Giá của công nghệ được chuyển giao
Giá của công nghệ được chuyển giao là phần giá trị được quy đổi thành tiền mà bên nhận chuyển giao công nghệ phải trả cho bên chuyển giao. Giá của công nghệ sẽ do các bên thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng, tuân thủ quy luật thị trường và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ bản sau đây:
Thứ nhất, “tính tiên tiến” của công nghệ
Công nghệ càng tiên tiến thì chi phí nghiên cứu càng cao, rủi ro đối với tổ chức tiến hành nghiên cứu càng lớn, do vậy giá công nghệ có xu hướng tăng cao. Bên cạnh đó, tính tiên tiến của công nghệ sẽ tạo ra "cầu" về công nghệ lớn, tạo lợi thế thương lượng về giá cho bên chuyển giao.
Một trong những công nghệ có giá chuyển giao rất cao hiện nay là công nghệ nano. Ước tính khoản chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ này lên tới 2,5 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 604 triệu USD, Nhật Bản 753 triệu USD và Tây Âu là 585 triệu USD.
Công nghệ nano là công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước ở quy mô nanomet (khoảng 1-100 nanomet). Công nghệ nano đã được áp dụng và đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm nổi bật của thế giới như ống nano, động cơ nano, AND... Trong đó, nổi bật là Máy lọc nước Nano. Đây là loại máy sử dụng công nghệ Nano với các màng lọc có cấu tạo lỗ rỗng và kích thước siêu nhỏ. Nhằm loại bỏ sạch các tạp chất, vi khuẩn và bụi bẩn trong nguồn nước đầu vào. Bên cạnh đó, các màng lọc sẽ giúp giữ lại các khoáng chất tự nhiên có trong nước và có lợi cho cơ thể người dùng.
Thứ hai, “phạm vi” chuyển giao công nghệ
Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ thường có giá cả cao hơn so với việc chỉ chuyển giao quyền sử dụng công nghệ ấy. Việc độc quyền sử dụng công nghệ cũng sẽ làm giá thanh toán tăng lên so với việc không có được sự độc quyền.
Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ mà các bên có thể thỏa thuận là:
- Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ.
- Được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng công nghệ cho bên thứ ba.
- Lĩnh vực sử dụng công nghệ.
- Quyền được cải tiến công nghệ, quyền được nhận thông tin cải tiến công nghệ.
- Độc quyền hoặc không độc quyền phân phối, bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra.
- Phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra.
- Các quyền khác liên quan đến công nghệ được chuyển giao.
Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, "khả năng làm chủ công nghệ được chuyển giao" của bên nhận chuyển giao
Trong trường hợp nếu bên nhận chuyển giao chưa có những kinh nghiệm, khả năng tiếp nhận và sử dụng nhất định đối với công nghệ được chuyển giao, thì giá chuyển giao công nghệ sẽ cao hơn so với các trường hợp chuyển giao khác, do khối lượng các công việc, phạm vi trách nhiệm của bên chuyển giao trong hỗ trợ, đào tạo bên nhận chuyển giao để tiếp nhận công nghệ phải trải qua rất nhiều bước và quy trình.
Ví dụ: năm 2008, trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1 đầu tiên nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình. Theo tính toán của các chuyên gia, giá chuyển giao công nghệ trong lần đầu phóng vệ tinh của Việt Nam là rất cao so với khung giá chung trên thế giới, vì chúng ta hoàn toàn chưa có đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực này.
Thứ tư, “vai trò, tầm quan trọng của công nghệ” đối với bên nhận công nghệ
Công nghệ càng có vai trò, vị trí quan trọng đối với bên nhận công nghệ thì sẽ có giá chuyển giao càng cao. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà bên nhận chuyển giao sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước thì giá công nghệ phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Lưu ý: Giá công nghệ chuyển giao do các bên thỏa thuận, tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế và cạnh tranh không lành mạnh, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì giá công nghệ chuyển giao phải được kiểm toán và thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và giá trong 3 trường hợp sau:
- Công nghệ được chuyển giao giữa các bên trong đó ít nhất một bên có vốn sở hữu nhà nước.
- Công nghệ được chuyển giao giữa các bên có quan hệ công ty mẹ - công ty con.
- Công nghệ được chuyển giao giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế.
Phương thức thanh toán trong hợp đồng chuyển giao công nghệ
Căn cứ Điều 27 Luật chuyển giao công nghệ 2017, các bên có thể thỏa thuận thanh toán bằng một hoặc nhiều phương thức sau đây:
Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa
Theo phương thức này, hai bên xác định giá thanh toán bằng một khoản tiền hoặc một lượng hàng hóa, được chia ra để trả gọn một lần hay một số lần vào các thời điểm nhất định theo thỏa thuận, thông thường là các thời điểm kết thúc từng giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ.
Chẳng hạn như ngày nhận được các tài liệu kỹ thuật, ngày hoàn thành chạy thử, ngày nghiệm thu, ngày bắt đầu sản xuất thương mại, ngày bán lô hàng hóa đầu tiên được sản xuất từ công nghệ được chuyển giao…
Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Nếu bên giao và bên nhận công nghệ thỏa thuận góp vốn bằng giá trị của công nghệ vào dự án đầu tư hoặc vào vốn góp của doanh nghiệp thì các bên phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ, trong đó toàn bộ giá trị công nghệ của bên giao được quy đổi thành một số tiền nhất định trong tổng vốn đầu tư của bên nhận hoặc vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Sau khi bên giao đã thực hiện đầy đủ nội dung chuyển giao công nghệ theo quy định trong hợp đồng thì hai bên phải lập biên bản nghiệm thu để xác nhận bên giao đã hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao. Khi đó, giá trị công nghệ mới được tính vào vốn góp của dự án đầu tư hoặc vốn góp vào doanh nghiệp.
Hiện nay, hình thức thanh toán này được thực hiện khá phổ biến, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh
Giá bán tịnh là giá bán sản phẩm, dịch vụ tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, tính theo hóa đơn bán hàng, sau khi trừ đi các khoản sau đây:
- Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có).
- Chi phí mua các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện.
- Chi phí mua bao bì, đóng gói, vận tải, quảng cáo.
Phương thức thanh toán này có ưu điểm là phù hợp với khả năng chi trả của bên nhận chuyển giao, nhưng lại có nhược điểm là bên giao khó kiểm soát việc hạch toán chi phí của bên nhận chuyển giao, do đó bên nhận có thể khai tăng chi phí để giảm giá bán tịnh.
Chính vì vậy, phương thức thanh toán này thông thường được áp dụng trong trường hợp bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao có những mối liên hệ nhất định, như chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con.
Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần
Doanh thu thuần là doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, tính theo hóa đơn bán hàng trừ đi thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có).
Doanh thu có thể được xác định trong một khoảng thời gian nhất định như là theo tháng hoặc theo năm. Cách tính theo doanh thu thuần có ưu điểm là bên giao không phải quan tâm đến việc hạch toán chi phí của bên nhận, nhưng có nhược điểm là sẽ bị thiệt nếu chi phí sản xuất được tiết kiệm hoặc sẽ không được trả nếu bên nhận không bán được hàng.
Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế của bên nhận
Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí sản xuất. Phương thức này ưu điểm là có thể hạn chế được các nhược điểm của cả hai phương thức Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh và Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần, nhưng lại có một nhược điểm khác là có thể bên bán không thu được tiền do bên mua không có lợi nhuận.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành quy định về giá cả và phương thức thanh toán hợp đồng chuyển giao công nghệ đã thể hiện sự phù hợp với thực tiễn, tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể thỏa thuận nhiều phương thức thanh toán kết hợp sao cho phù hợp nhất với mong muốn và khả năng kiểm soát rủi ro của mình.
Kỳ Anh