Giao diện tìm kiếm của Google
Bộ luật đàm phán bắt buộc giữa Truyền thông tin tức và Nền tảng kỹ thuật số của Úc đã chính thức được thông qua sau khi điều chỉnh một số điều khoản phù hợp với yêu cầu của Facebook và Google. Josh Frydenberg, phó lãnh đạo đảng Tự do, người dẫn đầu đạo luật mới này cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng. Luật này sẽ giúp sân chơi bình đẳng và thấy các doanh nghiệp truyền thông tin tức của Úc được trả tiền để tạo nội dung gốc.” Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết luật này sẽ giải quyết “sự mất cân bằng đáng kể về khả năng thương lượng giữa các doanh nghiệp truyền thông báo chí Úc với Google và Facebook”
Hơn thế, việc Úc thành công ban hành Bộ luật đã tạo động lực cho các quốc gia khác trên toàn thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,…trong việc ban hành các đạo luật tương tự, buộc các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng.
Việt Nam, theo báo cáo của Social Media Stats cho biết, vào tháng 5/2019 Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ người dùng facebook. Bên cạnh đó, theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 - 2025 tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh trung bình 21,5%/năm, với mức doanh thu trung bình trên 750 triệu USD. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo trực tuyến đều đổ phần lớn và ngày càng nhiều vào Google và Facebook. Có thể coi Facebook và Google là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của hoạt động dịch vụ. Đặc biệt, với ngành báo chí, các tin tức sẽ được người đọc tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn thông qua Facebook và Google. Nhưng để bảo vệ bản quyền về thông tin cũng như lợi ích chính đáng của các cơ quan báo chí Việt Nam trên môi trường số thì đòi hòi Việt Nam cần có các cuộc “đàm thoại” trực tiếp, cũng như cần có lộ trình hợp lí cho việc yêu cầu các “ông trùm công nghệ” trả phí cho ngành báo chí.
Vậy, căn cứ vào đâu để báo chí Việt Nam yêu cầu Facebook và Google trả phí?
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử; sao chép, sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019 có quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.
Như vậy, khi khai thác, sử dụng các bài báo của các toà soạn hay tạp chí, dù dưới hình thức online thì các tổ chức, cá nhân nói chung, Facebook và Google nói riêng cần trả phí bản quyền cho chủ các toà soạn, tạp chí này.
Tuy nhiên, việc tính phí bản quyền sẽ thật đơn giản nếu các tổ chức, cá nhân này khai thác trọn vẹn nội dung tác phẩm. Nhưng thực tế cho thấy rằng, Facebook, Google hay các tổ chức, cá nhân chỉ sao chép một – hai đoạn văn, hoặc sửa đổi nhan đề “giật gân” nhằm thu hút độc giả sau đó sẽ trích đường link dẫn đến các bài báo gốc. Đây cũng là một nội dung quan trọng được các nhà lập pháp của Úc đưa ra bàn luận khi xây dựng Bộ luật đàm phán bắt buộc giữa Truyền thông tin tức và Nền tảng kỹ thuật số.
Chúng ta cần nhớ rằng, pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng chứ không phải bản thân ý tưởng. Sự sáng tạo được pháp luật quyền tác giả bảo hộ là sự sáng tạo về sự chọn lọc, sắp xếp từ ngữ. Bản quyền có thể bị từ chối trên cơ sở tác phẩm không đủ nguyên bản hoặc không có đủ sự sáng tạo do tác giả đóng góp.
Theo các chuyên gia lập pháp của Úc, việc sử dụng phổ biến các tiêu đề bài viết và đoạn trích của các nền tảng kỹ thuật số của nội dung trong các bài báo có thể không vi phạm các biện pháp bảo vệ bản quyền. Điều này là do nhiều tiêu đề là những tuyên bố ngắn gọn về các sự kiện và do đó chỉ tiêu đề thì không có khả năng được bảo vệ bản quyền. Các nền tảng kỹ thuật số sao chép một đoạn trích của một tin bài được bảo vệ bản quyền sẽ không vi phạm các biện pháp bảo vệ bản quyền nếu đoạn trích đó không tái tạo một phần quan trọng của bài báo.
Chỉ có tòa án mới có thể xác định xem một đoạn trích có sao chép đủ tác phẩm có bản quyền để cấu thành vi phạm bản quyền hay không, điều này có nghĩa là chủ sở hữu bản quyền phải tham gia vào các vụ kiện tụng tốn kém để xác định xem có vi phạm xảy ra hay không. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào việc Facebook hay Google sử dụng tiêu đề hay trích dẫn một phần nội dung sẽ không đủ cơ sở để buộc hai ông trùm này trả phí.
Việt Nam cần làm gì?
Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã ngày càng được bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, nhiêu đó là chưa đủ để buộc Facebook và Google trả phí báo chí. Bởi như đã phân tích ở trên, chỉ khi các tổ chức, cá nhân sử dụng bản gốc hoặc trích dẫn phần nội dung quan trọng của tác phẩm thì vấn đề tính nhuận bút, thù lao mới xuất hiện. Nhưng thực tế, Facebook và Google chỉ sử dụng các nhan đề hay tóm tắt nội dung bài viết để thu hút lượt tương tác của độc giả nên sẽ rất khó khăn nếu chỉ “đàm phán” với Facebook và Google dựa trên pháp luật hiện hành. Dù biết rằng, việc “đàm phán” hiện tại là khá khó khăn nhưng đã đến lúc các nhà lập pháp của Việt Nam cần quan tâm và nghiêm túc suy nghĩ về việc triển khai một Bộ luật tương tự của Úc, không chỉ để bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức trong ngành báo chí mà còn là bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Để làm được điều này, theo tác giả, việc yêu cầu Facebook và Google đặt máy chủ tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc tính phí báo chí trong lộ trình xây dựng luật của Việt Nam.
Thu Hiền