Để khoan thư sức dân: Cần sửa đổi gấp một số sắc thuế

Đinh Văn Chiến

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 hơn 2 năm nay cùng với sự thay đổi địa chính trị - kinh tế thế giới thời gian qua khiến lạm phát tăng cao đã tạo cú sốc lớn cho cả nền kinh tế trong nước, đời sống người dân và doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Đòi hỏi, chính sách thuế cần phải có tầm nhìn dài hạn, hài hòa được lợi ích giữa nhà nước - người dân - doanh nghiệp, phải nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân thì mới có thể bền vững. Tuy nhiên, nhiều chính sách thuế được ban hành đã lâu, bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn và ít chia sẻ với khó khăn của người dân, điển hình như Thuế TNCN, Thuế xăng dầu...

chinh-sach-thue-can-phai-co-tam-nhin-dai-han-1648187184-1649148530.jpg
Chính sách thuế cần phải có tầm nhìn dài hạn, hài hòa được lợi ích giữa nhà nước - người dân - doanh nghiệp, phải nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân thì mới có thể bền vững

Nghịch lý trong thực tiễn thu thuế TNCN

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong năm 2021, có hơn 12 triệu người lao động do tác động của Covid-19. Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng, theo cách tự nhiên, số tiền đóng thuế TNCN cũng phải theo đà giảm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền đóng thuế TNCN trong năm 2021 đã tăng khoảng 6,6% so với năm 2020, đạt khoảng 123 nghìn tỷ đồng. Nghịch lý trong thực tiễn thu thuế TNCN khiến cho nhiều người thắc mắc về cách tính thuế được quy định theo pháp luật có đang thực sự ‘đúng đắn’ và ‘công bằng’.

Nhiều chuyên gia cho rằng các quy định Luật Thuế TNCN, ban hành và có hiệu lực từ rất lâu, nhiều quy định đã lỗi thời, bộc lộ nhiều bất cập và không theo kịp sự phát triển xã hội như:

Thứ nhất, đó là quy định về giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong Luật thuế TNCN có tính chất ‘cào bằng’ và cách tính mức GTGC hiện nay chưa phù hợp tình hình thực tế. 

Theo quy định, một số thu nhập ở mức thấp sẽ được Nhà nước loại bớt thông qua mức giảm trừ gia cảnh. Khi đó, mức thu nhập chịu thuế sẽ được trừ đi mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế (bản thân người nộp và hoàn cảnh gia đình), và giúp người nộp thuế gần như được miễn thuế nếu có thu nhập thấp.

Tính từ kỳ tính thuế 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; còn đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mặc dù mức giảm trừ gia cảnh này đã tăng song vẫn gây thất vọng đối với nhiều người ngay khi nó được ban hành. Đó là vì khi cuộc sống của con người hiện đại gia tăng nhiều nguồn chi tiêu thì giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng tăng theo, điển hình là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu như ăn uống, nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục... đều tăng giá mạnh so với một số năm trước. Do đó, kết quả sau cùng là người dân lại phải chịu mức thuế TNCN cao hơn, các khoản chi tiêu cũng nhiều hơn mà không được giảm trừ một cách xứng đáng.

gia-ca-hang-hoa-ngay-cang-leo-thang-1648187158-1649148538.jpg
Giá cả hàng hóa ngày càng leo thang, nhưng quy định về thu nhập chịu thuế vẫn ‘dậm chân tại chỗ’ nhiều năm nay

Thêm nữa, hiện nay quy định pháp luật đang tính mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (bố mẹ già, con trẻ, vợ/chồng bệnh tật...) bằng khoảng 1/3 mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế cũng chưa thực sự phù hợp. Bởi lẽ, có những khoản chi tiêu cho người phụ thuộc thậm chí còn vượt qua chi tiêu của người nộp thuế, giả dụ như tiền đóng học, tiền chữa trị bệnh hiểm nghèo, tiền viện dưỡng lão... Như thế, mức giảm trừ gia cảnh còn cứng nhắc và mang tính chất ‘cào bằng’.

Thứ hai, mức thu nhập phải chịu thuế theo quy định hiện nay còn bất cập. Kể từ kỳ tính thuế năm 2020, mức thu nhập phải đóng thuế đối với cá nhân là 11 triệu đồng/tháng hay 132 triệu/năm. Nhưng rõ ràng, ngưỡng thu nhập bình quân lao động trên 11 triệu không còn là ‘mơ ước’ với nhiều người. Bởi lẽ, nhu cầu sinh hoạt và chi tiêu của người Việt ngày càng gia tăng qua các năm, hơn nữa, Nhà nước và doanh nghiệp cũng nâng mức lương thu nhập cho những người làm việc hằng năm.

Từ ngày 1/4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện điều tra về tiền lương, mức sống tối thiểu để xây dựng mức lương tối thiểu vùng năm 2023. Theo dự kiến, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng lên, giúp cho thu nhập của người dân cũng được cải thiện hơn. Lý do của việc tăng mức lương tối thiểu là do trong suốt năm 2021, Chính phủ đã không thể điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thêm vào đó căn cứ theo chiều tăng chỉ số lạm phát thì cần thiết phải có sự điều chỉnh tăng lương nhằm bù đắp cho cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nếu như tăng lương, nhưng quy định hạn mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không tăng theo mà vẫn giữ như hiện nay thì người dân sẽ phải đóng thuế TNCN nhiều hơn. Như thế, quy định pháp luật lại chồng chéo với nhau và người dân vẫn chẳng nhận được lợi ích nào trên thực tế.

Bên cạnh đó, đối với những người như người kinh doanh online, người làm việc tự do,... trên thực tế thu nhập lại có thể vượt xa 11 triệu đồng/tháng hay 132 triệu đồng/năm. Nếu đem so sánh thu nhập giữa ngành, nghề lĩnh vực này với thu nhập trong khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì thu nhập còn có phần cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy, do thu nhập của các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh tự do thường nhảy vọt trong thời gian rất ngắn nên đã tác động lớn đến việc làm tăng chỉ số lạm phát. Do đó, quy định ngưỡng phải chịu thuế TNCN dường như chỉ có thể điều chỉnh đối với những người làm công, ăn lương trong các đơn, vị, doanh nghiệp chứ chưa bao quát được tất cả các ngành, nghề lĩnh vực, nhất là đối với những người làm việc tự do. Điều này gây nên sự bức xúc do cách tính thuế không đảm bảo công bằng và còn gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, là vấn đề về chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế. Theo thông lệ ở các nước và cũng là hợp lý khi xác định các khoản được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế bao gồm cả: chi phí nghề nghiệp, hoàn cảnh bản thân (có nhà ở chưa, có gia đình chưa, chi phí y tế, giáo dục, ...) Tuy nhiên Luật thuế TNCN ở Việt Nam lại không có quy định như vậy. Điều này là bất cập bởi lẽ muốn đóng góp thuế cho Nhà nước thì trước hết người dân phải khỏe mạnh, có các điều kiện làm việc mới tạo ra thu nhập để đóng thuế. Đành rằng đã có các khoản hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ nhưng việc điều trị cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như thu nhập của người dân, cho nên việc không có khoản khấu trừ chi phí hợp lý cũng có thể được xem là một bất cập.

Giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu là chưa đủ

Thời gian qua giá xăng dầu trong nước đã chứng kiến đợt tăng cao kỷ lục do bị ảnh hưởng bởi giá thị trường dầu thế giới. Giá xăng dầu tăng cũng khiến giá cả thức ăn, đồ dùng sinh hoạt theo chiều hướng tăng lên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ‘ví tiền’ của người dân, vốn đã eo hẹp do tác động của dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân, cơ quan nhà nước cũng đề ra các phương án tháo gỡ. Theo đó, UBTVQH mới đây đã thông qua Nghị quyết giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu và mỡ nhờn. Cụ thể, mức giảm thuế BVMT đối với xăng là 2 nghìn đồng/lít (giảm 50%); còn đối với dầu hỏa là 300 đồng/lít (giảm 70%). Thời gian thực hiện Nghị quyết giảm thuế đối với xăng dầu bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.

ubtvqh-da-thong-qua-nghi-quyet-giam-thue-1648187158-1649148538.jpg
UBTVQH đã thông qua Nghị quyết giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân

Việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu vào thời điểm hiện tại được xem là giải pháp tạm thời nhằm bình ổn giá cả thị trường cũng như giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, gánh nặng thuế phí, chiếm 35% trong cơ cấu giá thành xăng dầu đang thực sự là quá lớn khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi liệu xăng dầu hiện có đang chịu cảnh “thuế chồng thuế” hay không?. Bởi thực tế, xăng đã chịu thuế BVMT rồi lại còn gánh thêm cả thuế TTĐB, trong khi xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Chưa kể, xăng cũng đang phải chịu thuế suất VAT 10%, mà trong Nghị quyết của Quốc hội về giải pháp phục hồi kinh tế rất nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT nhưng lại không có xăng trong đó.

Do đó, chuyên gia cho rằng nếu chỉ giảm Thuế BVMT đối với xăng dầu là thực sự chưa đủ, cần phải cắt giảm, thậm chí là bỏ một số loại thuế, phí đang bủa vây giá xăng dầu, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu dùng của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 16/3, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, cho rằng việc giảm thuế là điều cần thiết, nhưng giảm sắc thuế nào là điều cần được tính toán kỹ.

Bà Mai cho rằng, việc giảm thuế BVMT có nhiều điểm hạn chế, không đảm bảo được lợi ích của các bên. Trong khi các quốc gia khác trên thế giới điều chỉnh các sắc thuế khác như VAT, thuế nhập khẩu để bình ổn giá cả, thì tại sao chúng ta lại sử dụng thuế BVMT…???

Kiến nghị

Thuế là nguồn thu quan trọng đối với Ngân sách phục vụ cho đầu tư phát triển, chi tiêu cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh…  Nhưng nhiều chính sách thuế đã được ban hành lâu, đã bộc lộ nhiều bất cập và không theo kịp sự phát triển xã hội điển hình như chính sách TNCN, thuế xăng dầu... Do đó cần phải kịp thời sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Thứ nhất, Luật Thuế TNCN năm 2007 khi ban hành đã có quy định trường hợp nếu chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN đang có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ sẽ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Tuy nhiên, nếu đợi đến mức cộng dồn 20%, thì đời sống người dân thời điểm bây giờ phải xoay sở như thế nào. Cho nên kiến nghị giảm mức biến động xuống còn 5-10%, thay vì 20% như thời điểm trước nhằm giúp các quy định được đưa ra một cách nhanh chóng hơn, phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, cần xây dựng giải pháp xác định thu nhập của các người làm việc tự do, trong môi trường trực tuyến. Đối với các đối tượng không hoạt động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì việc tính Thuế TNCN vốn luôn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp nhưng cũng cần xây dựng các giải pháp để quản lý và thu Thuế TNCN đối với các đối tượng này. Bởi có như vậy mới đảm bảo công bằng trong việc tính Thuế TNCN giữa các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế và còn làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, cần có cơ chế để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp tình hình phát triển kinh tế thời điểm hiện tại. Bởi vì nếu quy định cứng nhắc một mức giảm trừ gia cảnh sẽ gây khó khăn cho người dân trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng biến động từng ngày. Do đó, để phù hợp nhất, cần xác định công thức tính mức giảm trừ gia cảnh phụ thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước, cũng như các tác động ngoại cảnh đến cuộc sống của người dân từng vùng miền.

Thứ tư, đối với chính sách thuế xăng dầu, trong khi các quốc gia khác trên thế giới điều chỉnh các sắc thuế khác như VAT, thuế nhập khẩu để bình ổn giá cả. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Nên chăng Việt Nam cũng cần phải nghiên cứu cần phải cắt giảm, thậm chí là bỏ một số loại thuế, phí đang bủa vây giá xăng dầu, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để đảm bảo kiềm chế lạm phát, giúp doanh nghiệp và người dân yên tâm hoạt động, sinh hoạt và sản xuất.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.