Đổi “Quốc tịch cho phim” dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ

Ky Anh

(PLBQ). Phim “Vị” bị cấm chiếu tại Việt Nam do có nhiều phân cảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đạo diễn và nhà sản xuất phim đã chuyển quyền sở hữu cho một công ty tại Singapore, chính thức thay đổi “quốc tịch” của phim.

>> Lưu Đức Hoa bị tố đạo nhái bản quyền phim – Ranh giới giữa phái sinh và đạo nhái

>> Video Review phim - dạng biến tướng mới của phim lậu vi phạm bản quyền

>> Khởi tố vụ án hình sự liên quan website phim “lậu” lớn nhất Việt Nam: Biện pháp răn đe thích đáng đối tượng có hành vi xâm phạm bản quyền

Phim là gì? Thế nào là phim Việt Nam?

Phim được định nghĩa tại khoản 3 Điều 4 Luật điện ảnh như sau:

Phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.”

Phim hay tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Với sự kết hợp từ nhiều phương thức khác nhau, tác giả của phim không chỉ giới hạn là một chủ thể như đối với các sản phẩm trí tuệ thông thường khác. Đối với phim, các chủ thể được xem là tác giả sáng tạo tác phẩm bao gồm: “Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh”.

Hiện nay chưa có quy định pháp luật về định nghĩa thế nào là phim Việt Nam. Tuy nhiên theo Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì có thể dựa vào các yếu tố sau: (i) quốc tịch của đạo diễn; (ii) ngôn ngữ chính của phim; (iii) có ít nhất một nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất phim.

Câu chuyện việc từ bỏ quốc tịch của phim Vị

Phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo có nội dung xoay quanh câu chuyện về cầu thủ đá bóng người Nigeria đến Việt Nam lập nghiệp. Khi hợp đồng chấm dứt và lâm cảnh khốn khó, anh ta chấp nhận ở chung nhà, cùng sinh hoạt với bốn người phụ nữ lớn tuổi là lao động nghèo. Tại đây, anh hành nghề cắt tóc, gội đầu cho nhóm phụ nữ và được chứng kiến từng mảnh đời khác nhau của họ. Phim truyền tải thông điệp về niềm khao khát sống của con người trước sự mỏng manh của số phận và nỗi sợ hãi bị cô lập.

Bộ phim này đã tham dự Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 tổ chức tại Đức hồi tháng 3-2021 và được trao giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters. Tuy nhiên, sau đó cũng chính bộ phim này bị Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phạt 35 triệu đồng vì gửi phim dự thi quốc tế khi chưa được phép phổ biến.

Tháng 7 năm nay phim lại nhận được quyết định cấm chiếu với lý do có những cảnh khỏa thân của cả năm nhân vật rất trực diện và kéo dài tới vài chục phút. Sau khi nhận quyết định cấm chiếu, nhà sản xuất bộ phim đã thông báo từ bỏ quyền sở hữu, theo đó đạo diễn cũng từ bỏ quyền tác giả đối với bộ phim này. Vì vậy mà quyền sở hữu bộ phim "Vị" thuộc về Singapore. Đây là lần đầu tiên có một bộ phim tiến hành “đổi quốc tịch” tại Việt Nam.

Phim bị cấm chiếu do hình ảnh không phù hợp văn hóa Việt (Ảnh Thanhnien.vn)

Quy định về đổi quốc tịch phim dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT)

Quyền tác giả của đạo diễn và nhà sản xuất phim theo luật

Theo quy định tại điều 21 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019 thì:

1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch,... được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này”.

Theo đó, đạo diễn và nhà sản xuất phim Vị ban đầu có các quyền sau:

“Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính”.

Từ bỏ quyền và “đổi quốc tịch” phim

Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ sở hữu được từ bỏ quyền của mình, quy định về nội dung này cũng được làm rõ trong Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 239. Từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Như vậy có thể thấy, từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản có thể được thực hiện dưới hai hình thức:

Một là, chủ sở hữu tài sản tuyên bố công khai việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản. Theo đó, chủ sở hữu sẽ tuyên bố công khai với mọi người rằng mình đã từ bỏ quyền sở hữu với một tài sản mà mình có quyền sở hữu.

Hoặc cách thứ hai là chủ sở hữu thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Cụ thể với lĩnh vực sở hữu trí tuệ là việc thực hiện các hành vi như: mua bán, tặng cho… tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Khi từ bỏ quyền sở hữu với tài sản trí tuệ đồng nghĩa với toàn bộ những quyền về nhân thân và tài sản sẽ không còn thuộc về chủ sở hữu ban đầu nữa mà chuyển cho cá nhân, tổ chức khác tiếp nhận. Với trường hợp của “Vị” thì nhà sản xuất và đạo diễn phim đã bán cho các nhà đầu tư nước ngoài mà phần lớn là nhà đầu tư của Singapore. Cũng chính việc này khiến đạo diễn và nhà sản xuất phim không còn cả quyền và nghĩa vụ với phim khiến nó không còn là phim Việt Nam nữa mà thuộc sở hữu của nước khác và Việt Nam không có quyền đối với bộ phim.

Việc “đổi quốc tịch” phim là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Sự việc trên đã tạo ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên đây cũng là lời nhắc về sự thay đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, cụ thể là luật sở hữu trí tuệ và luật điện ảnh.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Ngọc Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.