Hiện tượng một bộ phận người tiêu dùng phản đối một số siêu thị của Bách Hóa Xanh do nghi vấn nâng giá bán hàng thiết yếu giữa đại dịch, là một ví dụ.
Vì sao Bách Hóa Xanh tăng giá giữa đại dịch?
Câu chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng thiết yếu giữa lúc tình hình dịch bệnh gia tăng đã trở thành chủ đề nóng trên các trang truyền thông trong những ngày qua.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP HCM đã tăng giá bán các mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống,.. cao hơn so với ngày thường.
Nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết trên fanpage facebook của Bách Hóa Xanh.
"Bách Hóa Xanh tăng giá quá đà mùa dịch?! Một bước đi đầy lòng tham có thể kéo cả tập đoàn bao gồm Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Dộng vào chuỗi tẩy chay sau dịch của người dân...", một chủ tài khoản có tên Nhi Nhi bình luận trên fanpage facebook của Bách Hóa Xanh.
Một người khác cùng bình luận: "Bách Hoá Xanh nâng giá mùa dịch quá nhiều nên tẩy chay. Lúc đồng bào khó khăn mà chỉ nghĩ lợi ích của mình".
Đáng nói, việc này diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang nằm trong tâm dịch Covid-19; các cấp, các ngành phải chung tay vào cuộc mạnh mẽ để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân.
Trước sự việc trên, MWG đã chính thức lên tiếng phản hồi. Khi làm việc với Cục Quản lý Thị trường TP. HCM hôm 16/07, Tổng Giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh Trần Kinh Doanh khẳng định việc hệ thống Bách Hóa Xanh tăng giá bán một số mặt hàng "không phải vì mục đích lợi nhuận". Theo đó, Bách Hóa Xanh khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, song không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời gian vận chuyển tăng, tỉ lệ hư hao tăng, chi phí nhân công tăng, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh…..
Ngoài ra, Bách Hóa Xanh cũng cho biết, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông.... hệ thống đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với một số mặt hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2-3 lần của nhiều đối tượng.
Có ý kiến cho rằng, khách hàng muốn Bách Hóa Xanh phải giữ nguyên giá ngày thường, thậm chí giảm giá cũng là điều dễ hiểu trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Thế nhưng Thế giới di động cũng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường với hàng chục ngàn nhân viên. Họ đầu tư để có được chuỗi Bách Hóa Xanh phủ rộng nhiều nơi, thuận tiện cho mua sắm. Vậy người tiêu dùng có được sự tiện ích hơn thì việc chấp nhận chi phí tăng cao hơn cũng là điều hợp lý.
Ở góc nhìn khác, nhiều người tiêu dùng “có lý” khi Bách hóa Xanh tăng giá bán hàng hóa trong khi một số siêu thị khác lại tuyên bố vẫn giữ nguyên giá, bình ổn để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.
Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt bức xúc của nhiều người tiêu dùng.
Tác động tới thương hiệu
Nhiều nhà đầu tư nhận định, sự cố tăng giá hàng hóa lần này khiến người tiêu dùng có khả năng tẩy chay chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh , rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người đang nắm giữ cổ phiếu MWG.
Nhà đầu tư lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo cổ phiếu MWG trong thời gian tới, tương tự như thời điểm cuối năm 2018, cổ phiếu này cũng đã bị nhà đầu tư bán tháo sau sự cố rò rỉ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/07, cổ phiếu của MWG giảm từ phiên sáng và tiếp tục bị bán tháo trong phiên chiều. MWG mất tới gần 12 giá trong ngày, giảm từ 168.100 đồng xuống 156.500 đồng/cổ phiếu (giảm 6,9%, chỉ còn cách giá sàn 200 đồng). Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây của mã cổ phiếu MWG.
Tuy nhiên, mức giảm gần sàn trong phiên giao dịch ngày 19/07 của MWG được phân tích đánh giá là bị cuốn theo đà giảm chung của cả thị trường do bị ảnh hưởng từ các thông tin Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, cũng như phản ứng tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường khi có thông tin thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên mức giảm giá của cổ phiếu MWG chưa phản ánh được là bị ảnh hưởng bởi vụ việc Bách Hóa Xanh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu giữa tâm dịch khiến người tiêu dùng bức xúc.
Bước vào phiên giao dịch ngày 20/07, cổ phiếu MWG nhìn chung vẫn đi theo diễn biến chung trên thị trường. Kết phiên, giá MWG tăng chung với đà tăng của thị trường và thêm một lần nữa cho thấy khủng hoảng thương hiệu tại chuỗi Bách Hóa Xanh trong những ngày qua tiếp tục chưa phản ánh vào giá cổ phiếu của MWG.
Tuy nhiên để chắc chắn hơn, theo một số chuyên viên chứng khoán, cần thêm ít nhất 2 phiên giao dịch về cuối tuần để kiểm tra khả năng “đề kháng” hay “miễn nhiễm” với vụ khủng hoảng tại Bách Hóa Xanh của mã cổ phiếu MWG.
Mới đây, Bách Hóa Xanh còn yêu cầu đối tác giảm mạnh chi phí thuê mặt bằng, do vậy một số người càng thêm bức xúc khi tự đặt ra câu hỏi tại sao lại có yêu cầu như vậy trong khi BHX còn tăng giá hàng hóa đối với khách hàng của mình, bất chấp người tiêu dùng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Có rất nhiều yếu tố khác nhau để xây dựng nên một thương hiệu thành công, đứng dưới góc nhìn về sự việc này; uy tín, lòng tin cũng như giá trị mục đích, yếu tố cốt lõi,… đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư, đối tác lại đóng vai trò lớn hơn cả. Lẽ ra, trong thời điểm này, Bách Hóa Xanh phải thể hiện trách nhiệm xã hội của một đơn vị bán lẻ lớn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Nhưng đơn vị này lại không làm được như vậy.
Dù vậy, những khó khăn mà Bách Hóa Xanh đang gặp phải cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp bán lẻ trong đợt giãn cách đang diễn ra tại TP.HCM, dư luận hoàn toàn có thể thông cảm, thậm chí có thể chấp nhận tăng giá ở một mức nào đó hợp lý.
Song sẽ rất khó thuyết phục, khi mức giá tại Bách Hóa Xanh tăng cao đối với một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh, củ quả trong khi cũng những mặt hàng này lại có mức giá khá bình ổn tại các chuỗi bán lẻ lớn khác, hoặc nếu có tăng thì mức tăng cũng không đến mức gây sốc.
Bách Hóa Xanh hiện là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng thiết yếu có số cửa hàng nhiều nhất tại Việt Nam, vượt qua cả Saigon Co.op và Big C, dù mới ra đời được vài năm. Về doanh thu, Bách Hóa Xanh đạt hơn 21.000 tỉ đồng trong năm 2020, bằng khoảng 2/3 so với Saigon Co.op. Dù thế, trong lĩnh vực kinh doanh của mình, Bách Hóa Xanh đã trở thành một "ông lớn", đang đua top với các đối thủ còn lại.
Thế nhưng, cuộc đua top vào lòng người tiêu dùng của Bách Hóa Xanh đang gặp trở ngại lớn vì vấn đề đánh mất thiện cảm, uy tín đối với người tiêu dùng ngay trong mùa dịch bệnh Covid-19.
Chuyện Thương hiệu và mối quan hệ cộng đồng
Khi ai đó định tẩy chay một thương hiệu, chắc chắn đó là quyền cá nhân của họ. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người hãy nhìn nhận vấn đề phải thật đúng với sự tình hợp lý.
Dịch bệnh đang khiến nền kinh tế nước nhà giảm sút. Sự yêu thương, cảm thông, đoàn kết và hợp tác với nhau là thứ đáng cần có hơn bao giờ hết. Hơn nữa, khi nói về trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm thuộc về từng cá nhân chứ không riêng gì doanh nghiệp, Nhà nước hoặc các tổ chức lớn.
Kinh doanh, không thể không tính chuyện lời lãi, song doanh nghiệp không thể đứng ngoài cộng đồng. Hài hòa lợi ích giữa phía doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội chính là sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hãy nhìn nhận thật khách quan, đừng vì cảm xúc trong lúc tức giận hay hùa theo đám đông dẫn tới vô tình vùi dập doanh nghiệp Việt. Ủng hộ doanh nghiệp Việt là một cách để giữ lại tiền cho đất nước, không để tiền chảy ra ngoài, để kinh tế của chính đất nước tăng trưởng hơn.
Việc cân bằng lợi ích giữa phía doanh nghiệp, người tiêu dùng lúc này là vấn đề cấp thiết cần tới sự thông cảm và tương hỗ lẫn nhau thay vì những suy nghĩ, hành động tiêu cực, bởi cộng đồng chỉ có chung tay vì lợi ích chung mới có thể phát triển vững mạnh.
MWG vẫn đặt mục tiêu cho Bách Hóa Xanh phải có doanh thu 30.000 tỷ đồng cho riêng năm nay và trong tương lai sẽ trở thành trụ cột chính doanh thu của công ty. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả; quan trọng nhất với Bách Hóa Xanh, họ sẽ lấy lại ngành bán lẻ về cho Việt Nam trong 5-7 năm tới…
Thị trường bán lẻ trong nước từng nằm trong tay nhiều đại gia ngoại, Bách Hoa Xanh chỉ là một tân binh mới, lại là doanh nghiệp của Việt Nam, rủi ro không phải là ít. Vì thế đây cũng là một bài học rút ra được dành cho MWG để có thể vững vàng hơn trước những thử thách sắp tới, khi mà tương lai đầy biến động dẫn đến thay đổi hàng loạt về nhu cầu khách hàng, mô hình hoạt động,…
Trang Nhung
Tin liên quan: Khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu nhìn từ vụ việc Bách Hóa Xanh