Trong khi đó, trên thế giới, việc áp dụng hình phạt tiền rất được trú trọng, bởi theo họ hình phạt tiền có rất nhiều mặt tích cực trong việc hạn chế tội phạm kinh tế, phù hợp khi áp dụng đối với pháp nhân, sẽ thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt với mục đích sai trái. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc áp dụng hình phạt này trong thực tiễn xét xử các tội phạm vẫn còn ít. Chuyên gia cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự e ngại của thẩm phán, từ dư luận xã hội…
Nhiều quy định cho phép áp dụng hình phạt tiền
Theo pháp luật hình sự của VN, hình phạt tiền đã được thừa nhận là hình phạt chính trong chế tài xử lý hình sự . Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi 2009) quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ …”. Đến BLHS 2015, hình phạt tiền tiếp tục được quy định tại Điều 35: phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; người phạm tội rất nghiêm trọng trong xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi tường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác…
Như vậy, pháp luật đã có quy định rõ ràng và cụ thể, song trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ít khi áp dụng, thậm chí có trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt tiền trong bản án nhưng Viện kiểm sát kháng nghị bản án vì cho rằng Tòa án không có căn cứ khi áp dụng hình phạt tiền, điển hình như trong vụ án buôn lậu ôtô sang về Việt Nam do TAND TP.HCM xét xử hồi đầu tháng 6/2019.
Theo đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt 5 bị cáo là Việt kiều được thuê đứng tên để nhập lậu ôtô mức 300 triệu đồng (mỗi người) thay án phạt tù. Tuy nhiên, bản án này bị Viện KSND TP.HCM kháng nghị theo hướng không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 5 bị cáo.
Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng chính sách Việt kiều hồi hương được phép mang về nước một ôtô đang sử dụng không phải đóng thuế, Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh đã thuê nhiều Việt kiều đứng tên nhập khẩu ôtô từ Mỹ về VN.
Sau đó, nhóm này cấu kết với nhiều cán bộ công an xã thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng nhập hộ khẩu thường trú khống cho các Việt kiều, xác nhận các đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu xe theo diện Việt kiều hồi hương, nhập lậu và tiêu thụ trót lọt 17 ôtô với tổng trị giá 51,1 tỉ đồng, trốn thuế 22,7 tỉ đồng.
Sau khi phi vụ trót lọt, nhóm chủ mưu, cầm đầu tổ chức buôn lậu đã bỏ trốn, nhiều đối tượng Việt kiều đã xuất cảnh về Mỹ. Còn 5 Việt kiều được nhờ đứng tên nhập xe giùm là Nguyễn Đức Thắng, Võ Thị Huyền Trinh, Nguyễn Đức Duy, Nguyễn Minh Hiếu và Hàn Quan Án bị truy tố, xét xử về tội buôn lậu.
Xử sơ thẩm, HĐXX cho rằng nhóm 5 Việt kiều được thuê đứng tên nhập khẩu ôtô bị các đối tượng cầm đầu rủ rê về Việt Nam chơi rồi nhờ ký một số giấy tờ liên quan, do không hiểu rõ pháp luật nên đã bị lợi dụng. Quá trình điều tra, xét xử các bị cáo khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, đã nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính. Hiện nay các bị cáo đang bị cấm xuất cảnh, không có việc làm ở Việt Nam. Để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước nên áp dụng phạt tiền mỗi người 300 triệu đồng, đồng thời buộc mỗi bị cáo phải nộp từ 632 triệu đến 1,7 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Theo HĐXX, các bị cáo này bị truy tố theo khoản 4, Điều 188 BLHS. Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên theo quy định tại khoản 2, Điều 54 BLHS thì tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Khoản 4, Điều 188 không có quy định phạt tiền nhưng các khoản 1, 2, 3 của điều luật này có quy định phạt tiền là hình phạt chính. Do đó, HĐXX đã tuyên mức án như trên.
Tuy nhiên, Viện KSND TP.HCM lại cho rằng phạt tiền đối với 5 bị cáo trên là không có căn cứ, bởi khoản 4, Điều 188 không quy định phạt tiền là hình phạt chính.
Trong khi đó, các bị cáo này bị truy tố theo điểm a, khoản 4, Điều 188 thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đây, TAND TP.HCM từng xét xử và tuyên phạt ông Wheeler Lloyd Stephan (quốc tịch Mỹ) 50 triệu đồng khi gây tai nạn chết người. Lý do vì bị cáo là người nước ngoài, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, mức độ hành vi phạm tội không cần thiết áp dụng hình phạt tù, trong khung hình phạt có quy định phạt tiền là hình phạt chính.
Tuy nhiên, bản án bị Viện KSND kháng nghị theo hướng cần áp dụng hình phạt tù đối với người này. TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, sửa án và tuyên phạt ông Wheeler Lloyd Stephan 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Vì sao hình phạt tiền ít được áp dụng ?
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, PGS.TS Trần Văn Độ – nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng: hình phạt tiền đã được BLHS quy định. Cụ thể đối với mốt số tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi tường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.
PGS.TS Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC trao đổi với PV Pháp lý
Khi xét xử, thẩm phán dựa vào đó cân nhắc, xem xét khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án, tính chất, mức độ, vai trò, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của từng người phạm tội để chủ động quyết định áp dụng hình phạt chính bằng tiền hoặc phạt tù cho phù hợp.
Theo ông Độ, áp dụng hình phạt tiền sẽ rất hiệu quả đối với những tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt đối với tội có động cơ, mục đích tư lợi hoặc những tội dùng tiền làm công cụ phạm tội.
Hiện nay, thực tế đã tăng cường áp dụng hình phạt tiền trong xử lý hình sự, tuy nhiên chưa đến mức theo đúng Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình phạt tiền ít được các thẩm phán áp dụng trong thực tế xét xử theo quan điểm của PGS.TS Trần Văn Độ : Thứ nhất là do thói quen của thẩm phán. Từ xưa đến nay thẩm phán quen áp dụng hình phạt tù, nếu không phạt tù thì án treo.
Thứ hai, do dư luận xã hội thường cho rằng hình phạt là để trừng trị, phạt tiền thì tính trừng trị không cao, khiến cho HĐXX còn e ngại khi quyết định hình phạt. Thậm chí có người còn cho rằng phạt tiền là hình phạt dành cho người giàu, phạt tiền là không bình đẳng không công bằng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí–Giảng viên cao cấp tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng:Việc áp dụng hình phạt tiền hay hình phạt tù trong xét xử là do thẩm phán quyết định. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì thẩm phán phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, căn cứ vào nhân thân người phạm tội, căn cứ vào quy định của luật… để cân nhắc quyết định hình phạt, đấy là vai trò sáng tạo trong việc áp dụng pháp luật của thẩm phán.
Theo PGS.TSNguyễn Ngọc Chí lý do hình phạt tiền ít được áp dụng trong thực tiễn xét xử xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể do năng lực của thẩm phán khi nhận định về tính chất của hành vi chưa được chuẩn xác, đáng lẽ đối với hành vi phạm tội chỉ ở mức áp dụng hình phạt tiền nhưng lại áp dụng hình tù. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp có động cơ không trong sáng.
Thiết nghĩ, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Bên cạnh đó, hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Do đó, trong thực tiễn xét xử đối với tội phạm, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường mà trong BLHS đã quy định cụ thể hình phạt chính bằng tiền hoặc phạt tù thì trong quá trình xét xử, HĐXX cần thể hiện vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh để mạnh dạn, tăng cường quyết định áp dụng hình phạt chính bằng tiền thay cho hình phạt tù là chủ yếu như trong thời gian qua. Việc này cũng phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược cải cách tư pháp là “giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ…”.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhằm xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu trong quần chúng nhân dân, để họ hiểu được hình phạt không chỉ là để trừng trị tội phạm mà nó còn có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Trên thế giới, việc áp dụng hình phạt tiền rất được trú trọng, bởi theo họ hình phạt tiền có rất nhiều mặt tích cực trong việc hạn chế tội phạm kinh tế, phù hợp khi áp dụng đối với pháp nhân, sẽ thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt với mục đích sai trái.