Góc nhìn pháp luật đối với sự việc liên quan đến Chúng ta của hiện tại, Có chắc yêu là đây…

(PLBQ). Chiều tối ngày 22/2, trên các trang mạng xã hội xôn xao với thông tin MV Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP đột nhiên biến mất không dấu vết trên YouTube. Khi tìm kiếm MV này theo link trên YouTube, nội dung được hiển thị lại là: “Video này không hoạt động do có khiếu nại bản quyền từ GC” …

Lời giải đáp cho sự biến mất đột ngột này chưa được đưa ra, thì ngay sau đó không lâu, bài hát Có chắc yêu là đây của nam ca sĩ cũng vướng phải tranh chấp liên quan đến bản quyền tương tự.

Từ “Chúng ta của hiện tại” …

MV Chúng ta của hiện tại là sản phẩm âm nhạc thứ 2 trong năm 2020 của Sơn Tùng M-TP, sau MV Có chắc yêu là đây. MV này ra mắt vào tối ngày 20/12, dù thời lượng lên đến 15 phút nhưng vẫn nhanh chóng chiếm giữ top 1 Trending chỉ sau vài tiếng phát hành. MV là một bản nhạc RnB/Pop mang hơi hướng retro với nội dung câu chuyện về tình sử của một “đại ca xã hội đen” và một cô gái phục vụ bàn.

Đến chiều ngày 22/2, trước khi biến mất thì MV Chúng ta của hiện tại của nam ca sĩ đã đạt hơn 60 triệu lượt xem. Đây là một con số đáng nể với một video dài 15 phút sau hơn hai tháng phát hành. Số lượt view “khủng” đã chứng minh Chúng ta của hiện tại và ca sĩ Sơn Tùng M-TP được yêu thích, quan tâm và có sức hút lớn như thế nào.

Chính vì vậy, khi bản hit đình đám này đột nhiên “mất tích” trên YouTube liền lập tức được các trang mạng xã hội và mọi người quan tâm sát sao. Tất cả đều đặt câu hỏi tại sao MV biến mất? Từ dòng chữ “Video này không hoạt động do có khiếu nại bản quyền từ GC” khi tìm kiếm bài hát, nhiều người suy đoán MV “mất tích” là do dính líu đến vấn đề vi phạm bản quyền.

Vào trang YouTube của GC, người đã “khiếu nại” MV của nam ca sĩ người Thái Bình, không ít người cảm thấy nhịp điệu (beat) của ca khúc Chúng ta của hiện tại có sự tương đồng với bản beat “Is you mine” do GC đăng tải vào tháng 9/2020. Có vẻ như, bản thân GC cũng cảm thấy sự “tương đồng” giữa sản phẩm của mình với bài hát của Sơn Tùng. Thế nên, producer này đã có động thái nhất định là làm việc với YouTube và rồi, Chúng ta của hiện tại đột nhiên “không cánh mà bay”.

Người hâm mộ của Sơn Tùng cùng với cư dân mạng đã “truy tìm” cái tên GC trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, từ YouTube đến Instagram. Ai ai đều đặt câu hỏi với GC về việc làm “bay màu” ca khúc nổi tiếng của làng nhạc Việt. Trước sự “tấn công” mãnh liệt của khán giả Việt Nam, GC sau đó cũng đưa ra câu trả lời trên YouTube như sau: “Nó đã được khiếu nại và nhà sản xuất nhạc của Sơn Tùng đã thừa nhận anh ta đã tham khảo sản phẩm của tôi cho phần beat. Thế nào là kiếm tiền trên công sức của người khác? Ở bên này, chúng tôi không làm như vậy đâu. Bạn có hiểu được toàn bộ sự việc hay chưa? Nhưng MV sẽ sớm được khôi phục thôi, cứ bình tĩnh chờ đợi đi”.

Đến chiều tối ngày 23/2, đúng như lời GC đã nói, MV Chúng ta của hiện tại quay trở lại nguyên vẹn trên YouTube. Hơn 1 ngày kể từ lúc diễn ra vụ lùm xùm, nhưng đến tận bây giờ, phía nam ca sĩ cũng như M-TP Entertainment vẫn chưa đưa ra bất kì thông báo hay lời giải thích gì về sự việc lần này.

Vậy lí do “biến mất” MV này là gì? Có hay không việc nhà sản xuất MV Chúng ta của hiện tại đã “mượn beat” của producer GC? Hay bên công ty của nam ca sĩ đã mua beat từ một bên thứ 3 khác? Việc MV bị gỡ là vì bị cáo buộc “đạo nhạc” hay chỉ là một chiêu trò truyền thông? Phải chăng sau khi bị chính producer của beat gốc khiếu nại, phía nam ca sĩ mới tiến hành mua lại beat để MV có thể xuất hiện trở lại vào tối ngày 23/2?...
Còn có rất nhiều câu hỏi mà người hâm mộ cũng như khán giả đang thắc mắc, nhưng các bên liên quan đều không đưa ra thêm thông tin gì sau khi MV Chúng ta của hiện tại quay trở lại YouTube.

… đến “Có chắc yêu là đây”

Các tranh cãi liên quan đến MV Chúng ta của hiện tại còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nam ca sĩ sinh năm 94 này lại tiếp tục vướng vào một rắc rối khác. Chiều 23/2, tác phẩm âm nhạc còn lại trong năm 2020 của Sơn Tùng là MV Có chắc yêu là đây bị một producer người Hà Lan là Robin Wesley tố “đạo” một bài hát của mình. Theo đó, không ít người cho rằng nhạc nền của bài hát Có chắc yêu là đây ra mắt vào giữa năm 2020 có nhiều điểm tương đồng với bài “Lucky” được Robin Wesley đăng tải lên Youtube từ tháng 11/2019.

Producer người Hà Lan này đã được thông báo về sự “trùng hợp” đó và đến chiều tối ngày 23/2, nhà sản xuất âm nhạc này đã công chiếu video phần nhạc nền bài “Lucky” đính kèm với đó là hình ảnh Sơn Tùng trong MV Có chắc yêu là đây trên kênh YouTube của mình. Video có tiêu đề: “SƠN TÙNG MTP - CÓ CHẮC YÊU LÀ ĐÂY | Original Instrumental Prod. by Robin Wesley”, nhằm khẳng định phần nhạc gốc của Có chắc yêu là đây được sản xuất bởi Robin Wesley.

Phía dưới nội dung đăng tải, tác giả này không quên mô tả: “Bản beat này được Robin Wesley sản xuất chính thức vào ngày 16/11/2019 với tên gọi Lucky. Sản phẩm này chỉ được sử dụng khi có sự cho phép”. Có vẻ, nam producer hết sức phẫn nộ khi "chất xám" của mình bị sử dụng không xin phép và đang có hành động chứng minh giai điệu gốc của Có chắc yêu là đây là do anh sản xuất.

Những ảnh hưởng không nhỏ khi tranh chấp liên quan đến bản quyền

Chỉ trong chưa đến hai ngày, Sơn Tùng M-TP đã liên tiếp vấp phải những nghi vấn liên quan “đạo nhạc”, dùng beat “không xin phép”. Dù tất cả chỉ mới là nghi vấn và chưa được khẳng định chắc chắn, nhưng những sự cố không đáng có này đang tạo ra những ảnh hưởng mang tính tiêu cực không nhỏ đến nam minh tinh.

Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng hiện nay khán giả Việt Nam, đặc biệt là antifan đang có những phản ứng rất gay gắt, chỉ trích dữ dội nam ca sĩ trẻ ở khắp các trang mạng xã hội. Nhiều người mặc định nam ca sĩ “đạo nhạc”, “trộm beat”, “ăn cắp chất xám” … và buông những lời nói khó nghe mang tính miệt thị nặng nề.

Lí do chủ yếu được đưa ra do đây không phải là lần đầu tiên nghệ sĩ đình đám nhất nhì giới giải trí dính đến “phốt” liên quan đến vi phạm bản quyền. Và mỗi lần như vậy, Sơn Tùng luôn lựa chọn im lặng, không thừa nhận/phủ nhận hay giải thích bất kì điều gì.

Hành động này của Sơn Tùng đang làm khán giả dần mất lòng tin. Sự quay lưng của người hâm mộ có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tác phẩm trước đây và sau này của nam ca sĩ. Đặc biệt, dù có vẻ như bên phía nam ca sĩ đã làm việc với producer GC và MV Chúng ta của hiện tại cũng được khôi phục. Nhưng từ phản ứng hiện giờ của producer Robin Wesley, thì sự việc liên quan đến MV Có chắc yêu là đây chưa chắc có thể dừng lại dễ dàng êm thấm như vậy.

Có khả năng rất lớn, sự việc của Sơn Tùng M-TP sẽ có sự can thiệp của pháp luật nếu tác giả người Hà Lan làm căng. Vậy với khả năng không nhỏ bị cáo buộc “đạo nhạc” và dính đến kiện tụng, câu chuyện về bài hát của Sơn Tùng sẽ tiếp diễn như thế nào?

Góc nhìn pháp luật

Pháp luật Việt Nam và khái niệm “đạo nhạc”

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay không quy định cụ thể như thế nào là “đạo nhạc”. Nhìn từ các vụ lùm xùm liên quan đến “đạo nhạc” trong nước và thế giới, có thể hiểu “đạo nhạc” là hành vi sao chép một phần hay toàn bộ nội dung của tác phẩm gốc, và giả bộ như đó là tác phẩm sáng tạo nguyên bản.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Và đối tượng quyền tác giả bảo hộ bao gồm “Tác phẩm âm nhạc”.

Như vậy, một bài hát được sáng tác ra là một tác phẩm âm nhạc được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Tác giả của ca khúc này có đầy đủ quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm, bài hát của mình.

Quyền nhân thân của tác giả đối với bài hát như sau: đặt tên cho bài hát; đứng tên thật hoặc bút danh trên bài hát; được nêu tên thật hoặc bút danh khi bài hát được công bố, sử dụng; có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của bài hát; không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản của tác giả đối với bài hát bao gồm các quyền như: làm bài hát phái sinh; biểu diễn bài hát trước công chúng; sao chép bài hát; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao bài hát; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Khoản 2, 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các quyền tài sản của tác giả được bảo hộ như sau:

“2. Các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên bài hát; được nêu tên thật hoặc bút danh khi bài hát được công bố, sử dụng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Như vậy, theo quy định nước ta, quyền sở hữu trí tuệ của tác giả đối với ca khúc do mình sáng tác phát sinh kể từ khi ca khúc ra đời. Tác giả có quyền không cho người khác copy, sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Nếu ai đó lấy phần nhạc của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không xin phép tác giả gốc thì đó là hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, là “đạo nhạc”.

Đây chỉ là ý hiểu chung dựa trên kiến thức xã hội và quy định của pháp luật về quyền tác giả. Nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể về hành vi, mức độ “sao chép”, “tương đồng” để tạo ra giới hạn cho rằng một bài hát có “đạo” một bài hát khác hay không. Không thể chỉ vì nghe thấy sự “tương đồng” giữa hai bài hát mà cho rằng bài này “đạo nhạc” bài kia. Đây suy nghĩ phiến diện, không công bằng với tất cả các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc.

Cho nên việc khẳng định một bài hát, như bài Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng M-TP có “đạo nhạc” hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên ở beat, không thể chỉ do cư dân mạng hay bất kì ai khẳng định. Điều này cần có sự làm việc giữa cả bên Sơn Tùng và producer Robin Wesley, cũng như sự thẩm định của những người có chuyên môn.

Xử phạt thế nào với “đạo nhạc”

Dù chưa có quy định cụ thể, nhưng “đạo nhạc” là hành vi ăn cắp chất xám của người khác và vi phạm pháp luật. Vì thế, nếu một bài hát được chứng minh là “đạo nhạc” thì nhất định phải xử phạt theo pháp luật.

Hành vi sao chép, chỉnh sửa bài hát mà không được sự đồng ý của tác giả là hành vi vi phạm khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho tác giả, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xử lý vi phạm hành chính:

Theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị:

“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm”.

- Trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo Điều 225 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 về quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình nhằm thu lợi bất chính tùy vào từng trường hợp có thể bị phạt tiền đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Với trường hợp là pháp nhân thương mại phạm tội này thì bị phạt như sau:

“a. Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Trên đây là nhìn nhận chủ quan của chuyên trang Pháp luật và Bản quyền về tác phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP và vấn đề “đạo nhạc”. Tất cả mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng, và chưa ai bảo đảm được tính đúng/sai của hai ca khúc nổi tiếng là Chúng ta của hiện tạiCó chắc yêu là đây. Chuyên trang chúng tôi vẫn đang theo dõi sự việc và sẽ tiếp tục cập nhập thông tin nếu có diễn biến tiếp theo.

NGUYỄN LAN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.