Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ - góp phần đưa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam lên chuẩn mực thế giới

Đinh Văn Chiến

Kể từ nghị định đầu tiên của Chính phủ quy định về sáng kiến và sáng chế năm 1981 [1], tính đến nay mới qua bốn thập kỷ nhưng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) được đánh giá là một trong những hệ thống pháp luật phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT trong 4 thập kỷ qua luôn là một chặng đường đầy gian nan, thử thách khi phải luôn duy trì nguyên tắc cốt lõi của hệ thống SHTT, đó là cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và lợi ích hợp pháp của xã hội; đáp ứng nhu cầu nội tại, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước nhưng vẫn tương thích với xu hướng phát triển chung của hệ thống SHTT toàn cầu.

Công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT trên cơ sở nguyên tắc này đã được chỉ đạo một cách nhất quán và xuyên suốt thông qua các quan điểm[2], chủ trương[3] của Đảng và chính sách của Nhà nước[4] và được thực hiện một cách nghiêm túc. Công tác này cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước. 

Với mục tiêu thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đứng trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT – văn bản xương sống trong hệ thống pháp luật SHTT - được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Sau hơn 3 năm xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện với hàng chục buổi hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập cũng như của toàn xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật số 07/2022/QH15) đã được thông qua vào ngày 16/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. So với các lần sửa đổi, bổ sung trước đó vào năm 2009 và năm 2019, lần sửa đổi, bổ sụng thứ ba này được đánh giá là toàn diện nhất từ trước đến nay, tạo nên một dấu mốc quan trọng mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về SHTT kể từ khi Luật SHTT được ban hành năm 2005.

Nhìn lại trước thời điểm 2005, các quy định về SHTT ở Việt Nam được điều chỉnh rải rác tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau (toàn bộ là các văn bản dưới luật), tạo ra các quy định mang tính phân mảnh, đôi khi còn chồng chéo, đặc biệt còn nhiều điểm thiếu hụt lớn, không phù hợp khi tham chiếu với chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ SHTT bắt buộc đối với mọi thành viên WTO quy định tại Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS). 

Với kỳ vọng nhanh chóng hội nhập với thế giới, mở cửa cho hoạt động đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như một phần trong cam kết gia nhập WTO, Luật SHTT đã được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các văn bản pháp luật đơn hành thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế song phương và đa phương khác về SHTT, tạo nên nền tảng pháp lý cơ bản điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến xác lập và thực thi quyền SHTT. Luật SHTT số 50/2005/QH11 đã được thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, là một trong các luật cơ bản góp phần giúp Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. 

Sau ba năm thi hành, Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất vào năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12 được thông qua ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII) nhằm khắc phục một số hạn chế phát sinh từ thực tiễn thi hành và sửa đổi kịp thời một số quy định chưa hoàn toàn tương thích với một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật (các quy định liên quan đến giới hạn quyền tác giả (QTG), giới hạn quyền liên quan (QLQ), thời hạn bảo hộ tới 75 năm đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh v.v.), Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới (điều chỉnh đối tượng quyền đối với giống cây trồng v.v.) và Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền và quy định về bảo vệ quyền SHTT.

Lần sửa đổi, bổ sung thứ hai của Luật SHTT được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế giai đoạn 2010-2018 với việc tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định đa phương và song phương, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có những đối tác lớn như Liên minh kinh tế Á-Âu (Hiệp định VN-EAEU), Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc (Hiệp định RCEP) v.v., đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) và sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Lần sửa đổi, bổ sung này chủ yếu chỉ sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến tính mới của sáng chế, bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, giá trị pháp lý của hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, biện pháp bảo vệ quyền v.v. để bảo đảm đáp ứng các nghĩa vụ phải thi hành ngay của Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14) đã được khẩn trương xây dựng và thông qua theo quy trình rút gọn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV ngày 14/6/2019. 

Với hàng loạt các cam kết về SHTT trong giai đoạn hội nhập 2010 – 2018 nêu trên, ngay sau khi Luật số 42/2019/QH14 được thông qua, lộ trình sửa đổi toàn diện Luật SHTT lần thứ ba đã được khởi động nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, trong đó ngoài các mục tiêu như thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; xử lý các bất cập, vướng mắc sau thực tiễn 16 năm thi hành; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, một mục tiêu không kém phần quan trọng cũng được xác định trong lần sửa đổi này, đó là nội luật hóa các cam kết quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, phù hợp với chuẩn mực về xác lập và bảo hộ quyền SHTT của thế giới. 

Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật SHTT trong lần thứ ba này tập trung vào bảy nhóm chính sách lớn, bao gồm:

(1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu QTG, người biểu diễn, chủ sở hữu QLQ trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ; 

(2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; 

(3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 

(4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; 

(5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; 

(6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; và 

(7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.

luat-shtt-1659016913.jpg

 

anh-1-pccs-hoan-thien-chinh-sach-plshtt-1659016940.jpg
(Với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Baochinhphu.vn.)

Trong số này, một trong những chính sách quan trọng và nổi bật, thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đó là quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các tài sản trí tuệ được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội. Đây cũng là chính sách lớn đã được nhiều quốc gia áp dụng (được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật) như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, v.v..

Bên cạnh đó, chính sách bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập cũng thu hút được sự quan tâm từ các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế và được đánh giá là đã góp phần nâng cao mức độ bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam, tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.

Một số nội dung nổi bật trong chính sách này bao gồm: (i) Trong lĩnh vực QTG, QLQ: bổ sung các quy định làm rõ quyền tài sản, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; bổ sung quy định một số hành vi xâm phạm QTG, QLQ liên quan tới biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền; bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý về QTG, QLQ đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet v.v.; (ii) Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp: bổ sung quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; quy định về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm và nghĩa vụ bảo đảm thông tin cho chủ thể bằng độc quyền sáng chế thực thi quyền trong thủ tục đăng ký dược phẩm; đặc biệt là bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát và kiểm soát hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT cũng như quy định về cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong thủ tục xin cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm.

Như vậy, sau ba lần sửa đổi, đặc biệt là phạm vi sửa đổi của lần thứ ba, Luật SHTT được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò là trụ cột của hệ thống pháp luật về SHTT, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa hệ thống pháp luật SHTT tiệm cận với chuẩn mực chung của thế giới, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn để thu hút các chủ thể đầu tư nước ngoài, qua đó giúp Việt Nam tự tin hội nhập vào sân chơi toàn cầu./.

 


1 Nghị định số 31-CP ngày 23/01/1981 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất và sáng chế.

2 “Hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả” (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

3 “Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, ….; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia” (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).

4 “Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật để bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt về sở hữu trí tuệ” (Nghị quyết số 38-2017/NQ-CP ngày 25/4/2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới).

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.