Chỉ dẫn địa lý là gì?
Chỉ dẫn địa lý (geographical indication) là thuật ngữ pháp lý được ghi nhận chính thức tại Hiệp định TRIPS với ý nghĩa là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định.
Căn cứ theo Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.
Ví dụ: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hồng không hạt Bắc Kạn.
Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bắc Kạn bao gồm: Huyện chợ đồn (6 xã); Huyện Ba Bể (7 xã) và Huyện Ngân Sơn (4 xã/ thị trấn)
Hồng không hạt Bắc Kạn có đặc tính sản phẩm bao gồm: Hồng không hạt tháng 8, 9 âm lịch có hình dáng quả thuôn, vỏ quả màu vàng đỏ, tai quả to, có 4-5 tai và không có hạt. Thị quả màu vàng sáng, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngậm, nhiều cát đường, không chát và rất giòn,…
Điều kiện để chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
Căn cứ theo Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
“1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý”
Chỉ dẫn đại lý phải gắn với một khu vực địa phương cụ thể. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Khu vực địa lý có thể là một đơn vị hành chính quốc gia hoặc khu vực địa lý thuộc nhiều đơn vị hành chính hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.
“2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định”
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Mối quan hệ giữa danh tiếng, chất lượng sản phẩm với điều kiện địa lý thể hiện ở việc có mối liên hệ phụ thuộc giữa chất lượng đặc thù, danh tiếng của hàng hóa với môi trường địa lý được chỉ rõ trong chỉ dẫn địa lý đó. Hàng hóa, sản phẩm phải có ít nhất có một tính chất đặc thù về chất lượng hoặc có danh tiếng liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên, con người của địa phương đó.
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
Căn cứ Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý bao gồm:
“1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam.
2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.
3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.
4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.”
Thực trạng về áp dụng chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam
Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc gồm: Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Là sản phẩm duy nhất của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng đặc sản ở các địa phương không đơn thuần là việc của một doanh nghiệp hay một tổ chức mà đó là sự phát triển nghành hàng, chất lượng sản phẩm và thương hiệu cho cả một địa phương và cả một quốc gia, chính vì thế việc xây dựng chỉ dẫn địa lý không của riêng ai và không thuộc quyền sở hữu của tổ chức hay cá nhân nào mà là của cộng đồng.
Nước mắm Phú Quốc khi chưa có chỉ dẫn địa lý và sau khi đã có chỉ dẫn địa lý đã có những bước thay đổi:
Trước kia Việt Nam có rất nhiều sản phẩm có danh tiếng nhưng chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ vi phạm làm giả, nhái sản phẩm.
Đơn cử với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, trước kia khi chưa có bảo hộ chỉ dẫn địa lý ai cũng có thể đóng chai, dán nhãn Phú Quốc mà không đúng với đặc thù, chất lượng của loại nước mắm này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam có rất nhiều đặc sản có giá trị cao nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá như vải thiều Bắc Giang ,… Bên cạnh đó, do yêu cầu khắt khe của các thị trường nước ngoài, nhiều sản phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng vì chưa được bảo hộ thương hiệu nên gặp phải nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường các nước, giá tiêu thụ thấp khiến người sản xuất phải chịu thiệt.… Đây là một sự lãng phí rất lớn.
Nhưng sau khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì giá trị sản phẩm đã được nâng cao, thương hiệu được khẳng định. Việc các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện giúp người dân, các địa phương, các hiệp hội làng nghề cũng như nhà sản xuất tiếp cận với các quy định dễ dàng hơn.
Hơn thế nữa, phải có đăng ký chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm của chúng ta mới dễ dàng được phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu cao, tiếp cận được những thị trường khó tính. Điều đáng mừng là hiện nay, thị trường châu Âu (EU) đang rất ủng hộ sản phẩm của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở EU để xuất vào thị trường này. Đây cũng là một trong những vấn đề được đưa ra trong tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU.
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên). Với tên gọi xuất xứ Phú Quốc được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tại thị trường Liên minh châu Âu.
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ lượng nước mắm xuất khẩu vào EU tăng đáng kể, mà giá bán của sản phẩm này cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại. Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada. Cùng với nước mắm Phú Quốc, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, dự kiến, EU sẽ đồng ý bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như cà phê, chè….
Xu hướng chung của thị trường hiện nay
Xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, từ đó họ sẽ mua nhiều và khuyến khích được sản xuất. Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp các đặc sản có thể bay xa ra các thị trường ngoài nước.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm của chúng ta đã đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước mà không đăng ký ở nước ngoài cũng sẽ gặp nhiều bất lợi. Đã có những trường hợp các sản phẩm Việt Nam rất có giá trị nhưng bị các công ty nước ngoài lấy mất thương hiệu. Ví dụ cà phê Buôn Ma Thuột dù đã được đăng ký ở Việt Nam nhưng vì chúng ta không triển khai hoạt động đăng ký, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài nên đã bị một công ty của Trung Quốc đăng ký.
Thực tế cho thấy, chi phí để đăng ký chỉ dẫn địa lý không cao, mà hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Việc đăng ký nước mắm Phú Quốc theo chỉ dẫn địa lý ở EU lại không mất khoản chi phí nào. Tuy nhiên, chúng ta phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt khi hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu cao của EU.
Kiến nghị
Từ những phân tích trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị cụ thể liên quan đến vấn đề chỉ dẫn địa lý:
Theo kế hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2022), các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật (Nghị định, Thông tư).
Bên cạnh đó, để các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định về chỉ dẫn địa lý, thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các chính sách, quy định mới sẽ cần được triển khai rộng rãi đến các nhóm chủ thể liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và ở các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Tuy nhiên, điều chúng ta muốn nhấn mạnh là trong thời gian tới, chúng ta không chỉ gia tăng số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mà quan trọng hơn, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy thì nông sản hay các sản phẩm truyền thống của Việt Nam mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.
Đinh Kiều