'Chuyển giao tài sản nghiên cứu khoa học đứng hình'

Đinh Văn Chiến

Theo Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, rất khó định giá nghiên cứu khoa học bởi có những cái không có giá trị nhưng 10 năm sau sẽ trở thành tỉ phú; có cái tiềm năng nhưng sau đó không ai mua cả...

Chiều 15-3, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có buổi giám sát với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP, đã nêu một số khó khăn, vướng mắc.

ong-nguyen-viet-dung-1647358512.jpg
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Ông cho biết trong giai đoạn 2016-2021, chi phí dành cho KHCN bình quân hằng năm là 2,44% trên tổng chi ngân sách của TP.

Năm 2022 thì chi phí này sẽ là 1.562 tỉ đồng, chiếm 3,92% chi ngân sách nhưng trong đó chi cho Sở TT&TT chiếm 915 tỉ đồng, còn Sở KH&CN là 285 tỉ đồng.

Theo ông Dũng, nói là chi cho KHCN nhưng thực tế là "gom rất nhiều thứ vào", kể cả đô thị thông minh, chuyển đổi số, ngay cả việc trồng hàng rào, làm cỏ cho Khu công nghệ cao cũng được gom vào. Ông Dũng nhìn nhận chuyện bố trí ngân sách như vậy là không ổn.

Về chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, ông Dũng cho biết Sở có kế hoạch hàng năm để thúc đẩy việc này, làm sao sử dụng được kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiến.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cả nước đang "đứng hình" trong việc chuyển giao tài sản nghiên cứu khoa học. Ông Dũng ví dụ với một đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thì buộc phải chuyển giao cuốn tài liệu đó và quy cuốn tài liệu về tài sản giá trị với một mức tiền.

Theo Giám đốc Sở KH&CN, việc xác định giá trị tài sản dạng này rất khó vì chưa có quy định cụ thể trong khi tài sản trí tuệ có nhiều dạng, trong đó có nhiều dạng chưa rõ, có tài sản vô hình nên khó định giá.

Bên cạnh đó, việc định giá này sẽ rất rủi ro cho cơ quan quản lý nhà nước vì khi muốn chuyển giao tài sản đó thì phải định giá tài sản đó là bao nhiêu. “Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học vừa mới ra xong sao dám định giá. Có những cái không có giá trị nhưng 10 năm sau sẽ trở thành tỉ phú; có cái tiềm năng nhưng sau đó không ai mua cả” – ông Dũng phân tích và cho biết nếu công bố công khai thì không mời được ai định giá, hoặc nếu có thì rất lâu và tốn tiền.

Ông Nguyễn Việt Dũng kiến nghị sắp tới khi QH sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ thì nên làm việc kĩ với giới chuyên gia KHCN về việc này.

ong-nguyen-viet-dung-1647358929.jpg
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, phát biểu kết luận. Ảnh: LÊ THOA

Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, đề nghị Sở KH&CN thực hiện tốt việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước ít ỏi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Trong đó, Sở KH&CN cần tích cực tham mưu cho UBND TP các giải pháp sử dụng hiệu quả, không lãng phí nguồn ngân sách chi cho KHCN.

“Tham mưu làm sao để có thể sử dụng đủ số tiền 2% thực chất cho KHCN, chứ không phải cho các nội dung khác rồi cộng vào như Sở KH&CN đã báo cáo” – ĐB Tuyết nhấn mạnh và mong muốn làm sao để TP.HCM phát huy vốn mồi ngân sách trong nghiên cứu KHCN.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị Sở KH&CN bằng thực tiễn của mình sẽ đề xuất sửa đổi chính sách, quy định pháp luật không phù hợp. Bà cho rằng nếu TP không có kiến nghị thì việc phát triển KHCN sẽ "đóng băng" như vậy trong 5-10 năm nữa, gây thiệt hại cho doanh nghiệp của TP, các đơn vị của TP…

ĐB Tuyết nhìn nhận Sở KH&CN có thể đề xuất thí điểm những cơ chế mới khi luật chưa quy định.

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.