Vào thời điểm Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995 – dấu mốc quan trọng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vận hành chủ yếu trên cơ sở các văn bản quy phạm "dưới luật", đó là Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1989) và Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả (1994). Đối chiếu với chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ SHTT bắt buộc đối với mọi thành viên WTO quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam khi đó còn rất manh mún và có nhiều điểm thiếu hụt lớn.
Với mong muốn nhanh chóng hội nhập với thế giới để mở đường cho hoạt động thu hút đầu tư trong nước, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, cùng với việc nộp đơn gia nhập WTO, để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế song phương và đa phương khác về SHTT về việc thiết lập hệ thống pháp luật về SHTT trong đó quyền SHTT được bảo hộ “đầy đủ” và “hiệu quả”, vào năm 2005, Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 50/2005/QH11). Việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về SHTT của Việt Nam. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật trước đây về SHTT, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, đồng bộ, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Năm 2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII ngày 19/6/2009 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (Luật số 36/2009/QH12) với một số sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục một số hạn chế sau 3 năm thực thi. Một số sửa đổi đáng chú ý bao gồm: (i) Về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan: nâng thời hạn bảo hộ từ 50 năm lên 75 năm kể từ lần công bố đầu tiên đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh; các tổ chức phát sóng phải trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng, kể cả khi phát sóng không có tài trợ, không quảng cáo, không thu tiền; các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng hoặc trong hoạt động kinh doanh thương mại đều phải trả tiền thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng v.v.; (ii) Về quyền sở hữu công nghiệp: quy định rõ hơn nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với trường hợp có nhiều đơn đăng ký cho cùng một đối tượng; bổ sung quy định về việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền v.v.; (iii) Về quyền đối với giống cây trồng: điều chỉnh đối tượng quyền đối với giống cây trồng từ “giống cây trồng và vật liệu nhân giống” thành “vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch” để phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (Công ước UPOV) v.v.; (iv) Về bảo vệ quyền SHTT: các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính được bổ sung thêm hành vi “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu”, đồng thời bỏ quy định về việc không chấm dứt hành vi dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khuyến cáo; thống nhất mức xử phạt tuân theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Trong các năm từ 2010 đến 2018, trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định đa phương và song phương, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia… Có thể kể đến một số FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết trong giai đoạn này như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc , FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu , Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 5 đối tác, trong đó đáng chú ý là hai FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA với những cam kết về SHTT ở mức sâu và rộng, có tác động lớn đến hệ thống SHTT của Việt Nam.
Chính vì vậy, để bảo đảm đáp ứng các nghĩa vụ phải thi hành ngay của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV ngày 14/6/2019 đã khẩn trương thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14), đánh dấu một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT trong quá trình hội nhập và trước những yêu cầu thay đổi hệ thống SHTT từ các điều ước quốc tế.
Các nội dung liên quan đến SHTT trong Luật này tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: (i) Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (có thể nộp đơn trực tuyến); (ii) Sáng chế (mở rộng ngoại lệ về tính mới của sáng chế về cả chủ thể bộc lộ, hình thức và địa điểm bộc lộ, đồng thời nới rộng thời hạn được hưởng ngoại lệ từ 6 tháng lên 12 tháng); (iii) Nhãn hiệu (bổ sung quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu; hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không cần phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN để có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba; (iv) Chỉ dẫn địa lý (Bổ sung cơ sở xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế; Bổ sung quy định về việc xử lý đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý v.v.); (v) Bảo vệ quyền SHTT (quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán chi phí thuê luật sư hoặc các chi phí khác trong vụ kiện xâm phạm quyền SHTT nếu bị đơn không xâm phạm quyền; quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác; bổ sung căn cứ xác định theo các cách tính khác do chủ thể quyền SHTT đưa ra; bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin cho chủ thể quyền SHTT trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu).
Cùng thời gian này, một trong những dấu ấn nổi bật về sự phát triển hệ thống chính sách SHTT là sự ra đời của Chiến lược Sở hữu trí tuệ, khẳng định nhận thức cũng như vai trò của SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo v.v.) và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng thành công Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Chiến lược được kỳ vọng sẽ giúp phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Để góp phần cụ thể hóa Chiến lược, tiếp tục thi hành các nghĩa vụ có giai đoạn chuyển tiếp của CPTPP, các nghĩa vụ đã cam kết trong EVFTA cũng như nhằm mục tiêu giải quyết các bất cập trong thực tiễn sau hơn 15 năm thi hành, tiếp theo lần sửa đổi năm 2019, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự án Luật) đã được đề xuất sửa đổi một cách tương đối toàn diện, bao trùm cả 3 lĩnh vực: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng; với 7 chính sách lớn, có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống SHTT, bắt đầu từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, khai thác và thực thi quyền SHTT: bao gồm: (i) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu QTG, người biểu diễn, chủ sở hữu QLQ trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; (ii) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; (iii) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; (iv) Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; (v) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; (vi) Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và (vii) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, tháng 1/2021.
Dự án Luật đã trải qua các bước lấy ý kiến rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau như đăng tải trên cổng thông tin điện tử, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề trên cả nước để tham vấn ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan, gửi hồ sơ thẩm định v.v. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự án Luật với dự kiến trình Quốc hội Khóa XV tại kỳ họp tháng 10/2021 và dự kiến thông qua năm 2022 với kỳ vọng có thể giải quyết thỏa đáng các bất cập trong thực tiễn sau hơn 15 năm thi hành, đồng thời đưa hệ thống pháp luật về SHTT phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh Luật Sở hữu trí tuệ, không thể không kể đến hệ thống các văn bản quy định chi tiết hay hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Là sự hợp nhất của ba đối tượng được bảo hộ quyền SHTT bao gồm: (i) quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; (ii) quyền sở hữu công nghiệp; và (iii) quyền đối với giống cây trồng, hiện tại ngoài Luật Sở hữu trí tuệ, còn có 8 nghị định quy định chi tiết (15 nếu tính cả các lần thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung) và 11 thông tư hướng dẫn thi hành (24 nếu tính cả các lần thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra còn có 8 văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực SHTT là các quyết định, thông tư, thông tư liên tịch trong các thủ tục liên quan đến bảo vệ quyền SHTT, bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dược phẩm, nông hoá phẩm.
Theo đó, tùy từng quy phạm cụ thể mà các nghị định, thông tư này sẽ tiếp tục được rà soát, từ đó các đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp sẽ được đưa ra, nhất là các quy định nhằm phù hợp với các điều ước mà Việt Nam mới gia nhập như Thỏa ước La-hay và Hiệp ước Budapest mặc dù không có nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, chặng đường xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về SHTT vẫn là chặng đường đầy chông gai, thử thách, nhất là trong bối cảnh vừa đáp ứng nhu cầu nội tại của đất nước, vừa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, lại vừa bảo đảm tính tương thích với xu hướng phát triển chung về SHTT toàn cầu. Nhưng chỉ có như vậy, chính sách SHTT mới thực sự trở thành một động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ, để từ đó kinh tế tri thức, khoa học công nghệ tiếp tục là động lực cho sự vươn mình của đất nước./.
Phòng Pháp chế và Chính sách