Nhằm ngăn chặn hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phối hợp trong kiểm tra, xử lý vấn nạn này.
Hiện nay, các sàn giao dịch TMĐT là nơi tập trung phần lớn giao dịch thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) và C2C (người tiêu dùng liên kết trực tuyến với nhau), đồng thời cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất.
Thực tiễn cho thấy, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.
Điển hình là cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đã rà soát tổng số 463.865 gian hàng và 1.755.559 sản phẩm; đã xử lý khoảng 5.200 gian hàng với trên 21.000 sản phẩm vi phạm. Cụ thể, sàn TMĐT có số sản phẩm vi phạm nhiều nhất là Sendo.vn với hơn 400 gian hàng và gần 4.000 sản phẩm khẩu trang vi phạm. Sàn có nhiều sản phẩm vi phạm thứ hai là Shopee.vn với gần 3.000 gian hàng và hơn 3.500 khẩu trang y tế vi phạm.
Ở một số sàn thương mại điện tử khác, số gian hàng phân phối khẩu trang và khẩu trang y tế bị xử lý vi phạm là gần 1.000, với khoảng 10.000 sản phẩm vi phạm. Gần 700 gian hàng với gần 1.000 sản phẩm dung dịch, gel rửa tay khô cũng bị xử lý sau công tác rà soát.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp nhưng trên thực tế, chế tài xử lý chưa được hoàn thiện, gây khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Chu Xuân Kiên cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Về phía người tiêu dùng, để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn các website uy tín, hợp pháp. Đây là các website được thông báo trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, địa chỉ: http://www.online.gov.vn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý thông tin người bán, thông tin sản phẩm phải chi tiết, đầy đủ, rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, chính sách bán hàng, lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch…
Bích Phương - Chinhphu.vn