nhấn chìm” dưới những biến động của thị trường, của xã hội. Kịch bản tồi tệ nhất đối với mỗi doanh nghiệp chắc chắn là việc không còn khả năng thanh toán các khoản nợ và tuyên bố phá sản. Vấn đề đặt ra là trong tình huống xấu nhất đó, trách nhiệm của các cổ đông, các thành viên góp vốn bằng những tài sản trí tuệ như nhãn hiệu hay sáng chế sẽ được xác định như thế nào? Ai sẽ phải gánh chịu nghĩa vụ trả nợ khoảng chênh lệch của tài sản ở thời điểm góp vốn và thời điểm công ty phá sản?

Như đã đề cập ở trên, sáng chế được định giá dựa vào tiềm năng sinh lợi trong tương lai trong quá trình thương mại hóa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm doanh nghiệp phá sản, sáng chế đó đã không còn tính mới do các sản phẩm/ dịch vụ được hình thành từ sáng chế có thể đã thất bại trên thị trường hoặc được những bên khác đồng thời khai thác. Nói cách khác, khi doanh nghiệp cần bán lại phần tài sản ấy thì giá trị của nó vào thời điểm rao bán đã bị sụt giảm đáng kể so với thời điểm góp vốn, không đủ để chi trả cho các khoản vay.

Có thể thấy sự chênh lệch giá ở hai thời điểm là rất lớn. Song thực tế, pháp luật lại chưa có quy định rõ ràng cho việc ai sẽ là bên phải chịu khoản chênh lệch tài sản này. Đó sẽ là các thành viên của công ty, chủ sở hữu của những tài sản trí tuệ tại thời điểm góp vốn? Hay thậm chí là có trách nhiệm nào của những tổ chức thẩm định giá (trong trường hợp đây là bên thực hiện định giá)? Đây thực sự là một bất cập lớn trong hệ thống quy định ở nước ta hiện nay.

Một số khuyến nghị nhằm hạn chế những bất cập trong việc xác định trách nhiệm của thành viên góp vốn

Có thể nói, những bất cập nêu trên đều xuất phát từ sự thiếu rõ ràng trong những quy định của pháp luật hiện hành. Để hạn chế những tranh chấp không đáng có trong những câu chuyện về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên trong vấn đề góp vốn bằng tài những tài sản đặc biệt như sáng chế hay nhãn hiệu, điều thiết yếu là phải có thêm những văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể từ khâu định giá tài sản đến vấn đề xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Cụ thể, ở khâu định giá tài sản trí tuệ, thay vì để cho doanh nghiệp tự lập ra hội đồng thẩm định hoặc cho phép những tổ chức định giá bất kỳ tiến hành, nên có một tổ chức chuyên nghiệp không chỉ về Sở hữu trí tuệ mà còn ở những lĩnh vực định giá khác để phục vụ cho việc thực hiện quy trình định giá tài sản. Việc này sẽ giúp cho việc định giá được chính xác, khách quan hơn về nhiều mặt.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm của thành viên góp vốn bằng nhãn hiệu hoặc sáng chế. Khi họ hoàn thành việc góp vốn đồng nghĩa với việc các tài sản đó sẽ là một phần vốn điều lệ của doanh nghiệp, tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Do đó, trong trường hợp công ty phải trả các khoản nợ thì các thành viên góp vốn sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về phần tài sản theo phạm vi vốn đã góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Nhìn chung, câu chuyện về trách nhiệm đối với tài sản luôn là một chủ đề khá nhạy cảm không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bởi nó gắn với lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân và tổ chức liên quan. Không ai muốn mình bị thua thiệt về lợi ích trong câu chuyện này, lại thêm việc luật pháp chưa rõ ràng nên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho bên khác là điều dễ hiểu. Vì vậy, để có thể loại bỏ những bất cập trên, Nhà nước cần sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề góp vốn bằng các tài sản trí tuệ cũng như xác định rõ ràng trách nhiệm của các thành viên trên cơ sở phù hợp với lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân và tổ chức.

Hà Diệu

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.