Giới hạn Quyền tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành

Kỹ thuật Web

(PLBQ) Giới hạn quyền tác giả là những hạn chế về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay còn được hiểu như là các ngoại lệ của quyền tác giả.

Trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay, các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng phát huy được vai trò to lớn của mình trong việc đáp ứng đời sống tinh thần cho con người. Ngày nay, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học ngày càng có giá trị cao và có khả năng lan truyền một cách nhanh chóng, rộng rãi, trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một yêu cầu được đặt ra hết sức bức thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, pháp luật cũng cần phải đảm bảo cho công chúng có khả năng đón nhận tác phẩm một cách hiệu quả nhất, thuận tiện nhất, tạo điều kiện để thúc đẩy, khuyến khích quá trình sáng tạo. Chính vì thế, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và 2019 đã đặt ra quy định về các trường hợp giới hạn quyền tác giả, để nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả tác giả và các chủ thể khác có nhu cầu đón nhận tác phẩm.

Giới hạn quyền tác giả là những hạn chế về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay còn được hiểu như là các ngoại lệ của quyền tác giả. Giới hạn quyền tác giả là quy định liên quan tới việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bảng ghi âm hình, chương trình sóng các trường hợp đặc biệt, cụ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu chính đáng phục vụ công tác thông tin, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và chính sách xã hội. Hình thức chủ yếu của những hạn chế này là các trường hợp sử dụng tự do các tác phẩm đã công bố, trong đó có trường hợp phải thanh toán tiền sử dụng, có trường hợp không phải thanh toán tiền sử dụng.

Luật sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ xác định giới hạn cho quyền tác giả bằng việc quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Giới hạn quyền tác giả trong những trường hợp này giúp cho công chúng có khả năng khai thác, sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học vào mục đích phi thương mại như: nghiên cứu khoa học, giảng dạy,... được dễ dàng hơn. Tuy nhiên bên cạnh quyền lợi này, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm có nghĩa vụ không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi quy định về các trường hợp giới hạn quyền tác giả như sau:

Thứ nhất, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ).

Thứ hai, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 Luật sở hữu trí tuệ).

Có thể thấy, pháp luật hiện nay thừa nhận và bảo hộ cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả những quyền mang tính độc quyền. Tuy nhiên, tính độc quyền này của các chủ thể nói trên có thể làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các sản phẩm sáng tạo, làm cản trở sự phát triển của xã hội. Do đó, việc ban hành các quy định pháp luật về các trường hợp hạn chế quyền tác giả là vô cùng cần thiết để nhằm đảm bảo lợi ích giữa chủ sở hữu, tác giả quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích của cộng đồng. Đánh giá tổng quan, những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về các trường hợp hạn chế quyền tác giả hiện nay tương đối hoàn thiện, phù hợp với quy định trong các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên, góp phần thúc đẩy quá trình sáng tạo của tác giả và tiếp cận tác phẩm của công chúng. Chính vì vậy, Luật đã quy định 10 trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

1. Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.

2. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.

Trích dẫn là phương pháp được chuẩn hóa trong việc ghi nhận những nguồn tin và ý tưởng mà người viết đã sử dụng trong bài viết của mình trong đó người đọc có thể xác định rõ từng tài liệu được trích dẫn, tham khảo. Các trích dẫn nguyên văn, các số liệu và thực tế, cũng như các ý tưởng và lý thuyết lấy từ các nguồn đã được xuất bản hoặc chưa được xuất bản đều cần phải được trích dẫn.

Ví dụ, tại Giáo trình của một tiến sĩ có đoạn trích dẫn “Khái niệm về bản quyền, sáng chế xuất hiện từ thế kỷ 17 và thế kỷ 18” và ghi chú đầy đủ nguồn thông tin được trích dẫn. Mặc dù qua việc nghiên cứu, truy cập thông tin, tác giả của Giáo trình trên cũng có thể kết luận nội dung này và đây cũng có thể được xem là kiến thức phổ quát vì thông tin đó không thuộc của riêng ai và cũng không phải ý tưởng của bất kỳ tác giả nào. Thế nhưng việc trích dẫn và giữ nguyên giá trị của tài liệu được trích dẫn thể hiện sự tôn trọng và quá trình nghiên cứu nghiêm túc của tác giả đối với tác phẩm được trích dẫn. Đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn của việc nghiên cứu, thể hiện tính chính xác của nguồn thông tin dựa trên các luận cứ trước đó. Việc trích dẫn này nhằm mục đích giảng dạy trong nhà trường và không nhằm mục đích thương mại nên không xâm phạm quyền tác giả.

“Trích dẫn hợp lý” được hiểu là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin cậy.

3. Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.

4. Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.

5. Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.

6. Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.

7 Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy.

8 Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó.

9. Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

10. Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Như vậy, chúng ta thấy rằng Luật sở hữu trí tuệ đã tiệm cận pháp luật các quốc gia trên thế giới, hạn chế một phần quyền của tác giả và trao quyền sử dụng cho công chúng để làm nền tảng cho sự phát triển tri thức.

 

Thị Nhàn – Đình Đức

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.